Kinh tế quốc tế là gì? Có nên học ngành kinh tế quốc tế không?
Kinh tế quốc tế là gì? Có nên học ngành kinh tế quốc tế không? Mời quý bạn đọc cùng đi tìm hiểu với Luật Minh Khuê trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Kinh tế quốc tế là gì?
1.1. Khái niệm kinh tế quốc tế
Kinh tế quốc tế được hiểu là toàn bộ các hoạt động giao dịch, kinh doanh được thực hiện giữa quốc gia với quốc gia với mục đích thoả mãn các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức kinh tế.
Bên cạnh đó, kinh tế quốc tế còn là một bộ môn khoa học, một chuyên ngành thuộc khối nhóm kinh doanh, đào tạo các nghiệp vụ thực hiện các hoạt động kinh doanh bên ngoài phạm vi của quốc gia như các vấn đề tổng quan và chuyên sâu về thương mại quốc tế, các chính sách kinh tế đối ngoại, cách thức xâm nhập vào thị trường nước ngoài, các đặc điểm phát triển kinh tế thế giới trong xu thế toàn cầu hoá, các vấn đề về hội nhập kinh tế, đầu tư quốc tế….
1.2. Ngành kinh tế quốc tế là gì?
Ngành Kinh tế quốc tế là một ngành đào tạo cung cấp cho sinh viên theo học các kiến thức nèn tảng cơ bản về quản trị kinh doanh, các kiến thức về hoạt động giao dịch, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ được thực hiện giữa các quốc gia để đạt được các lợi ích về kinh tế.
Ngày nay, quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, bên cạnh đó là các chính sách mở cửa, đa dạng hoá, đa phương hoá các hoạt động kinh tế đối ngoại và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, UKVFTA… càng thúc đẩy thêm các hoạt động trao đổi hàng hoá, dịch vụ và đầu tư quốc tế ở Việt Nam với các quốc gia khác. Chính vì vậy, nguồn nhân lực có các kiến thức, hiểu biết và chuyên môn cao về lĩnh vực kinh tế quốc tế này là vô cùng cần thiết. Bởi vậy, ngành Kinh tế quốc tế hiện nay đang là một trong những ngành được rất nhiều các bạn sinh viên lựa chọn trong hệ thống các ngành đào tạo về kinh tế.
2. Kiến thức và kĩ năng sinh viên ngành Kinh tế quốc tế được học
Về cơ bản, các chương trình đào tạo về ngành Kinh tế quốc tế hiện nay cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng về kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế, kinh doanh logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh doanh quốc tế trong thời đại số… cũng như một số kiến thức chuyên sâu về giao dịch kí kết, tổ chức thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu, quản trị chuỗi cung ứng và phát triển logistics toàn cầu, nghiên cứu thị trường quốc tế, kỹ năng giao tiếp và đàm phán quốc tế, nghiệp vụ về thanh toán quốc tế, vận tải, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu… Mục tiêu của việc giảng dạy những kiến thức này là để sinh viên sau khi ra trường có được những kiến thức cần thiết, ứng dụng được chúng vào việc thúc đẩy nền kinh tế quốc tế cũng như nâng cao vị thế quốc gia trong buôn bán, sản xuất và xuất nhập khẩu.
Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, một sinh viên theo học ngành Kinh tế quốc tế cũng cần được trang bị cách kĩ năng quan trọng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán quốc tế, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tin học cơ bản, phân tích thị trường. Đặc biệt, kĩ năng sử dụng tiếng Anh và giao tiếp bằng tiếng Anh thương mại là vô cùng quan trọng đối với các sinh viên khi lựa chọn ngành này.
3. Học ngành Kinh tế quốc tế sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì và mức lương của ngành này
3.1. Học ngành Kinh tế quốc tế sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì?
Hiện nay, ngành Kinh tế quốc tế đang rất cần các nhân sự có chất lượng cao nên cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành này đầy hấp dẫn và vô cùng rộng mở. Một số những cơ quan, công ty mà sinh viên ngành Kinh tế quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể làm việc như sau:
– Các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương như: Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại, Hải quan, các sở Công thương, Kế hoạch và Đầu tư…
– Các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hoặc tại các tổ chức phi chính phủ
– Văn phòng tư vấn xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước
– Các trường Đại học, Viện nghiên cứu Kinh tế
– Các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp logistics và vận tải quốc tế, các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư
– Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế.
Các vị trí công việc mà sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế có thể đảm nhận như sau:
– Chuyên viên hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Trong tương lai có thể trở thành những chuyên gia phân tích, tư vấn chính sách trong các lĩnh vực này.
– Chuyên viên theo dõi, phân tích và tư vấn các dự án quốc tế, các tổ chức quốc tế. Trong tương lai có thể trở thành những nhà quản lý phát triển quốc tế
– Chuyên viên lập kế hoạch, giám sát hoặc thực thi các hoạt động xuất – nhập khẩu, nghiên cứu, phát triển thị trường quốc tế; kinh doanh dịch vụ logistics; tư vấn đầu tư quốc tế; xúc tiến thương mại. Trong tương lai có triển vọng để trở thành những nhà quản ký hay doanh nhân trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế hoặc nhà quản trị logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu
– Tham gia vào nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực kinh tế quốc tế. Trong tương lai có thể trở thành những nghiên cứu viên hay giảng viên giảng dạy chuyên sâu trong các lĩnh vực như: Thương mại quốc tế, Đầu tư quốc tế, Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, quản trị logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu
– Tự lập nghiệp, khởi sự kinh doanh, tạo lập doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung và lĩnh vực kinh doanh quốc tế, giao nhận, vận tải và logistics nói riêng.
3.2. Mức lương của ngành Kinh tế quốc tế
Mức lương sau khi ra trường với sinh viên theo học ngành này cũng là một trong những điều được các bạn sinh viên quan tâm. Theo mặt bằng chung trên thị trường lao động hiện nay, đối với sinh viên mới ra trường thì mức lương dao động trong khoảng 7 – 10 triệu đồng/ tháng. Sau khi đã thành thạo và có kinh nghiệm hơn thì mức lương trong ngành này có thể lên tới 25 – 30 triệu/ tháng. Hơn nữa, nếu làm việc trong các công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài thì mức lương có thể sẽ cao hơn.
4. Những tố chất cần thiết với một sinh viên ngành Kinh tế quốc tế
Khi theo học ngàng Kinh tế quốc tế, sinh viên cần phải có một số tố chất như sau:
– Có khả năng thu thập và xử lý các thông tin
– Có thể làm việc độc lập dưới áp lực về thời gian và khối lượng công việc lớn
– Kiên trì, nhẫn nại, có trách nhiệm cao với công việc
– Tự tin, năng động, có khả năng giao tiếp tốt và đàm phán thuyết phục
– Khả năng ngoại ngữ tốt
– Sáng tạo, quyết đoán trong việc đưa ra các quyết định
….
5. Có nên theo học ngành Kinh tế quốc tế hay không?
Việc có nên theo học ngành Kinh tế quốc tế không là tuỳ thuộc vào khả năng, sở thích, định hướng của mỗi người. Tuy nhiên, ở phần này sẽ đưa ra một số những ưu điểm, nhược điểm khi chọn ngành Kinh tế quốc tế để các bạn có thể đưa ra sự cân nhác có nên theo học hay không.
– Về ưu điểm:
+ Đây là một ngành có nhiều sự lựa chọn công việc, dễ xin việc ở Việt Nam. Đặc biệt, với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/ năm thì ngoại thương vẫn là một mảng có nhiều cơ hội ở Việt Nam
+ Đa số các trường đào tạo ngành này đều là những cái tên uy tín, đầu vào tốt, môi trường học tập cạnh tranh
+ Là một chuyên ngành được trang bị khá đầy đủ và hoàn chỉnh về các kién thức liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế từ cơ bản cho đến nâng cao
+ Có thể lựa chọn đi du học để nâng cao chuyên môn nếu có nhu cầu
– Về nhược điểm :
+ Vì là một ngành khá hot nên tỉ lệ đầu vào cạnh tranh cao
+ Áp lực công việc lớn, một số vị trí không cơ hội thăng tiến là không cao
Hy vọng bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!