Kỹ thuật trồng cây đu đủ (Carica papaya L.)

    Đu đủ là cây ăn trái nhiệt đới mau cho trái (trồng chưa đến một năm là có thể thu hoạch trái), có khả năng trồng dày (2000-4000 cây/ha) và cho 20-100 kg trái/cây/năm. Đu đủ là loại cây góp phần đáng kể vào việc phát triển hệ kinh tế vườn và kinh tế gia đình hiện nay nhờ có khả năng trồng xen để tận dụng đất trong những vườn cây ăn trái trong giai đoạn cây trồng chính còn nhỏ.

1. Mùa vụ
Đu đủ trổ bông và đậu trái quanh năm, tuy có mùa thưa trái hoặc có khi không trái (gọi là bỏ cổ); Nếu căn cứ vào hiệu quả của mục đích thu hoạch, năng suất cao, trái tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại thì có thể bố trí trồng đu đủ chỉ thu hoạch một cổ (cây trồng khoảng một năm), tùy theo điều kiện đất đai cho phép có thể bố trí trồng vào các mùa vụ sau:
– Vùng đất kém chủ động nước: Trồng sau khi nước lủ rút từ tháng 10-11dl.
– Vùng đất chủ động tưới tiêu: Trồng đu đủ ngay từ đầu mùa mưa (6-8dl), vì ở giai đoạn cây con rễ chưa phát triên nhiều nên ít bị úng đồng thời đủ công tưới giai đoạn đầu do có mưa.
Nếu trồng đu đủ chỉ thu hoạch một cổ thì cần chú ý tạo đủ thời gian để có một cổ trái ăn chắc khoảng 3-4 tháng. Nếu sinh trưởng tốt, trung bình một cây đu đủ trổ khoảng 10 phát hoa/một tháng, mỗi phát hoa có thể đậu từ 1-3 trái. Thời điểm trong năm đu đủ thường bỏ cỏ là tháng 2-4dl (do nhiệt độ không khí cao) và 7-9dl (do mưa nhiều, độ ẩm cao), cây khó trổ bông và đậu trái tốt.
Trung bình, cây đu đủ trồng đến trổ bông cần 4,0-4,5 tháng và từ trổ bông đến thu trái là 4-5 tháng. Cho nên sau 7 tháng trồng thì có thể bắt đầu thu hoạch trái xanh, thu hoạch trái già bắt đầu khoảng 9-10 tháng sau khi trồng.

2. Chuẩn bị đất
Các vùng đất thấp phải lên líp cao trước khi trồng. Nên lên líp kiểu “kê líp” (lớp đất mặt để ở trên) để tránh tình trạng đất bị “xì phèn”. Sau khi lên líp, lấy đất mặt khô đắp thành mô (theo mật độ trồng), rộng 50-60 cm, cao 20-30 cm, để đặt cây con tránh nước đọng gốc làm chết cây. Mô nên đắp sớm ít nhất 20-30 ngày trước khi trồng cây. Tránh dùng đất ướt, đậy rơm cỏ khô quá dày để đắp tủ mô sẽ gây ngạt rễ, đu đủ có thể bị vàng lá và chết.

3.  Chọn và nhân giống
Hiện khó xác định độ thuần giống, vì cây đu đủ thụ phấn chéo nhiều, do đó đã tạo ra nhiều giống tạp. Ở đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10 giống được trồng nhiều trong sản xuất: Đài loan tím (2), da bông, Hồng kông da sần, Hồng kông da láng, mã lai (2), đà lạt, đu đu rẫy, hoàng kim…Hiện nay, nhiều giống đu đủ từ nhiều nước như Philippines, Thailand, Đài loan…được đưa vào trồng thử tại Việt nam: giống đu đủ có ruột vàng tươi giàu vitamin A,  Solo với dạng trái gọn, hình quả lê và tiện lợi trong vận chuyển … Màu sắc thịt trái chín tùy giống và có biến đổi khá nhiều qua lai tạp giữa các giống: từ đỏ, đỏ gạch, vàng.
Hiện nay cố một số giống đu đủ lai F1 (Hồng Phi, Trạng Nguyên của Đài Loan) sẽ cho năng suất cao, quả đồng đều, chất lượng tốt.
Trái chọn lấy hột để gieo phải để đủ độ già trên cây. Có thể hái khi da trái thẳng hơi bóng hoặc bấm trái có nhựa trong chảy ra. Khi trái vừa chín thì mổ lấy hạt, đãy bỏ hột lửng, lép nổi lên mặt nước, các hột chín đầy đủ sẽ chìm trong nước và chọn hột này để gieo. Dùng lưng bàn tay hoặc rổ dày chà nhẹ cho tróc lớp vỏ lụa mỏng bao bên ngoài hột để giúp hột hút nước dễ và mọc mầm nhanh khi gieo. Không nên để trái quá chín cây hoặc hái dú quá chín, hột dễ bị nảy mầm trong trái.
Hột sau khi xử lý sạch có thể gieo ngay hoặc đem hong gió trong mát. Không nên phơi hột trực tiếp giữa nắng vì dễ làm hư hột. Hột hong khô có thể trữ trong keo, lọ đậy kín, để nơi mát và có thể trữ được trên một năm.
Cách ươm cây con
Có thể áp dụng một trong 2 cách sau:
+ Gieo thẳng trên líp ương đã chuẩn bị sẳn: Đất líp được trộn với một ít tro trấu và phân rơm mục. Cây mọc được 1,5-2,0 tháng (cao 15cm, có khoảng 6 cặp lá thật), bứng trồng. Nên chọn cây con mập mạnh, lóng thân nhặt, rễ chùm nhiều và khỏe đem trồng.
+ Ương bầu cây con: Có thể làm bầu bằng bao nylon hoặc vật liệu sẳn có như: lá dừa, lá chuối…Kích thước bầu 6 x 10cm. Đất làm bầu: 1/3 đất mặt xốp + 1/3 tro trấu + 1/3 phân trâu bò hoai khô hoặc phân rơm mục trộn đều và vô bầu.
Hột giống đu đủ cần được ngâm nước vài giờ trước khi gieo để hạt hút no nước, sau đó ủ trong bao vảii hoặc tro trấu 3 – 4 ngày cho nảy mầm và đem gieo. Cần tưới nước đến khi cây con được khoảng 6 cặp lá thật, có thể đem trồng.
khi cây mọc được 2-4 cặp lá thì dời bầu (dời bầu cây con sang vị trí kế đó) 1 đến 2 lần để kích thích rễ mọc ngang nhiều hơn. Khi cây có từ 4 cập lá (cao khoảng 10 cm) thì cho ngã bầu (ngã bầu nằm dài trên mặt đất), ngọn cây sẽ mọc cong ngọn lên và rễ cũng sẽ mọc ngang, 7-10 ngày sau đem trồng.

4. Kỹ thuật trồng
Khi đặt cây con, nên đặt thân cây nằm nghiêng xuôi theo chiều gió mạnh để hạn chế bộ rễ ăn sâu. Phương pháp này còn giúp chống gió bão gây hại, tránh nước đọng quá nhiều ngay cổ rễ và giúp dễ thu hoạch (do cây thấp).
Đu đủ thường trồng với khoảng cách: cây cách cây 1,5-2,0m và cách hàng 2,5-3,0m. Nên trồng thưa giữa hai hàng để dễ chăm sóc và thu hoạch.
Phân hữu cơ  
Có thể bón lót vào đất trước khi trồng từ 5-10kg/cây phân Đầu Trâu HCMK7
Ở những đất ít được bồi đắp phù sa, hàng năm có thể bón 100-200g vôi/cây, bằng cách rãi đều trong đất. Phân vôi cũng có khả năng giúp hạn chế bệnh vàng bạc trên đu đủ.
Mg, Bo đặc biệt cần thiết cho sự sinh trưởng và kết quả đu đủ, nếu thiếu cây kém phát triển, lá nhỏ và hơi nhăn, ngọn chùn lại có khi bị thui, đặc biệt thiếu Bo trầm trọng trái sẽ bị dị dạng méo mó sần sùi (bệnh Lumpy). Cũng cần chú ý bổ sung thêm những chất vi lượng khác trên các chân đất trồng có yêu cầu.
Phân hóa học
Nhằm tạo sự tiện dụng cho người trồng đu đủ, Công ty Cổ  Phần Bình Điền Mekong khuyến cáo qui trình bón phân cho cây đu đủ như sau:

Tưới nước
Chỉ cần tưới vừa đủ nước cho đu đủ và nên tưới nhiều lần để giúp cây sinh trưởng tốt. Việc khống chế mực nước trong mương vườn cũng có tác dụng tích cực giúp bộ rễ phát triển khỏe và ổn định, góp phần nâng cao tuổi thọ của vườn đu đủ. Âm độ cao trong đất hay trong vườn tạo điều kiện nấm bệnh phát triển gây hài, đặc biệt là nấm Phytopthora sp. và các loại nấm gây hại ở gốc rễ.
Làm cỏ
Do tưới ẩm thường xuyên, cỏ dại có thể mọc nhiều và cạnh tranh hút dưỡng liệu với đu đủ. Cần làm cỏ thường xuyên để hạn chế nơi trú ẩn của sâu va nấm bệnh.
Đu đủ rất mẩn cảm với nhiều loại thuốc diệt cỏ (đặc biệt với thuốc 2,4-D), cần phòng tránh vì dễ làm chết cây.
Tiả thưa trái
Do tình hình sâu bệnh phát triển nhiều trên các vườn đu đủ trong những năm gần đây, giá trị và phẩm chất trái thường chỉ bảo đảm trong năm đầu thu hoạch, việc tiả trái trên cây ít được chú ý. Nên hái bỏ các trái non bị che khuất hay bị khuyết tật vào lúc nắng ráo để các trái còn lại phát triển đều và giá trị thương phẩm tốt hơn.
Thụ phấn bổ sung
Khi trong vườn trồng có số cây đu đủ cái nhiều, việc tạo điều kiện thụ phấn để các bông cái này có thể đậu trái cũng cần thiết. Việc cho thụ phấn bổ sung có thể thực hiện bằng cách:
– Để thụ phấn chéo tự nhiên trong vườn: Bằng cách chừa lại 2-5% số cây đực (so với tổng số cây cái và cây lưỡng tính) trong vườn.
* Thụ phấn nhân tạo bằng tay: Để tăng khả năng đầu trái. Cách thụ phấn đơn giản là dùng một kim nhọn đâm nhẹ vào thân, trái non để dính nhựa, sau đó lăn lấy phấn trên nhị đực và sát nhẹ trên nướm vòi nhụy cái của hoa cái chưa hoặc mới nở. Thời điểm thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng và trời không mưa.

5. Côn trùng và bệnh hại
Côn trùng gây hại trên cây đu đủ có thể có Rệp sáp, rệp dính, nhện đỏ, ruồi đục trái…
– Nhện đỏ là đối tượng gây hại quan trọng làm thiệt hại đến sự phát triển và năng suất đu đủ, nhện đỏ thường phát triển và gây hại nặng trong mùa nắng do mật số tăng cao và nhanh. Phòng trị bằng thuốc Đầu Trâu BIHOPPER 270EC.
– Rệp sáp, rệp dính làm hại lá và quả non, và làm giảm giá trị thường mại của trái già, có thể sử dụng IMCHLORAD 350 EC để phòng trừ.
Bệnh hại gây hại chính gồm có các bệnh do virus gây ra như Bệnh đốm vòng,  bệnh khảm.  Bệnh virus trên cây đu đủ là một bệnh hại phổ biến, nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn đối với người trồng.
Hiện nay chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu bệnh này. Trước mắt có thể áp dụng một số biện pháp phòng trị sau:
–   Tạo nguồn cây sạch bệnh trong vườn ươm cách ly chống rệp. Không trồng đu đủ ở những vùng đã nhiễm bệnh.
–   Phun thuốc hoá học kết hợp biện pháp hoá học để diệt côn trùng truyền bệnh, nhất là rệp bông và rệp đào.
–   Thực hiện chọn lọc, vệ sinh vườn đu đủ thường xuyên để loại bỏ cây bệnh, tránh lây lan.

6. Thu hoạch và tồn trữ
Khi trái đạt kích thước tối đa và bắt đầu chín thì có thể thu hoạch. Để đạt độ ngon ngọt người ta thường thu lúc vỏ trái bóng lên, hơi óng vàng ở chóp trái (gọi là đu đủ lên da), lúc này nhựa mủ trong trái chảy ra hơi trong. Nếu sử dụng làm rau thì có thể thu trái sớm hơn tùy ý.
Do vỏ trái mềm dễ bị xây xát, cần chú ý thu trái lúc trời nắng ráo, hạn chế bầm dập để nấm bệnh không làm thối trái. Không nên thu quá trể, chậm nhất là lúc trái chín vàng 1/3 đến 1/2 trái. Trái quá chín sẽ khó vận chuyển đi xa.
Vườn đu đủ tốt có thể cho năng suất 50 – 60 tấn trái/ha. Tuy nhiên, hiện nay do bệnh hại, bị úng nước và thời tiết kém thuận lợi để kết hoa đậu trái đã làm giảm năng suất đu đủ, trung bình đạt khoảng 20 tấn trái/ha.
Ở  nhiệt độ 8 – 12 oC trái chín có thể trử được 3 tuần lễ.

Nguồn: Công ty cổ phần Bình Điền – MeKong
Ths Nguyễn Thanh Triều

                                                                                                                                                                                      —oOo—
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thành Hối và ctv., 1992. Thông báo kết quả nghiên cứu khoa học trên cây đu đủ. Hội nghị khoa học trường Đại học Cần thơ (Báo khoa học phổ thông, 1992).
2. Nguyễn Thành Hối, Dương Minh, Võ Thanh Hoàng. 1995. Kỹ thuật trồng đu đủ. Trung tâm khuyến nông Đồng tháp xuất bản.
3. Việt Á seed website, Quy trình kỹ thuật trồng cây đu đủ,
https://vietaseeds.com.vn/bai-viet-34-ky-thuat-trong-du-du-f1-dai-loan.html#.VtZfKpx97IU
4. Bích Phượng, 2015, Kỹ thuật trồng cây đu đủ cho trái sai quanh năm, ít sâu bệnh.
https://vietq.vn/ky-thuat-trong-cay-du-du-cho-trai-sai-quanh-nam-it-sau-benh-d67807.html