Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây hoa lay ơn
Mục Lục
1. Cách đặt củ giống hoa lay ơn
– Đặt củ giống ngay ngắn trong các rãnh đã rạch trước, đáy củ tiếp xúc với mặt đất, mầm hướng lên phía trên giúp cho mầm củ phát triển tốt và thẳng.
– Đặt ở độ sâu 5-10cm, nếu trồng sâu mầm khó mọc lên khỏi mặt đất, cũng không nên trồng cạn vì ánh nắng mặt trời sẽ làm hư mầm non ban đầu. Đặt đúng khoảng cách. Chỉnh sao cho mầm của củ giống hướng lên trên. Không đặt củ giống tiếp xúc trực tiếp với phân chuồng.
2. Lấp đất trồng hoa lay ơn
Sau khi đặt củ giống tùy thuộc vào từng loại đất và mùa vụ trồng mà có thể lấp dày mỏng khác nhau:
– Đất sét lấp mỏng hơn đất thịt nhẹ:vụ Xuân lấp mỏng hơn vụ Hè. Trung bình lấp đất dày 2-5cm. Ở một sô vùng có điều kiện sau khi trồng xong tiến hành rải lớp rơm, trấu lên bề mặt luống nhằm giữ độ ẩm.
Chú ý: Khi lấy và đặt củ nên nhẹ nhàng không làm gãy mầm, nghiêng ngã củ giống, đặt củ xong trên một luống thì mới lấp đất và không lấp cục đất to lên trên mặt củ giống.
Lựa chọn mật độ trồng phù hợp cho cây hoa lay ơn
3. Chăm sóc sau trồng hoa lay ơn
3.1. Tủ mặt luống:
– Một số vùng có điều kiện sau khi trồng xong tiến hành rải lớp rơm, trấu lên bề mặt luống nhằm giữ độ ẩm.
3.2. Tưới nước sau trồng:
– Sau khi trồng xong cần tiến hành tưới nước ngay đễ đảm bảo độ ẩm. Chú ý khi tưới tránh tưới quá mạnh làm xói đất, nghiêng củ.
3.3. Trồng dặm
– Tác dụng của trồng dặm:
+ Nhằm đảm bảo mật độ cây trên diện tích trồng.
+ Tăng thu nhập cho người trồng hoa.
– Thời gian trồng dặm: sau trồng khoảng một tuần mầm hoa mọc lên khỏi mặt đất tiến hành kiểm tra toàn bộ ruộng hoa nếu thấy củ không mọc mầm cần tiến hành trồng dặm để đảm bảo mật độ.
– Các bước trồng dặm:
+ Nhổ bỏ củ không mọc mầm
+ Xác định số củ trồng dặm
+ Chọn củ giống tốt để dặm
+ Tiến hành các bước trồng như trồng mới
3.4. Chỉnh mầm cho cây hoa lay ơn:
– Kiểm tra ruộng hoa nếu thấy mầm bị nghiêng cần nhanh chóng chỉnh mầm. Chỉnh mầm sớm để không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây hoa sau này.
3.5. Làm cỏ, vun xới, tỉa mầm
– Tác hại của cỏ dại đối với hoa:
+ Tranh chấp ánh sáng, nước, dinh dưỡng với cây hoa.
+ Cỏ dại là nơi cư trú và lây lan của nhiều loại sâu bệnh hại cho cây hoa làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất hoa.
– Kỹ thuật làm cỏ, vun xới
Thường tiến hành kết hợp làm cỏ với các lần vun xới, để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại, tạo cho lớp đất mặt tơi xốp thoáng khí thuận lợi cho cây hoa phát triển.
– Làm cỏ
Phải theo nguyên tắc làm sớm, làm khi cỏ còn non và làm sạch cỏ. Có thể làm cỏ bằng tay hay phun bằng thuốc
– Vun xới:
+ Khi cây có 2- 3 lá tiến hành xới và vun đợt 1.
+ Dùng cuốc xới nhẹ mặt luống, độ sâu xới đất từ 2 – 3 cm, cách gốc từ 4 -5 cm.
+ Vun đất vào gốc
+ Khi cây 4-5 lá tiến hành xới và vun đợt 2.
+ Dùng cuốc xới mặt luống, độ sâu xới đất từ 2-3cm, cách gốc từ 5-7 cm, xới đợt 2 không nên xới sâu để tránh chạm rễ (do đặc điểm rễ hoa layơn ăn ngang).
+ Vun cao hơn đợt 1 để chống đổ ngã.
Chú ý: Khi làm cỏ, vun xới tránh làm tổn thương rễ, đứt rễ – vét rãnh. Tiến hành vét rãnh trong ruộng hoa ở những vùng áp dụng phương pháp tưới rãnh để nước lưu thông dễ dàng và thấm đều, những vùng không áp dụng phương pháp tưới rãnh cũng tiến hành vét rãnh đễ thoát nước khi mưa.
– Tỉa mầm
+ Sau trồng 7-10 ngày mầm cây hoa mọc khỏi mặt đất. Thường một củ có một mầm nhưng cũng có củ có 2-3 mầm. Những củ có 2-3 mầm cần tỉa bỏ mầm phụ chỉ để lại một mầm chính để cây phát triển khỏe mạnh.
+ Sau trồng 20-25 ngày tiến hành tỉa bỏ mầm phụ.
+ Khi tỉa một tay ấn chặt gốc, một tay tỉa mầm, không để long gốc cây hoa.
4. Bón phân thúc cho cây hoa lay ơn
4.1. Xác định loại phân bón thúc
4.1.1. Phân đạm
– Đạm là một trong 3 nguyên tố đa lượng mà cây cần. Đạm giúp cây hoa phát triển thân lá, tăng khả năng quang hợp.
– Đạm giúp cây hoa sinh trưởng khỏe, tạo phát hoa lớn.
– Đạm làm tăng năng xuất hoa.
– Có thể sử dụng các loại phân sau để bón cho hoa:
+ Phân đa lượng: NPK 16 – 10 – 12
+ Sunphat Amôn (S.A).
+ Urê ( NH2)2CO.
+Cancinitrat Ca(NO3)2
Chú ý: Cây hoa thiếu đạm cây sẽ cằn cỗi, cây nhỏ, lá nhỏ và lá bị vàng, cành hoa ngắn, hoa nhỏ và ít hoa. Không nên bón quá nhiều đạm cây sẽ bị vóng, lốp đổ và ra hoa muộn.
4.1.2. Phân lân
– Giúp cây hoa đâm nhiều rễ cây khỏe, cây cứng cáp. Tăng khả năng chịu hạn cho cây, hạn chế sâu bệnh. Phân lân còn giúp cây mau nở hoa.
– Tạo chất lượng hoa, hoa bền, màu sắc đẹp.
– Thường dùng 2 loại: Super lân và lân nung chảy. Ngoài ra còn có thể sử dụng DAP
Chú ý: Cây hoa thiếu lân thường lá xanh tối, rìa lá biến vàng.
4.1.3. Phân Kali
– Giúp cây cứng cáp, tăng sức chống chịu với sâu bệnh, giúp cây chịu hạn, chịu rét.
– Bón phân kali màu sắc hoa đẹp hơn, lâu tàn.
– Phân thường dùng:
+ Phân đa lượng: 16-16-8, 20-20-15…
+ Kaliclorua (KCI)
+ Kalisunphat(K2SO4)
+ Kalinitrat (KNO3)
Chú ý: Cây hoa thiếu Kali các lá dưới màu vàng.
4.1.4. Phân vi lượng
– Ngoài các nguyên tố đa lượng, trung lượng như N, P, K, Mg, Ca, S các nguyên tố vi lượng cũng rất cần cho hoa layơn vì các chất vi lượng ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hoa như: Màu sắc, độ dài cành, độ lớn của hoa…
– Phân vi lượng là các các loại phân quan trọng bổ sung các nguyên tố hóa học cây cần ở mức độ trung bình. Cây cần không nhiều nhưng không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Với loại phân này không nên bón thẳng vào đất mà chỉ phun qua lá khi có triệu chứng thiếu một loại vi lượng nào đó.
– Sắt (Fe): Giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, màu sắc hoa đẹp và đậm, kích thích nở hoa. Thiếu sắt bộ rễ chậm phát triển, hoa chậm nở, màu lá trở nên nhạt chuyển sang vàng đến bạc trắng.
– Mangan (Mn): Thừa hoặc thiếu mangan đều làm cây phát triển kém, sự hình thành nụ hoa sẽ giảm hoặc có khi không hình thành được nụ, hoa nhỏ và bị khô do thiếu mangan.
+Thừa mangan thường xuất hiện ở đất được xử lý bằng xông hơi đặc biệt là khi p thấp.
+Thiếu mangan lá cây chuyển màu vàng nâu, có những chấm nhỏ màu nâu dọc theo mép lá.
– Đồng (Cu): Thiếu đồng làm cây sinh trưởng kém, lá mềm, dễ rụng; có thể nhận biết ở phần lá non bị bạc màu và có đốm trắng ở đầu lá.
– Boron (Bo): Thiếu Bo đọt cây thường bị khô hoặc thối, thân và lá bị nứt nẻ, lá quắn lại, rễ kém phát triển, cây còi cọc.
Trong quá tình chăm sóc hoa nếu ruộng hoa có biểu hiện thiếu vi lượng thì cần tiến hành bổ sung ngay.
Chú ý: Đối với hoa layơn khi cây không có biểu hiện thiếu vi lượng cũng nên sử dụng các loại phân vi lượng phun qua lá để tăng chất lượng hoa.
4.2. Xác định lượng phân bón thúc
– Lượng phân bón thúc cho hoa tùy thuộc vào giống, mật độ trồng và điều kiện thời tiết, khí hậu
– Lượng phân vô cơ nguyên chất bón cho 1ha: 150kg N+ 120kg P2O5+ 150kg K2O
4.3. Cách bón thúc
– Có thể bón theo cách sử dụng phân đơn để bón: Cần 326 kg urê, 750 kg super lân, 25 kg kali đỏ
– Ngoài ra cần bổ sung phân bón lá và vi lượng bằng cách phun Atonik, miracle, ba lá xanh, bột dong biển… kết hợp với những lần bón thúc (phun trước khi cây phát sinh chồi hoa, phun vào lúc mát trời và tưới vào sáng sớm hôm sau để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh.
5. Tưới nước
5.1. Xác định thời điểm tưới nước
– Nhu cầu nước của cây hoa lay ơn:
Layơn là cây không chịu được hạn. Đất quá khô bộ rễ phát triển chậm, chất dinh dưỡng khó hòa tan nên khả năng cây hút chất dinh dưỡng gặp khó khăn nên cây sinh trưởng chậm, còi cọc, phân hóa nụ hoa sớm, tỷ lệ nghẽn cao.
Để đảm bảo sinh trưởng và phát triển cây hoa layơn cần phải cung cấp nước đầy đủ và duy trì độ ẩm đất khoảng 7 %. Tuy nhiên lượng nước tưới không phải rải đều trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây mà mỗi giai đoạn phát triển có nhu cầu về nước khác nhau.
Ở giai đoạn phân hoá mầm hoa cần tăng cường lượng nước tưới để độ ẩm đất đạt 75-80%
Ngược lại đất quá ẩm củ dễ bị thối, cây lỏng gốc cây phát triển yếu làm cho thân lá mềm yếu, tỷ lệ hoa thui sẽ tăng lên.
– Thời điểm tưới nước:
+ Thường sau khi trồng cần tiến hành tưới nước ngay.
+ Sau đó định kỳ tưới 1-2 ngày/lần tùy vào điều kiện thời tiết, những ngày nắng nóng có thể tưới ngày 2 lần.
+ Tưới vào 8-10 giờ sáng hoặc 3-4 giờ chiều trong ngày.
5.2. Phương pháp tưới nước
– Hoa lay ơn rất cần nướ c nên trong quá trình trồng hoa cần tưới nước thường xuyên, tuy nhiên tùy điều kiện cụ thể của từng vùng trồng như: Khả năng đầu tư, điều kiện thời tiết khí hậu, địa hình, thủy văn mà chọn phương pháp tưới đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
– Một số phương pháp tưới nước cho hoa layơn
a) Tưới nhỏ giọt là cách tưới qua lỗ nhỏ của ống dẫn nước nhỏ từng giọt xuống đất
– Ưu điểm:
+ Tiết kiệm lượng nước tưới và phân bón
+ Tiết kiệm chi phí nhân công lao động
+ Dê dàng điều tiết chế độ dinh dưỡng và nước tưới phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây.
+ Không gây ra xói mòn đất, không tạo nên váng đất đọng trên bề mặt và không phá vỡ kết cấu đất
– Nhược điểm:
+ Chi phí đầu tư cao do trang thiết bị đắt tiền
+ Đòi hỏi kỹ thuật cao
+ Tưới nhỏ giọt thường áp dụng khi trồng hoa Lay ơn trong nhà kính.
b) Tưới phun mưa bằng hệ thống vòi phun cố định
– Là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 36oC được đặt cao khỏi mặt đất 0,5- 1,0m.
– Ưu điểm
+ Tưới phun mưa nhờ vòi phun làm mát bầu không khí, hạ thấp nhiệt độ tiểu khí hậu ruộng hoa có tác dụng tốt với yêu cầu sinh lý, sinh thái của cây.
+ Thích hợp cho các loại đất và địa hình khác nhau.
+ Tiết kiệm được nước tưới nhất là ở những vùng trồng hoa khó khăn về nước tưới.
+ Nước được phân bố đồng đều trên khắp mặt, năng suất tưới cao.
+ Không gây cản trở sự trao đổi khí giữa đất và các tầng không khí sát mặt đất.
+ Tốn ít nhân công.
– Nhược điểm
+ Sử dụng hệ thống tưới phun tự động thì chi phí đầu tư ban đầu cao, trang thiết bị đắt tiền
+ Chi phí cho các lần tưới cao
+ Khó phát triển đại trà nhất là trong điều kiện khó khăn về vốn, điện, nước… ở các vùng trồng hoa của nước ta hiện nay.
c) Kỹ thuật tưới rãnh
– Là hình thức tưới cho nước vào rãnh của các hàng cây hoa.
– Nước được thấm dần vào đất và cung cấp cho cây hoa. Đa số các vùng trồng hoa nếu chủ động được nước tưới thì đều tưới rãnh là chủ yếu.
– Ưu điểm
+ Năng suất tưới cao.
+ Không gây cản trở sự trao đổi khí giữa đất và các tầng không khí sát mặt đất.
+ Cấu trúc đất ở phần phát triển của bộ rễ cây không bị phá vỡ do lực tác động vào đất khi tưới nhỏ nên không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của bộ rễ.
+ Chủ động được nước tưới, lớp đất mặt vẫn tơi xốp, không bị dí chặt, đất không bị bào mòn, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi.
– Nhược điểm:
+ Tốn nhiều nước do khi tưới một phần nước thấm sâu nên mức tốn thất nước lớn, hiệu suất tưới thấp chỉ đạt khoảng 40 – 50%.
+ Khó chỉnh độ ẩm đất như mong muốn cho phù hợp với độ ẩm yêu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
+ Chỉ áp dụng được với nơi có địa hình tương đối bằng phẳng.
+ Lãng phí một phần nước ở cuối rãnh tưới.
Hoa lay ơn màu hồng phấn mang vẻ đẹp mềm mại
6. Chống đổ cho cây hoa lay ơn
– Mục đích:
+ Phẩm chất hoa layơn do màu sắc, độ dài và độ cứng thẳng của cành quyết định.
+ Đối với các giống hoa sinh trưởng mạnh, cây cao và trồng ở nhũng vùng đồi cao hay vùng nhiều gió, làm cây nghiêng ngã dễ đỗ do đó phải chống đổ cho cây hoa layơn.
– Biện pháp thực hiện
+ Để chống đổ cho hoa layơn có các biện pháp sau:
+ Vun cao gốc, vun làm nhiều lần khi cây có 2, 4, 6 lá
+ Dùng cây tre hoặc gỗ cắm cách gốc 5-6 cm, sau đó buộc cố định cây khi cây có 5-7 lá.
+ Dùng cọc cắm hai đầu rãnh luống sau đó dùng dây đan chằng các cây.
+ Dùng lưới nilông có kích thước mắt 20x20cm luồn qua các cây.
Nguồn: Giáo trình Mô – đun trồng và chăm sóc hoa huệ, hoa lay ơn (Bộ NN và PTNT)