Kỹ năng mềm là gì? 11 kỹ năng mềm giúp bạn thành công trong công việc & cuộc sống – JobsGO Blog
4.5/5 – (6 votes)
Hiện nay, kỹ năng mềm ngày càng chứng tỏ được tầm quan trọng của mình đối với sự thành bại trong sự nghiệp cũng như xã hội của một cá nhân. Để đạt được thành công thì chỉ có kiến thức, trình độ chuyên môn thôi là chưa đủ, bạn cần phải có cả các kỹ năng mềm. Vậy thì kỹ năng mềm là gì? Những kỹ năng mềm nào sẽ cần thiết trong công việc của chúng ta? Cùng tìm hiểu với JobsGO bạn nhé.
1. Kỹ năng mềm là gì?
Kỹ năng mềm (Soft Skills) hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống của chúng ta như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác, kỹ năng quan sát, khả năng thích nghi, kỹ năng quản lý thời gian,…
2. Tầm quan trọng của kỹ năng mềm
Nếu một người chỉ có kỹ năng chuyên môn giỏi thì đã đủ để thành công hay chưa? Bạn có biết vì sao rất nhiều học sinh, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường học rất giỏi, nhưng đến khi đi làm lại không đạt được thành công như mơ ước không? Đó là bởi họ thiếu những kỹ năng thực hành xã hội.
Ngày nay, kỹ năng mềm có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại trong sự nghiệp của mỗi người. Ví dụ như những kỹ năng chia sẻ, xử lý tình huống sẽ giúp bạn tạo ra nhiều giá trị thiết thực trong cuộc sống. Đây là yếu tố bổ trợ hàng đầu để phát triển các kỹ năng cứng.
Theo thống kê, những người có được sự thành công chủ yếu chỉ có 25% là kiến thức chuyên môn, còn 75% là những kỹ năng mềm mà họ đúc kết được. Hay trong một nghiên cứu, tại danh sách những người giàu nhất thế giới, có tới hơn 90% người sở hữu các kỹ năng mềm nhất định. Nhờ có kỹ năng mềm, họ đã tạo ra nhiều thành tựu đột phá trong công việc, cuộc sống.
Không giống với kỹ năng cứng mà con người có thể học, đo lường và xác định rõ ràng, kỹ năng mềm không chứa tính chuyên môn, không thể sờ nắm. Tuy nhiên, chúng sẽ quyết định đến việc bạn có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài ba hay không.
>> Kỹ năng mềm cần thiết để thăng tiến trong công việc
3. Thực trạng sử dụng kỹ năng mềm của giới trẻ hiện nay
Hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng là rất lớn. Thế nhưng, tỷ lệ người xin được việc lại không cao.
JobsGO đã tổng hợp chia sẻ từ các nhà tuyển dụng và nhận thấy hầu hết các bạn trẻ khi ứng tuyển việc làm đều có kiến thức căn bản, song về kỹ năng mềm thì lại chưa đảm bảo. Điều này sẽ khiến các bạn khó hòa nhập với môi trường làm việc, khả năng đạt hiệu quả công việc sẽ không cao.
Các chuyên gia tuyển dụng cũng đưa ra lời khuyên rằng, các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên chủ động tìm hiểu, rèn luyện các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn, lắng nghe, xử lý tình huống,… Có như vậy, các bạn mới có thể tìm kiếm được công việc tốt nhất trong tương lai.
4. Các kỹ năng mềm giúp bạn thành công trong công việc
Để phát triển, thành công trong công việc cũng như cuộc sống, bạn sẽ cần rất nhiều kỹ năng mềm như:
4.1 Kỹ năng giao tiếp
Trong tất cả những kỹ năng mềm thì kỹ năng giao tiếp được đánh giá là quan trọng nhất. Việc có kỹ năng giao tiếp tốt không có nghĩa là bạn phải trở thành một nhà hùng biện xuất sắc hay một nhà văn giỏi. Nó chủ yếu dựa trên việc bạn thuyết phục người khác ra sao và kết quả đạt được như thế nào. Đây chính là một kỹ năng mềm vô cùng cần thiết trong công việc.
Giao tiếp còn là cầu nối để bạn tạo dựng mối quan hệ với các đồng nghiệp trong công ty. Điều quan trọng là bạn nên lựa chọn từ ngữ trong đối thoại để tạo được ấn tượng đối với người nghe. Các cụ ta đã có câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, mà đây lại còn là những người mà bạn sẽ gặp và làm việc với họ hơn 8 tiếng một ngày liền.
Bạn cũng đừng quên rằng một người giỏi kỹ năng giao tiếp cũng sẽ là một người biết lắng nghe người khác. Khả năng thành công của bạn nằm ở trong tay bạn, giống như anh Phạm Thanh Hải – CEO công ty Cổ phần JobsGO đã từng chia sẻ: “Để gọi được vốn thành công, các bạn phải dựa rất nhiều vào mối quan hệ chứ không thể chỉ có sáng tạo hay công nghệ xịn được”.
Ngoài ra, để cải thiện kỹ năng giao tiếp, bạn có thể tham khảo một số đầu sách: Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ, Nghệ thuật giao tiếp để thành công, Những đòn tâm lý trong thuyết phục, sức mạnh của ngôn từ,…
>> Làm gì để cải thiện khả năng giao tiếp?
4.2 Kỹ năng làm việc nhóm & hợp tác
Các nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không bao giờ từ chối một người luôn hòa đồng và thể hiện được khả năng làm việc nhóm trong một tập thể. Điều kiện ở đây là bạn phải có sự kết hợp hài hòa với các thành viên trong nhóm để tạo ra được kết quả cuối cùng hoàn hảo nhất.
Kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác chính là chìa khóa cho sự thành công của bạn nơi công sở. Làm việc với những người khác và thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và thân thiện đối với họ, kể cả đối với những người mà bạn không thích.
Hãy tỏ ra có trách nhiệm với công việc của mình. Khi bạn làm việc độc lập, kết quả có tốt hay không sẽ chỉ có mình bạn là người chịu. Nhưng khi đã làm việc nhóm, nếu bạn ỷ lại vào người khác và không làm tròn trách nhiệm của mình, chính là bạn đang làm ảnh hưởng đến cả tập thể đó. Những người ngày đêm làm việc sẽ bị phủ nhận công lao, bởi kết quả cuối cùng mới là quan trọng chứ không phải những phần công việc được hoàn thành.
4.3 Kỹ năng thích nghi
Chẳng có nhà tuyển dụng nào muốn từ chối một ứng cử viên sáng giá có khả năng thích nghi và linh hoạt trong công việc hết. Bạn phải luôn tạo cho mình khả năng để bứt phá trong công việc để có thể xoay sở trong môi trường hiện đại như ngày nay.
Bạn có phải là một người sợ thay đổi không? Nếu đúng thì bạn có thể đang là thành viên không giá trị trong team của mình đó. Những vị cấp trên sẽ không có thời gian để chờ đợi bạn thích nghi với thời đại đâu. Chính vì vậy hãy học cách thích nghi ngay từ ngày hôm nay. Chỉ khi bạn biết thích nghi, biết chấp nhận thay đổi thì mới có nhiều cơ hội cho bạn phát huy năng lực của mình.
4.4 Kỹ năng tư duy & sáng tạo
Khả năng tư duy và lối suy nghĩ sáng tạo luôn được đánh giá cao trong mọi công việc. Chắc chắn khi bước chân vào chốn công sở, không có ai dạy cho bạn những điều này hết, nếu có thì sẽ chỉ là hướng dẫn bạn nên làm như thế nào để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Do đó kỹ năng sáng tạo và tư duy tốt do chính bản thân bạn nắm bắt được và khơi nguồn.
Một công việc ngày nào bạn cũng lặp đi lặp lại, lúc nào cũng trong tình trạng dập khuôn thì sẽ chỉ mang đến kết quả giống như những lần trước. Hãy thử tìm cách sáng tạo, đổi mới nó, biết đâu bạn sẽ có khả năng thực hiện công việc đó nhanh hơn và đem lại hiệu quả cao hơn. Mọi thứ không có gì là dễ dàng cả, hãy tự tin sáng tạo theo cách riêng của bạn.
Lấy một ví dụ đơn giản trong excel, nếu bạn là người chưa sử dụng bao giờ, chắc chắn bạn sẽ chỉ biết đánh số theo thứ tự 1,2,3,… Nhưng nếu có thời gian tìm tòi và phân tích hẳn là bạn sẽ biết cách đánh số nhanh hơn cách đánh thủ công bên trên phải không?
4.5 Kỹ năng tiếp nhận & học hỏi
Bạn có phải là một người biết tiếp nhận những lời phê bình thành động lực để biến nó thành những bài học và kinh nghiệm cho bản thân không?
Hãy dẹp bỏ đi thứ tự ái đang làm cản trở sự thành công của bạn. Nếu những lỗi lầm của chúng ta không được phát hiện và sửa chữa thì càng ngày nó sẽ càng tích tụ lại và khiến cho bạn trở thành con người bảo thủ.
Có phải chẳng có ai thích người khác phê bình mình không? Sự thật là chẳng mấy ai thích nghe những lời như vậy, ít nhiều thì chúng ta cũng sẽ tìm ra những lý luận để phản bác lại họ. Tuy nhiên, hãy tự rèn luyện chính mình. Quan trọng là bạn phải thật bình tĩnh và đừng vội phản bác lại những lời mà mọi người góp ý cho mình. Cầu thị, lắng nghe sẽ giúp cho họ có những lời phê bình góp ý chân thành hơn để bạn hoàn thiện bản thân.
Kỹ năng lập kế hoạch là khả năng căn cứ vào mục tiêu đã được xác định để lập ra chiến lược, phương pháp, quy trình nhằm thực hiện hóa mục tiêu trong thời gian nhất định. Đây cũng là một trong những kỹ năng mềm cần thiết, giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.
Bạn hãy dành ra khoảng 15 – 20 phút mỗi buổi sáng/tối để liệt kê ra những công việc, nhiệm vụ cần làm cho từng ngày/tuần/tháng,… Điều này sẽ giúp bạn cần bằng, quản lý tốt quỹ thời gian của bản thân, không bị dồn, trì trệ công việc.
4.7 Kỹ năng đưa ra quyết định
Kỹ năng đưa ra quyết định là việc bạn có thể đưa ra được một hay nhiều quyết định sau quá trình tìm hiểu, phân tích các vấn đề, dữ liệu. Đây là một trong những kỹ năng mềm quan trọng, giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu trong công việc, cuộc sống, tránh được những sai lầm gây ảnh hưởng đến thành công của mình.
Để rèn luyện kỹ năng này, bạn cần phải học cách xác định các vấn đề chính xác, nhìn nhận khách quan, liệt kê những phương án khả thi cho từng tình huống, xem xét ưu – nhược điểm rồi mới đưa ra lựa chọn tốt nhất.
4.8 Kỹ năng nhìn nhận vấn đề
Một người có kỹ năng nhìn nhận vấn đề tốt chắc chắn sẽ được đánh giá cao trong công việc. Sở hữu cái nhìn tổng quan tức là bạn biết cách xác định được những yếu tố, vấn đề quan trọng, cần thiết để dẫn tới thành công hoặc nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong tương lai.
Ví dụ, bạn làm việc trong một công ty tuyển dụng. Nếu nhìn nhận tổng thể, bạn sẽ thấy rằng mục đích không chỉ là bán gói dịch vụ mà còn mang đến những trải nghiệm tốt nhất, giữ chân khách hàng.
Một người không thể đi lên vị trí quản lý, lãnh đạo ngay từ khi mới ra trường. Tuy nhiên, nếu bạn là người có tố chất, kỹ năng này thì chắc chắn sẽ có cơ hội để tỏa sáng, chạm đến những chức vụ cao trong công ty.
Để có thể lãnh đạo người khác tốt, trước hết bạn hãy học cách quản lý, lãnh đạo bản thân. Bạn hãy tự vạch ra mục tiêu, kế hoạch, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, quản lý công việc, thời gian và cống hiến hết mình. Có như vậy, bạn mới được tín nhiệm và được đảm nhiệm vị trí lãnh đạo.
4.10 Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong công việc hay cuộc sống, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Bạn sẽ không tránh khỏi những tình huống phát sinh, sự cố bất ngờ. Lúc này, bạn cần có kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh chóng, hiệu quả.
Để rèn luyện kỹ năng này, trước hết bạn hãy học cách bình tĩnh, đối diện với những chuyện xảy ra trước mắt, từ đó mới tìm hiểu được nguyên nhân và có phương án xử lý hiệu quả nhất. Đây là kỹ năng mềm rất quan trọng, cần thiết đối với con người không chỉ công việc mà còn cả trong cuộc sống.
4.11 Kỹ năng ứng phó với căng thẳng
Căng thẳng, mệt mỏi cũng là tình trạng diễn ra khá thường xuyên ở con người. Nó không chỉ ở công việc mà còn liên quan đến quan hệ gia đình, áp lực thi cử, quan hệ xã hội,… Vì vậy, có kỹ năng ứng phó với sự căng thẳng là rất cần thiết, giúp bạn dễ dàng thích nghi, có suy nghĩ tích cực hơn. Từ đó, bạn sẽ biến chính những căng thẳng thành động lực để cố gắng vượt qua.
5. Cách cải thiện kỹ năng mềm
Có thể thấy, các kỹ năng mềm là rất quan trọng và việc cải thiện chúng là điều cần thiết đối với mỗi chúng ta. Vậy bạn cần làm gì để phát triển bản thân hơn? Hãy để JobsGO gợi ý cho bạn nhé!
- Xác định những kỹ năng mềm cần ưu tiên phát triển.
- Xin phản hồi từ mọi người để cải thiện kỹ năng mềm.
- Tìm và học các khóa rèn luyện kỹ năng mềm online.
- Xây dựng các mối quan hệ tích cực.
- Hãy cởi mở, đón nhận những nhận xét, đánh giá từ mọi người.
- Duy trì giao tiếp với đồng nghiệp thường xuyên.
- Hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
- Luôn sẵn sàng học hỏi, thay đổi tích cực.
- Lắng nghe, quan sát mọi người nhiều hơn.
Thông qua bài viết của JobsGO hy vọng sẽ giúp cho bạn hiểu được kỹ năng mềm là gì cũng như tầm quan trọng của các kỹ năng mềm trong công việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Những kỹ năng này không tự nhiên mà có mà nó sẽ được hình thành trong quá trình làm việc và tích lũy kinh nghiệm của bản thân. Chính vì vậy, hãy luôn cố gắng nỗ lực để hoàn thiện bản thân ngay từ ngày hôm nay nhé!
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)