Kỹ thuật trồng Sầu riêng và chăm sóc đúng cách năm 2022
Sầu riêng là loại trái cây ăn quả lâu năm được khá nhiều người ưa chuộng. Giá cả của loại quả này khá cao và tiêu thụ rất tốt trên thị trường. Do đó, có khá nhiều bà con đang tìm hiểu quy trình trồng và chăm sóc Sầu riêng. Bài viết này, Lợi Dân xin giới thiệu Kỹ thuật trồng Sầu riêng và chăm sóc. Bà con tham khảo và áp dụng với mô hình của mình nhé.
Mùa vụ trồng Sầu riêng
Cây sầu riêng có thể trồng quanh năm, không bị giới hạn mùa nào. Nhưng nếu được thì nên trồng sầu riêng vào đầu mùa mưa (từ tháng 6 – tháng 8 dương lịch) để giảm bớt chi phí và công sức chăm sóc. Nhờ lượng mưa lớn sẽ giúp cây nhanh thích nghi với đất trồng.
Lưu ý: Không nên dầm mưa quá nhiều sẽ gây thối rễ làm cây chậm phát triển. Nếu điều kiện thời tiết không được tốt ( Thời tiết hay bão như miền Trung) thì nên đổi thời gian xuống cây sang một thời gian khác..
Chọn giống trồng Sầu riêng
Việc lựa chọn giống là một khâu quan trọng trong quy trình trồng Sầu riêng. Nó quyết định đến 90% kết quả trồng. Nếu bà con lựa chọn không đúng giống thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng của khu vườn.
Ngoài ra việc lựa chọn được nhiều giống khác nhau khi bước vào thời điểm nở hoa, vườn sẽ tạo thành nhiều đợt nở hoa khác nhau, cây thụ phấn được nhiều hơn thì năng suất cũng tăng so với chỉ trồng 1 giống đơn thuần.
Một số giống sầu riêng được ưa chuộng trên thị trường:
Giống Sầu riêng Ri6:
Đặc điểm giống này: có hình bầu dục, phần đáy hẹp, vỏ quả mỏng có màu vàng xanh, được trồng nhiều tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Cây trồng khoảng 3 năm thì có trái. Khi sầu riêng chín, các gai nở bung, vỏ nứt ra rất dễ trong việc tách múi. Thông thường, quả sẽ có trọng lượng dao động từ 3 – 6kg. Quả chín có mùi thơm nồng nàn và lan toả khi chín già. Tuy nhiên, quả bị ngâm sẽ không có mùi thơm, hoặc mùi toả ra rất lạ và gây khó chịu.
Giống Sầu riêng Monthong:
Đặc điểm của giống này: cơm quả vàng, dày thịt, vị ngọt đậm đà, có mùi thơm vừa phải. Đặc biệt giống có vẻ ngoài tươi xanh, trái to đều, trông rất bắt mắt. Ban đầu được giống chỉ được trồng ở Đông Nam Bộ, về sau mang lên gieo giống thử nghiệm vùng Tây Nguyên.
Giống sầu riêng có xuất xứ từ Thái Lan, có vị ngọt cơ bản, hơi đậm nhưng không có vị béo, hương thơm vừa phải.
Giống Sầu riêng Musang King:
Đây được xem là giống sầu riêng ngon nhất thế giới và có nguồn gốc từ bang Sabah thuộc Malaysia. Trên thị trường, sầu riêng Musang King có 2 loại đó là sầu riêng ruột vàng và ruột đỏ.
Đặc điểm của giống này là cơm có màu vàng nghệ, vị ngọt và hương thơm đậm đà, hạt lép dẹt.
Hiện nay, giống sầu riêng Musang King được trồng nhiều ở các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.
Kỹ thuật trồng Sầu riêng
1.Khoảng cách trồng sầu riêng
Hiện nay, bà con thường sử dụng 1 diện tích đất khá lớn để trồng sầu riêng. Đối với cây Sầu riêng thì nên trồng cây thưa với khoảng cách lớn để cây được thông thoáng, dễ chăm sóc, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và cho quả nhiều.
Tuỳ vào điều kiện thực tế của khu vườn mà bà con xem xét trồng sầu riêng xen hay là trồng sầu riêng thuần:
- Nếu lựa chọn trồng thuần: khoảng cách 8 x 8m hoặc 8 x 10m. Tương đương 125 – 156 cây/hecta.
- Nếu lựa chọn trồng xen ( xen canh với ca cao hoặc cà phê) : Khoảng cách 9 x 9m hoặc 9 x 12m. Tương đương 70 – 100 cây/hecta.
2.Chọn giống
Sầu riêng là loại cây thụ phấn chéo nhờ côn trùng, gió, do đó nếu trồng cây bằng hạt thì sẽ không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy nên:
- Trồng sầu riêng bằng cây ghép mắt hoặc là ghép cành.
- Cần trồng sầu riêng ít nhất 2 giống trên vườn để sự thụ phấn chéo xảy ra làm đậu trái sầu riêng tốt hơn, cho năng suất quả cao hơn.
- Bà con ra có thể mua giống tại 1 số trung tâm khuyến nông lớn và kiểm tra xuất xứ của giống. Cây phải đúng giống như tên gọi ghi trên nhãn hiệu và phải sinh trưởng khỏe, không được mang các loại dịch hại chính như: bệnh thán thư, bệnh do nấm Phytophthora, bọ phấn,…
3.Chuẩn bị đất và hố trồng Sầu riêng
Đây là giai đoạn đưa cây con vào đất nên khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng của rễ con còn hạn chế. Do đó bà con cần xử lý đất trồng sầu riêng thật kỹ để việc trồng cây được phát triển tốt nhất. Bà con cần thực hiện như sau:
- Đào hố trồng cây có kích thước: 0,6m x 0,6m x 0,6 m.Trường hợp nếu đất xấu thì có thể đào 0,7m. Sau đó cho 0,5 – 1kg vôi vào hố để xử lý một số côn trùng và nấm bệnh trong đất.
- Sau khi xử lý hố trồng khoảng 01 tháng: Tiến hành bón lót hỗn hợp sau khi đã trộn đều gồm: 30 kg phân chuồng hoai mục + 200g NPK (15:15:15) + đất mặt được đào từ hố trồng với lượng vừa đủ để khi lấp lại bằng với mặt đất tự nhiên và 15 ngày sau tiến hành đặt cây con.
4.Trồng cây con vào hố
6 bước để trồng Sầu riêng con vào hố đất:
– Bước 1: Đảo phân bón có ở trong hố trồng từ trên xuống dưới, ngoài vào trong cho phân được đều khắp hố.
– Bước 2: Tạo điểm đặt cây sầu riêng ở trong hố trồng sầu riêng, tùy theo kích thước của bầu để tạo hố cho phù hợp. Ở giữa hố trồng đào một lỗ sâu khoảng 20cm, có đường kính lớn hơn bầu ươm 1 – 2cm.
– Bước 3: Đặt bầu cây giống vào hố trồng và sau đó lấp đất thật kĩ. Nhớ nén chặt đất để khi tưới nước sẽ không bị trôi đất và rễ được bám chặt vào.
* Lưu ý: Trồng cây ngang bằng với mặt hố để tránh ngập úng.
– Bước 4: Cắm cọc giữ cây không bị lung lay làm ảnh hưởng đến rễ non của cây. Sau đó dùng dây cột cây để cố định cây.
– Bước 5: Tưới nước sau khi trồng. Lượng nước vừa đủ, không nên tưới quá nhiều để tránh úng cây.
– Bước 6: Dùng lưới che nắng cho cây con mới trồng (không che quá 50% ánh sáng mặt trời) đồng thời tủ gốc giữ ẩm cho cây.
Chăm sóc cây Sầu riêng
1.Tủ gốc để giữ ẩm và phân bón
Việc sử dụng Bạt trải diệt cỏ màu Bạc để tủ gốc rất đơn giản, chỉ cần phủ quanh gốc từng cây Sầu Riêng với diện tích 3m6 x 3m6 là được. Bà con cần lưu ý, trước khi phủ Bạt trải này cho Cây thì nên dọn cỏ sạch sẽ quanh gốc nhằm hạn chế triệt để mầm mống sinh xôi của cỏ dại tại vị trí được phủ Bạt.
Lợi ích của việc tủ gốc bằng bạt diệt cỏ:
- Giúp ngăn cỏ dại mọc hiệu quả, giảm thiểu công sức phải đi dọn cỏ thường xuyên, đặc biệt là vào mùa mưa.
- Giảm thiểu rất nhiều lượng phân bón bị rửa trôi khi được tưới nước hoặc do mưa lớn hay bốc hơi tự nhiên, giúp tiết kiệm được chi phí bón phân cho cây.
- Cân bằng độ ẩm và nhiệt độ cho đất, tiết kiệm điện và nước tưới
- Ngăn côn trùng từ dưới đất tấn công lên và gây hại cho cây trồng cũng như là quả Sầu Riêng.
- Tăng năng suất cho cây Sầu Riêng, giúp trái bóng và đẹp hơn nhờ sự phản quan ngược từ dưới đất của Bạt trải màu Bạc
- Ngoài ra, khi lá hoặc hoa từ cây rụng xuống sẽ nằm trên Bạt trải, giúp dễ dàng thu gom lại.
Xem thêm: Tủ gốc cho cây Sầu riêng bằng bạt diệt cỏ
2. Tưới và tiêu nước cho cây sầu riêng con
Giai đoạn cây con:
Bà con tưới nước để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây mạnh khoẻ nhanh. Nếu trồng vào mùa mưa thì hạn chế tưới để tránh gây ngập úng, thối rễ.
Ở giai đoạn mới trồng thì nhu cầu độ ẩm của cây con là từ 65- 80% độ ẩm.
Giai đoạn cây bắt đầu ra hoa:
Bà con cần dừng tưới nước sẽ kéo dài trong suốt thời gian từ khi xử lý mầm hoa đến khi mắt cua ra hoàn chỉnh.
Sau đó bà con tưới nước trở lại khi mắt cua ra hoàn chỉnh (mắt cua dài 2-3 cm).
Tuỳ điều kiện thời tiết của từng vùng: 1-2 ngày tưới 1 lần và duy trì tưới nước bình thường trong suốt giai đoạn ra hoa.
Giai đoạn cây cho quả:
Sau khi đậu quả, cần tưới với lượng nước tăng dần từ từ đến mức bình thường trở lại để giúp quả phát triển tốt, chất lượng cao. Nếu không được cung cấp đủ độ ẩm cây sẽ bị rụng trái làm giảm năng suất của cây.
Tuy nhiên, ở giai đoạn trước thu hoạch 20 ngày cần ngưng tưới để hạn chế cây ra chồi non giúp giảm tỷ lệ quả bị sượng.
3. Tỉa cành và tạo dáng cho cây
Tỉa cành:
Để tạo Sầu riêng có chiều cao vừa tầm, thuận tiện cho bà con chăm sóc và có bộ khung tán khỏe mạnh cần áp dụng bấm đọt, tỉa bỏ các cành.
Lưu ý khi tỉa cành:
Tỉa hoa: Sầu riêng sẽ ra hoa 2 – 3 đợt trong năm, việc tỉa bỏ hay giữ lại đợt hoa nào tùy thuộc vào ý định của bà con muốn có thu hoạch ở thời điểm nào để có hiệu quả kinh tế cao. Nếu có 3 đợt hoa chính, có 2 phương án:
+ Phương án 1: Tỉa bớt hoa đợt 1 và đợt 3, để lại hoa đợt 2 cho quả chín tập trung 1 lần.
+ Phương án 2: Tỉa bớt hoa đợt 2, để lại hoa đợt 1 và đợt 3 để cho thu hoạch những quả chín sớm và chín muộn vào lúc thị trường khan hiếm hàng.
Tỉa quả: Tỉa bỏ những quả nhỏ, quả bi lỗi, chỉ giữ lại những quả có hình dáng đẹp. Quả được mang trên cành to thì chất lượng cao hơn những quả trên cành nhỏ hoặc trên cành ít lá. Không nên để lại quá nhiều quả trên 1 cành, nhất là trên các cành nhỏ. Vì vậy, sau khi đậu quả thành công, bà con tỉa quả được tiến hành như sau:
+ Lần 1: Tỉa quả từ tuần thứ 3 – 4 sau khi hoa nở đến tuần thứ 5 sau khi hoa nở (trước khi quả bước vào giai đoạn phát triển nhanh). Lúc này cần tỉa bỏ: các quả đậu dày đặc, quả nhỏ, dị hình, bị sâu bệnh và chỉ để lại 1 – 2 quả/chùm hoa.
+ Lần 2: Tỉa vào tuần thứ 8 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ: các quả phát triển không bình thường: nhỏ, cân cân đối, méo mó … để điều chỉnh lại sự cân bằng về mặt dinh dưỡng giúp cho quá trình tạo cơm trái được thuận lợi.
+ Lần 3: Tỉa vào tuần thứ 10 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ: các quả có hình dạng không đặc trưng của giống, tạo thuận lợi cho sự phát triển cơm, kích thước và hình dạng quả.
4. Bón phân và chăm sóc cây
Thời kỳ cây con (1-3 năm tuổi):
– Hàng năm bà con cần bổ sung phân hữu cơ vi sinh cho cây: 4-5 kg
– Chia lượng phân đều thành 6 lần để bón (mỗi lần cách nhau 2 tháng).Tỉ lệ phân cụ thể như sau: Sử dụng NPK 20:10:10 (hoặc 16:16:8) 500 – 600g/cây, bón vùi vào đất cách gốc 20-30 cm. Bà con đào lỗ ở gốc và bỏ phân vào gốc.
Giai đoạn cây cho quả:
Ở giai đoạn này, bà con cần bổ sung lượng phân đầy đủ và cân đối giữa hữu cơ và vô cơ.
Lần bón 1: Sau thu hoạch cần tỉa cành và bón phân chuồng ủ hoai khoảng 20-30kg/cây và 1,5 -2,0 kg/cây phân NPK 16-16-8. Có thể phun thêm phân bón lá 33-11-11 hoặc 20-20-0 kích thích cây cơi đọt và ra chồi non, nhằm tạo bộ lá xum xuê khoẻ mạnh.
Lần bón 2: Trước khi cây ra hoa 30- 40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao theo công thức N:P:K = 10:50:17 để giúp thúc đẩy quá trình ra hoa dễ dàng (2,0-3,0 kg/cây).
Lần bón 3: Giai đoạn đậu trái, khi quả sầu riêng to bằng trái chôm chôm thì bà con bón thêm 1,5-2,0 kg phân NPK 15-15-15 hoặc 16-16-16 để giúp trái phát triển nhanh và chất lượng cao. Bổ sung phân bón lá trung vi lượng Bo, Zn…
Lần bón 4: Trước khi quả chín 1 tháng bón 2,0 – 3,0kg NPK (12-12-18+TE ) kết hợp với 1 – 1,5kg phân K2SO4 để tăng chất lượng quả.
Ngoài ra bà con còn có thể sử dụng phân bón lá bổ sung các yếu tố trung vi lượng. Có thể phun thêm bón lá làm 5 lần mỗi lần cách nhau một tuần bắt đầu từ tuần thứ 5 sau đậu trái.
Chú ý: Không dùng phân bón có chứa chất Clo để bón cho sầu riêng, vì sẽ làm giảm năng xuất cho trái của cây.
Tóm tắt lại
Việc trồng Sầu riêng không khó nhưng cần đáp ứng đúng các quy trình và chế độ chăm sóc giúp cây phát triển tốt và cho năng suất tốt nhất. Bài viết này sẽ giúp bà con tham khảo thêm các quy trình trồng sầu riêng đúng cách. Chúc bà con có một mùa vụ thành công.
Đôi nét về Sản phẩm Lợi Dân:
Lợi Lợi Dân là một trong những doanh nghiệp tiên phong hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các sản phẩm phụ trợ nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm phụ trợ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như:
Mọi chi tiết Liên hệ: Hotline 028 7108 1616 hoặc Fanpage Sản Phẩm Lợi Dân