Kỹ thuật chăm sóc vườn cam sau thu hoạch cây nhanh phục hồi
Cây cam là loại cây cho ăn quả với giá trị kinh tế cao. Để cây cho năng suất cao, chất lượng quả tốt cần phải có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quyết định chủ yếu đối với vườn cam. Đặc biệt đối với các giai đoạn nhạy cảm của vườn cam như giai đoạn chăm sóc cây sau thu hoạch, giai đoạn cây chuẩn bị cho ra hoa đậu quả,… cần phải có kỹ thuật chăm sóc đúng để có một vườn cam đảm bảo năng suất và chất lượng. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bà con cách chăm sóc vườn cam sau thu hoạch cho vụ mùa tiếp theo năng suất vượt trội hơn.
Mục Lục
1. Kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn cam sau thu hoạch
– Sau khi thu hoạch vườn cam được 2-3 tuần là thời kỳ ta bắt tay vào công việc chăm sóc vườn cam sau thu hoạch, bước đầu tiên cần làm đối với vườn cam đó chính là cắt tỉa cành, tạo tán.
– Bà con cần cắt tỉa theo hình chữ Y tức có nghĩa cắt tỉa theo hình khai tâm, để làm sao cho ánh sáng lọt vào trong, để mang tính chất quả cam ra hoa đậu quả hầu như ở trong tán. Đối với các cành nhỏ bà con có thể sử dụng kéo cắt cành nhỏ chuyên dụng, đối với cành to có thể sử dụng cưa cắt cành. Bà con lưu ý khi cắt cành cần phải cắt gọn làm sao cho vết cắt không bị dập cành.
– Tiến hành cắt sát thân các cành khô, cành vượt, cành không nằm trong tán, cành mang sâu bệnh, cành yếu, cành không mang quả ở vụ trước để cây có độ thông thoáng. Bà con có thể cắt bỏ những cành to, hạ tán, làm sao để cây chỉ có chiều cao phát triển từ 3-3,5m.
– Sau khi cắt tỉa cành trên cây xong, bà con cần sử dụng vôi quét lên các vết cắt và quét từ gốc lên trên thân cây từ 70 cm-1,5m, để cho cây không bị nhiễm các nấm bệnh từ vết cắt.
2. Làm cỏ và bón phân cho vườn cam sau thu hoạch
2.1. Làm cỏ, xới đất cho vườn cam
– Việc làm cỏ, dọn vệ sinh trong vườn cam sau khi thu hoạch là hết sức cần thiết, để tránh làm nơi trú ngụ cho các loài sâu bệnh hại xâm nhập vào cây cam gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất vườn cam.
– Làm cỏ theo hình chiếu tán của cây khoảng 1-1,2m, phải làm sạch quả trước khi bón phân và dọn dẹp sạch cỏ và các tàn dư cành lá khô có trong vườn cam. Những dãy cỏ mọc ngoài tán cây hoặc trên đường băng bà con có thể dữ nguyên, nhưng nếu cỏ tốt quá cần có biện pháp sử lý như cắt bỏ bớt hạ thấp cỏ xuống để tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng đối với cây trồng mà vaanx có thể giữ ẩm được cho đất trồng.
Kỹ thuật làm cỏ cho vườn cam sau thu hoạch
– Bà con cần lưu ý, trong giai đoạn này không được sử dụng thuốc trừ cỏ để phun vào vườn cam. Bởi trong giai đoạn sau thu hoạch là bộ rễ của cây cam rất yếu và bộ rễ tơ của cây đang phát triển, nếu bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học bộ rẽ tơ sx bị thối hỏng, ảnh hưởng đến sự hấp thụ phân của cây.
– Việc xới đất cho cây cam cần được thực hiện hàng năm, để tạo độ thông thoáng và cung cấp thêm oxy cho đất. Khi xới đất thì bà con chú ý ở gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn do rễ của cam mọc yếu và nông gần lớp đất mặt.
2.2. Bón phân cho vườn cam sau thu hoạch
– Để cây cam được nhanh chóng phục hồi, bà con cần hết sức lưu ý cần lựa chọn các loại phân bón hữu cơ để cây được phục hồi sức và tạo năng suất cho vụ mùa tiếp theo.
– Bón phân cho vườn cam bà con cần dựa vào loại đất trồng, năng suất cho quả, độ tuổi vườn cam mà liều lượng bón phân cho cây sẽ khác nhau. Trung bình lượng phân bón 0,5-3kg/cây.
Kỹ thuật bón phân cho cây cam sau thu hoạch
– Trước khi bón phân bà con sử dụng cuốc đào rãnh theo hình chiếu tán của cây, sâu 25 – 30 cm, rộng 20 – 25 cm (tuỳ lượng phân bón), phơi đất khoảng 3 -7 ngày tùy vào thời tiết, sau đó mới trộn đều các loại phân bón với đất phơi ải, bón vào rãnh rồi lấp đất ngay.
– Việc đào rãnh để bón phân là để tạo hệ rễ tơ mới, làm đứt hệ rễ tơ cũ để cây có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng tốt hơn, khỏe hơn.
3. Tưới nước và tiêu nước cho vườn cam sau thu hoạch
– Đối với cây cam là loài cây ưa ẩm, ít chịu hạn nhưng lại cũng rất dễ bị úng nước, nên chính vì vậy bà con cần hết sức chú ý đến lượng nước tưới cần thiết cho vườn cam.
– Ở khu vực miền Bắc, sau khi thu hoạch cam xong thường rất ít có mưa chính vì vậy bà con cần cung cấp lượng nước tưới cho cây vào những ngày khô hạn, nắng nóng. Ở giai đoạn này, bà con chỉ cần tưới nước đủ ẩm cho cây là được không cần tưới quá đẫm cho cây cam như vậy sẽ kích thích cho cây nảy lộc đông, không tập chung phục hồi sức và cây bị phân hóa mầm hoa. Sau khi cắt tỉa cành, bà con nên tưới nước trong khoảng thời gian phơi đất việc này giống như rửa bộ rễ cho cây, nhằm giúp rễ cây dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.
– Cây cam cũng rất sợ úng nên cần có biện pháp thoát nước cho vườn cam khi cây bị ngập úng nước vào mùa mưa lũ.
4. Phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn cam sau thu hoạch
– Sau khi thu hoạch vườn cam rất dễ bị sâu bệnh hại tấn công nhất, bởi ở giai đoạn này cây đang có sức đề kháng yếu, nên phải thường xuyên theo dõi, cũng như thăm vườn cam thường xuyên các loài sâu hại thường gặp như: rệp sáp, rầy mềm, nhện đỏ,… để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
– Để ngăn ngừa các loài sâu bệnh hại cho vườn cam bà con có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng ngừa sớm và kịp thời các loại nấm gây hại cho cây trồng và đất. Trong đó bà con có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học BIO-FA hoặc BIO-FTN giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa đất. Bên cạnh đó còn thúc đẩy cho quá trình phân giải chất hữu cơ, cellulose, tăng độ mùn, với lượng bón 1-3kg BIO-FA/1000m2 /năm.
– Nếu bà con chăm sóc tốt bằng các biện pháp cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng, dọn vệ sinh làm cỏ sạch kết hợp với bón phân hữu cơ thì khả năng cây bị nhiễm sâu bệnh hại rất thấp, cây vẫn có khả năng chống chịu lại các loài sâu bệnh hại.
Trên đây là các biện pháp cần thiết chăm sóc vườn cam sau thu hoạch, quyết định đến năng suất và chất lượng quả ngon ngọt cho vụ mùa tiếp theo, bà con cần thực hiện đúng các biện pháp cho cây trồng.
Nguồn: Admin tổng hợp – LP