Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm không bùn – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Lươn có thể nuôi trong bể xi măng, composite hoặc bể lót bạt Ảnh: Tâm Ngọc
Bể nuôi
Lươn có thể được nuôi trong bể xi măng, composite hoặc bể được lót bạt. Hoặc người nuôi có thể tận dụng các chuồng nuôi heo cũ không sử dụng để nuôi lươn. Diện tích phù hợp 5 – 10 m2, xây tường quanh bể với chiều dài khoảng 0,8 – 1 m. Thành bể cao 0,8 – 1 m; có độ dày 10 – 15 cm; độ sâu mức nước 0,2 – 0,4 m. Vật liệu xây bể có thể làm bằng gạch, đá. Toàn bộ mặt trong của bể cần lát gạch hoặc làm trơn láng bằng xi măng. Bể nuôi cần có cống thoát nước để tiện cho công việc chăm sóc, thay nước. Mặt đáy nghiêng về phía thoát nước khoảng 2,5 – 3 cm. Miệng cống phải bịt lưới tránh lươn chui trốn ra ngoài. Phía trên bể được lợp bằng mái che. Và mặt nước của bể có thể thả bèo để chống nắng, thuận lợi cho sự phát triển của lươn. Nhiệt độ nước thích hợp để nuôi lươn là 25 – 270C, pH đạt 7,0 – 8,5. Ngoài bể nuôi lươn thương phẩm nên có một bể chứa nước để lọc và thay nước lúc cần thiết. Có thể làm giá thể để lươn trú ẩn bằng những ống tre, gạch, gỗ.
Người nuôi cần lưu ý
Đối với bể cũ: Sau khi thu hoạch xong cần tháo cạn nước, rửa sạch bể và phơi trong khoảng thời gian 25 – 30 ngày kết hợp hòa vôi bột quét mặt trong của bể. Mục đích là để tiêu diệt các mầm bệnh trong bể.
Đối với bể mới xây: Sau khi cấp nước vào bể và tiến hành ngâm với thân cây chuối hột trong khoảng thời gian 10 – 15 ngày sau đó xả bỏ rồi rửa lại bằng nước sạch. Làm 2 – 3 lần rồi mới tiến hành cấp nước vào bể nuôi.
Chọn giống
Thời vụ thả lươn thường vào tháng 3 – 4 dương lịch. Hiện, có 2 nguồn lươn giống để người nuôi có thể lựa chọn là lươn ngoài tự nhiên và lươn được sinh sản nhân tạo hay bán nhân tạo.
Người nuôi nên chọn con giống có trọng lượng đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, lưng có màu vàng sẫm, bơi nhanh nhẹn, da không bị xây xước, mất nhớt. Với cỡ giống khoảng 40 – 50 con/kg, nên thả với mật độ là 80 – 160 con/m2. Trước khi thả, nên cho lươn tắm nước muối có nồng độ 2 – 3% trong khoảng 5 – 10 phút để khử trùng lươn con và loại bỏ ký sinh trùng, đồng thời sát trùng vết thương do xây xước trong quá trình đánh bắt hay vận chuyển. Thời điểm thả thích hợp là lúc trời mát, thả nhẹ nhàng vào bể.
Lưu ý: Nguồn giống nuôi chủ yếu được khai thác từ giống tự nhiên nên cần có bể thuần, phân cỡ trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Trong 1 – 2 ngày đầu không cho lươn ăn tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Mật độ thuần 3 – 5 kg/m2, thay nước 1 – 2 lần/ngày, thời gian thuần 5 – 7 ngày.
Chăm sóc
Thức ăn của lươn chủ yếu là cá tạp, giun, ốc, hến… Do lươn cần nhu cầu protein cao ít nhất 30% khẩu phần ăn của chúng. Vì thế, có thể cho lươn ăn khoảng 6 – 7 phần nghêu, ốc, hến hoặc cá tạp + 3 – 4 phần cám từ gạo, ngô, bột sắn. Thức ăn nên hấp chín. Định kỳ bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C với liều lượng 4 – 5 g/kg thức ăn hoặc trộn tỏi vào thức ăn với lượng 4 – 5 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn.
Đặc tính của lươn là ăn vào ban đêm. Do đó, ban đêm cho lươn ăn lượng thức ăn khoảng 80%, còn 20% cho ăn vào ban ngày. Mỗi sáng thay nước cho lươn 1 lần. Giai đoạn 1 tuần đầu cho ăn hoàn toàn vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn. Khi lươn ăn mạnh có thể cho lươn ăn 2 lần mỗi ngày với lượng 5 – 7% trọng lượng cơ thể của lươn. Sau khoảng 3 – 4 giờ cho ăn kiểm tra lại sàng ăn để xem khả năng bắt mồi của lươn, để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp ở lần kế tiếp. Khi lươn trưởng thành mỗi ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều mát. Sau khi cho lươn ăn khoảng 2 giờ nên kiểm tra lượng mồi trong sàn để vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn trong bể nuôi.
Quản lý
Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi như pH, ôxy, NH3… trước và sau mỗi kỳ thay nước bể nuôi. Từ tháng 1 – 2, thay 100% nước 1 – 2 ngày/lần trong bể nuôi. Mỗi tháng nên kiểm tra, phân loại cỡ lươn để thuận tiện trong việc chăm sóc và tránh hiện tượng ăn thịt lẫn nhau. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên quan sát nếu con nào bị xây sát phải tách riêng để chữa trị. Khi phát hiện lươn có dấu hiệu bất thường như lươn ăn ít, một số con bơi tách đàn hoặc ngóc đầu lên cần tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.
Dùng thuốc tím (KMnO4) với lượng 2 – 3 g/m3 nước định kỳ 2 tuần/lần tạt đều khắp bể để phòng bệnh cho lươn hoặc sử dụng một số chế phẩm sinh học phù hợp với lươn.
Sau thời gian nuôi 3 – 4 tháng, lươn đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch. Trước khi xuất bán, nên cho lươn nhịn ăn một ngày. Sau khi thu hoạch cần vệ sinh bể sạch sẽ để chuẩn bị nuôi lứa tiếp theo.
>> Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận vừa tổ chức hội thảo nghiệm thu mô hình nuôi lươn thương phẩm năm 2017 tại huyện Tuy Phong và thị xã La Gi, cho thấy, nuôi lươn thương phẩm được thực hiện bằng hình thức nuôi trong bể, sử dụng lao động trong gia đình, tận dụng thời gian nhàn rỗi, vì vậy nếu không tính công chăm sóc, với giá bán 120.000 đồng/kg, giúp lợi nhuận người nuôi tăng thêm hơn 10 triệu đồng.