Kỹ thuật nuôi lươn
Lươn là một loài vật quen thuộc nhưng nhiều bạn chỉ được nhìn thấy chúng khi đã trở thành… món ăn thơm phức trên mặt bàn. Để tìm hiểu về nghề nuôi lươn, giới thiệu với các bạn về mô hình nuôi trong bể nước không có bùn của anh Nguyễn Văn Hoàng (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM).
Ông Lý Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lập Thượng cho biết, anh Nguyễn Văn Hoàng là một điển hình “Nông dân SXKD giỏi” cấp thành phố. Anh cũng là người đầu tiên ở Củ Chi nghĩ ra cách nuôi lươn mới, không cần bùn đem lại hiệu quả cao. Sáng kiến của anh đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp người chăn nuôi lươn rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn. Đây cũng là điểm trình diễn để bà con tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Anh Hoàng cho biết, 5 năm về trước, lúc đó kinh tế gia đình rất khó khăn. Vợ làm ruộng, anh làm công an xã. Khi con gái lớn thi đậu đại học, anh lúc đó vừa mừng vừa lo. Mừng vì con đậu, được mở mặt với hàng xóm, lo ngày mai con lên thành phố học, tiền đâu mà nuôi? Đêm về anh cứ trằn trọc mãi không ngủ được.
Đang loay hoay không biết làm gì thì một người bạn mách ở tỉnh An Giang có mô hình nuôi lươn đồng rất hiệu quả. Lập tức anh lặn lội xuống tận nơi để học hỏi và mua giống về nuôi thử. Lúc đầu anh cũng nuôi theo cách truyền thống, cho bùn vào bể, bơm nước và cho lươn giống vào. Sau 12 tháng vừa nuôi vừa nghiên cứu, lứa lươn đầu tiên cũng tới ngày thu hoạch.
Hai vợ chồng cùng cậu con trai hí ha hí hửng tháo nước, bới bùn để bắt lươn, đào bới hoài, mỏi cả tay mà chỉ bắt được vài con. Thì ra lươn nuôi trong bùn bị chết gần hết mà anh không biết, vừa bước vào nghề đã bị thất bại. Mọi người trong gia đình, người nói ra, người nói vào, song anh quyết theo tới cùng.
“Năm 2008 một lần nữa tôi lại khăn gói đi một số tỉnh ở miền Tây, tham quan một số cơ sở nuôi lươn và tiếp tục mua giống về nuôi. Rút kinh nghiệm từ bài học thất bại đầu tiên, lần này tôi làm bài bản hơn; đặc biệt không sử dụng một tí bùn nào. Tận dụng 2 chuồng nuôi heo, sửa chữa lại và ốp gạch men, vừa chống thấm nước vừa không cho lươn bò ra ngoài. Ở dưới đáy bể có để ống thoát nước, ở trên có gắn đường nước vào.
Trước khi thả lươn giống, bơm nước vô ngâm bể 1 tuần rồi rửa sạch, xả hết nước và bơm nước mới vào. Trong bể có đóng 3 cái giàn làm bằng tre để cho lươn trú ẩn, sau đó tiến hành thả lươn giống. Khi thả lươn vào bể 2 – 3 ngày đầu không cho lươn ăn, để lươn tự thích nghi với môi trường. Thời gian đầu cho lươn giống ăn trùn quế, sau 1 tháng cho ăn cá biển xay nhỏ, cứ thế cho ăn, tháo xả nước thường xuyên và chờ tới lúc thu hoạch.
Qua quá trình nuôi lươn không bùn, anh Hoàng nhận thấy lươn không bị bệnh, mau lớn, suốt thời gian nuôi không phải tốn một đồng thuốc thú y nào, giảm được rất nhiều công lao động như công lấy bùn, cho ăn, thu hoạch. Đặc biệt rút ngắn thời gian nuôi từ 3 – 4 tháng. Nếu so sánh giữa nuôi truyền thống và nuôi không bùn thì nuôi không bùn nhàn hơn.
Nuôi lươn theo cách truyền thống từ khi thả con giống đến khi thu hoạch là 12 tháng. Nuôi không bùn thì chỉ mất 6 – 8 tháng là xuất bán, giúp người nuôi tiết kiệm tiền chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp cho nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 – 6 lần.
Anh Hoàng kể, từ thành công ban đầu, tôi mạnh dạn mở rộng thêm diện tích nuôi, tính đến nay đã có 3 cơ sở nuôi lươn với tổng diện tích khoảng 1.200 m2. Trong đó có 700 m2 làm khu ương giống, còn lại 500 m2 nuôi thương phẩm..