Kỹ thuật trồng cam xoàn – Tuyệt chiêu để tăng năng suất gấp 2 lần
Một cây xoàn được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ thu được trung bình 3 – 4 trái/kg, cho sản lượng trái từ 40 đến 50 kg/năm. Để tiếp tục mở rộng diện tích, quy mô trồng cam tại các địa phương nhằm tạo ra sản phẩm sạch sâu bệnh, an toàn, mang lại thu nhập cao, bài viết bày, chúng tôi sẽ cung cấp tới bà con kỹ thuật trồng cam xoàn đầy đủ nhất.
KỸ THUẬT TRỒNG CAM XOÀN ÍT CÔNG SỨC, MỖI NĂM CHO THU HOẠCH 2 ĐỢT
Cam xoàn là đặc sản của miền Nam, đặc biệt là xứ Tây Nam Bộ. Cam có vỏ mỏng, dễ bóc, vị ngọt thanh, trọng lượng mỗi trái trung bình từ 200 – 300g. Khi trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cam có thể thu hoạch sau 3 năm, cây càng lâu năm thì càng cho nhiều trái, tuổi thọ có thể lên đến 10 năm.
Cây cam xoàn phù hợp với vùng có khí hậu ấm áp, từ 23 – 29 độ C, cường độ ánh sáng bình thường, không kén đất, có thể trồng ở vùng trũng, vùng đất cao ráo, vùng đất nhiễm mặn và phèn nhẹ.
Chọn giống cây cam xoàn
Một trong những khâu quan trọng nhất trong trồng cam xoàn là chọn giống. Giống cam xoàn được bán nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, bạn nên chọn mua tại cơ sở uy tín, mua đúng giống, lựa chọn cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, lá tươi tốt, chiều cao từ 50 – 60cm.
Cây chiết cành tuy sai quả nhanh hơn nhưng tuổi thọ không cao, khả năng chống chịu sâu bệnh kém, chưa thích nghi được tốt với vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Bà con nên chọn cây ghép gốc Voka hoặc ghép gốc cam mật sẽ có tuổi thọ lâu hơn, tuy sai trái muộn hơn nhưng năng suất cao, thời gian cho quả kéo dài, thích nghi tốt với vùng đất nhiễm mặn phèn và ngập úng.
Thời vụ và mật độ trồng cam xoàn
Thời vụ thích hợp nhất là vào đầu mùa xuân và đầu mùa thu tháng 9 – 10.
Cam xoàn là cây ăn quả lâu năm. Mật độ thích hợp nên duy trì 3x4m để đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt.
Tiêu chuẩn đất trồng cam xoàn
Ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, bà con đánh tơi đất:
-
Đối với đất bằng phẳng, tạo thành các mô đất có đường kính 1m, cao từ 0,4 – 0,6m.
-
Đối với nền đất cao ráo, tạo hốc trồng cây: 0,5 x 0,5 x 0,5m.
-
Trộn đất với phân, tỉ lệ: 10kg phân hữu cơ hoai mục + 0,5kg vôi bột + 0,3kg phân super lân + 0,2kg phân kali để bón cho mỗi hố trồng cây.
Ở vùng đất trũng, đất ven sông rạch, đất bãi bồi cần lên liếp đất cao, chắc chắn, có hệ thống thoát nước tốt. Bà con cũng đào hố với kích thước 0,5 x 0,5 x 0,5m, trộn đất thịt với 10kg phân chuồng hoai mục/hoặc phân vi sinh + 0,5 – 1kg vôi bột + 0,5kg phân super lân + 0,2kg phân kali để bón cho mỗi hố.
Nên làm đất, đào hố trước 20 ngày để có thời gian phơi ải, diệt trừ cỏ dại, trứng sâu bệnh.
Kỹ thuật trồng cam xoàn
Trên hố đất đã bón phân, đào một hố rộng hơn bầu cây nhưng không cần quá sâu để khi đặt cây con, bầu cây sẽ lộ một ít lên trên. Đặt cây thẳng xuống, quay mắt ghép về hướng gió chính, lấp đất kín bầu, nén chặt để cây không bị đổ. Bà con cũng có thể dùng cọc tre hoặc cọc gỗ để cột cho cây không bị gãy ngọn, đổ cành.
Sau khi trồng, tụ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô, tưới đẫm nước. Trong 10 ngày đầu duy trì tưới nước từ 3 – 5 ngày/ lần
Bên cạnh đó có thể trồng xen kẽ bên trong vườn cây mãng cầu xiêm, cây so đũa để lấy bóng mát cho cam. Rìa xung quanh trồng cây dừa, cây xoài thân cao, một số cây lấy gỗ để chắn gió, hạn chế tác động của gió bão và sự lây lan của côn trùng, sâu bệnh.
Cách chăm sóc cam xoàn cho lứa quả năng suất cao
Kỹ thuật bón phân cho cây cam xoàn
Ước tính liều lượng phân bón cần thiết cho một cây/năm như sau:
Năm trồng
Phân chuồng hoai mục (kg)
Đạm (gram)
Lân (gram)
Kali (Gram)
Vôi bột (kg)
1
50
350
500
350
0,5
2
50
550
800
550
0,5
3
50
800
1.000
800
0,5
4
50 – 70
1.200
1.500
1.200
1
5
50 – 70
1.500
1.800
1.500
1
6
50 – 70
1.900
1.500
1.900
1
7
50 – 70
2.000
2.000
2.000
1
8
50 – 70
2.000
2.000
2.000
1
Lưu ý: Nếu như không dùng phân chuồng hoai mục mà sử dụng một số phân vi sinh có hàm lượng dinh dưỡng cao thì bà con chỉ nên dùng từ 5 – 10kg/cây/năm.
Hàm lượng phân ở trên được chia thành nhiều đợt bón khác nhau cụ thể mỗi cây/năm như sau:
-
Thời kỳ cây cam xoàn chưa ra quả ( các năm 1, 2, 3):
-
Thời kỳ cây cam xoàn bắt đầu cho quả (các năm 4, 5, 6, 7, 8):
Đợt bón
Thời gian
Mục đích
Lượng phân bón
Đợt 1
Tháng 3
Để thúc lộc xuân
40% đam + 40% kali
Đợt 2
Tháng 6
Để thúc lộc hè
20% đạm + 20% kali
Đợt 3
Tháng 8
Để thúc lộc thu
20% đạm + 20% kali
Đợt 4
Tháng 11
Để cây có đầy đủ dinh dưỡng, chắc khỏe chống đỡ qua mùa đôn
100% phân chuồng + 20% đạm + 20% kali + 100% phân lân + 100% vôi bột
Đợt bón
Thời gian
Mục đích
Lượng phân bón
Đợt 1
Tháng 2
Thúc cành xuân và đón hoa
20% đạm + 20% kali
Đợt 2
Tháng 6
Bón thúc cành hè và nuôi quả
40% đạm + 25% kali
Đợt 3
Tháng 8
Bón thúc cành thu và tăng chất lượng quả
25% đạm + 40% kali
Đợt 4
Sau 15 ngày thu hoạch quả
Bón thúc cho cây phục hồi để cung cấp dinh dưỡng cho lứa quả sa
100% phân chuồng + 100% phân lân + 100% vôi bột + 15% kali + 15% đạm
Cách bón: Đào thành rãnh xung quanh gốc bằng với chiều rộng của tán cây, sâu khoảng 10 – 15cm, rắc phân vào rãnh, lấp đất lại. Bón phân kết hợp với xới cỏ, tụ gốc, tưới nước giữ ẩm cho cây.
Đối với đợt bón phân thứ 4 vì có cả phân chuồng và phân lân nên cần đào rãnh sâu hơn, từ 20 – 25cm, rộng khoảng 25 – 30kg đủ để chọn tất cả phân, tránh hiện tượng bốc hơi, rửa trôi.
Tưới nước
Và mùa khô nắng nóng, độ ẩm cần duy trì từ 65 – 70%. Có thể sử dụng máy đo độ ẩm đất để kiểm tra, trung bình từ 5 – 7 ngày kiểm tra 1 lần. Tuy cam xoàn không cần nhiều nước nhưng nếu để thiếu nước quá lâu thì cây sẽ chết.
Để tiết kiệm nước tưới tiêu, bà con có thể sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Nhu cầu nước của cam xoàn cũng thay đổi theo thời kỳ phát triển của cây:
-
Khi cây bắt đầu ra hoa, đậu quả và phát triển chồi mới: Thời kỳ này yêu cầu độ ẩm cao, thiếu nước chỉ từ 1 – 2 ngày chồi của cây sẽ bị ngắn lại, ảnh hưởng đến sự phát triển, hoa có thể không trổ được hoàn toàn, khả năng đậu quả ít, rụng nhiều. Bà con vận hạnh hệ thống tưới nước thường xuyên. Nếu sử dụng máy đo độ ẩm đất, chỉ số đọc ở trường lực kế cần đạt từ 30 – 60 Cbar.
-
Thời kì phát triển quả:
Thời kỳ này cũng cần nhiều nước, độ ẩm cao thì quả mới đều, đầy đặn, chín mọng. Nếu sử dụng máy đo độ ẩm đất, chỉ số đọc ở trường lực kế cần đạt từ 60 – 90 Cbar.
-
Thời kỳ quả chín:
Thời điểm này nên giảm tưới nước, để đất ở độ khô vừa phải. Nếu tưới nhiều nước thì sẽ kích thích thân và lá gây ảnh hưởng đến chất lượng của quả.
-
Sau khi thu hoạch:
Bắt đầu vận hành hệ thống tưới nước tiết kiệm đặt bên dưới nền đất để cung cấp độ ẩm cho cây, kích thích quá trình quang hợp của lá, thúc đẩy sự phân hóa của hoa cam, tránh hiện tượng cây bị khủng hoảng do thiếu nước và dinh dưỡng giai đoạn quả chín.
Chống rửa trôi
Cam xoàn thích hợp với ánh sáng tán xạ, trong 2 – 3 năm đầu khi cây còn nhỏ, bà con nên trồng xen với một số cây họ đậu như đậu tương, muồng, cốt khí, cây phân xanh… Phương pháp này vừa giúp giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại lại có thể tạo thêm thu nhập và dư ra một lượng phân ủ xanh để bón cho cây, cải tạo đất trồng, chống rửa trôi chất dinh dưỡng trong mùa mưa bão.
Tỉa cành, tạo tán cho cây cam xoàn
Thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa tán bị sâu, bệnh, những cành khác mọc từ gốc ghép, cành mọc sát đất để cây trong vườn thoáng, kích thích lá quang hợp, hấp thụ ánh sáng và không khí.
Chiều cao trung bình của cam xoàn có thể lên đến 5m, tuy nhiên để tiện chăm sóc, thu hái, bà con nên khống chế chiều cao chỉ tầm 3m là phù hợp. Theo dõi và bấm ngọn để tạo thành các tán cấp 1, cấp 2, cấp 3 kích thích tán rộng, sai nhiều quả, năng suất cao, dễ diệt trừ sâu bệnh gây hại.
Nên tiến hành tỉa cành, tạo tán vào những ngày trời không mưa. Nếu cày đã cắt tỉa có kích thước quá lớn, sau khi cắt bà con cần bôi vôi kín để hạn chế chảy nhựa và sự xâm nhập của sâu bệnh hại.
Xử lý ra hoa cho thu quả trái vụ
Để kích thích cây cam xoàn ra quả trái vụ, bà con có thể áp dụng biện pháp xiết nước đối với những cây có tuổi thọ trên 3 năm tuổi.
Sau khi thu hoạch quả, tiến hành cắt tỉa gọn càng cành trong vườn, cắt bỏ cành sâu bệnh, bón phân đợt 4 theo liều lượng ở trên để cung cấp dinh dưỡng cho đất và cây.
Tháo rút nước trong mương nước, không tưới nước cho cây để tạo cơn sốc. Thời gian xiết nước chỉ nên kéo dài tối đa 3 tuần nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.
Khi thấy lá bắt đầu hơi héo thì tưới nước, cho nước tràn ngập mặt khoảng 20cm, ngâm trong 12 tiếng, sau đó tháo bớt nước để không làm bộ rễ bị mất sức.
Sau đó tiến hành tưới nước và bón phân như bình thường để kích thích cây ra chồi, đọt, hoa và sai quả trái vụ. Bà con có thể dùng thêm KNO3 0,5 – 1% kết hợp với Atonik với liều lượng vừa phải.
Phòng và trị bệnh ở cây cam xoàn
Biện pháp phòng bệnh hại trên vườn trồng cam xoàn:
-
Vệ sinh dọn dẹp cỏ dại trong vườn. Những cành đã cắt tỉa cần đem đi chỗ khác và có biện pháp xử lý, đặc biệt là cành bị sâu bệnh.
-
Đảm bảo độ ẩm thích hợp cho cây phát triển, hạn chế mầm bệnh.
-
Trồng xen một số cây ngắn ngày họ đậu để hạn chế cỏ dại, tăng thu nhập
-
Có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại, cải tạo đất, kích thích cây phát triển, như chế phẩm EM1.
Một số sâu bệnh hại và cách trị:
Nhìn chung, cam xoàn có khả năng thích ứng, sinh trưởng và sức đề kháng tốt hơn các giống cam khác. Tuy nhiên, cây vẫn có thể bị một số sâu bệnh hại tấn công như:
Bệnh vàng lá: Là bị vàng, nhỏ, quả nhỏ, thường có biểu hiện chín ngược. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa hè kéo dài đến cuối năm.Tác nhân gây bệnh là rầy chổng cánh. Bà con nên có biện pháp phòng trừ sớm, sử dụng thuốc đúng quy định.
Bệnh thâm quả: Có các vết nâu trên quả, cuống lá làm khô cành, khô quả, thối quả. Bà con sử dụng thuốc phun bệnh chảy gôm như Aliette 80WP
Rầy mềm: Chích hút phần nhựa trên chồi non hoặc dưới lá non. Sử dụng thuốc phun Bassa 50ND, Trebon 10ND…
Nhện đỏ: Chích hút lá và quả khiến cho vỏ quả bị sần sùi. Dùng thuốc đặc trị nhện đỏ…
Thu hoạch cây cam xoàn
Cam xoàn cho thu hoạch sớm, lứa quả đầu tiên có thể thu hoạch sau 30 tháng trồng. Thời gian từ khi ra hoa cho đến khi thu quả chỉ kéo dài 8 – 9 tháng.
Nên thu hoạch khi ⅓ – ½ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng sáng. Cần thu hoạch kịp thời để không ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất cũng như không làm gãy cành.
Tiến hành thu hoạch quả cam xoàn vào ngày thời tiết nắng ráo.
Cam xoàn là đặc sản của miền Nam, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cam có trái tròn, ít hạt, vị ngọt và rất thơm được đánh giá là một trong những loại cam ngọt nhất trong tất cả các giống cam.
Riêng huyện Long Mỹ – Hậu Giang đã có đến trên 50ha diện tích trồng cam xoàn, huyện Lai Vung – Đồng Tháp có trên 200ha… Mô hình trồng cam xoàn cùng với những kỹ thuật trồng và chăm sóc ở trên đã và đang mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con ở miền Nam.
Hi vọng những kỹ thuật chăm sóc cam xoàn trên đây sẽ là kiến thức bổ ích để bà con tiếp tục nhân rộng diện tích, cải thiện thu nhập cho gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn mới.
Chúc bà con thành công!