Kỹ thuật chăm sóc măng cụt: Tỉa cành, tạo tán cho măng cụt

1. Định hình tán cây măng cụt

Khi cây bắt đầu trồng đến khi ra hoa quả, hoạt động chủ yếu là tạo bộ rễ, hình thành thân chính và bộ khung cành lá. Tuy nhiên, nếu để cây tự phát triển thì các cành không đều nhau, cành khỏe, cành yếu. Cành yếu bị che khuất nên không có quả, còn cành khỏe lại mang quá nhiều quả vừa bị kiệt sức, ảnh hưởng chất lượng vừa dễ bị gẫy đặc biệt khi gió to.

Bên cạnh đó, theo thời gian một số bộ phận cành lá đã già che lấp các bộ phận cành lá non, hoặc những cành bị sâu bệnh, giảm hoặc không còn khả năng cho quả nữa nếu không được cắt tỉa thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây và chất lượng của quả.

Cây phải có bộ khung cành khỏe, phân phối đều trong tán thì mới có thể mang một khối lượng quả lớn được.

Tỉa cành, tạo tán cho măng cụt

Tỉa cành, tạo tán cho măng cụt

Dạng hình cây măng cụt chuẩn

+ Có 1 thân chính khỏe và mọc thẳng;

+ Có 4 – 5 cành cấp 1;

+ Cành cấp 1 đầu tiên được giữ lại cách mặt đất ít nhất 50 cm;

+ Các cành mọc đều các hướng;

+ Tán lá tròn đều, cân đối.

Muốn vậy thì ta phải tiến hành cắt tỉa.

* Những điểm quan trọng cần lưu ý khi đốn tỉa:

– Phải kiểm tra theo dõi thường xuyên vườn cây để can thiệp kịp thời.

– Đốn tạo hình phải làm sớm ngay từ vườn ươm. Khi cây chưa có hoa quả, cần cắt bỏ những cành vô ích, mọc sai vị trí ngay từ khi còn nhỏ để tránh cây mất sức và tiết kiệm dinh dưỡng cho cây.

– Đốn khi cây cho quả quan trọng nhất là sau khi thu hoạch, cắt bỏ những cành già yếu, sâu bệnh, những cành bị oằn gãy do mang quả quá nặng… và giữa mùa mưa cũng cần phải cắt bỏ những cành vượt che lấp ánh sáng.

– Khi đốn phải xác định ở mỗi cây, đốn nhẹ, nặng, hay trung bình.

– Khi cây ra quá nhiều quả, nên bẻ bớt để tăng chất lượng quả (quả to, đồng đều và đẹp mã hơn) và quan trọng là giữ cho cây khỏe không sớm kiệt sức.

– Cây măng cụt trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính thường cho nhiều nhánh mọc dầy gần mặt đất, do đó cần tạo hình cho cây trong những năm đầu.

Ngay sau khi trồng lưu ý chọn giữ một thân chính mọc thẳng. Sau khi các cành bên mọc ra, chọn giữ lại một số cành tốt làm giàn, loại bỏ các cành còn lại. Nên chọn các cành hợp với trục thân chính một góc khoảng 45 – 90o. Trong thời gian cây tiếp tục phát triển, các cành giàn ban đầu cũng tiếp tục được chọn lại và loại bỏ các cành mới mọc xen kẻ giữa các cành giàn.

– Tỉa bỏ những cành mọc thấp hơn 1m tính từ mặt đất để giảm bớt tác hại của bệnh chảy mủ gốc. Các cành mọc khít nhau cũng cần loại bỏ. Tỉa bỏ những cành sườn nhỏ yếu mọc ra từ những cành lớn bên trong tán, những cành mọc thẳng đứng, để giúp cây được thoáng, thụ phấn dễ dàng và quả phát triển tốt hơn. Thường xuyên loại bỏ những nhánh sâu bệnh, khô chết và giập gãy.

2. Tỉa cành măng cụt

2.1. Xác định các cành nhánh cần tỉa bỏ

– Cành vượt mọc đứng, cành bên trong tán;

– Cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh;

– Cành mọc quá gần mặt đất;

– Cành mọc đan chéo nhau;

– Cành già không còn khả năng cho quả;

– Cành ở ngoài tán…

2.2. Xác định vị trí cắt cành

– Cắt chồi mọc từ gốc ghép;

– Cắt tất cả các cành mọc cách mặt đất ≤ 50cm;

– Để lại các cành trên thân chính cách nhau 30 cm, còn những cành khác mọc ra trên thân chính thì nên cắt bỏ;

– Cùng một vị trí trên cây nếu có 2 cành mọc ra thì để 1 cành còn cắt bỏ 1 cành;

– Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất để cây phát triển tốt;

– Cắt ngọn măng cụt khi cây cao trên 8m, cắt ở vị trí 6m – 6,5 m (cách ngọn 1,5 – 2m).

2.3. Chuẩn bị dụng cụ cắt cành

– Kéo cắt cành loại nhỏ

Chuyên dùng cho cắt cành, sạch sẽ, không rỉ sét, lưỡi cong, có tay cầm, có lò so trợ lực để cắt các cành nhỏ, gần vị trí đứng thao tác.

Kéo cắt cành loại nhỏ

Kéo cắt cành loại nhỏ

– Cưa cầm tay: Yêu cầu lưỡi cưa phải sắc, sạch (không bị rỉ sét), răng cưa đều, dùng để cắt những cành mà kéo không cắt được.

Nếu cắt thân lớn, dùng cưa có răng lớn, đường mở răng rộng để dễ dàng thao tác.

Cưa cắt cành

Cưa cắt cành

– Kéo cắt cành loại cán dài: Dùng để cắt những cành ở trên cao.

Kéo cắt cành loại cán dài

Kéo cắt cành loại cán dài

 

2.4. Tiến hành cắt cành

– Khi cây còn nhỏ, tỉa cành mọc dày đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau … để tạo cho cây có tán thông thoáng và cân đối sau này.

– Khi cây đã cho quả vào mỗi cuối vụ quả, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành già không còn khả năng cho quả, cành vô hiệu bên trong tán cây.

Cắt cành vô hiệu

Cắt cành vô hiệu

Đặc biệt, tỉa ngắn lại 1 đoạn 30 – 40 cm cho những cành ở mặt ngoài tán nhằm giúp tán cây không giao nhau đồng thời kích thích cây ra đọt nhanh và đồng loạt hơn,…

Việc tỉa cành ngoài tán được thực hiện sao cho tán cây trở nên bằng phẳng (không lồi lõm), không có cành bị che khuất để bảo đảm chất lượng quả. Do đó, không nhất thiết phải cắt một đoạn 30 – 40 cm cho mỗi cành, trong trường hợp có thể phải cắt một đoạn > 40 cm hoặc < 30 cm.

Tỉa cành phải tiến hành ngay sau đợt bón phân lần 1 và phải làm xong trong 1 tuần (1 tuần sau khi bón phân) để giúp cây có đủ dinh dưỡng mọc chồi khỏe và đồng loạt.

Lưu ý: Cây măng cụt có cành to nhưng lại rất giòn và dễ gãy, khi cây măng cụt mang quả nhánh thường có hiện tượng quằn xuống, thỉnh thoảnh thấy phần nhánh phía trên bị bung vỏ qua nhiều vụ, nhánh bị gãy hoặc bị khô đi, do đó ở cây có cành phát triển tốt cần phải dùng dây nylon chắc để kéo cành lên, nhằm tránh gãy nhánh, hư cành, bằng cách cột một đầu dây vào cành và đầu còn lại cột vào thân cây chính. Việc treo cành là cần thiết nhất là trong mùa mưa bão trong giai đọan cây mang quả và trong vụ thu hoạch.

2.5. Vệ sinh vết cành

Gọt nhẵn vết cắt, quét sơn, vôi hoặc một loại thuốc trừ nấm cho vết cắt có đường kính ≥ 1cm. Hoặc có thể dùng băng keo nilon cuốn vết cắt cành lại cho nước và sâu bệnh không tấn công vào vết thương.

Nếu cắt ngọn để khống chế chiều cao cây: Quét hỗn hợp Agri-fos + Mancozeb để phòng bệnh và dùng vỏ chai thuốc cắt đôi rồi úp lên vết cắt.

2.6. Chăm sóc, kiểm tra sau khi cắt tỉa

– Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.

– Cây sau cắt tỉa rất dễ bị bệnh xì mủ thân, thối rễ gây chết cây, nên xịt thuốc để phòng bệnh xảy ra.

– Bón phân và tưới nước giúp cây nhanh hồi phục, có thể dùng phân bón gốc hoặc phân bón lá.

– Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại sớm cũng như các cành mới mọc ra sai vị trí thì tiếp tục cắt tỉa.

3. Tạo tán cho măng cụt

– Khi cây còn nhỏ không nên tỉa bỏ ngọn cây.

– Nên tỉa bỏ những cành dầy đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau trên thân cây.

– Tuyển chọn lại 5 – 6 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 30cm. Cành thứ nhất cách mặt đất 50 – 80 cm, nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng

– Giai đoạn cây còn nhỏ hoặc mới phát triển từ cành ghép, gốc ghép cần tạo tán để cây có một thân chính chắc chắn, một khung tán vững vàng và phân bố đều trong không gian.

Trong đó, có thân chính, cành cấp 1, cành cấp 2, cấp 3, và các nhánh phối hợp với nhau một cách hài hoà để tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời và nguồn dinh dưỡng lấy từ đất nhằm cho quả sớm và có sản lượng cao.

Măng cụt không để giao tán

Măng cụt không để giao tán

Lưu ý: Với cây măng cụt không được để tán cây giao nhau, cần phải thu hẹp tán cây giúp cây ra đọt nhanh, nhiều và đồng loạt bằng cách tỉa ngắn lại 1 đoạn 30 – 40 cm cho những cành ở mặt ngoài tán.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây măng cụt – Bộ NN&PT NT