Kỹ năng khái niệm hóa – Thinking School

Kỹ năng khái niệm hóa

Chia sẻ:

Kỹ năng khái niệm hóa (conceptual skill) là một kỹ năng quan trọng dành cho các quản lý, bên cạnh kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng con người. Để có được kỹ năng khái niệm hóa, chúng ta cần rèn luyện các kỹ năng thiết lập tầm nhìn và quản lý chiến lược, tư duy phản biện, khả năng tranh luận, quản lý và chia sẻ tri thức và kỹ năng nghiên cứu-học tập suốt đời.

Kỹ năng khái niệm hóa là gì?

Theo Northhouse (2016), kỹ năng khái niệm hóa là khả năng làm việc với các ý tưởng và khái niệm. Trong khi kỹ năng kỹ thuật dùng để giải quyết vấn đề chuyên môn, kỹ năng con người liên quan đến làm việc với các mối quan hệ thì kỹ năng khái niệm hóa đòi hỏi khả năng làm việc với các ý tưởng mang tính trừu tượng. Một người lãnh đạo có khả năng khái niệm hóa sẽ dễ dàng làm việc với các ý tưởng trừu tượng và các giả định được thay đổi liên tục.

1. Thiết lập tầm nhìn và quản lý chiến lược

Tầm nhìn là những định hướng cho chúng ta, bao gồm xác định tổ chức của mình sẽ trở nên như thế nào trong tương lai. Sứ mệnh là những lý lẽ tồn tại của tổ chức. Mỗi một tổ chức sẽ có một giá trị cốt lõi (core value) làm kim chỉ nam cho các hoạt động. Để hiện thực hóa tầm nhìn, chúng ta cần đặt ra các mục tiêu để thực hiện. Chiến lược là những gì tổ chức sẽ thực hiện để đạt được các mục tiêu đó. Vậy làm thế nào để có các tầm nhìn mới:

  • Từ kinh nghiệm bản thân
  • Từ brainstorming với team, khách hàng, nhà cung cấp
  • Từ quan sát đối thủ cạnh tranh
  • Từ sách, nghiên cứu, tạp chí chuyên ngành
  • Từ trường Đại học và chuyên gia
  • Từ hội chợ chuyên ngành, seminar, hội nghị

Các từ khóa để thiết kế tầm nhìn:

  • Địa phương – Toàn quốc – Khu vực – Toàn cầu
  • Đa văn hóa
  • Công nghệ mới, chuyển đổi số (digital transformation
  • Tri thức, sáng tạo
  • Dịch vụ; cá thể hóa
  • Chất lượng cao
  • Đạo đức, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái
  • Bền vững

Quá trình hoạch định và quản lý chiến lược sẽ bao gồm ba bước: phân tích – thiết kế – triển khai. Trong quá trình phân tích, chúng ta sẽ sử dụng các công cụ SWOT, Value chain, PESTEL, 5 forces để lựa chọn chiến lược. Để thiết kế, chúng ta cần xác định các thị trường sẽ xâm nhập, làm thế nào để cạnh tranh hiệu quả trong môi trường đó và cấu trúc tổ chức của đội ngũ sẽ như thế nào. Trong quá trình triển khai, người quản lý cần liên tục thực hiện quá trình PDCA (plan-do-check-act) để kiểm tra sự thích nghi, phù hợp và tính hiệu quả của tổ chức.

Kỹ năng Khái niệm hóa (Conceptual skill)

2. Tư duy phản biện và sáng tạo

Tư duy phản biện đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành kỹ năng khái niệm hóa. Tư duy phản biện là khả năng tập trung vào vấn đề chính đang được xem xét; dùng các góc nhìn khác nhau để tiếp cận và phân tích vấn đề; dùng các tiêu chuẩn khách quan để đánh giá vấn đề và các góc nhìn một cách có trách nhiệm với mục tiêu đi tìm sự thật, cải thiện chất lượng tư duy, và giải pháp (Dung VT, 2016).

Tư duy phản biện không hạn chế sự sáng tạo. Ngược lại, khi thực hành thuần thục, cả hai là một. Sáng tạo cũng cần kỷ luật, vì theo thang đo nhận thức Bloom, chúng ta phải qua quá trình phân tích, đánh giá các ưu nhược điểm một cách nghiêm túc mới đưa ra các phương án mới. Khi nhận diện được các vấn đề cốt lõi, nỗ lực sáng tạo sẽ có định hướng, chiến lược.

3. Kỹ năng tranh luận

Trong khi tư duy phản biện đóng vai trò trong việc xác định các yếu tố cốt lõi, tạo tiền đề cho giải quyết vấn đề sáng tạo thì kỹ năng tranh luận giúp người lãnh đạo thuyết phục các thành viên và tổ chức. Một người có kỹ năng tranh luận cần hiểu được các vấn đề ở các góc nhìn khác nhau. Để có được năng lực này, người quản lý cần có được sự thấu cảm, nhìn nhận và đánh giá các bên liên quan trong quá trình tranh luận.

Một luận điểm tốt sẽ phải đủ bốn thành phần theo mô hình (ARES): luận điểm (argument), lập luận (reasoning), các bằng chứng (evidences), nguồn (source).

Mo hinh AREs

4. Quản lý và chia sẻ tri thức

Để một tổ chức phát triển và thích nghi với sự thay đổi liên tục, người lãnh đạo cần có khả năng quản lý và chia sẻ tri thức. Tri thức được sinh ra trong quá trình tương tác giữa người với người, mang tính chủ quan, tính quá trình, tính thẩm mĩ và được tạo ra qua thực hành (Nonaka, 1994). Có nhiều định nghĩa về quản lý tri thức. Nói ngắn gọn, quản lý tri thức là quản lý sự “hiểu” và “biết” của các thành viên trong một tổ chức. Để nâng cao giá trị tạo ra trong chuỗi giá trị của tổ chức, nhà lãnh đạo cần tạo ra văn hóa học tập và chia sẻ tri thức liên tục.

5. Học tập suốt đời

Học tập suốt đời là một kỹ năng quan trọng đối với người lãnh đạo. Để có thể kết nối những chi tiết tưởng chừng vụn vặt thành một ý tưởng có giá trị đòi hỏi người lãnh đạo cần có kiến thức sâu rộng và được cập nhật liên tục. Với một thế giới có sự bất ổn định (entropy), khả năng xử lý các vấn đề đòi hỏi chúng ta hiểu được bản chất và tìm được nguyên nhân cốt lõi. Kiến thức tác động trực tiếp đến năng lực của nhà lãnh đạo trong việc xác định các vấn đề phức tạp của tổ chức (Mumford, Zaccarom Harding, et al., 2000)

Ví dụ: các mô hình marketing truyền thống đang dần được thay thế bởi các mô hình digital marketing. Chatbot AI đã một phần thay thế các chăm sóc viên theo cách truyền thống. Các nhà quản lý phải học cách thích ứng và quản lý sự thay đổi này trong việc vận hành và triển khai các chiến lược.

Kết luận

Khái niệm hóa là một kỹ năng phức hợp đòi hỏi nhiều kỹ năng thành phần. Tuy nhiên đây là kỹ năng mà nhà lãnh đạo nào cũng cần phải có để dẫn dắt tổ chức đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Việc này đòi hỏi nhà quản lý có khả năng tư duy phản biện và liên tục học hỏi. Kỹ năng khái niệm hóa còn giúp người lãnh đạo nhìn được cơ hội và thách thức trong bối cảnh liên tục thay đổi.

 

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Peter G.Northhouse (2016), Leadership: Theory and practice
  2. Tư duy phản biện là gì? https://thinkingschool.vn/tu-duy-phan-bien/
  3. Trình bày luận điểm theo mô hình ARES https://thinkingschool.vn/tu-duy-phan-bien/trinh-bay-luan-diem-theo-mo-hinh-ares/
  4. Kỹ năng đặt các câu hỏi sáng tạo SCAMPER: https://thinkingschool.vn/tu-duy-phan-bien/ky-thuat-dat-cau-hoi-sang-tao-scamper/
  5. Quản lý và chia sẻ tri thức, Wikipedia