Kỳ 1: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

(CHG) Nằm ở bờ Tây của Biển Đông, Việt Nam có vị trí địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng với bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam. Do đó, phát triển kinh tế biển là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Kinh tế biển là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Phát triển kinh tế biển là chiến lược quan trọng

Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, có 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các vùng ven biển. Đáng chú ý, vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000km2 Biển Đông, với khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài của đất nước, với vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu, bảo vệ sườn đông của đất nước.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Theo đó, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Một là du lịch và dịch vụ biển. Hai là kinh tế hàng hải. Ba là khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác. Bốn là nuôi trồng và khai thác hải sản. Năm là công nghiệp ven biển. Cuối cùng là năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Một số kết quả đạt được sau 4 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW trên toàn quốc đã được thông tin tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Phú Yên ngày 12/6/2022. Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn. Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn, nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn. Sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (trong đó dầu thô đạt 10,97 triệu tấn). Có 35 dự án năng lượng tái tạo đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60GW.

Về cơ bản, trên toàn quốc, kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông đã được các tỉnh ven biển hoặc có đường bờ biển quan tâm đầu tư bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây giữa các vùng trong nước và quốc tế.

Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch. Đã hình thành chuỗi đô thị ven biển với gần 600 đô thị (chiếm khoảng 8% trên tổng số lượng đô thị cả nước) với dân số khoảng 19 triệu người.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập, với tổng diện tích 206.000 ha, trong đó 185.000 ha biển.

Tổng cục Thủy sản cho biết, vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với 2.040 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn rong biển và trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể. Đây là nguồn cung thực phẩm dinh dưỡng cao, nguồn nguyên liệu và dược liệu phong phú cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển.

Gần đây nhất, Việt Nam đã cùng UNPD và Na Uy và các quốc gia khác tổ chức thành công hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu, đưa ra các giải pháp quan trọng về phát triển bền vững kinh tế biển xanh. Điển hình là Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc tổ chức tại Bồ Đào Nha tháng 7/2022.

Xây dựng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển 

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng. Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn chưa thật sự hiệu quả. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển còn thiếu. Thêm vào đó, trong bối cảnh môi trường biển đang chịu ảnh hưởng theo chiều hướng xấu,  đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững.

Vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Đề án phấn đấu tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030; Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm, gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được 3 – 4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á.

Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.

Theo hướng đó, đề án hướng tới phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển với các thành phần chủ yếu gồm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức, cơ sở cung ứng dịch vụ, hạ tầng chuyên dụng kinh tế biển, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, thương mại, hội ngành nghề liên quan và tham gia của các cấp, ngành, nhất là các địa phương ven biển.

Đề án ưu tiên trọng tâm vào phát triển kinh tế du lịch với các trung tâm, khu tổ hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao, mang tầm quốc tế ở những khu vực, vùng biển tại miền Trung, Kiên Giang – Cà Mau…

7 cụm liên kết ngành kinh tế biển gồm: Cụm ở phía Bắc thuộc vùng biển và ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình; Cụm ở Bắc Trung Bộ thuộc Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình; Cụm ở Trung Trung Bộ thuộc Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi; Cụm ở Nam Trung Bộ thuộc Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận; Cụm ở phía Đông Nam Bộ mở rộng thuộc Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu – Đông Nam TP.Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Trà Vinh – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Đông Nam Cà Mau; Cụm Tây Nam thuộc Kiên Giang – Cà Mau.

7 cụm kinh tế biển này sẽ là trung tâm phát triển kinh tế biển, có sức cạnh tranh và hội nhập cao, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển, ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội văn hóa, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thời gian tới, công tác đầu tư sẽ tập trung vào phát triển, hiện đại hóa đô thị biển, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối phát triển kinh tế biển giữa các địa phương. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm an ninh quốc phòng. 

Hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư khu neo đậu tránh trú bão và các dự án kết cấu hạ tầng ven biển, đảo của các địa phương có biển. Phát triển đồng bộ giữa nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản. Đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nuôi trồng thủy sản xa bờ.

Đầu tư khai thác hiệu quả cảnh quan tự nhiên như vũng, vịnh bãi biển, đảo, cụm đảo để khai thác đa dạng loại hình dịch vụ du lịch; Nâng cao hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng để khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế vùng biển, ven biển, đảo kết hợp với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia trên biển.

Hơn nữa, cần hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.

(Còn tiếp)

0

Còn lại: 1000 ký tự