Kỹ nữ – phiên bản Kiều mới của sân khấu Quốc Thảo
Đây là một phiên bản về nàng Kiều, góp thêm vào làng nghệ thuật một chất liệu khác, chứng tỏ Kiều vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ.
Chọn Kiều cho lứa học trò của mình thể hiện, có thể nói Quốc Thảo khá “dũng cảm”, bởi đây là nhân vật “đóng đinh” trong tâm thức bao người, diễn sao cho khán giả chấp nhận thật sự không dễ. Ở vở diễn Kỹ nữ, Quốc Thảo không hề cho Kim Trọng xuất hiện, từ đầu cũng như cái kết, mà chỉ cắt câu chuyện từ lúc nhà họ Vương gặp biến cho tới khi Kiều nhảy sông tự vẫn sau sự kiện Từ Hải, nghĩa là lấy giai đoạn Kiều làm kỹ nữ là chính. Câu chuyện xoay quanh thế giới đen tối ở thanh lâu và nhấn nhá thêm các nhân vật phụ cho có màu sắc để diễn viên trẻ hoạt náo.
Nàng Kiều vì cứu cha mà bán mình, rồi bị lừa vào thanh lâu, từ tiểu thư khuê các biến thành giang hồ, rồi thành Hoa Nô trong nhà Hoạn Thư, tiếp theo bị Hoạn Thư bắt đi tu, khi vượt thoát lại gặp một thanh lâu thứ hai, rồi Từ Hải cứu chuộc, và cuối cùng mượn dòng sông để kết thúc cuộc đời… Bao nhiêu sự kiện dồn dập đó gói trong 2 tiếng rưỡi đủ cho các bạn trẻ làm tròn vai dù họ mới chỉ là những cây non chập chững. Điểm nhấn của Quốc Thảo dành cho Tú bà, Mã Giám Sinh, quan Gian Tâm, Hồ Tôn Hiến, đó chính là những thế lực đen tối trong xã hội đã cấu kết nhau dìm chết đời Kiều. Vì dụng ý như thế nên vở kịch không có những đoạn ngôn tình, những tâm lý được đào sâu dành cho Thúy Kiều. Tất cả là sự kiện quay cuồng cuốn nàng Kiều vào vòng xoáy đó.
Thiết kế sân khấu khá đẹp, chủ yếu dùng tơ lụa mỏng manh như số phận nàng Kiều. Những lớp diễn giao đãi, lớp múa thay cho nội dung thể hiện cũng bật lên sự tàn khốc của cuộc đời nhân vật chính. Trang phục được đầu tư khá tốt, đẹp mắt. Vở diễn chứng tỏ nghệ sĩ Quốc Thảo đã dành nhiều sự quan tâm, khích lệ và chăm chút cho những lứa cây non do anh đào tạo.