Kỳ thú: Siêu trăng, mưa sao băng cực đại cùng xuất hiện vào đêm rằm tháng 7
Theo ông Vũ Thế Hoàng, Chủ tịch Hội Thiên văn Hà Nội, đây là hiện tượng thiên văn hiếm gặp, không phải năm nào cũng xảy ra.
Năm nay, ngày mưa sao băng Perseids (còn gọi là sao băng Anh Tiên) đạt cực đại cũng trùng với ngày xuất hiện siêu trăng.
NASA
Siêu trăng xảy ra khi mặt trăng về gần trái đất và được mặt trời chiếu sáng toàn bộ. Từ trái đất quan sát sẽ thấy mặt trăng lớn hơn và sáng hơn bình thường. Đây là lần siêu trăng cuối cùng trong năm 2022.
Mưa sao băng là một trong những sự kiện thiên văn nổi bật và được săn đón bởi tần suất sao băng xuất hiện trên giờ và tỷ lệ sao băng sáng của nó. Perseids có nguồn gốc từ sao chổi 109P/Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862, khi trái đất đi qua những mảnh vỡ còn sót lại của nó vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm. Tần suất cực đại của mưa sao băng Perseids có thể đạt tới 60 – 80 vệt băng/giờ.
Ông Hoàng cho hay, sao băng Perseids có tên gọi Anh Tiên là bởi vì các sao băng dường như phát ra từ chòm sao Anh Tiên (Perseus). Các nhà thiên văn gọi đó là điểm phát mưa sao băng. Chòm sao này được đặt tên theo anh hùng Perseus, người đã chặt đầu ác quỷ Gorgon Medusa và kết hôn với công chúa Andromeda theo thần thoại Hy Lạp.
“Rằm tháng 7 năm nay là một đêm rằm đáng nhớ với người yêu thiên văn. Tuy nhiên, sẽ rất khó quan sát siêu trăng và mưa sao băng cùng một lúc. Chúng ta có thể xem siêu trăng vào đầu giờ tối khi trăng bắt đầu mọc. Còn mưa sao băng có thể quan sát sau nửa đêm, từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng”, ông Hoàng nói.
NASA
Tại Việt Nam, theo Chủ tịch Hội Thiên văn Hà Nội, người yêu thiên văn có thể quan sát 2 hiện tượng trên bằng mắt thường ở bất cứ địa điểm nào, song phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Lý tưởng nhất là khu vực ở ngoại thành, bãi đất trống có thời tiết ít mây, không mưa, không bị ô nhiễm ánh sáng đô thị.
Trước khi ngắm mưa sao băng, người xem cần thích nghi với bóng tối ít nhất 15 phút sẽ có thể quan sát các sao băng mờ hơn, nói cách khác, bạn không nên nhìn vào màn hình điện thoại. Các sao băng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời, do đó, bầu trời quan sát càng rộng, người xem càng có thể nhìn thấy nhiều sao băng hơn.