Kỹ thuật trồng Khoai tây vụ đông miền Bắc năng suất cao – Fao.org.vn
Kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông được rất nhiều địa phương quan tâm bởi đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công sức cho việc chăm sóc, thời gian thu hoạch lại ngắn, đặc biệt là có giá bán tương đối cao và ổn định trên thị trường.
Khoai tây đã quá quen thuộc với mỗi gia đình, bởi đây là loại rau củ phổ biến tại Việt Nam.
Sở hữu trong mình một lượng lớn vitamin và khoáng chất phong phú, khoai tây đem tới cho sức khỏe con người nhiều lợi ích như giảm đau, kháng viêm, kích thích tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch,…
Không những vậy, củ khoai tây còn có nhiều tác dụng trong việc làm đẹp và đời sống hàng ngày. Không chần chờ gì nữa, ngay bây giờ Fao sẽ hướng dẫn các bạn cách trồng khoai tây vụ đông sao cho đạt được năng suất và chất lượng tốt nhất nhé.
Chuẩn bị gì khi trồng khoai tây vụ đông
Trước khi bắt tay vào trồng khoai tây vụ đông thì các bạn hãy chuẩn bị sẵn những dụng cụ, giống cây, đất,… để cho tiến trình diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn nhé.
1. Thời vụ
Đối với những vùng Trung du miền núi phía Bắc: Những tỉnh miền núi thường bắt đầu trồng khoai tây vụ đông từ giữa cho tới cuối tháng 10, thu hoạch vào tháng 1 năm sau.
Đối với vùng trung du, bắt đầu trồng vào đầu tháng 10 và thu hoạch vào thời điểm cuối tháng 12.
Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng: Hãy trồng khoai tây vụ đông vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, thu hoạch vào khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau.
Tại vị trí Bắc Trung bộ: Trồng vào đầu tháng 11 và thu hoạch cuối tháng 1 năm sau.
2. Chuẩn bị giống
Những giống khoai tây phổ biến tại Việt Nam hiện nay đang được trồng nhiều nhất là: Marabel, Solara (Xuất xứ từ Đức); Atlantic; Diament (Hà Lan) và khoai tây VT2 (nguồn gốc là Trung quốc).
Lượng giống: Từ 50 đến 70 kg/sào tùy thuộc vào kích cỡ của củ; nếu củ khoai tây nhỏ thì để nguyên củ trồng; nếu củ to thì cần tiến hành bổ củ để trồng; cách thực hiện như sau:
Chuẩn bị: Dao sắc (chú ý, lưỡi dao cần mỏng); nước vôi trong hay nước xà phòng đặc cùng với một chút xi măng bột.
Nhúng dao vào trong nước vôi trong hay nước xà phòng đặc trước khi tiến hành bổ củ sau đó tùy thuộc vào cỡ củ to nhỏ mà có thể bổ dọc củ làm đôi hay làm ba sao cho mỗi miếng bổ có khoảng 2 đến 3 mầm.
Sau khi bổ xong thì hãy chấm ngay phần cắt vào bột xi măng khô sau đó gạt nhẹ để bột xi măng chỉ bám một lượng nhỏ (bám nhiều sẽ hút nước khiến cho củ giống nhanh chóng bị khô, héo)
Chọn những vị trí khô thoáng, rắc vôi bột khử trùng lên bề mặt đất hoặc nia mẹt dự định ủ giống, tiếp theo rải một lớp rơm hơi ẩm có độ dầy từ 2 đến 3cm sau đó xếp 1 lớp củ giống, rải lớp rơm hơi ẩm sao cho phủ kín giống.
Nếu lúc đó thời tiết rét thì hãy phủ bên trên chăn mỏng, bao tải nhẹ. Không được để những củ khoai tây đã bổ thành đống, như vậy sẽ rất dễ bị thối.
Sau khi bổ củ và xử lý xong như trên, bạn hãy đưa giống ra ruộng trồng sau khoảng thời gian từ 1 cho tới tối đa là 1 tuần tùy thuộc vào việc chuẩn bị ruộng sản xuất.
Giống khi đuộc đưa ra ruộng trồng tốt nhất là vào giai đoạn mầm mới nhú rõ khỏi củ. Không nên để mầm mọc dài vì trong quá trình trồng khoai tây vụ đông sẽ dễ bị gãy mầm.
Lưu ý:
- Trong quãng thời gian bảo quản khi mang khoai giống về chưa trồng ngay thì tuyệt đối không tưới nước cho chúng.
- Một số củ nếu quan sát thấy có mầm nước dài tại vị trí đỉnh củ thì cần bẻ ngay để kích thích nhiều mầm khác mọc trên củ.
3. Chuẩn bị đất
Bạn chỉ nên thực hiện kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông trên đất tơi xốp, đất cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa thuận tiện cho việc tưới tiêu. Như vậy thì kết quả thu được sẽ đảm bảo yêu cầu mà bạn mong muốn.
Làm đất:
Cày bừa cho đất được tơi mịn; bón khử khuẩn một lượng từ 20 đến 30kg vôi bột cùng với 1kg Diazan đối với 01 sào và lên luống theo hai cách:
Luống đơn: Phù hợp đối với chân đất thịt nhẹ, phù sa. Chân luống dao động từ 60 đến 70cm, mặt luống từ 50 đến 60cm, luống có chiều cao nằm trong khoảng 25 đến 30cm, rãnh luống từ 25 đến 30 cm.
Luống đôi: phù hợp với chân đất cát pha. Mặt luống khoảng 1m, chân luống từ 1,1 đến 1,2 m, rãnh luống nằm trong khoảng từ 25 đến 30 cm; luống có chiều cao dao động từ 25 đến 30cm.
Lưu ý: (luống cần đảm bảo được độ cao lớn hơn 25 cm để củ sinh trưởng tốt và tránh tình trạng bị ngập úng).
Đảm bảo luống vừa đủ độ ẩm trong khi trồng, nếu đất trồng quá ướt thì phải chờ cho tới khi đất ráo; nếu đất quá khô thì phải nhanh chóng bổ sung tưới nước cho đất ẩm sau đó mới được trồng khoai tây vụ đông.
4. Lượng phân bón đối với 1 sào đất
Phân chuồng hoai mục cần một lượng từ 700 đến 1000 kg cùng với Phân vi sinh Thành Châu 10 kg (hay có thể sử dụng vi sinh Sông Gianh 20 kg) và Đạm ure từ 1,5 đến 2 kg + NPK 13:13:13 từ 35 đến 40 kg + Kali trắng 0,2 đến 0,4 kg.
Kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông
Trong kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông Fao chia nhỏ thành 3 bước chỉnh, mỗi bước tương ứng với một giai đoạn. Mỗi giai đoạn đòi hỏi bạn phải thực hiện theo đúng kỹ thuật mà Fao hướng dẫn để bảo đảm thu được kết quả tốt nhất.
1. Xẻ rãnh, bón lót và đặt củ
Luống đơn: Xẻ rãnh với độ sâu từ 10 đén 15cm tại vị trí chính giữa luống, bỏ đi tất cả phân bón lót theo hốc cách nhau từ 30 đến 35 cm.
Luống đôi: Tiến hành xẻ hai rãnh song song cách nhau từ 35 đến 40 cm, cách mép luống 1 khoảng 30cm, bỏ tất cả phân bón lót theo hốc cách nhau từ 30 đến 35 cm, so le nhau.
Bón lót: Tất cả lượng phân chuồng cùng phân vi sinh và 10 đến 15 kg NPK theo hốc. Sau đó, phủ một lớp đất mỏng từ 3 đến 5cm lấp sao cho kín phân.
Đặt củ giống vào vị trí giữa hai chỗ bỏ phân sao cho khoảng cách giữa các củ từ 30 đến 35 cm (lưu ý, không để củ giống tiếp xúc với phân).
Chú ý: Đối với những miếng bổ phải đặt miếng củ giống nằm theo phương nghiêng để khi tưới nước hay trời mưa thì củ không bị thối, đảm bảo được mật độ trồng từ 1800 đến 2000 gốc/sào.
Lấp đất che củ với độ dày từ 3 đến 5 cm (Nếu lấp quá dày cây sẽ khiến cho ra ít củ).
KỸ THUẬT TRỒNG và CHĂM SÓC CÂY KHOAI TÂY VỤ ĐÔNG
2. Chăm sóc khoai tây vụ đông
Việc chăm sóc cho cây sau khi hoàn thiện cách trồng khoai tây vụ đông là vô cùng cần thiết. Chúng sẽ giúp cây khoai tây của bạn được khỏe mạnh, phát triển nhanh chóng, và đặc biệt là năng suất cùng với chất lượng thu được tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, hãy thường xuyên tưới nước và bón phân cho cây khoai tây với liều lượng vừa đủ nhé.
Tưới nhử đạm: Sau khi cây bắt đầu xuất hiện đều trên mặt đất (chỉ sau 5 đến 7 ngày trồng khoai tây vụ đông) hãy sử dụng 1,5 đến 2 kg phân đạm ure hòa cùng với 200 đến 250 lít nước sau đó tưới đều vào mỗi gốc cây một gáo (từ 0,2 đến 0,3 lít).
Sau khoảng thời gian là 3 ngày: Tiến hành vun nhẹ một lớp đất mỏng sát vào vị trí thân cây kết hợp tỉa bỏ đi những mầm xấu, mầm yếu, chỉ để lại mỗi gốc từ 3 tới 5 mầm.
Tiến hành bón thúc lần 1: Sau khi trồng 15 đến 20 ngày với liều lượng là 15 kg NPK khi cây phát triển tới độ cao từ 10 đến 20 cm. Bón phân tại vị trí giữa 2 cây trên một hàng, kết hợp với việc làm cỏ, xới sâu và vun cao.
Bón thúc lần 2: thực hiện sau lần 1 từ 15 đến 20 ngày theo liều lượng là 10 kg NPK còn lại. Đối với luống hàng đơn bón tại vị trí giữa 2 cây, đối với luống hàng đôi thì bón vào vị trí giữa 2 hàng.
Kết hợp với việc vét rãnh vun cao luống. Bón thúc lần 2 cần phải xong trước 40 ngày sau khi trồng khoai tây vụ đông.
Sau 2 lần vun, luống cần có độ cao lớn hơn 15 cm so với vị trí đặt củ giống ban đầu để đảm bảo củ thương phẩm thu được to và không bị xanh.
Nước: Là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và chất lượng khoai tây.
Vì vậy bạn phải chú ý thường xuyên tưới nước để giữ đủ độ ẩm cho đất, đặc biệt là thời kỳ phình củ. (Chỉ tưới cho đất đủ ẩm, nếu quá ướt khoai dễ bị sâu bệnh xâm nhập).
Sau khi trồng khoai tây từ 68 đến 70 ngày: Tiến hành phun Kali trắng để tập trung chất dinh dưỡng về củ. Liều lượng sử dụng khoảng 0,2 kg/bình 16 lít.
Sau khoảng thời gian 7 ngày mà cây chưa vàng lá thì hãy phun thêm Kali trắng KH2PO4 lần 2 với liều lượng tương tự như trên.
Dừng hẳn việc tưới nước 15 ngày trước khi bắt tay vào thu hoạch.
3. Phòng trừ sâu bệnh
Trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông thì khó có thể tránh khỏi tình trạng cây bị nhiễm sâu bệnh.
Vì vậy, hãy thường xuyên theo dõi cây trồng, phòng khi cây bị sâu hại tấn công thì có phương pháp phòng trừ thích hợp.
Khoai tây chú trọng trong việc phòng bệnh hơn chữa bệnh bởi khi cây đã bị nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới năng suất. Hãy sử dụng những loại thuốc BVTV có chất lượng cao, mua tại những cửa hàng uy tín để tránh hàng kém chất lượng.
Ngay sau khi cây bắt đầu nhú mầm là bạn có thể phun thuốc phòng bệnh lở cổ rễ bằng thuốc Anvil hay Validacin, Daconil. Nếu có sâu xám thì sử dụng các loại thuốc như Ofatox phun xuống đất vào thời điểm buổi tối.
Sau khi hoàn thiện việc bón phân lần thứ nhất thì cần phun thuốc phòng bệnh sương mai và bọ trĩ, nhện đỏ bằng thuốc Ridomil Gold cùng với Voliam targo.
Sau khi bón phân lần thứ hai xong thì tiếp tục phun thuốc phòng bệnh sương mai và bọ trĩ, nhện đỏ bằng thuốc Ridomil Gold cùng với Voliam Targo.
* Lưu ý: Không được phun những loại thuốc chứa gốc đồng cho khoai tây trước khi cây đạt 45 ngày tuổi vì sẽ khiến cho lá bị sun lại, dầy lá, lá không mở khiến cho năng suất bị giảm.
Thu hoạch khoai tây vụ đông
Chắc hẳn đây là giai đoạn mà các bạn mong chờ nhất trong quá trình thực hiện cách trồng khoai tây vụ đông đúng không nào. Hãy dựa vào đặc điểm phát triển của cây, thời gian kể từ khi trồng khoai mà tiến hành thu hoạch cho đúng thời điểm nhé.
Bạn có thể bắt tay vào thu hoạch khi khoai đủ 80 đến 85 ngày, ở thời điểm này sẽ có năng suất và chất lượng tốt. Khi thấy lá vàng xuất hiện, cây rạc thì hãy bắt tay vào thu hoạch chúng.
Chọn lựa những ngày khô ráo, thoáng mát mà thu hoạch nhé, bới và để củ khoai ngay tại vị trí trên mặt luống để vỏ củ được khô dáo; tránh trường hợp đảo khoai nhiều lần khiến cho xây xát vỏ củ dễ khiến củ bị thối.
Qua bài viết này, Fao hy vọng kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông mà Fao chia sẻ có thể giúp bạn thành công trong công việc của mình. Cùng với đó là chúng sẽ đem tới cho gia đình bạn một lứa khoai năng suất cao, chất lượng tốt, nguồn kinh tế dồi dào nhé. Chúc các bạn thành công!