Kỹ thuật trồng cây củ sắn | Farmvina Nông Nghiệp

I – Giống củ sắn:

Hiện nay có các giống củ sắn địa phương và các giống củ sắn nhập nội từ Trung Quốc.

1. Giống Vĩnh Châu:

Giống có thời gian sinh trưởng từ 120 -125 ngày, giống trồng tốt vào mùa mưa, giống có nguồn gốc từ Kiên giang củ to, tròn trọng lượng củ trung bình 0,5-0,7kg, vỏ mỏng, da màu xám trắng. Hàm lượng tinh bột cao, chất lượng tốt, ăn ngọt rất được thị trường ưa chuộng. Năng suất trung bình 25-30 tấn/ha.

2. Giống Tàu Tĩnh:

Đây là giống nhập nội, củ to nặng 0,8-1kg/củ. Thời gian sinh trưởng từ 120 -135 ngày, nước nhiều, ăn có vị lạt, vỏ có màu xám vàng, vỏ cứng dầy rất thuận lợi cho việc vận chuyển, giống trồng thích hợp cho mùa khô.

3. Kỹ thuật nhân giống:

Muốn làm giống thì chọn những cây tốt không sâu bệnh để mỗi cây 3 -4 chùm hoa, chờ cho quả chín vỏ khô và đen lại thì hái phơi khô đập lấy hạt như các loại đậu khác. Hoặc chọn lấy một số củ sắn to, không sâu bệnh, có dạng hình đặc trưng, củ nguyên vẹn và không được cắt rễ cái để làm cây giống, mỗi củ được trồng trong một hố dài rộng 50cm, sâu 20-30cm. Bón vào đó 20-25kg phân hữu cơ ủ hoai, cứ mỗi giàn rộng 20-25m2 thì trồng 4 gốc, mỗi gốc một củ (chữ nhân hay chữ thập), để cho dây leo tự nhiên. Khi cây ra quả thì thu lấy quả chín. Hạt củ sắn có từ 0,5-1% chất Rotenon nên rất độc, không để trẻ em, gia súc, gia cầm ăn. Lá cây củ sắn cũng không được dùng làm thức ăn chăn nuôi kể cả nuôi cá.

– Việc chọn giống cây trồng rất quan trọng vì vậy cần lưu ý đối với giống lai F1 không được để giống cho vụ sau.

II. Kỹ thuật canh tác:

1. Thời vụ:

-Cây củ sắn có nguồn gốc nhiệt đới, nên có thể bố trí nhiều vụ/năm.

-Trồng vụ hè xuống giống 15-30/4 thu hoạch 15-30/8 dương lịch đối với giống Tàu Tỉnh. Năng suất và chất lượng giống vụ này không cao.

-Trồng vào vụ Thu và Thu Đông: gieo trồng từ 15/8-30/9 dương lịch. Thu hoạch đầu tháng 12 đến tết Nguyên Đán, giống Vĩnh Châu được trồng vào vụ này cho năng suất và chất lượng tốt.

2. Làm đất:

Kết cấu đất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới năng suất củ sắn. Cây củ sắn trồng và sinh trưởng trên đất giồng cát, tơi xốp, tầng canh tác dầy từ 8-20cm. Đất phải thật thoát nước. Độ pH từ 5- 6. Nếu pH thấp hơn cần bón thêm vôi. Lượng vôi 30-50kg/công. Hoặc phun MX , pha 1 gói 40 gr cho bình 16 lít quậy đều phun ướt mặt đất, phun 3 bình cho 1.000m2 để khử cho đất bớt chua và cung cấp Canxi cho củ sắn. Cày bừa kỹ nhặt hết cỏ dại và lên luống rộng 1-1,2m, cao 50-60cm theo hình thang để dễ thoát nước.

củ sắn

3. Gieo hạt:

Hạt được gieo đều trên mặt luống với khoảng cách giữa các hàng 20cm, hạt cách hạt 20m. Mật độ khoảng 60.000-65.000cây/ha. Có thể gieo hàng ngang trên mặt luống để dễ chăm sóc. Hạt giống trước khi gieo cần xử lý hạt bằng thuốc ToPan, Benlat C, Ridomil. Khi gieo hạt chỉ cần ấn nhẹ hạt xuống mặt líp không cần lấp đất sâu. Dùng rơm phủ kín mặt luống nhằm giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại và chống rửa trôi phân bón. Lượng hạt giống gieo 25-30kg /ha. Sau khi gieo cần giữ ẩm cho hạt mọc mầm. Khi cây mọc được 2-3 lá tỉa bỏ những cây xấu. Nên gieo 5% hạt trong bầu để dặm bổ sung.

4. Các bón phân:

* Lượng phân tính cho 1 ha (tham khảo).

– Phân hữu cơ ủ hoai 10-15tấn, vôi 300-500kg.

– Urê 150kg + DAP 150kg + Clorua Kali: 50kg.

Cách bón:

+ Bón toàn bộ lượng vôi trước khi làm đất 10-15 ngày.

+ Bón lót (bón theo hàng ): Toàn bộ phân chuồng đã ủ hoai.

+ Do đặc điểm đất giồng cát dễ rửa trôi mất phân nên cần chia nhỏ lượng phân để bón nhiều lần theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây để hạn chế mất phân và tránh lãng phí .

* Giai đoạn từ gieo đến khi có bông đầu tiên cây cần phát triển rễ thân lá.

– Tưới nhữ cây: 7-10 ngày sau khi gieo hạt. Hạt đã nhú lên lên đều, pha một muỗng phân DAP/ 10 lít nước tưới cho cây. Nếu cây con chậm phát triển nên tưới lại lần 2 (1 muỗng canh phân urê + 1 muỗng canh phân DAP).

– Bón thúc lần 1: (15-20 ngày sau khi trồng): 10kg urê + 10kg DAP rải trực tiếp trên mặt liếp, tưới nước giữ ẩm.

– Bón thúc lần 2: 25-30 ngày sau khi trồng (rễ củ bắt đầu hình thành): 35kg urê + 40kg DAP.

– Bón thúc lần 3: (45-50 ngày sau khi trồng): 50kg urê + 50kg DAP + 10 g KCL và thuốc Furadan 3H: 2-3 kg/công để phòng trừ tuyến trùng, ấu trùng sùng trắng. Kết hợp nhổ cỏ và chỉ cần xới nhẹ, vun một lớp đất mỏng vào gốc. Không nên vun gốc quá sâu (vun gốc sâu củ sắn sẽ bị vùi sâu mọc dài ra nên khó bán ).

Giai đoạn củ phát triển, ra hoa:

– Bón thúc lần 4: (lúc cây 60-65 ngày sau khi gieo): 35kg urê + 40kg DAP + 15kg KCL.

– Bón thúc lần 5: lúc cây 70-80 ngày sau khi gieo: Bón hết tổng số phân còn lại giúp cho củ to, tăng năng suất và chất lượng củ.

III. Chăm sóc:

– Khi cây đã mọc đều tỉa bớt những cây mọc yếu, dặm lại những chỗ thưa nhằm đảm bảo mật độ sẽ cho năng suất cao sau nầy.

– Khi cây bắt đầu vươn ngọn, dùng kéo (dao) cắt ngọn vươn dài và bám vào nhau. Hái bỏ hết các chùm nụ, giúp cây tập trung chất để nuôi củ.

– Nếu cây quá tốt dùng thuốc Bonaza 250 ND hoặc Tilt Super 15 cc/ 8 lít hoăc sử dụng Pachlobutrazol 1 muỗng canh/ 8 lít, phun để hạn chế sinh trưởng cây đồng thời làm lá mo lại, dầy lên tập trung dinh dưỡng xuống củ nuôi củ tốt nâng cao chất lượng củ.

– Nếu thấy cây có lá hơi cằn, lá chân bị vàng có thể phun bổ sung phân bón lá MX 2 hoặc Boon-n Flower và siêu Canci để tăng độ dầy của vỏ chống nứt củ.

IV. Biện pháp phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh cho cây củ sắn

1. Phòng trừ cỏ dại:

Đất trồng sắn đủ ẩm không ngập nước là điều kiện rất thuận lợi cho cây sắn sinh trưởng phát triển nhưng cũng là điều kiện tốt cho hạt cỏ dại mọc mầm và phát triển.

Trên đất trồng củ sắn luân canh với dưa hấu và đậu phộng thường xuất hiện 3 nhóm cỏ:

– Cỏ họ hòa bản: như cỏ túc, cỏ mần trầu, cỏ chỉ, cỏ gà.

– Nhóm cỏ chác, lát: u du, cỏ chác, cỏ vùi trống, cỏ cú.

– Nhóm cỏ 2 lá mầm: Rau muống, cỏ mực, vòi voi, rau trai, cỏ lưõi đồng, cỏ cứt lợn, dền gai.

– Các biện pháp quản lý cỏ dại trên ruộng trồng củ sắn cần phải liên kết trong một hệ thống phòng trừ tổng hợp, chú ý biện pháp canh tác như làm đất, mật độ, khoảng cách gieo, bón phân, tưới nước, luân canh cây trồng có tác dụng trực tiếp hay gián tiếp hạn chế cỏ dại.

– Sử dụng hóa chất trừ cỏ:

Nhóm thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm 1-3 ngày trước hoặc ngay sau khi gieo hạt: Dual Gold, Lasso.

– Thuốc hậu nẩy mầm sớm như: Ronstar.

2. Phòng trừ sâu bệnh:

a. Bệnh hại:

– Bệnh chết rạp cây con:

Do nhiều tác nhân thuộc nhóm nấm đất như Rhizoctonia Solani, Phytophthora sp, Collectotrichum sp… Bệnh xuất hiện phá hại thường xuyên trên các cây họ đậu. Nấm có thể xâm nhập gây hại nghiêm trọng trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây trồng chủ yếu và gây hại nặng thời kỳ cây con và những cây sắn đã lớn. Các vết bệnh có thể làm chết cành hoặc làm cây kém phát triển, vết bệnh thường xuất hiện ở bộ phận dưới mặt đất của phần trụ dưới lá mầm, sau đó lan dần lên thân, vết bệnh lõm xuống và có màu nâu, rồi chuyển sang màu tối đen làm chết rạp cây từng chòm rất điển hình. Bệnh cũng phát triển trên rễ làm rễ thối và khô lại dẫn đến cây bị chết. Những bộ phận bị bệnh thường phủ đầy những sợi nấm có màu nâu nhạt, trên vùng mô chết có thể xuất hiện các hạch nấm nhỏ màu nâu. Trong điều kiện ẩm độ đất và không khí quá cao như ở các thời điểm tháng 9 bệnh lây lan rất nhanh.

Biện pháp phòng trừ:

– Làm đất kỹ, lên liếp cao, phủ bạt.

– Tạo hệ thống thoát nước trên đồng ruộng tốt.

– Bố trí mật độ gieo trồng thích hợp.

– Sử dụng hạt giống tốt, xử lý hạt giống trước khi gieo bằng ToPan. Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma. Trị bằng Alpine, Bonanza, Topsim M

– Bệnh thối củ:

Có thể do một vài loài nấm đất như: Pythium sp, Myrotylum sp, Fusarium sp. Bệnh thối củ đặc trưng bởi các vết bệnh màu nâu đen trên vỏ củ, lúc đầu vết bệnh nhỏ, sau đó lan rộng ra và kết lại với nhau làm bề mặt vỏ củ mất đi màu tự nhiên. Nếu vết bệnh nặng thì củ sẽ thối từng mãng làm giảm số lượng củ và chất lượng củ.

– Luân canh cây trồng là biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất.

– Làm đất kỹ, lên liếp cao, phủ bạt.

– Tạo hệ thống thoát nước trên đồng ruộng tốt.

– Bố trí mật độ gieo trồng thích hợp.

– Sử dụng hạt giống tốt, xử lý hạt giống trước khi gieo bằng Cruizer, xử lý đất bằng cách sử dụng nấm đối kháng Trichoderma.Trị bằng Aliette, Tilt super

– Bệnh nứt củ:

Biểu hiện làm nứt củ, vết nứt sâu hay cạn tùy giống và chế độ canh tác có thể do các nguyên nhân sau:

+ Bón N trễ và nhiều, Thiếu Canxi, nhiễm phèn…

+ Nên bón phân cân đối và không bón phân N quá muộn.

+ Điều chỉnh lượng nước tưới, chu kỳ tưới cho phù hợp.

+ Bổ sung thêm Canxi, tưới Hydrophos, Super Humic cho đất.

b. Sâu hại:

– Nhện đỏ: Tetranychus sp.

Nhện đỏ phá hại nhiều loại cây trồng, trong điều kiện nắng nóng nhiệt độ cao, khô hạn nhện đỏ phát triển và gây hại nặng. Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ, rất khó phát hiện bằng mắt thường, vòng đời nhện ngắn. Nhện thường sống tập trung ở mặt dưới lá chích hút gây hại. Nhện chích hút làm lá có những vết lấm tấm màu trắng khi bị nặng thì nhiều vết liên kết nhau làm lá mất diệp lục vàng, khô và rụng sớm.

– Biện pháp phòng trừ:

Để phòng trừ có kết quả cao nên phun thuốc tập trung ở mặt dưới lá, nếu có điều kiện thì nên phun tưới nước trước khi phun thuốc 1 ngày thuốc sẽ có tác dụng diệt trừ nhện cao hơn. Đặc điểm nhện cũng có khả năng kháng thuốc cao, cần luân phiên sử dụng nhiều loại thuốc có thành phần và cơ chế tác động khác nhau như: Comide 73 EC, Rufast 3 EC, Nissorun 5EC.

+ Tuyến trùng:

Chích hút nhựa rễ non, rễ cám sau đó sống ký sinh luôn trong rễ làm rễ bị sưng lên, nếu điều kiện thuận lợi sẽ tấn công hại cả củ, khi bị hại nặng cây suy yếu, lá chuyển sang màu vàng sau đó chết. Trường hợp nhẹ gây sần sùi vỏ củ, làm giảm phẩm chất củ không tiêu thụ được.

+ Sùng trắng:

Là ấu trùng của bọ cánh cứng, cắn phá rễ cái cây con làm cây bị chết, nếu gây hại muộn cây không hình thành củ. Làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu sùng trắng xuất hiện với mật số cao.

– Cả 2 loại tuyến trùng và sùng trắng đều được phòng trừ bằng thuốc hột như Furadan và Diazinon. Thuốc được rải cùng lúc với bón phân vun gốc.

+ Rẩy mềm: Aphis.

Có thể gây hại trực tiếp cho cây củ sắn khi chúng phát sinh phát triển với số lượng lớn. Rầy thường sống tập trung ở các chồi nụ non hoặc trên các cuống hoa để chích hút nhựa làm cho lá non bị xoăn lại làm cây bị còi cọc. Ở những chỗ rầy sống tập trung hút nhựa cây thường tạo thành những lớp muội (còn gọi là bồ hóng) có màu đen bám trên bề mặt lá. Nếu bề mặt lá bị lớp muội đen bám càng rộng thì càng ảnh hưởng tới khả năng quang hợp của cây, do đó ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất.

Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng.

– Áp dụng các biện pháp canh tác và quản lý dịch hại tổng hợp.

– Trồng mật độ hợp lý, tỉa cành thông thoáng.

– Sử dụng nông dược như: Actara, Bassan….

Thu hoạch:

Thời gian thu hoạch thông thường 4 tháng, khi nhìn thấy từ gốc thân lên1/3 lá vàng thì thu hoạch, để lâu hơn củ già có xơ ăn không ngọt.

*Để tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng trọt khác, vui lòng tìm kiếm tại Thư viện nông nghiệp 

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Kỹ thuật nhân giống củ sắn như thế nào?

Muốn làm giống thì chọn những cây tốt không sâu bệnh để mỗi cây 3 -4 chùm hoa, chờ cho quả chín vỏ khô và đen lại thì hái phơi khô đập lấy hạt như các loại đậu khác. Hoặc chọn lấy một số củ sắn to, không sâu bệnh, có dạng hình đặc trưng, củ nguyên vẹn và không được cắt rễ cái để làm cây giống, mỗi củ được trồng trong một hố dài rộng 50cm, sâu 20-30cm. Bón vào đó 20-25kg phân hữu cơ ủ hoai, cứ mỗi giàn rộng 20-25m2 thì trồng 4 gốc, mỗi gốc một củ (chữ nhân hay chữ thập), để cho dây leo tự nhiên.

Kỹ thuật canh tác củ sắn như thế nào?

(1) Thời vụ: Trồng vụ hè xuống giống 15-30/4 thu hoạch 15-30/8 dương lịch đối với giống Tàu Tỉnh. Trồng vào vụ Thu và Thu Đông: gieo trồng từ 15/8-30/9 dương lịch; (2) Làm đất: Cây củ sắn trồng và sinh trưởng trên đất giồng cát, tơi xốp, tầng canh tác dầy từ 8-20cm. Đất phải thật thoát nước. Độ pH từ 5- 6; (3) Gieo hạt: Hạt được gieo đều trên mặt luống với khoảng cách giữa các hàng 20cm, hạt cách hạt 20m. Mật độ khoảng 60.000-65.000cây/ha. Có thể gieo hàng ngang trên mặt luống để dễ chăm sóc; (4) Cách bón phân: Phân hữu cơ ủ hoai 10-15tấn, vôi 300-500kg, Urê 150kg + DAP 150kg + Clorua Kali: 50kg.