Kỹ thuật trồng Dừa – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – tỉnh Ninh Thuận

Kỹ thuật trồng Dừa

Page Content

I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC

1. Rễ dừa

Dừa có rễ bất định sinh ra liên tục ở phần đáy gốc thân, không có rễ cọc. Lúc mới mọc có màu trắng sau chuyển sang màu đỏ nâu. Rễ không có rễ lông hút mà chỉ có những rễ nhỏ là rễ dinh dưỡng. Những rễ này hình thành trên rễ chính và có hoạt động như rễ hô hấp, giúp cho cây trao đổi khí.

Trong điều kiện ngập nước liên tục sẽ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bộ rễ, làm cho cây dừa giảm sức tăng trưởng do cây dừa là cây chịu nước nhưng không chịu ngập.

Rễ già sẽ chết và rễ mới phát triển liên tục. Tuần đầu tiên sau khi nảy mầm, cây dừa con sẽ mọc ra một rễ cấp 1 có chiều dài trung bình 5cm, 10 ngày sau sẽ mọc ra rễ thứ hai, sau sáu tuần sẽ có trung bình 3 rễ cấp 1, với chiều dài rễ dài nhất khoảng 20cm.

          Khi cây dừa 5 năm tuổi sẽ có khoảng 548 rễ cấp 1 và đạt số lượng 5.200 rễ cấp 1 khi cây 13 năm tuổi. Số lượng rễ cấp 1 ở cây dừa trưởng thành biến động từ 2.000 đến 16.500 rễ. Hệ thống rễ dừa phần lớn tập trung ở xung quanh gốc trong vòng bán kính 1,5-2m. Rễ có thể ăn sâu đến 4m, trong đó 50% rễ tập trung ở 50cm lớp đất mặt.

2. Thân

Thân dừa mọc thẳng, không phân nhánh, chiều cao trung bình từ 15-20m. Trong giai đoạn đầu sau khi trồng thân dừa ngắn, phát triển chậm, cho đến khi chiều ngang phát triển đầy đủ thì thân mới bắt đầu cao lên. Giai đoạn này kéo dài khoảng 4 năm tùy theo giống. Do đặc điểm này mà thân dừa cao chỉ phát triển mạnh sau 4-5 năm.

Gốc dừa là một trong những đặc điểm để phân biệt nhóm giống dừa cao và dừa lùn. Ở nhóm giống dừa lùn thường có gốc nhỏ, ngược lại ở nhóm giống dừa cao và dừa lai giữa giống lùn và giống cao thường có gốc phình to đến rất to.

Số sẹo lá trên thân trên 1m chiều cao thân là một trong những đặc điểm để đánh giá điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây, dựa trên đặc điểm này làm tiêu chuẩn để chọn giống theo phương pháp truyền thống. Do cấu tạo của thân không có tầng sinh mô thứ cấp nên những tổn thương trên thân dừa không thể phục hồi được và đường kính thân cũng không phát triển theo thời gian nên quan sát một đoạn thân ta có thể đánh giá tình hình sinh trưởng của cây trong thời gian đó. Đồng thời thân phát triển từ đỉnh sinh trưởng (củ hủ) nên khi bị đuông tấn công cây sẽ bị chết.

Tóm lại, thân dừa là đặc điểm dùng để đánh giá sự sinh trưởng của cây. Thân dừa to, không bị tổn thương, sẹo to, khít là cây dừa sinh trưởng mạnh, cho năng suất cao.

3. Lá

Một cây dừa có khoảng 30-35 tàu lá. Mỗi tàu lá dài 5-6m vào thời kỳ trưởng thành. Ở cây trưởng thành, 1 tàu lá dừa gồm 2 phần. Phần cuống lá không mang lá chét, lồi ở mặt dưới, phẳng hay hơi lõm ở mặt trên, đáy phồng to, bám chặt vào thân và khi rụng sẽ để lại một vết sẹo trên thân.

Phần mang lá chét mang trung bình 90-120 lá chét mỗi bên, không đối xứng hẳn qua sống lá mà một bên này sẽ có nhiều hơn bên kia khoảng 5-10 lá chét.

Đỉnh sinh trưởng sản xuất lá liên tục, cứ một lá xuất hiện trên tán thì có thêm một chồi lá xuất hiện và một lá già rụng đi.

Một cây dừa tốt, mỗi năm ra ít nhất 14-16 lá (24-26 ngày/lá) đối với nhóm dừa cao và 16-18 lá (20-22 ngày/lá) đối với nhóm dừa lùn. Mùa khô dừa ra lá nhanh hơn so với mùa mưa.

Một tàu lá dừa luôn luôn có đời sống 5 năm, từ khi tượng đến khi xuất hiện 2,5 năm và từ khi xuất hiện đến khi khô, rụng là 2,5 năm. Nếu điều kiện tự nhiên bất lợi lá sẽ ra chậm hơn, số lá ít đi chứ không rút ngắn đời sống của lá. Điều kiện dinh dưỡng và nước đầy đủ cây ra nhiều lá sẽ làm cho số lá trên tán cây nhiều hơn (35-40 tàu). Nếu gặp điều kiện bất lợi thời gian ra lá kéo dài, số lá trên tán cây sẽ ít. Ở vùng khô hạn, trên tán lá có một số lá khô nhưng không rụng, đó là điều kiện rất đặc trưng chứng tỏ cây bị thiếu nước.

Tóm lại, quan sát tán lá của cây dừa ta có thể đánh giá được khả năng sinh trưởng và cho năng suất của cây. Đây là một trong những chỉ tiêu dùng để tuyển chọn 

4. Hoa

Thời gian từ khi tượng đến khi nở trung bình từ 30-40 tháng. Thông thường mỗi nách lá mang một phát hoa, do đó có bao nhiêu lá mới là có khả năng có bấy nhiêu phát hoa được sinh ra mỗi năm. Tuy nhiên, giai đoạn 15-16 tháng trước khi hoa nở (giai đoạn phân hóa nhánh gié) phát hoa dừa có thể bị thui do cây dừa bị thiếu dinh dưỡng, khô hạn hay ngập úng. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng “mùa treo” ở dừa.

Hoa dừa thuộc loại đơn tính đồng chu nghĩa là hoa đực và hoa cái riêng rẻ nhưng ở trên cùng một gié hoa. Số lượng hoa cái trung bình biến động từ 20-40 cái trên mỗi phát hoa tùy theo giống. Số hoa cái trên buồng ít có thể do thiếu chất đạm. Nhóm dừa lùn có số lượng hoa cái nhiều hơn nhóm dừa cao.

Thời gian để hoa cái đầu tiên nở đến hoa cái cuối cùng thụ phấn xong trên cùng phát hoa gọi là pha cái, kéo dài từ 5-7 ngày ở giống dừa cao và từ 10-14 ngày đối với giống dừa lùn. 

Thời gian để hoa đực đầu tiên mở đến hoa đực cuối cùng mở gọi là pha đực, kéo dài khoảng 18-22 ngày. Thời gian xuất hiện của pha đực và pha cái hình thành nên kiểu thụ phấn khác nhau và là một trong những đặc tính quan trọng để phân biệt giữa các giống. Trên giống dừa cao pha đực thuờng xuất hiện trước rồi mới đến pha cái nên có sự lệch pha và sự thụ phấn chéo là phổ biến. Trên giống dừa lùn, pha cái thường trùng với pha đực nên dừa lùn thường tự thụ phấn. Đối với nhóm dừa lai, giữa pha đực và pha cái có sự trùng pha một phần nên có thể xảy ra hiện tượng tự thụ trên cùng một phát hoa. Do nhóm dừa cao có đặc tính thụ phấn chéo nên khi nhân giống bằng phương pháp hữu tính cần có kỹ thuật riêng biệt và nghiêm ngặt hơn so với giống dừa lùn.

Hoa dừa được thụ phấn chủ yếu nhờ gió và côn trùng, trong đó ong mật có vai trò quan trọng nhất. Việc nuôi ong trong vườn dừa làm tăng năng suất dừa đáng kể. Hiện tượng rụng trái non thường xuất hiện ở giai đoạn ba tuần sau khi đậu trái và có thể kéo dài đến tháng thứ sáu. Sự rụng trái non có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:

 – Thiếu dinh dưỡng: Do thiếu đạm và kali.

– Điều kiện môi trường: do gặp điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng hay đất có nhiều sét, thoát nước kém.

– Do sâu bệnh tấn công như các loại nấm Colletotrichum sp., Phytophthora sp,. Botriodiplodia sp. hay côn trùng gây hại như Amblypelta cocophaga, bọ cánh cứng Brontispa longissima.

– Nguyên nhân sinh lý do sự thành lập tầng rời.

5. Trái

Trái dừa thuộc loại quả hạch, nhân cứng. Trái gồm có ba phần là ngoại quả bì (phần vỏ bên ngoài được phủ cutin), trung quả bì (xơ dừa) và nội quả bì bao gồm gáo, nước và cơm dừa.

Vỏ dừa dày từ 1-5cm tùy theo giống, phần cuống có thể dày đến 10cm. Vỏ dừa bao gồm 30% là xơ dừa và 70% là bụi xơ dừa. Bụi xơ dừa có đặc tính hút và giữ ẩm cao từ 400-600% so với thể tích của chính nó.

Gáo dừa có hình dạng rất khác biệt tùy theo giống, độ dày của gáo từ 3-6mm. Bốn tháng tuổi sau khi thụ phấn gáo dừa bắt đầu hình thành và chuyển sang màu nâu và cứng hơn khi trái được 8 tháng tuổi.

Nước dừa xuất hiện từ tháng thứ ba sau khi thụ phấn và đạt được thể tích lớn nhất ở tám tháng tuổi. Thể tích sẽ giảm dần khi trái khô. Thành phần hóa học chủ yếu của nước dừa là đường và muối khoáng.

Cơm dừa bắt đầu hình thành 5 tháng sau khi thụ phấn, có thể thu hoạch để uống nước vào tháng thứ 7-8. Thời gian để hoa cái thụ phấn, phát triển thành trái và đến khi trái khô kéo dài 12 tháng. Thu hoạch trái ở giai đoạn 10 tháng sau khi đậu trái có thể giảm năng suất do trái chưa phát triển đầy đủ nhưng ở giai đoạn từ 11 tháng trở đi thì trái có thể dùng làm giống. Trọng lượng cơm dừa khô của một trái dừa dao động từ 100-350g/trái và chứa khoảng 65-74% dầu dừa tùy theo giống. Kích thước, hình dạng trái rất đa dạng, tùy theo giống.

II. NHU CẦU SINH THÁI

1.Khí hậu

Nhiệt độ thích hợp cho cây dừa là 27 0C và dao động từ 20-340C. Nhiệt độ thấp dưới 150C gây ra hiện tượng rối loạn sinh lý của cây. Do tác động của nhiệt độ nên khi trồng dừa ở những vùng có độ cao trên 500m thường cho năng suất không cao. Cây dừa có thể trồng trên các vùng có lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.000-4.000mm.

Lượng mưa lý tưởng từ 1.500-2.300mm và phân bố tương đối đều trong năm. Ẩm độ thích hợp là 80-90%, ẩm độ dưới 60% có thể gây ra hiện tượng rụng trái non.

 Dừa là cây ưa sáng, cần tối thiểu 2.000 giờ chiếu sáng mỗi năm, 120 giờ chiếu sáng mỗi tháng thích hợp cho cây dừa (4 giờ/ngày). Gió nhẹ giúp tăng khả năng thụ phấn và đậu trái, đồng thời tăng khả năng thoát hơi nước dẫn đến tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng của cây.

2. Đất đai: Cây dừa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất cát nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, thích hợp nhất là đất thịt pha cát, thoát thủy tốt. Cây dừa có thể chịu được đất với độ pH từ 5 đến 8. Tuy nhiên pH đất thích hợp nhất từ 5,5-7. Vùng bị khô hạn hay ngập úng không thích hợp cho cây dừa. Vùng mặn dừa có trái nhỏ.

III. CÁCH PHÂN BIỆT GIỐNG DỪA

Dừa có thể được phân thành 2 nhóm giống chính: giống dừa cao và giống dừa lùn với các đặc điểm chủ yếu như sau: Những đặc điểm phân biệt giữa hai nhóm giống dừa cao và giống dừa lùn

Giống dừa cao

Giống dừa lùn

– Thụ phấn chéo

– Tự thụ phấn

– Cho trái muộn (5-7 năm)

– Cho trái sớm (3-4 năm)

– Trái lớn, số trái/ quày ít

– Trái nhỏ, số trái/ quày nhiều

– Tăng trưởng nhanh, cây cao 18-20m

– Tăng trưởng chậm, cây thấp 10-12m

– Gốc phình to

– Gốc nhỏ, thẳng

– Cơm dừa dầy (1,2-1,3 cm)

– Cơm dừa mỏng (0,7-1 cm)

– Hàm lượng dầu cao (65-67%)

– Hàm lượng dầu thấp (<63%)

– Chu kỳ khai thác 50-60 năm

– Chu kỳ khai thác 30-40 năm

– Khả năng thích nghi tốt với các điều kiện bất thuận của môi trường

– Khả năng thích nghi kém với các điều kiện bất thuận của môi trường

Ngoài ra, gần đây các nhà khoa học đề nghị thêm giống dừa lai. Dừa lai là kết quả lai tạo giữa 2 giống dừa cao và dừa lùn nên mang đặc tính trung gian của 2 nhóm giống nói trên. Ưu điểm nổi bật của giống dừa lai là ra hoa sớm, năng suất cao, hàm lượng dầu cao và có khả năng thích nghi với một số điều kiện bất thuận của môi trường.

IV. ĐẶC TÍNH MỘT SỐ GIỐNG DỪA CÓ TRIỂN VỌNG

1. Dừa cao (để thu trái khô chế biến)

a. Dừa ta:  gồm 2 dạng: ta xanh (Hình 1) và ta vàng (Hình 2). Đây là giống dừa rất thích hợp cho các ngành công nghiệp ép dầu và chế biến trái dừa vì có hàm lượng dầu cao (65-67%), dầy cơm (≥1,2cm), có tiềm năng năng suất cao (70-80 trái/cây/năm), trái có kích thước từ trung bình đến to, gáo dầy (3-4 mm) và xơ khá dầy. Trọng lượng trái từ 1,6-2,0 kg/trái khô.

       

b. Dừa dâu: Đặc điểm nổi bật của giống dừa dâu là sai trái (80-100 trái/cây/năm), số trái/buồng nhiều (10-15 trái/buồng), hàm lượng dầu cao (63-65%) nhưng trái có trọng lượng trung bình (1,6-1,8 kg/trái khô), vỏ mỏng, cơm trung bình đến dầy (11-12 mm), gáo mỏng. Dừa dâu có 2 dạng: Đây là giống dừa thích hợp cho công nghiệp ép dầu và chế biến trái dừa.

2. Dừa lùn (để thu trái tươi uống nước)

a. Dừa Xiêm Xanh: Đây là giống dừa rất được ưa chuộng dùng để uống nước do có vị ngọt thanh. Trái nhỏ, trọng lượng từ 1,2-1,5 kg, thể tích nước từ 250-300 ml/trái, năng suất cao (120-150 trái/cây/năm).

b. Dừa Xiêm lục:  Dừa Xiêm Lục có màu sắc và kích thước trái tương tự như Dừa Xiêm xanh nhưng trái có dạng hình quả lê, dưới đáy trái có quầng xanh đậm và mỗi quày có 2 mo nang, một mo nang to bên ngoài nằm chồng khít lên mo nang nhỏ bên trong. Trọng lượng trái từ 1,2-1,5 kg, thể tích nước từ 250-300 ml/trái, năng suất cao (120-150 trái/cây/năm). Nước dừa Xiêm Lục rất ngọt, độ đường cao, gáo dầy nên rất thích hợp cho việc uống nước và xuất khẩu vì có khả năng bảo quản được lâu và độ vỡ trái thấp khi sơ chế và vận chuyển đi xa. Đặc biệt đây là giống dừa cho trái sớm nhất trong tất cả các giống dừa hiện có ở Việt Nam và trên thế giới tính đến thời điểm hiện nay, thời gian ra hoa lần đầu chỉ sau 18-20 tháng sau khi trồng.

c. Dừa Xiêm Lửa: Dừa Xiêm Lửa (Hình 9-10) là giống dừa quý hiếm, có năng suất cao, màu cam sáng rất đẹp phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Dừa Xiêm Lửa có trái tròn, nhỏ trọng lượng trái từ 1,0-1,2 kg, thể tích nước từ 280-320 ml, có năng suất cao (80-140 trái/cây/năm), cho trái sớm (2,0-2,5 năm sau khi trồng). Đặc biệt dừa Xiêm Lửa lâu bị thối cuống, rụng cuống sau khi hái khỏi cây nên rất thích hợp cho việc sơ chế, bảo quản xuất khẩu. Đồng thời theo kinh nghiệm dân gian uống nước nấu từ vỏ dừa phơi khô còn có tác dụng trị giun, sán.

d. Dừa Xiêm xanh ruột hồng: Đây là giống dừa tương đối đặc biệt do Thạc sĩ Nguyễn thị Lệ Thủy đặt tên, mô tả và xây dựng lý lịch giống. Giống dừa Xiêm xanh ruột hồng (Hình 11-12) có trái bầu tròn màu xanh như dừa Xiêm xanh nhưng vỏ dừa bên trong và một phần gáo dừa khi còn non có màu hồng phấn rất đẹp. Đặc biệt hoa dừa và trái dừa non cũng có cuống màu hồng. Khi nẩy mầm, than mầm có màu hồng đỏ đậm, nhạt dần khi mầm phát triển to và lớn hơn. Kích thước trái trung bình từ 1,5-1,8 kg, nước nhiều 300-400 ml, vỏ mỏng, gáo tròn. Trái sai, năng suất bình quân 120-150 trái/cây/năm, mỗi gié mang nhiều hoa cái. Giống dừa này cũng cho trái sớm từ 2-2,5 năm sau khi trồng.

e. Dừa lùn vàng, lùn đỏ Mã Lai: Dừa Lùn vàng Mã Lai (Hình 13) và dừa Lùn đỏ Mã Lai (Hình 14) là hai giống nhập nội rất có triển vọng phát triển do có năng suất cao (80-140 trái/cây/năm), cho trái sớm (2,5-3,0 năm sau khi trồng). Trái tròn, từ nhỏ đến trung bình, trọng lượng trái từ 1,2-1,4 kg, thể tích nước từ 300-350 ml. Vỏ trái có màu vàng tươi hay cam.

3. Dừa lai

a. JVA 1: Giống dừa lai JVA1 (Hình 15) là giống dừa lai giữa giống mẹ là lùn vàng Mã Lai và giống cha là dừa cao Bago Oshiro của Philippines. Trái tròn có kích thước từ trung bình đến lớn, dầy cơm trung bình (11 mm), hàm lượng dầu cao (65,5%). Thời gian từ khi trồng đến khi bắt đầu cho trái là 36 tháng. Năng suất trung bình từ 80-150 trái/ cây/ năm.

b. JVA 2: Giống dừa lai JVA2 (Hình 16) là giống lai giữa giống mẹ là lùn đỏ Mã Lai và giống cha là dừa cao Bago Oshiro của Philippies. Bắt đầu cho trái sau 36 tháng trồng. Năng suất trung bình từ 60-140 trái/cây năm. Trọng lượng trái lớn (2,0-2,2 kg/trái), hàm lượng dầu cao (65-67%).

 

4. Giống Dừa có giá trị kinh tế cao

a. Dừa Dứa: Đặc điểm nổi bật của giống dừa dứa (Hình 17-18-19) là không chỉ nước dừa mà các thành phần khác của cây dừa như lá, hoa, phấn, cơm và vỏ Dừa đều thơm mùi lá dứa rất được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Trái có kích thước từ nhỏ (tương đương dừa Xiêm) đến trung bình (như dừa Dâu) và to (như dừa ta). Năng suất từ 80-140 trái/cây/năm, thể tích nước từ 300-450 ml. Dừa Dứa có 3 nhóm chính được phân biệt theo kích thước trái nhóm trái nhỏ, trái trung bình và trái to. Hương thơm của nhóm giống tỉ lệ nghịch với kích thước của nó, trái thuộc nhóm trái nhỏ có hương thơm nhất, kế đến là trái trung bình và to, nhóm trái càng to hương thơm càng giảm. Ngược lại tỉ lệ nảy mầm của nhóm giống thì tỉ lệ thuận với kích thước của nó, có nghĩa là nhóm trái càng to tỉ lệ nảy mầm càng cao (80-90%), nhóm trái nhỏ có tỉ lệ nảy mầm thấp nhất (từ 10-20%).

b. Dừa Sáp (đặc ruột): Dừa Sáp là đặc sản của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Hiện nay ở huyện nầy có khỏang 800-1.000 cây đang cho trái và đang phát triển thêm gần 50 ha. Đặc điểm của giống dừa Sáp là cơm mềm, sền sệt, dầy, có nước rất ít hoặc không có. Trái Sáp dùng để ăn tươi, làm kem hay bánh kẹo vì cơm dừa rất béo, mềm nên khó chiết xuất dầu. Trọng lượng trái khô trung bình từ 1,2-1,5 kg. Năng suất từ 40-80 trái/cây/năm. Đặc điểm của giống dừa này là chỉ có 1-2 trái Sáp/buồng (tỉ lệ 20-25%). Muốn nhân giống cây dừa Sáp phải ươm từ trái không Sáp (trái dừa Sáp không nẩy mầm) trên cùng buồng. Tuy nhiên không phải cây nào cũng mang trái Sáp, tỉ lệ nầy chỉ chiếm khỏang 50-75%. Về hình thái không thể phân biệt được cây dừa Sáp và cây dừa thường, cũng như trái dừa Sáp và trái dừa thường, cho đến hiện nay người ta chỉ phân biệt được trái dừa Sáp khi trái đã bắt đầu khô và bằng phương pháp lắc trái.

V. CHỌN GIỐNG DỪA

1. Chọn vườn giống: Vườn giống là một yêu cầu khá quan trọng trong công tác chọn giống dừa vì cây dừa chủ yếu là thụ phấn chéo (nhóm giống dừa cao), nếu chỉ chọn cây mẹ đạt yêu cầu sẽ không bảo đảm có được cây con có chất lượng cao vì không rõ được nguồn gốc hạt phấn của cây cha.

Vườn dừa đạt yêu cầu chọn giống phải có khoảng ≥ 20 cây cùng giống, phát triển đồng đều, cho năng suất cao và sản lượng cao liên tục nhiều năm. Vườn có độ tuổi từ 10-40 năm, không bị sâu bệnh và trồng trong điều kiện bình thường.

2. Chọn cây mẹ: Khi chọn cây mẹ cần quan tâm đến các chỉ tiêu liên quan đến yếu tố cấu thành năng suất như số trái/buồng, số buồng/cây/năm, trọng lượng cơm dừa khô/trái, hàm lượng dầu. Riêng đối với dừa uống nước cần lưu ý thêm độ ngọt của nước và thể tích nước/ trái. Cây mẹ sau khi khảo sát được đánh dấu và theo dõi sau 3 năm liên tiếp để chọn những cây có năng suất cao ổn định. Cụ thể việc chọn cây mẹ có thể dựa trên một số đặc điểm sau:

– Tuổi cây từ 10-40 năm

– Tán lá phân bố đều, sẹo lá khít.

– Cây mọc mạnh, thân thẳng

– Không chọn những cây trồng trong điều kiện đặc biệt: gần chuồng trại, gần nhà vệ sinh.

– Có nhiều quày trên tán

– Số trái trên cây ≥ 60 trái (đối với dừa Ta) và ≥ 80 trái (đối với dừa Dâu); 100-120 trái/cây đối với dừa uống nước. 

– Trọng lượng cơm dừa tươi/trái: 350-400g (đối với dừa ta) và 300-400g (đối với dừa Dâu).

3. Tiêu chuẩn chọn trái giống: Việc tuyển lựa trái dừa làm giống thường dựa vào một số tiêu chuẩn sau:

– Tuổi trái: Trái đủ độ chín, từ 11-12 tháng tuổi, vỏ trái đã chuyển một phần sang màu nâu, khi lắc nghe róc rách.

– Kích thước trái: Đặc trưng của giống, đồng đều theo từng giống, không quá to hay quá nhỏ

– Sức khỏe trái giống: Trái giống đều đặn, không dị dạng và sâu bệnh.

– Mùa thu họach: nên thu họach trái giống trong mùa khô. Mùa để giống thích hợp là trước và sau tết âm lịch.

VI. THIẾT LẬP VƯỜN ƯƠM TRÁI

1. Chọn vị trí: Mục đích chính của việc thiết lập vườn ươm trái là tuyển chọn được những trái nẩy mầm sớm, mầm mọc mạnh. Đây là yếu tố quan trọng giúp cây dừa cho trái sớm và năng suất cao sau này. Vườn ươm trái nên thiết lập ở địa điểm gần vùng nguyên liệu, gần vườn ươm cây con và gần nguồn nước tưới. Nên chọn khu đất tốt, bằng phẳng, thoát thủy tốt và được cách ly với gia súc.

2. Cách thiết lập vườn ươm: Làm đất tơi xốp bằng cách trộn thêm tro trấu, bụi xơ dừa hay phân hữu cơ. Lên liếp cao 15-20 cm, rộng từ 1,2-1,5 m vừa đủ ươm 5-6 trái. Giữa hai liếp nên đào rãnh rộng 20-30 cm giúp thoát nước tốt và việc đi lại chăm sóc được dễ dàng. Ở vùng có nhiều mối nên ươm trái trên cát để hạn chế mối phá hại.

3. Xử lý trái giống trước khi ươm: Trái giống sau khi thu hoạch nên để nơi thoáng mát từ 2-3 tuần cho trái qua giai đoạn nghỉ và khô đồng đều. Xử lý trái giống bằng cách vạt một mảng vỏ có đường kính 5-6 cm ở phần cuống đối diện với mặt phẳng nhất của trái dừa nhằm giúp trái hút ẩm dễ dàng và nảy mầm nhanh hơn. Trước khi ươm có thể ngâm trái trong nước ao khoảng 2-3 ngày để giúp trái mau nẩy mầm và hạn chế công tưới khi đưa vào vườm ươm. Xử lý trái với dung dịch Na2CO3 để trái mau nẩy mầm và cây con mạnh khỏe sau nầy. Nên chọn trái có cùng độ chín để phân biệt sự khác biệt về thời gian nảy mầm của trái.

4. Kỹ thuật ươm: Đặt trái vào luống theo hướng nằm ngang, mặt có mảng vỏ bị vạt hướng lên trên, chiều rộng luống vừa đặt đủ 5-6 trái khít nhau, phủ đất, bụi xơ dừa hay tro trấu kín 2/3 trái giúp cho trái được giữ ẩm tốt và dễ kiểm tra khi nẩy mầm. Để tiện theo dõi và tuyển chọn được trái nẩy mầm sớm nên lập bảng tên giống theo từng lô trái. Bảng tên gồm các nội dung sau: tên giống, ngày ươm, số trái ươm, số trái nảy mầm, đặt trước các liếp.

5. Chăm sóc trái trong vườn ươm: Cây con quang hợp kém nên cần giảm bớt cường độ ánh sáng khoảng 50% bằng cách che lưới hay xen trong vườn cây so đủa.  Làm cỏ thường xuyên, không nên để cỏ mọc phủ kín trái dừa.

Tưới nước đủ ẩm, có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách ấn nhẹ đầu ngón tay vào vị trí vạt, khi thấy nước rỉ ra tay là đủ. Nên thường xuyên kiểm tra sự phá hại của chuột và động vật.

Khi trái bắt đầu nẩy mầm thì chuyển dần sang vườn ươm cây con. Sau ba tháng nên loại bỏ những trái không nẩy mầm, trái có mầm còi cọc, mầm cong queo, có màu sắc khác lạ hoặc bị bạch tạng (màu trắng), cây có 2-3 chồi.

Tỉ lệ loại bỏ trong vườn ươm trái từ 10-30% tùy theo giống. Chọn những trái đã nảy mầm sớm, mầm mọc mạnh, có màu sậm đặc trưng của giống, không sâu bệnh, không dị dạng chuyển qua vườn ươm cây con.

VII. THIẾT KẾ VƯỜN ƯƠM CÂY CON

1. Ươm cây con trên đất:

Liếp ươm cây con cần được làm sạch cỏ, xới đất sâu 20-25 cm, bón phân lót hữu cơ với lượng 2-4 kg/m2 để cây phát triển tốt.

Đặt trái đã nảy mầm xuống đất theo hình tam giác đều có cạnh 60cm, đặt gốc cây con ngang mặt đất, cứ ba hàng chừa một lối đi rộng 1m để tiện đi lại chăm sóc. Theo cách ươm dừa của nhà vườn, trái dừa được đặt nơi râm mát dưới bóng cây hay gần nguồn nước cho trái nẩy mầm và phát triển thành cây con.

Cây dừa ươm bằng cách nầy thường chậm cho trái vì không tuyển lựa được trái nẩy mầm sớm, cây con không được chăm sóc đầy đủ đặc biệt chế độ phân bón và phòng trừ sâu bệnh.

2. Ươm cây con trong túi nhựa dẻo:

Dùng túi nhựa PE đen có kích thước 40 x 40cm có đục 4 lổ thoát nước với đường kính khoảng 0,5-1,0 cm ở vị trí 1/3 chiều cao của túi.

Trộn đất vô bầu cây theo tỉ lệ: 1 phần cát (tro trấu, bụi xơ dừa đã xử lý) + 3 phần đất + 1 phần phân hữu cơ, đổ hỗn hợp vào 2/3 thể tích bầu, sau khi đặt trái đã nảy mầm vào lắp đất cho đầy, sau đó đặt túi ươm cây ra theo hình tam giác đều có cạnh 60 cm.

3. Chăm sóc cây con:

a. Bón phân: Lượng phân bón cho cây con được trình bày trong Bảng 1. Có thể bón phân cho cây con bằng cách pha phân vào nước và tưới cho cây. Khi cây phát triển kém, lá không có màu xanh đậm và láng nên bổ sung thêm phân bón lá. Không nên bón phân vào những lúc mưa dầm.

Bảng 1: Lượng phân bón cho cây con trong vườn ươm

Tuổi cây

 

Lượng phân (g/cây)

 

Urê

 

Super Lân

KCl

Bón lót

 

100

 

 

2 tháng

 

20

 

 

 

25

 

 

5 tháng

 

 

25

 

 

 

 

40

 

 

b. Tưới nước: Trong mùa khô nên tưới nước đủ ẩm, 2-3 ngày/lần.

c. Làm cỏ: Cần làm cỏ ngay khi thấy cỏ có dấu hiệu cạnh tranh với cây con.

d. Phòng trị sâu bệnh: Trong vườn ươm, cây dừa thường bị bệnh đốm lá (Hình 9), có thể phun thuốc gốc đồng để ngừa bệnh. Khi xuất hiện cây chết do bệnh thối đọt phải đem cây chết ra khỏi vườn, đốt sạch để tránh lây lan (Hình 10). Nên thường xuyên diệt chuột và quan sát cây con để phát hiện và áp dụng các biện pháp trị kịp thời các loại sâu hại như sâu ăn lá, bọ dừa.

4. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn:

            Thời gian cây con trong vườn ươm kéo dài từ 7-9 tháng đối với giống dừa cao và 4-5 tháng đối với giống dừa lùn.

Trên nguyên tắc cây còn non sẽ mau phục hồi sau khi trồng. Cây 7-9 tháng tuổi còn 45-50% dinh dưỡng trong trái, do đó có thể cung cấp cho trái sau khi trồng. Nếu trồng cây con chậm hơn 12 tháng tuổi dinh dưỡng trong trái hầu như không còn nên cây con phục hồi chậm sau khi trồng.

Cây dừa lùn do trái nhỏ nên tiêu hao dinh dưỡng nhanh hơn dừa cao nên thời gian lưu giữ cây con trong vườn ươm phải ngắn hơn. Tuy nhiên nếu trồng cây con quá sớm sẽ không tuyển lựa được cây tốt và tốn thời gian chăm sóc nhiều hơn sau khi trồng ngoài đồng.

Cây con xuất vườn phải đạt tiêu chuẩn sau:

– Cây khỏe, gốc thân to, mọc nhiều rễ

– Lá có màu xanh đậm, láng, đã tách lá chét

– Không bị sâu bệnh

VIII. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC DỪA XIÊM XANH

A. Kỹ thuật trồng:

1. Chọn đất:

Dừa là cây rất dễ trồng, không kén đất, cây có thể sống và cho năng suất tốt trên đất có độ cao cách mặt biển dưới 600 mét; nhưng thích hợp nhất là trên đất phù sa, đất cát pha, đất có hiều hữu cơ và đặc biết đất có hàm lượng kali dồi dào, tầng canh tác dày ít nhất là 0,5 mét.

2. Chuẩn bị đất trồng:

* Đối với đất ruộng: Trước khi lên liếp trồng dừa, nên gom lớp đất mặt ruộng dùng để đấp mô trồng với kích thước mô: chiều rộng có đường kính nhỏ nhất 1 mét, chiều cao ít nhất 0,5 mét. Sau đó tiến hành lên liếp hoặc để trồng dừa xen lúa khoảng 2 năm sau lên liếp cũng tốt, mục đích là lấy ngắn nuôi dài.

* Đối với đất vườn cũ: Trước khi trồng nên gom lớp đất mặt để vun mô nếu đất thấp thì ta vun cao như đất ruộng, nếu liếp cao thì không cần vun cao mà làm sao cho không bị úng trong mùa mưa là đạt, riêng kích cỡ mô nên giống như đất ruộng.

* Đào hố: Trước khi trồng cần phải đào hố với kích thước 0,6  x 0,6 x 0,4 m.

3. Khoảng cách trồng:

            Theo các nhà chuyên môn, để trồng dừa xiêm cho năng suất cao nên trồng với khoảng cách 5m x 6m và trồng theo kiểu hình nanh sấu, trồng theo kiểu này thì tạo điều kiện tốt cho cây hấp thu đầy đủ ánh sáng mặt trời để quang hợp tạo ra hàm lượng chất hữu cơ. Riêng với các giống dừa cao, dừa lai thì trồng thưa hơn.

4. Bón lót: Sau khi đã chuẩn bị mô và hố trồng xong, trước khi xuống giống khoảng 15-20 ngày tiến hành bón lót mỗi mô: phân hữu cơ khoảng 20-30kg+100g Super lân+200g Kali, trộn đều và lấp kín lại bằng mặt mô.

5. Đặt cây con:

Sau khi đã chuẩn bị xong cây giống và đất trồng, tiến hành đặt cây con, trên mô hoặc hố trồng; đầu tiên đào một hố tương đương với kích cỡ của trái dừa giống; cây giống nếu ươm trong bầu nylon thì dùng dao bén cắt đáy bầu, sau đó đặt bầu vào hố đã đào, kéo túi bầu lên khỏi thân cây, cuối cùng lấp đất lại cho bít trái là đạt, nếu cây giống cao quá 0,8 mét thì ta nên cắm cây cột giữ chặt tránh gió làm lung lay gốc ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây.

Chú ý không nên đặt trái quá sâu vì như thế cây sẽ chậm phát triển, cũng không nên đặt trái quá cạn, tức là lấp đất không bít trái thì sau này gốc cây sẽ phình to. Đối với cây con được ươm trực tiếp trên đất nên dùng len xén đứt rễ xung quanh rồi nhấc cây lên khỏi liếp ươm. Không nên dùng tay nắm lá kéo đứt rễ dừa sẽ làm gãy gốc thân. Cắt ngắn rễ còn từ 3-5cm, nhúng cây con vô dung dịch thuốc trừ nấm để tránh cho rễ không bị nhiễm bệnh và mau phục hồi. Nên trồng cây con càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay trong ngày sau khi được bứng ra khỏi vườn ươm. Các phần còn lại thì thao tác giống như dừa ươm trong bầu.

B. Kỹ thuật chăm sóc:

1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản: (cây từ 1-3 năm tuổi).

Cây con sau khi trồng rất cần nước, nếu giai đoạn này thiếu nước cây sẽ chết. Vì vậy, để giữ đủ ẩm cho cây ta nên dùng rơm, rạ, cỏ khô tủ gốc cây trong mùa nắng; khoảng 2-3 ngày tưới cây 1 lần tùy vào ẩm độ ở gốc.

Năm đầu tiên nên bón cho cây mỗi gốc 0,5kg phân NPK: 15-15-15 và chia làm 02 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa. Cách bón là xới nhẹ quanh gốc và bón rải đều sau đó cào đất lấp phân lại và tưới nước cho tan phân để cây dễ hấp thu. Giai đoạn này cần quan tâm đến bọ cánh cứng (bọ dừa) tấn công đọt non làm cây chậm phát triển, nếu nặng có thể chết cây.

Bắt đầu từ năm thứ 2, hằng năm nên đắp thêm đất thêm vào mô để tạo điều kiện cho rễ phát triển (trên đất ruộng), hoặc bồi bùn mỗi năm 1 lần vào đầu mùa nắng (đất liếp vườn cũ). Phân bón cũng có thể sử dụng NPK: 15-15-15 nhưng liều lượng mỗi gốc 0,75kg và chia làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa.

Năm thứ ba cũng chăm sóc như năm thứ hai nhưng lượng phân bón tăng lên 1kg/gốc. Giai đoạn này nếu cây dừa được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật thì sau 26-28 tháng cây sẽ cho hoa đầu tiên.

Chú ý: ở giai đoạn này cần lưu ý kiến vương thường hay tấn công cây làm cho đọt non bị cong queo, nếu chúng tấn công trúng đỉnh sinh trưởng thì cây sẽ chết, những vết đục của kiến vương là nơi tốt nhất để đuông dừa tấn công. Vì vậy, ở giai đoạn này nên chọn những cây ngắn ngày như dưa leo, cà chua, đậu búng, so đũa… trồng xen vào vườn dừa để lấy ngắn nuôi dài và đặc biệt các cây trồng xen này sẽ là môi trường ngăn chặn sự tấn công của kiến vương và đuông dừa.

2. Thời kỳ kinh doanh:

Giai đoạn này cây đã cho trái ổn định và bắt đầu đi vào thời kỳ kinh doanh vì thế quá trình chăm sóc cây cần phải tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn để cây cho năng suất cao và ổn định.

* Chăm sóc: nếu có điều kiện nên bón cho cây từ 30-50 kg phân hữu cơ hoai mục/gốc, tỉa dần cây trồng xen và giữ cỏ dại hợp lý sao cho cây có đầy đủ ánh sáng để quang hợp, tránh việc để cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với dừa hay dây leo chằng chịt trên cây làm cây giảm quang hợp.

* Bón phân: theo các tài liệu nghiên cứu của Viện dầu Thực vật Việt Nam và Tung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Bến Tre thì đối với cây dừa vào thời kỳ kinh doanh cần bón phân với công thức theo tỷ lệ Urê-Super lân-Cloruakali: 0,8kg-1,5kg-1,5kg/cây/năm và được chia làm 2 lần bón trong năm, đầu và cuối mùa mưa.

Cách bón: mỗi lần bón đào rảnh 1/2 vòng tròn gốc và cách gốc 1,5-2 mét, sâu 0,15-0,2m, rộng 0,2 mét sau đó bón phân vào rảnh đã đào rồi lấp đất lại, cuối cùng tưới nước cho phân tan.

 giai đoạn cây dừa khoảng 4-6 tuổi, hàng năm nên tổng vệ sinh cây từ 1-2 lần như: dọn dẹp tất cả các nhen, bông mo khô, tàu dừa khô dính lù xù trên cây, rọc các nhen còn dính quá chặt trên đọt để giúp lá bung nhanh, cây phát triển tốt hơn; ngoài ra, dọn dẹp sạch nhen, bông mo, tàu dừa khô cũng là một phương pháp phòng ngừa kiến vương tấn công dừa rất hiệu quả, song song đó ngừa luôn cả đuông dừa

 

IX. SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

1. Bọ dừa (Brontispa longissima Gestro): Bọ dừa xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 1999 và phát triển nhanh thành dịch gây hại trên qui mô rộng khắp các tỉnh phía nam.

 Bọ dừa trải qua 4 giai đoạn phát triển là trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng. Bọ có kích thước từ 9-10mm, ngang 2-2,25mm, râu dài 2,75mm, có tập tính hoạt động về đêm. Vòng đời của bọ cánh cứng từ 130-135 ngày. Con cái bắt đầu đẻ trứng khi được 2 tuần tuổi và nó có thể đẻ đến 120 trứng trong suốt vòng đời. 

– Thành trùng và ấu trùng đều gây hại. Bọ dừa không thích ánh sáng, chúng chỉ xâm nhập vào các kẻ lá dừa non còn xếp, chưa bung ra và gây hại bằng cách ăn biểu bì trên mặt lá non theo từng hàng song song với gân chính.

– Những vệt cắn phá tạo thành những vết có màu nâu, làm cho lá bị cong vẹo và khô giống như bị cháy, bị rách và cây trở nên xơ xác.

– Nếu trên cây có từ 8 lá bị hại thì năng suất giảm, nặng hơn cây có thể bị chết.

* Biện pháp phòng trừ:

– Biện pháp cơ học: Chăm sóc tốt cây dừa để rút ngắn thời gian nở bung bó lá ngọn, hạn chế môi trường sinh sản của bọ cánh cứng và tăng sức đề kháng cho cây; cắt bỏ, tiêu hủy lá bị bọ cánh cứng tấn công. Đối với những cây dừa con trong vườn ươm và dừa mới trồng với số lượng ít nên bắt thủ công.

– Biện pháp hóa học: 

+ Dùng Padan 95SP, Actara 25WG, Diaphos 10GR,… trộn với mạt cưa túm vào bao vải mỏng treo ở ngọn cây đạt hiệu quả cao và hiệu quả có thể kéo dài đến 90 ngày.

+ Actara 25WG bơm vào thân cây dừa, cách gốc dừa 1-1,5m. Đục lổ nghiêng 45 độ, sâu khoảng 3-4cm, bơm thuốc, dùng đất sét bít lỗ lại.

– Biện pháp sinh học: Dùng ong ký sinh (Asecodes hispinarum), loài ong này có kích thước rất nhỏ, có màu đen, hút mật hoa và khi đẻ trứng vào bên trong cơ thể nhộng của bọ cánh cứng và cuối cùng tiêu diệt nhộng. 

 

2. Kiến vương (Oryctes rhinoceros L.): Kiến vương là một loại côn trùng phổ biến và gây thiệt hại nhiều nhất cho cây dừa. Thành trùng tấn công cây dừa ở đủ mọi lứa tuổi, ăn các lá non đang phát triển, đục vào chồi và đỉnh tăng trưởng của dừa, trường hợp nặng có thể gây chết cây dừa.

Kiến vương trải qua 4 giai đoạn phát triển: trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng:

– Trứng: Kiến vương đẻ trứng trong những thân dừa và gốc dừa mục, ẩm, đống rác, phân trâu bò, rơm mục, thân bắp, lá mía… Trứng có hình tròn, màu trắng, có đường kính từ 3-4mm. Sau 7-18 ngày trứng phát triển thành ấu trùng.

– Ấu trùng: Ấu trùng kiến vương có màu trắng đục, thường gập cong thân lại với đầu màu nâu và mang 3 đôi chân. Ấu trùng phát triển đầy đủ có kích thước từ 60-105mm.

– Nhộng: Nhộng có màu nâu nhạt, được bao phủ bởi một cái kén làm từ đất và xơ dừa. Nhộng phát triển trong kén từ 14-29 ngày.

– Thành trùng: Đây là giai đoạn gây hại của kiến vương. Thành trùng có màu đen hơi nâu với 1 cái sừng tương đối dài ở trên đầu cong về phía sau. Thành trùng có thể sống được 4 tháng. Một con cái có thể đẻ từ 70-140 trứng. Kiến vương thường ăn chồi và lá chưa tách trong bó lá ngọn.

– Đối với cây dưới 1 năm tuổi kiến vương luôn tấn công vào gốc của cây nơi thân còn đủ mềm. Trong một vài trường hợp, kiến vương cũng chui qua đất để khoét vào thân cây. Trong trường hợp này có thể phòng bằng cách rải thuốc trừ sâu trộn vào lớp đất mặt. Đối với cây dừa trưởng thành kiến vương tấn công vào bó lá ngọn và đỉnh tăng trưởng của cây dừa. Vì vậy khi lá mọc ra có hình tam giác và lá chét bị cắt có hình răng lược. Nếu liên tục bị tấn công cây sẽ mất sức phát triển do bộ lá bị hư hại, nhưng nguy hiểm nhất chính là đuông, nấm sẽ xâm nhập vào thân dừa qua chổ vết thương do kiến vương gây ra.

* Biện pháp phòng trừ: 

– Vệ sinh vườn: Vệ sinh cây không để chổ cho kiến vương gây hại. Kiểm tra định kỳ, bắt bằng tay. Dọn dẹp hoặc đốt những đống rác, thân, lá dừa hoai mục,.. không tạo môi trường cho kiến vương đẻ trứng.

– Biện pháp sinh học: Sử dụng nấm Metarhizium anisopliae (Ometar 1.2 x 109 bào tử/g) ký sinh vào côn trùng.

– Biện pháp hóa học: 

+ Dùng mạt cưa trộn với Regent 0,3GR hoặc Vibasu 10GR … rải lên các nách lá đọt vài tháng một lần.

– Dùng 1 đoạn lưới cước (lưới bén) cỡ mắt lưới 2 cm, dài 3 m x rộng 0,6m, quấn kín khoảng 5-6 kẻ bẹ lá ngọn, khi kiến vương bay vào sẽ bị vướng lưới chết.

– Nếu phát hiện có kiến vương tấn công dừa, dùng Regent, Vibasu kết hợp Aliette bơm vào các lỗ đục.

3. Đuông (Rhynchophorus ferruginenus O.): Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công đọt non, đến khi phát hiện ra thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá hủy, cây dừa chết mà không thể cứu được. Ngoài ra, đối với cây còn tơ hay cây sắp vươn lóng đuông cũng có thễ tấn công ở gốc thân. Nhìn chung, cây dừa từ 2-15 năm tuổi đều có thể bị đuông tấn công nhưng cây dừa từ 3-6 năm tuổi là giai đoạn bắt đầu hình thành gốc và thân thì dễ bị tấn công hơn.

Vòng đời của đuông dừa trải qua 4 giai đoạn là trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng. Trong đó, chỉ có ấu trùng gây hại cây dừa.

            – Trứng: Một con đuông cái có thể đẻ trung bình 240 trứng, trứng nở sau 3-5 ngày. Nó đẻ trứng trên vết nứt, nơi bị tổn thương của thân và ngọn cây gây ra bởi con người, động vật khác hoặc côn trùng, ví dụ như kiến vương… Trứng có màu kem và hơi dài.

– Ấu trùng: Giai đoạn gây hại của đuông. Ấu trùng có màu kem, đàn hồi và dài, không chân với đầu màu nâu. Ấu trùng ăn cây dừa để sống trong vòng 50 ngày.

– Nhộng: Nhộng nằm trong 1 cái kén làm bằng mô gỗ dừa (phần mềm gần vỏ cây). Sau 19 ngày phát triển thành thành trùng.

– Thành trùng: Có màu nâu hơi đỏ hoặc màu đen. Có một cái sừng dài với mũi sừng hơi cong xuống. Thành trùng sống đuợc 3-4 tháng. Vòng đời của đuông là 195 ngày từ trứng đến khi trưởng thành

– Con đuông trưởng thành đẻ trứng trên thân dừa bị thương và trên những vết nứt của thân. Khi trứng nở, ấu trùng khoét những lổ nhỏ trên thân hoặc trên ngọn cây. Chúng ăn theo mọi hướng thậm chí khoét những lổ lớn và sâu hơn. Những điểm bị đuông tấn công thường để lại xác bả của các gỗ dừa và nhựa màu nâu hơi đỏ. Khi ấu trùng bắt đầu tấn công và ăn đọt dừa, những lá non bắt đầu héo và ngã xuống, báo hiệu cây dừa sắp chết.

* Biện pháp phòng trừ: Khi xác định chính xác những điểm tấn công của đuông trên cây dừa. Có thể tiến hành phòng trừ bằng cách khoan sâu vào thân cây khoảng 10-25cm hướng lệch xuống 15cm bên trên vùng bị tấn công. Có thể khoan 1- 2 lổ ở mỗi điểm bị đuông tấn công. Sau đó cho vào lổ khoan các loại thuốc trừ sâu như Vibasu 10GR. Bịt kín lỗ lại bằng đất sét. Sau 3-4 ngày, kiểm tra hiệu quả của thuốc bằng cách kề tai vào thân dừa, nếu vẫn nghe tiếng rạo rạo và nhựa mới từ thân tiếp tục chảy ra thì nên xử lý thuốc lại lần hai, nếu đuông đã chết không còn gây hại thì có thể dùng đất sét bịt kín lỗ lại hay hàn kín các lỗ lại vĩnh viễn bằng một mãnh gỗ có chiều rộng và chiều sâu hơi lớn hơn kích thước của lỗ. Thêm vào đó lắp các lỗ lại và sơn các vết sẹo thân bằng một loại bột than.

Nhằm ngăn cản sự tấn công của đuông cần tránh những tổn thương trên thân dừa, là nơi tạo chổ đẻ trứng cho đuông. Dùng bột than để sơn lên các vết thương của cây con. Kiểm soát kiến vương bởi vì các điểm tấn công của kiến vương có thể trở thành nơi đẻ trứng cho đuông. Đốn và đốt những cây dừa đã bị ảnh hưởng nặng của đuông và giết những côn trùng ở tất cả những giai đoạn khác nhau. Loại bỏ xác cây dừa non, gốc dừa đã chết, nơi có thể trở thành chổ đẻ trứng của đuông. Thăm đồng và kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời sự xuất hiện của đuông. Bắt đuông và các côn trùng gây hại khác ở giai đoạn phá hoại chủ yếu của chúng và sơn phủ các vết sơn bằng một lớp bột than.

4. Sâu nái (Parasa lepida):  Khác với con bọ dừa, sâu nái ăn lá dừa già, trường hợp gây hại nặng tán lá trở nên xơ xác, cây không quang hợp được dẫn đến giảm năng suất dừa.

– Trứng: trơn láng có hình tròn hoặc bầu dục, thường được đẻ ở mặt dưới lá, thành từng nhóm từ 10-20 trứng.

– Ấu trùng:  Màu xanh lá cây, có kích thước lớn, dài khoảng 25-30 mm, có nhiều chùm lông sắp xếp đều đặn dọc theo thân sâu, 4 chùm lông ở gần đầu và phía sau đuôi màu đỏ và ngắn.

– Nhộng: dài khoảng 15 mm, được bao bọc bởi kén màu nâu, bên ngoài phủ một lớp tơ trắng.

Thành trùng: là một loài bướm màu xanh lá cây, có một đốm màu nâu ở gần cạnh trước và dọc cạnh ngoài của cánh trước và cánh sau có một đường viền lớn màu nâu nhạt với đường viền màu nâu đậm ở phía ng oài.

– Giai đoạn trứng khoảng 7 ngày, giai đoạn sâu non 40 -45 ngày, giai đoạn nhộng 30-45 ngày, giai đoạn trưởng thành 7-10 ngày.

– Giai đoạn ấu trùng là giai đoạn phá hoại chủ yếu của loài sâu này. Ở giai đoạn đầu ấu trùng ăn lớp biểu bì bên dưới của lá. Đến khi già chúng ăn toàn bộ phiến lá chỉ để lại gân lá. Nếu gây hại nặng ấu trùng có thể làm rụng lá. Ban ngày sâu nằm bất động ở mặt dưới lá. Sâu rất ngứa khi chạm phải vì các lông nhọn và dễ gãy trong da, chổ gãy của lông sẽ tiết ra chất độc gây ngứa hoặc cảm giác nóng bỏng, rát khi tiếp xúc với da người.

* Biện pháp phòng trừ: Phòng trừ sâu nái rất khó khăn, đặc biệt đối với các cây dừa cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp sau đây có thể giảm tối thiểu tác hại của sâu nái:

– Biện pháp sinh học: Sử dụng côn trùng ký sinh như là ruồi và ong bắp cày giảm tối thiểu sự gây hại của sâu nái. Chúng đẻ trứng trên ấu trùng và nhộng của sâu nái. Khi những con sâu non nhô ra khỏi trứng, sẽ làm mồi cho những con côn trùng ký sinh này.

 Kiểm soát môi trường canh tác: Sử dụng máy kéo để cày xới đất tiêu diệt các kén của loài sâu này.

– Biện pháp cơ học: Đối với dừa nhỏ, bắt và giết các con sâu không gây ngứa và kén của nó để giảm quần thể sâu nái đến một mức độ không gây hại kinh tế cho dừa. Khi bắt sâu nái nên đeo bao tay vì gây ngứa khi tiếp xúc. Những con bướm trưởng thành là những côn trùng bay đêm, chúng bị thu hút bởi ánh sáng. Vì vậy, dùng bẫy ánh sáng là một giải pháp có hiệu quả. Các bẫy này có thể được cài đặt ở ngoài đồng khi các con bướm trưởng thành bắt đầu chui ra khỏi kén. Đặt khoảng 10 bẫy đèn cho 1ha là hợp lý.

 Biện pháp hóa học: Ở những vùng sâu nái xuất hiện mật độ cao, có thể phun thuốc gốc Cúc tổng hợp như Sherpa 25EC, Map-Permethrin 50EC, Cyperan 10EC,…

5. Bọ vòi voi (Diocalandra frumenti):

 – Trứng: Trứng được đẻ trong khe nứt, rãnh ở phần cuối của rễ phụ, ở gốc thân cây, hoặc trên hoa, trên cuống hoa, cuống trái. Trứng màu trắng trong, dài 1-1,1 mm. Giai  đoạn trứng 6-10 ngày.

–  Ấu trùng: Ấu trùng màu vàng lợt, có 5 tuổi. Tuổi 1: 1-2 mm; tuổi 2: 2.1-2.6 mm; tuổi 3: 3.3-4.0 mm; tuổi 4: 4.2-5.5 mm; tuổi 5: 5.8-7.2 mm. Ấu trùng sống bằng cách  đục thành đường hầm trong vỏ trái.

 Nhộng trần, không tạo kén, màu trắng đục. Chiều dài cơ thể khoảng 6.7-7.2 mm. Hóa nhộng trong các đường đục của mô cây. Giai đoạn nhộng 10-16 ngày

– Trưởng thành: Trưởng  thành vòi voi là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen. Cánh  trước có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh. Trưởng thành sợ ánh sáng, hoạt động mạnh lúc chiều tối, chúng sống ở nơi tiếp xúc giữa hai trái hoặc gần cuống trái. Chiều  dài con trưởng thành khoảng 7-8 mm, chiều ngang khoảng 1.5 mm. 

– Trái dừa bị hại thường có 3-5 con bọ vòi voi trưởng thành. Trái bị hại có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục, tập trung quanh cuống trái. Nhựa màu trong suốt sau  đó chuyển sang màu vàng, vàng nâu và khô cứng.

– Tại nơi vết nhựa chảy ra thường có phân đi kèm (có thể do phân ấu trùng thải ra). Ấu  trùng gây  hại  bằng cách đục vào vỏ trái, chúng có thể đục vào  tới gáo dừa (giai đoạn trái non). Nếu trái dừa bị nhiều vết gây hại làm cho trái bị rụng sớm (tấn công trái <3 tháng) và làm trái méo mó, kích thước nhỏ (tấn công trái >3 tháng). Ngoài trái, chúng còn tấn công trên thân, gốc và rễ dừa.

* Biện pháp phòng trừ:

–  Chăm sóc vườn dừa, cắt bỏ những tàu lá bên dưới, tiêu hủy những trái bị nhiễm để hạn chế phát tán lây lan.

– Phun nấm đối kháng Ma (Metarhizium anisopliae) hoặc sử dụng các loại thuốc Abatox 1.8EC, Mapy 48EC, Regent 5SC,… để phòng trị bằng cách phun xịt lên khắp các buồng trái non của cây dừa. 

6. Bọ xít trái (Amblypelta sp.): Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rụng trái non và dừa mủ.                                   

Bọ xít chích hút vào trái non (từ 3 đến 5 tháng tuổi) và tiết độc tố vào vết chích, làm cho vùng mô chung quanh bị chết, tạo các vết màu đen dạng hình thoi xếp khít nhau, làm trái non bị chảy mủ và rụng sớm, hoặc phát triển nhỏ hơn bình thường, bị nhăn nheo, méo mó, giảm năng suất và giá trị thương phẩm.

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh vườn cho thông thoáng, không trồng quá dày.

– Nuôi kiến vàng trong vườn dừa, vì kiến vàng là thiên địch trị bọ xít rất hữu hiệu.

– Khi bị bọ xít phá hại nhiều, có thể sử dụng các loại thuốc nhóm cúc tổng hợp như: Fastac 5EC, Sherbush 25EC, Karate 2.5EC,…  để phun xịt.

7. Rệp dính (Aspidiotus destructor): Khi phát hiện trên lá có một lớp muội đen (nấm bồ hóng) hoặc kiến hôi làm tổ ở những bẹ lá là có dấu hiệu của rệp dính.

– Rệp dính phá hại vào mùa khô trên những cây dừa đang lớn, hay chích hút bông, mo, cuống trái dừa non.

– Rệp dính cũng gây hại trên một số cây trồng khác nhau như: cam, quýt, mãng cầu…Vì vậy khi chúng xuất hiện trên những cây nầy, thì cũng có thể có trên dừa.

* Biên pháp phòng trừ:

– Thường xuyên dọn sạch sẽ thông thoáng tán dừa.

– Tiêu hủy những tàu lá bị rệp gây hại.

– Dùng thuốc Admire 200OD, Yamida 10WP, Conphai 100SL, Maxfos 50EC, Mapy 48EC phun trên lá bị hại 2 lần cách nhau 7-10 ngày.

8. Chuột: Chuột cắn phá rễ, trái dừa trong vườn ươm, cây dừa mới trồng và khoét trái trên quày. Chuột thường gây hại nặng ở những vườn ươm um tùm nhiều cỏ. Chuột tấn công nhiều nhất ở trái dừa từ 2-6 tháng tuổi. Chuột đục khóet ở phần mềm gần cuống để ăn cơm dừa và uống nước.

 Vùng không có nước ngọt trong mùa khô như vùng gần biển, thiệt hại do chuột gây ra có thể lên đến 30-40%.

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh vườn và tán dừa để phá nơi trú ẩn của chuột.

– Sử dụng các loại bẫy chuột: bẫy sập, bẫy đạp, bẫy dính.

– Dùng các loại thuốc diệt chuột:

+ Nhóm độc cấp tính thường dùng các chất độc như phốtpho kẽm 20% để diệt chuột; diệt chuột nhanh, hiệu quả cao ở lần đầu sử dụng; rất độc với người và động vật máu nóng; cần phải thay mồi nhử với thuốc để tăng hiệu quả diệt chuột.

+ Nhóm  thuốc  độc mãn  tính (tác động  chậm)  như Klerat  để diệt chuột. Dùng với nhóm thuốc này để diệt chuột chết chậm, chuột ít ngán mồi, ít độc hại với người và động vật máu nóng so với nhóm độc cấp tính.

* Lưu ý: Nên cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc diệt chuột vì nguy hiểm cho người và các loài động vật khác.

9. Bệnh đốm lá: Đây là bệnh thường gặp trên cây dừa. Bệnh gây ra bởi hai loại nấm là Pestalozzia palmarum Cke và Helminthosorium sp.

– Triệu chứng gây hại do nấm Pestalozzia palmarum: Đầu tiên là lá xuất hiện những đốm vàng, sau lớn dần thành vết cháy hình bầu dục, ở giữa có màu xám nhạt, bên ngoài có viền nâu đậm và một quần màu xanh. Khi các đốm cháy nối liền nhau tạo thành vết cháy lớn hơn.


– Triệu chứng gây hại do nấm Helminthosporium  sp.: Đầu tiên là những đốm nhỏ có màu nâu. Các đốm lớn dần và liên kết lại với nhau làm cho lá bị khô, cháy

 Bệnh thường xuất hiện ở những vùng bị thiếu kali. Bệnh gây thiệt hại nhiều ở cây con. Bệnh làm giảm khả năng quang hợp nên cây con chậm phát triển. Ở cây lớn, bệnh làm cây chậm cho trái hay giảm n  ăng suất dừa. Nên bón phân Kali cho dừa đặc biệt là ở vườn ươm cây con để giúp cây ít nhiễm bệnh và mau cho trái.

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh vườn dừa, bón phân cân đối, tăng cường bón phân Kali giúp cây tăng khả năng chống chịu.

– Ở giai đoạn cây nhỏ, cắt bỏ lá bệnh đem tiêu hủy và phun Bordeaux 1% để phòng bệnh.

– Sử dụng các loại thuốc như Ridomil Gold 68WG, Ancovil 50SC, Topsin M 70WP,… Với vườn cây non bị bệnh, sau khi phun thuốc xong (phun lần đầu) bà con nên bón bổ sung phân Canxi Nitrate liều 15-20g/gốc để tăng sức đề kháng cho cây, giúp cây vượt qua gia đoạn bệnh. 

 

10. Bệnh thối đọt (Phytophthora palmivora Butler): Do bọ cánh cứng ăn hết phần diệp lục của lá, đặc biệt là lá non làm cho phiến lá bị tổn thương. Sau đó nấm ký sinh vào gây ra bệnh thối đọt.  Nấm gây hại cây dừa bằng cách tấn công vào đỉnh sinh trưởng làm cho củ hủ bị thối, cây không sinh trưởng được nữa và sẽ chết sau khi các lá già khô và rụng.    

Cây chết sau 3-5 tháng bị nhiễm bệnh. Cây dừa bị bệnh thối đọt mới nhìn rất giống như cây bị đuông tấn công, tuy nhiên quan sát kỹ sẽ không thấy ấu trùng của đuông dừa nhưng có mùi thối rất khó chịu.

Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có ẩm độ cao. Bệnh rất khó trị vì thường phát hiện chậm, khi đỉnh sinh trưởng đã bị tấn công. Nên đốn và tiêu hủy cây bị bệnh để tránh sự lây lan, đặc biệt là các cây trồng xen như ca cao, tiêu.

* Biện pháp phòng trừ:

– Thường xuyên kiểm tra hoặc phun thuốc trừ sâu bọ định kỳ để tiêu diệt bọ cánh cứng, bảo vệ lá dừa.

– Khi có nấm ký sinh, ngoài việc phun thuốc trừ sâu bà con cần kết hợp thêm các loại thuốc trị nấm như Daconil 500SC, Carbenzim 500FL, Ridomil Gold 68WG,…

11. Nứt, rụng trái:  

– Đất bị nhiễm phèn, mặn làm hư bộ rễ của cây ảnh hưởng đến quá trình nuôi trái, như vậy trái sẽ rụng trong suốt mùa khô hay sau những cơn mưa đầu mùa.

– Trái rụng trong mùa mưa dầm và thương bị nứt trái có thể là do đặc tính di truyền của cây. Thông thường đây là những cây có trái to, vỏ mỏng, bón quá thừa đạm, thiếu kali, rễ phát triển mạnh nên cây hút nhiều nước, từ đó dễ làm cho trái bị nứt và rụng, có thể rụng cả quày hay chỉ rụng 2/3 quày còn lại 1/3 quày dính trên cây cho đến thu hoạch.

          – Rụng trái do nấm: khi trái rụng ta thấy lá đài và nơi tiếp giáp giữa cuống trái với lá đài (mầu dừa) có màu nâu đen, thối mềm.

          – Rụng do vi khuẩn: khi trái rụng quan sát thấy trên mầu trái dừa có mủ và có một số lá đài vẫn còn xanh.

          – Rụng do di truyền: do chọn giống trên cây dừa có bệnh nứt rụng trái non để trồng.

* Biện pháp phòng trừ:

– Tưới cho dừa trong mùa nắng, tránh bị ngập úng trong mùa mưa. Vào mùa mưa dầm, cắt bớt rễ cây để hạn chế cây hút nhiều nước.

– Sử dụng 3-5kg vôi bột rãi vào đất xung quanh rễ cây.

– Bón phân hữu cơ hàng năm làm cho đất tơi xốp, bón phân cân đối đặc biệt là phân Kali, giảm phân Ure.

– Rãi muối hột hoặc muối ăn vào các bẹ lá 1-2 lần/năm để bổ sung thêm Clo cho cây.

            – Tiến hành phun các loại thuốc trừ nấm vào buồng hoa (lúc hoa chưa nở) như Dithane 80WP, Tân Qui – Metaxyl 25WP, Oxo 200WP,… Liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

 

X. THU HOẠCH                                                

            Thời gian thu hoạch dừa uống nước khoảng 7-8 tháng sau khi hoa nở; Thời gian thu hoạch dừa khô  khoảng 11 – 12 tháng sau khi hoa nở (tùy theo giống).