Kinh tế tri thức và việc khởi nghiệp

(LĐ online) – Một sinh viên đại học đang học môn Triết học nhờ tôi làm rõ thêm khái niệm kinh tế tri thức đồng thời giúp bạn đó trả lời câu hỏi: “Đừng nghĩ đến  việc khởi nghiệp khi không có vốn. Anh, chị suy nghĩ câu đó đúng hay sai? Tôi nhận lời nhưng chỉ cung cấp tư liệu tham khảo và gợi ý.

(LĐ online) – Một sinh viên đại học đang học môn Triết học nhờ tôi làm rõ thêm khái niệm kinh tế tri thức, đồng thời giúp bạn đó trả lời câu hỏi: “Đừng nghĩ đến việc khởi nghiệp khi không có vốn. Anh, chị suy nghĩ câu đó đúng hay sai? Tôi nhận lời nhưng chỉ cung cấp tư liệu tham khảo và gợi ý.

 

Quả thực, đây là một câu hỏi rất lý thú và sâu sắc. Mới nghe câu nói trên có thể vội vàng cho là đúng, nhưng thực tế câu này chưa đúng. Bởi lẽ, ước mơ khởi nghiệp, làm giàu, có thu nhập cao, ổn định là ước mơ của nhiều người. Đã là ước mơ thì người có vốn hay chưa có vốn đều có thể suy nghĩ đến vấn đề đó, không ai cấm cả. Suy nghĩ của từng người có thể bộc lộ ra, có người chưa bộc lộ ra, nhưng suy nghĩ đến khởi nghiệp là một ý tưởng rất đáng trân trọng, ai trong chúng ta cũng đã từng nghĩ đến.

 

Vẫn biết rằng vật chất có trước, ý thức có sau, có bột mới gột nên hồ, mạnh về gạo, bạo về tiền… nhưng để có những sản phẩm ấy xét cho cùng đều do con người làm ra. Ta biết rằng ý thức do vật chất sinh ra và quyết định, song ý thức lại có tính độc lập tương đối, có sự tác động trở lại to lớn đối với vật chất, ý thức có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm trên một mức độ nhất định sự biến đổi của điều kiện vật chất. Từ đó có thể rút ra nguyên tắc phương pháp luận là: Phải phát huy tính năng động sáng tạo của ý thức, vai trò nhân tố con người để tác động cải tạo thế giới khách quan. Trở lại vấn đề “vốn”. Chúng ta phải công nhận một điều là không có vốn thì rất khó để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, nhưng thực chất vốn không đơn giản chỉ là tiền, là tiềm lực tài chính, mà ta phải nhìn nhận ở khía cạnh bao quát hơn, vốn ở đây còn bao gồm cả nguồn vốn về lao động, về tài nguyên và đặc biệt là vốn “con người”.

 

Ở nước ta, kinh tế tri thức được dùng nhiều kể từ Đại hội IX của Đảng. Hiện nay trên thế giới, khái niệm kinh tế tri thức đang được sử dụng nhiều, nhưng cách diễn đạt khác nhau. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra định nghĩa: “Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra công nghệ phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra nhiều của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống”; Còn theo Viện Ngân hàng Thế giới WBI: “Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa vào tri thức như là động lực chính cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đó là nền kinh tế trong đó tri thức được lĩnh hội, sáng tạo, phổ biến và vận động để thúc đẩy phát triển. Cũng có cách nêu gọn hơn: “Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà tri thức là “đầu vào” (input) cơ bản của quá trình phát triển kinh tế”. Tuy các cách diễn đạt trên có khác nhau, nhưng đều cho thấy điểm chung nhất trong nền kinh tế tri thức là công nghệ và tri thức đóng vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế. Các nền kinh tế truyền thống dù ít hay nhiều đều phải dựa vào tri thức. Nhưng cái khác biệt trong nền kinh tế tri thức là khoa học, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, một yếu tố sản xuất quan trọng hơn cả tài nguyên vốn. Như vậy có thể hiểu kinh tế tri thức là nền kinh tế mà sự phát triển của nó dựa chủ yếu vào tri thức, trên nền tảng tri thức; tri thức chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản phẩm xã hội. Tìm hiểu về nền kinh tế tri thức sẽ giúp chúng ta vừa nhận thức vừa thấy được vấn đề vốn không phải là tất cả, nó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Thậm chí những người không có vốn trong tay, nếu họ có ý chí, nghị lực, có kiến thức sâu về một lĩnh vực nào đó, họ có bản lĩnh và quyết tâm cao thì vẫn có thể thành công trong khởi nghiệp.

 

Những người khởi nghiệp nên nhớ rằng, sự phát triển của nền kinh tế tri thức dựa trên bốn trụ cột sau: lực lượng lao động trình độ cao, chất lượng cao; hệ thống sáng tạo và ứng dụng công nghệ có hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng thông tin – tin học hiện đại; hệ thống thể chế xã hội và thể chế kinh tế hiện đại.

 

Bạn khởi nghiệp ở giai đoạn nào thì vẫn phải tuân theo quy luật cung – cầu, nhất là trong cơ chế thị trường. Bạn sản xuất để làm gì? Đương nhiên bạn trả lời là để bán. Bán cho ai? Bán ở đâu? Bán như thế nào? Rõ ràng quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh cũng gợi mở cho người khởi nghiệp phải nghĩ tới. Nghĩ được điều này sẽ có cách nghĩ và cách làm, nghĩ ra vốn và huy động vốn như thế nào và nghĩ về khởi nghiệp khi chưa có vốn vẫn có thể làm được. Nếu có sẵn nguồn vốn trước mắt nhưng người khởi nghiệp không có vốn kiến thức kinh tế, không có tư tưởng tiến công, tư duy chiến lược cụ thể thì cũng khó có thể khởi nghiệp thành công. Rõ ràng không phải ai cũng khởi nghiệp được. Những tấm gương khởi nghiệp thành công, phần lớn rơi vào những người nghĩ tới khởi nghiệp khi chưa có vốn, thậm chí từ hai bàn tay trắng.

 

Các nước phát triển đi tới kinh tế tri thức là một quá trình tự nhiên, phù hợp quy luật. Các nước đi sau trong đó có nước ta mới bắt đầu quá trình công nghiệp hóa không thể chuyển sang nền kinh tế tri thức với đầy đủ cơ cấu, đặc trưng, cách thức hoạt động của nó. Nhưng cơ hội nắm bắt, tiếp thu tri thức mới (về công nghệ, tổ chức quản lý, sản xuất, cạnh tranh) từng bước đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, rút ngắn quá trình phát triển. Nhưng thách thức rất lớn chính là khoảng cách tri thức trong quá trình phát triển kinh tế tri thức. Đây là những đặc điểm đáng lưu ý để các nhà doanh nghiệp cũng như những người đã, đang hoặc sắp khởi nghiệp cần quan tâm.

 

Đại hội lần thứ XII cả Đảng nêu: “Công nghiệp hóa hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chính chất lượng cao làm động lực chủ yếu”.

 

Thực tiễn cho thấy, những đóng góp của ngành kinh tế tri thức, của lao động trí óc, của vốn sản xuất là vốn về con người được xác định phải chiếm trên 70% giá trị là những tiêu chí cơ bản của kinh tế tri thức.

 

Hãy coi trọng vốn sản xuất – vốn con người – bởi vì có con người là tất cả. Con người năng động sáng tạo, con người có tư duy đổi mới, có khả năng học tập nâng cao tri thức và con người có khả năng khởi nghiệp, có khả năng tạo ra vốn. Vì vậy khi chưa có vốn, con người vẫn có tư duy khởi nghiệp, tự tin khởi nghiệp bằng năng lực của bản thân, khả năng huy động vốn và tư duy kinh tế của mỗi người.

 

Khởi nghiệp khi chưa có vốn – thành công hay không phụ thuộc vào năng lực và ý chí của mỗi cá nhân, chúng ta hãy trang bị cho mình một hành trang tri thức vững vàng để có thể bắt đầu khởi nghiệp. Nên nhớ rằng thất bại là mẹ thành công! Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình và cho quê hương, đất nước.

 

Kiều Minh