Kỹ năng nói trước đám đông: Trở thành diễn giả lôi cuốn | ITD Vietnam
Mục Lục
Kỹ năng nói trước đám đông là gì?
Nói trước đám đông (public speaking) là kỹ năng mềm đòi hỏi khả năng giao tiếp tốt, nhiệt tình và biết tương tác với người nghe. Trong đó, diễn giả đóng vai trò thuyết trình trước mặt một nhóm người.
Đó có thể là những bài phát biểu trước một nhóm nhỏ nhân viên, cho đến thuyết trình trước đông đảo khán giả tại hội nghị hoặc sự kiện quốc gia. Chúng ta cần phải có khả năng nói chuyện thoải mái trước đám đông – bất kể quy mô như thế nào.
Khi đề cập đến kỹ năng nói trước đám đông, có 7 yếu tố cần lưu ý sau:
-
Người nói.
-
Thông điệp.
-
Phương thức.
-
Người nghe.
-
Phản hồi.
-
Ý nghĩa.
-
Tình huống.
Tầm quan trọng của kỹ năng nói trước đám đông trong giao tiếp
Ngay cả khi bạn không phải là cấp lãnh đạo và không thường xuyên thuyết trình trước nhóm, vẫn có rất nhiều tình huống mà kỹ năng này có thể giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp và gặt hái nhiều cơ hội hơn.
Lấy ví dụ, bạn có thể phải giới thiệu về doanh nghiệp của mình tại một hội nghị, phát biểu sau khi nhận giải thưởng, hoặc tổ chức đào tạo cho nhân viên mới. Nói chuyện với đám đông bao hàm luôn cả việc thuyết trình trực tuyến (ví dụ: khi cần đào tạo trực tuyến cho nhân viên, trao đổi với khách hàng trong các cuộc họp trực tuyến…).
Kỹ năng nói trước đám đông cũng tỏ ra quan trọng không kém trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Chẳng hạn, bạn có thể được yêu cầu phát biểu trong đám cưới của bạn bè, viết điếu văn cho người thân, hoặc truyền cảm hứng cho các nhóm tình nguyện viên tại một sự kiện từ thiện.
Tóm lại, trở thành diễn giả chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, tăng cường sự tự tin và mở ra vô số cơ hội phát triển bản thân cho bạn.
Tuy nhiên, nếu như kỹ năng tốt sẽ mang lại cơ hội, thì ngược lại, kỹ năng kém sẽ đóng lại những cơ hội đó. Ví dụ: Sếp có thể quyết định không thăng chức cho bạn sau khi nghe bạn hoàn thành một bài thuyết trình không tốt. Bạn có thể bị mất một hợp đồng “béo bở” nếu không kết nối và thuyết phục được khách hàng tiềm năng trong buổi chào hàng. Hoặc bạn có thể tạo ấn tượng kém với nhóm nhân viên mới, chỉ vì nói quá nhiều và không nhìn thẳng vào mắt mọi người.
Vì lý do này, hãy chắc chắn rằng bạn nắm rõ nguyên lý – và thực hành thuần thục – kỹ năng nói chuyện trước đám đông!
Đọc thêm: 6 phẩm chất cơ bản của nhà quản lý
Những yêu cầu quan trọng đối với kỹ năng nói trước đám đông
Khi nói trước đám đông, bạn sẽ cần quan tâm đến 5 yếu tố chính:
- Phát âm rõ ràng.
- Phong cách trình bày hấp dẫn.
- Đánh giá đúng nhu cầu khán giả.
- Biết sử dụng công cụ trình chiếu.
- Sáng tạo trong phương thức truyền tải.
1. Phát âm rõ ràng
Khả năng nói tốt là yêu cầu tiên quyết trong nghệ thuật nói trước công chúng. Điều này bao gồm phát âm rõ ràng, nói đủ to, sử dụng ngữ pháp phù hợp mà không cần đến những từ thừa như “à”, “ừm”. Bạn có thể nói tốt trong các cuộc trò chuyện thông thường, nhưng nói trước đám đông là một buổi “trình diễn” đòi hỏi quá trình luyện tập và chuẩn bị.
Chúng ta không cần học thuộc lòng nội dung cần nói – hầu hết mọi người có thể nói ngẫu hứng với bất kỳ cá nhân nào, nhưng chúng ta cần nắm rõ thông tin và cách diễn đạt để không bị khựng lại hay nói vấp. Bạn cũng cần phải chú ý điều chỉnh để hoàn thành đúng thời gian, thay vì quá sớm hay quá muộn.
2. Phong cách trình bày hấp dẫn
Phong cách trình bày bao gồm giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và khả năng căn chỉnh thời gian. Một phong cách thích hợp có thể biến buổi nói chuyện nhàm chán trở nên thú vị và hấp dẫn – thậm chí hài hước.
3. Đánh giá nhu cầu khán giả
Một số khán giả quan trọng tiểu tiết; nhưng số khác thì không. Một số thích hài hước; những người khác lại không thích như vậy. Có những trò đùa có tác dụng với một số người, nhưng lại không có tác dụng với những người khác. Để chuẩn bị bài diễn thuyết thành công và áp dụng phong cách trình bày phù hợp, bạn cần phải hiểu rõ mong muốn của người nghe.
4. Biết sử dụng PowerPoint
PowerPoint là phần mềm được sử dụng để tạo slide thông dụng nhất. Tuy không thực sự cần thiết, slide trình chiếu hiện được áp dụng phổ biến đến mức nếu không có, bài diễn thuyết thường sẽ bị xem là thiếu điểm nhấn. Bạn không chỉ phải hiểu khía cạnh kỹ thuật của việc sử dụng PowerPoint, mà còn phải có khả năng tạo slide có tính thẩm mỹ và dễ hiểu – bằng không, bạn phải có một cộng tác viên làm thay giúp bạn. Dù thế nào đi nữa, một diễn giả phải biết cách tích hợp nhuần nhuyễn slide PowerPoint vào mọi khía cạnh của bài thuyết trình.
5. Sáng tạo
Cho dù là chuẩn bị bài nói từ trước thời hay thuyết trình ngẫu hứng, bạn cần phải có khả năng cấu trúc bài nói hợp lý, mạch lạc, dễ hiểu và bao hàm tất cả các điểm cần nhấn mạnh. Trình bày nội dung dưới hình thức một câu chuyên – kết hợp với tính hài hước – sẽ mang lại hiệu quả diễn thuyết vô cùng tuyệt vời. Nói trước đám đông không chỉ là một hình thức nghệ thuật trình diễn, mà còn yêu cầu nơi bạn kỹ năng viết lách tốt.
Bí quyết rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông
Kỹ năng nói trước đám đông là một năng lực hoàn toàn có thể học được. Bạn có thể áp dụng các chiến lược sau để rèn luyện và nâng cao năng lực trình bày – diễn thuyết.
1. Lên kế hoạch chi tiết
Đầu tiên, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị cẩn thận trước khi nói. Sử dụng các công cụ như Tam giác hùng biện, Trình tự có động lực của Monroe và 7C trong Giao tiếp để suy nghĩ về phương pháp hệ thống những gì bạn sẽ nói.
Cũng giống như khi bạn đọc đoạn đầu tiên của một cuốn sách, nếu thấy không đủ cuốn hút, khả năng lớn là bạn sẽ ngưng đọc ngay lập tức. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho thuyết trình: Ngay từ đầu, bạn cần biết cách thu hút khán giả của mình.
Lấy ví dụ, bạn có thể bắt đầu bài nói bằng một số liệu thống kê, dòng tiêu đề hoặc thông tin thú vị liên quan đến nội dung đang nói mà khán giả quan tâm. Ngoài ra, phương pháp kể chuyện (storytelling) cũng có thể được sử dụng như một công cụ hỗ trợ.
Lập kế hoạch cũng giúp bạn phát triển năng lực ứng biến nhanh chóng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phần giải đáp thắc mắc (FAQ) – vốn không thể đoán trước – hoặc các cuộc giao tiếp vào phút cuối cùng.
Hãy nhớ rằng không phải khi nào mọi sự cũng diễn ra như đã dự đoán và lên kế hoạch trước. Bạn có thể thực hiện những bài phát biểu ngẫu hứng bằng cách chuẩn bị trước các ý tưởng và bài phát biểu nhỏ. Điều này cũng giúp bạn hiểu rõ và có cái nhìn thấu đáo về những gì đang diễn ra trong doanh nghiệp và ngành của bạn.
2. Thực hành
Hẳn bạn đã quen thuộc với câu châm ngôn: “Trăm hay không bằng tay quen”. Bạn sẽ không thể trở thành diễn giả tự tin, thu hút nếu không thực hành.
Hãy tìm kiếm cơ hội để được nói chuyện trước người khác. Nếu bạn cần gợi ý, Toastmasters là một câu lạc bộ đặc biệt hướng đến đối tượng mong muốn trở thành diễn giả – và bạn có thể thực hành rất nhiều khi tham dự các buổi gặp mặt tại Toastmasters. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự đặt mình vào những tình huống cần nói trước đám đông, chẳng hạn như bằng cách đào tạo chéo cho nhóm nhân viên từ một bộ phận khác, hay tình nguyện phát biểu tại các cuộc họp nhóm.
Khi bạn biết mình sắp phải thuyết trình hoặc phát biểu, hãy chuẩn bị càng sớm càng tốt. Bằng cách đó, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để luyện tập.
Thực hành nhiều lần một mình, sử dụng các công cụ mà bạn sẽ sử dụng đến tại sự kiện. Trong quá trình thực hành, hãy chỉnh sửa các câu từ cho đến khi hoàn toàn trôi chảy và biểu đạt dễ dàng.
Sau đó, nếu có thể, hãy để các hình nộm trước mặt để mô phỏng khán giả đang lắng nghe bài thuyết trình: điều này sẽ giúp bạn xoa dịu cảm giác bồn chồn và cảm thấy thoải mái hơn. Khán giả của bạn cũng có thể cung cấp cho bạn phản hồi hữu ích, cả về thông tin bạn trình bày và kỹ năng nói trước đám đông của bạn.
3. Tương tác với khán giả
Khi nói, bạn có khoảng 60 giây để thu hút sự chú ý của khán giả – do đó, hãy làm điều đó trước khi họ bắt đầu mất tập trung. Sử dụng thời gian này để đặt câu hỏi kích thích tư duy, kể một câu chuyện hấp dẫn, hoặc chia sẻ số liệu thống kê gây sốc – bất cứ điều gì cần để hấp dẫn họ.
Trong quá trình diễn thuyết, hãy cố gắng tương tác với khán giả. Điều này làm cho bạn cảm thấy ít bị cô lập hơn với tư cách là người nói, đồng thời giúp kết nối người nghe với thông điệp bạn đưa ra. Nếu có thể, hãy đặt những câu hỏi cụ thể đến các cá nhân hoặc nhóm nào đó – cũng như khuyến khích khán giả tham gia đặt câu hỏi.
Hãy nhớ rằng một số cụm từ sẽ tác động không tốt đến phong thái của bạn. Ví dụ:
-
“Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được những mục tiêu này”,
-
“Tôi nghĩ rằng kế hoạch này là một kế hoạch tốt.”
Những từ “chỉ” và “tôi nghĩ” sẽ làm hạn chế khả năng tạo ảnh hưởng và thuyết phục của bạn. Vì vậy, hãy cố gắng đừng lặp lại những từ đó.
Một ví dụ tương tự là từ “thực ra,” như trong câu: “Thực ra, tôi muốn bổ sung rằng chúng ta đã thiếu ngân sách trong quý trước”. Việc bạn nói “thực ra” sẽ tạo ra cảm giác khuất phục, thậm chí ngạc nhiên. Thay vào đó, hãy nói trực tiếp và rõ ràng như: “Chúng ta đã thiếu ngân sách trong quý trước”.
Ngoài ra, hãy chú ý đến cách nói của mình. Khi lo lắng, bạn sẽ có xu hướng nói nhanh hơn. Hệ quả là bạn dễ vấp váp, hoặc “buột miệng” điều gì đó mà bạn không định nói ra. Hãy kiểm soát bản thân, nói chậm lại bằng cách hít thở sâu. Đừng ngại dừng lại để suy nghĩ trước khi nói – thời gian tạm dừng là phần quan trọng trong bài thuyết trình, giúp lời nói của bạn nghe có vẻ tự tin, tự nhiên và chân thực hơn.
Cuối cùng, tránh đọc từng chữ trong giấy ghi chú. Thay vào đó, hãy lập danh sách các nội dung quan trọng, hoặc – khi bạn đã thuần thục kỹ năng nói trước đám đông, cố gắng ghi nhớ những gì bạn sẽ nói. Tất nhiên, bạn vẫn có thể tham khảo lại ghi chú khi cần.
4. Kiểm soát giọng nói
Giọng nói là công cụ tối quan trọng trong nghệ thuật nói trước công chúng. Một cách đơn giản để cải thiện giọng nói là học cách thở sâu từ cơ hoành.
Thở bằng cơ hoành, hay thở bằng bụng, là kỹ thuật cần thiết để hình thành một giọng nói mạnh mẽ. Đây là phương pháp mà các ca sĩ chuyên nghiệp sử dụng để cải thiện chất lượng giọng hát. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng giúp bạn giữ hơi lâu hơn.
Thực hành thở bằng cơ hoành cũng góp phần giảm cảm giác khó thở do lo lắng khi nói. Kiểu thở này sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn các khía cạnh sau:
-
Giai điệu (chất lượng).
-
Pitch (cao hoặc thấp).
-
Âm lượng.
Trước khi phát biểu, hãy đặt một tay lên bụng và cảm nhận nhịp thở từ bụng. Đếm đến 10 khi bạn hít vào và lấp đầy bụng, sau đó đếm lại đến 10 khi bạn thở ra. Hãy nhớ thở bằng bụng trong suốt quá trình phát biểu trước đám đông.
Đọc thêm: 6 cách luyện giọng nói hay và truyền cảm khi giao tiếp
5. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Nói một cách đơn giản, ngôn ngữ cơ thể là cách cơ thể bạn giao tiếp mà không cần sử dụng lời nói. Đó là sự kết hợp của các biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ và chuyển động – nhằm truyền đạt những gì đang diễn ra trong tâm trí bạn.
Nếu không cẩn thận, ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ cho khán giả thấy trạng thái nội tâm đang diễn ra bên trong bạn. Nếu bạn lo lắng hoặc không tin vào những gì đang nói, khán giả sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó.
Vì vậy, hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể bằng cách: đứng thẳng, hít thở sâu, nhìn thẳng vào mắt mọi người (giữ giao tiếp bằng mắt) và mỉm cười. Đừng dựa vào một chân hay thực hiện các cử chỉ thiếu tự nhiên.
Nhiều người thường thích đứng sau bục khi thuyết trình. Mặc dù bục có thể hữu ích để đặt giấy ghi chú, nhưng chúng lại tạo ra một rào cản giữa bạn và khán giả. Chiếc bục cũng có thể trở thành “chiếc nạng”, giúp bạn có nơi ẩn nấp khỏi hàng chục hoặc hàng trăm cặp mắt đang đổ dồn về phía mình.
Thay vì đứng sau bục, hãy đi vòng quanh và sử dụng cử chỉ, điệu bộ để thu hút khán giả. Sự chuyển động và năng lượng cũng nhờ thế mà truyền qua giọng nói, giúp bạn trở nên năng động và nhiệt huyết hơn.
6. Suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực là cơ sở thành công trong giao tiếp, giúp bạn cảm thấy tự tin hơn. Nỗi sợ hãi khiến bạn dễ rơi vào tình trạng tiêu cực, đặc biệt là ngay trước các buổi thuyết trình/ diễn thuyết với hàng tá những suy nghĩ khủng khiếp như “Tôi sẽ không bao giờ làm giỏi việc này!” hoặc “Tôi sẽ ngã sấp mặt!”. Điều này sẽ hạ thấp sự tự tin của bạn, ngăn cản bạn đạt được những gì mình thực sự có khả năng.
Sử dụng lời khẳng định và khả năng hình dung sẽ góp phần nâng cao đáng kể sự tự tin. Điều này đặc biệt quan trọng ngay trước bài phát biểu/ thuyết trình. Hãy tưởng tượng ra cảnh bạn diễn thuyết thành công, cảm giác của bạn khi kết thúc bài phát biểu, cũng như ảnh hưởng tích cực của bạn đến mọi người. Lặp lại những câu khẳng định tích cực như “Tôi rất biết ơn vì tôi đã có cơ hội giúp đỡ khán giả của mình” hoặc “Tôi sẽ làm tốt!”.
Đọc thêm: 12 bí quyết thành công – Thay đổi cuộc đời ngay hôm nay
7. Đối phó với nỗi lo lắng
Đã bao nhiêu lần bạn nghe nói hoặc chứng kiến một số diễn giả thất bại trong buổi trình bày? Hẳn âu trả lời của bạn sẽ là “không thường xuyên lắm”.
Khi phải nói trước mặt người khác, chúng ta có thể hình dung ra những viễn cảnh rất khủng khiếp. Chúng ta tưởng tượng rằng mình sẽ quên hết mọi luận điểm đã chuẩn bị trước, ngất đi vì lo lắng, hoặc trình bày tệ hại đến mức mình sẽ bị mất việc. Nhưng những điều đó hầu như không bao giờ xảy ra! Chúng ta đang để bản thân bị chi phối bởi những nỗi lo vô căn cứ.
Rất nhiều người cho rằng nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi lớn nhất của họ – và nỗi sợ thất bại thường là căn nguyên của vấn đề này. Nói trước đám đông có thể dẫn đến phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” : Adrenaline gia tăng trong mạch máu, nhịp tim nhanh hơn, đổ mồ hôi, hơi thở trở nên nhanh và gấp.
Mô hình chữ U ngược cho thấy căng thẳng sẽ nguyên nhân tác động xấu đến sự phát triển của kỹ năng thuyết trình – nói trước đám đông. Bằng cách thay đổi tư duy, bạn có thể biến cảm giác lo lắng trở thành điều có lợi cho bản thân.
Tham khảo cách giữ bình tĩnh và chữa bệnh hồi hộp tại đây
Cách nói trước đám đông không bị run là hãy cố gắng ngừng suy nghĩ về bản thân, cảm giác lo lắng hay sợ hãi. Thay vào đó, hãy tập trung vào khán giả của bạn: Những gì bạn đang nói đều là “về họ”. Hãy nhớ rằng bạn đang cố gắng giúp đỡ hoặc mở mang cho họ theo một cách nào đó, và thông điệp bạn truyền tải quan trọng hơn nỗi sợ hãi đang hiện hữu. Tập trung vào mong muốn và nhu cầu của khán giả, thay vì về riêng bản thân mình.
Nếu thời gian cho phép, hãy thực hành các bài tập thở sâu để làm chậm nhịp tim và cung cấp cho cơ thể lượng oxy cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng ngay trước khi bắt đầu nói. Hít thở sâu từ bụng, giữ hơi trong vài giây và từ từ thở ra.
Nói chuyện trước đám đông thường tỏ ra đáng sợ hơn hẳn so với khi nói với một người duy nhất. Vì vậy, hãy coi bài phát biểu của bạn như cuộc trò chuyện với chỉ một người. Mặc dù khán giả của bạn có thể lên tới 100 người, hãy tập trung vào một khuôn mặt thân thiện tại một thời điểm nhất định, và nói chuyện với người đó như thể họ là người duy nhất trong phòng.
Đọc thêm: Đối thoại huấn luyện – Bí quyết cho buổi coaching hiệu quả
8. Xem lại bản ghi hình các bài phát biểu của mình
Bất cứ khi nào có thể, hãy ghi lại các bài thuyết trình/ phát biểu của bản thân. Bạn có thể cải thiện đáng kể kỹ năng nói trước đám đông bằng cách xem lại các bản ghi này và cố gắng cải thiện những điểm chưa làm tốt.
Khi xem lại, hãy để ý bất kỳ dấu hiệu nào trong ngôn từ như “à”, “ừm”. Quan sát ngôn ngữ cơ thể của mình – Bạn đang lắc lư, nghiêng người trên bục giảng, hay đứng trụ một chân? Bạn đang nhìn vào khán giả? Bạn đã mỉm cười? Bạn có nói rõ ràng không?
Ngoài ra, hãy chú ý đến cử chỉ của bạn. Những cử chỉ này xuất hiện tự nhiên hay gượng ép? Hãy đảm bảo rằng mọi người có thể nhìn thấy rõ, đặc biệt nếu bạn đang đứng sau bục.
Cuối cùng, hãy xem cách bạn xử lý những khoảng thời gian gián đoạn trong buổi thuyết trình – chẳng hạn như khi vô ý hắt hơi, hoặc khán giả đặt một câu hỏi mà bạn chưa kịp chuẩn bị. Khuôn mặt của bạn có biểu lộ sự ngạc nhiên, do dự hay khó chịu không? Nếu vậy, hãy thực hành kiểm soát những điểm gián đoạn như thế một cách suôn sẻ, để lần sau thuyết trình hiệu quả hơn.
Nếu cần thiết, hãy tham khảo các video clip của những diễn giả mà bạn ngưỡng mộ. Cố gắng bắt chước những điểm đặc biệt trong phong cách của họ mà bạn cảm thấy phù hợp với mình. Sau đó, hãy thực hành liên tục cho đến khi nhuần nhuyễn.
Đọc thêm: Nghệ thuật giao tiếp của nhà lãnh đạo
Tổng kết
Đôi khi, tình huống công việc hoặc cuộc sống đòi hỏi bạn sẽ cần phải nói trước đám đông. Mặc dù nghe có vẻ đáng sợ, nhưng lợi ích của việc nói tốt trước đám đông rất đáng để cân nhắc hơn so với bất kỳ nỗi sợ hãi nào. Sau đây là bí quyết để trở thành một diễn giả chuyên nghiệp:
- Lên kế hoạch chi tiết.
- Thực hành thường xuyên.
- Tương tác với khán giả.
- Kiểm soát giọng nói.
- Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể.
- Suy nghĩ tích cực.
- Đối phó với nỗi lo lắng.
- Xem lại bản ghi hình các bài phát biểu.
Kỹ năng nói trước đám đông là cơ sở giúp bạn có được việc làm mong muốn, thăng chức, nâng cao hình ảnh bản thân trong nhóm/ doanh nghiệp, cũng như truyền cảm hứng cho người khác. Càng luyện tập nói chuyện trước mặt người khác bao nhiêu, bạn càng trở nên thành thục và tự tin hơn bấy nhiêu.
Tham khảo ngay thông tin lớp học kỹ năng nói chuyện trước đám đông của ITD