Kinh tế hàng hóa là gì? Mối quan hệ với nền kinh tế thị trường

Kinh tế hàng hóa là gì? Các nhân tố quan trọng cấu thành nền kinh tế hàng hóa? Mối quan hệ giữa nền kinh tế hàng hóa với nền kinh tế thị trường?

    Kinh tế là động lực mạnh mẽ nhất để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Muốn xem một đất nước có phát triển hay không thì nền kinh tế là thứ phản ánh điều đó một cách chân thực nhất. Kinh tế ở đây là tổng thể các yếu tố sản xuất, các điều kiện sống của con người, các mối quan hệ trong quá trình sản xuất và  tái sản xuất xã hội. Nói đến kinh tế suy cho cùng là nói đến vấn đề sở hữu và lợi ích. Từ thời sơ khai, con người đã dần dần hình thành lên nền kinh tế bằng việc trao đổi hàng hóa cho nhau. Vậy nền kinh tế hàng hóa là gì và nó có mối quan hệ như thế nào với nền kinh tế thị trường?

    Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

    1. Kinh tế hàng hóa là gì?

    Vào thời nguyên thủy, con người chủ yếu sinh sống bằng cách săn bắn và thu lượm, sản phẩm tự cung tự cấp, người nào săn được nhiều thì ăn nhiều, người nào săn bắn được ít thì ăn ít. Dần dần, hàng hóa mà người săn bắn nhiều trở lên dư thừa và họ muốn trao đổi cho người khác. Nền kinh tế hàng hóa cũng từ đó mà được hình thành.

    Kinh tế hàng hóa là nền kinh tế có sự phân công lao động và trao đổi hàng hóa giữa người này và người khác. Có thể hiểu một cách đơn giản, A sản xuất được nhiều gạo và B sản xuất được nhiều rau, A đổi gạo cho B để lấy rau và ngược lại. Sản phẩm gạo và rau ở đây chính là hàng hóa được trao đổi. Nền kinh tế hình thành trên sự trao đổi này chính là kinh tế hàng hóa.

    Nền kinh tế hàng hóa là sự phát triển cao hơn một bậc so với nền kinh tế tự cung tự cấp. Nền kinh tế tự cung tự cấp không có sự trao đổi hàng hóa, ai làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Sản xuất hàng hoá tồn tại và tiếp tục phát triển ở nhiều xã hội là sản phẩm của lịch sử phát triển sản xuất của loài người. Do đó, nền kinh tế hàng hóa có nhiều ưu điểm và là một loại hình hoạt động kinh tế tiên tiến hơn nhiều. So với sản xuất tự cung tự cấp, nền kinh tế hàng hóa sản xuất theo chiều sâu, hợp tác chặt chẽ hơn. Để trao đổi và mua bán được, ta cần sản xuất hàng hóa, điều này làm thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Từ đó mà sản xuất hàng hóa đem lại giá trị, lợi nhuận.

    Xem thêm: Tích lũy tư bản là gì? Bản chất và quy luật tích lũy tư bản?

    2. Các nhân tố quan trọng cấu thành nền kinh tế hàng hóa:

    Trong nền kinh tế hàng hóa thì hàng hóa là nhân tố không thể thiếu để tạo lập lên nền kinh tế này. Hàng hóa có bản chất là thành phẩm của việc lao động, nhu cầu của của người tham gia trao đổi mua bán sẽ được thỏa mãn qua hàng hóa.

    Hàng hóa gồm có hai đặc trưng là giá trị sử dụng và giá trị.

    Giá trị sử dụng là chức năng của một vật có thể thoả mãn những nhu cầu nhất định của con người, thể hiện ở hình thức sử dụng và tiêu dùng. Giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng của một tài sản chủ yếu dựa trên các thuộc tính tự nhiên của nó. Sản phẩm đã là hàng hóa được đưa ra thị trường thì chắc chắn phải có giá trị sử dụng. Nhưng không có thứ gì có giá trị sử dụng. Chúng cũng là hàng hoá (vì hàng hoá phải là sản phẩm lao động của con người). Trong kinh tế hàng hóa, giá trị sử dụng là phương tiện trao đổi giá trị. Theo C. Marx, nếu muốn hiểu giá trị của hàng hóa, người ta phải đi từ giá trị trao đổi. Nếu giá trị thay đổi thì giá trị trao đổi cũng thay đổi, giá trị trao đổi là hình thức xuất hiện của giá trị.

    • Khi là giá trị sử dụng thì hàng hóa khác nhau về chất, nhưng khi là giá trị thì với tất cả hàng hóa đều giống nhau về chất.
    • Quá trình thực hiện giá trị và giá trị sử dụng khác nhau theo không, thời gian.
    • Tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa: C. Marx là người đầu tiên đã phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Ta gọi chúng là lao động trừu tượng và lao động cụ thể.

    Việc trao đổi hàng hoá phải dựa vào giá trị, đây là nội dung của quy luật giá trị. Quy luật giá trị là quy luật sản xuất hàng hóa. Quy luật giá trị giúp điều tiết sản xuất và trao đổi trong nền kinh tế hàng hóa. Nội dung của luật này được thể hiện thông qua việc sản xuất và lưu hành. Trong sản xuất, đối với thời gian hao phí cá biệt thì hầu hết là tương đương với thời gian lao động cần thiết. Đối với toàn xã hội thì tổng thời gian hao phí cá biệt bằng tổng thời gian lao động cần thiết của xã hội. Trong lưu thông, giá cả hàng hóa có thể lên xuống nhưng phải xoay quanh trục giá trị (do ảnh hưởng của quan hệ cung cầu). Đối với tổng hàng hoá trên phạm vi xã hội, giá trị của nó được biểu hiện bằng: Tổng giá cả hàng hoá bằng tổng giá trị hàng hoá. Từ nội dung của quy luật giá trị ta thấy rõ tác dụng của nó đối với nền kinh tế hàng hóa

    Lợi nhuận là động cơ mạnh mẽ nhất của nền kinh tế hàng hóa. Mục đích chính của nền kinh tế là tạo ra lợi nhuận. Trong nền kinh tế hàng hóa, các nhà đầu tư kinh doanh và tổ chức kinh doanh luôn coi lợi nhuận là động lực, mục tiêu để thúc đẩy sự phát triển. Muốn được như vậy phải tìm ra cách để giảm thiểu chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Việc này cần nhiều kinh nghiệm và chất xám cộng với linh hoạt sắp xếp lại tổ chức quản lý. Việc giảm bớt một số bộ phận không cần thiết còn giúp các nhà kinh tế tiết kiệm được chi phí dẫn đến lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, nó cũng nâng cao trình độ kỹ thuật và tay nghề của nhân viên sản xuất. Như vậy, lợi nhuận là động lực cơ bản thúc đẩy sự vận động của nền kinh tế hàng hoá, lợi nhuận càng cao càng thúc đẩy nhà sản xuất tập trung sản xuất mặt hàng đó và ngược lại, bởi suy cho cùng mục đích của kinh tế hàng hóa là tiền, là lợi nhuận mang lại.

    Xem thêm: Thể chế kinh tế là gì? Vai trò và chức năng của thể chế kinh tế thị trường?

    3. Mối quan hệ giữa nền kinh tế hàng hóa với nền kinh tế thị trường:

    Kinh tế hàng hoá và kinh tế thị trường có những điểm giống và khác nhau cả về nguồn gốc ra đời của hai hình thái kinh tế. Nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển cao hơn so với nền kinh tế hàng hóa vì nền kinh tế thị trường ra đời muộn hơn và có sự học hỏi từ các mô hình kinh tế trước. Nền kinh tế thị trường là mô hình kinh tế mà ở đó người mua bán chịu tác động rất lớn của quan hệ cung-cầu. Nguồn cung lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp, dưới tác động này của thị trường tiêu thụ sẽ khiến nhà sản xuất phải điều chỉnh sản xuất và ngược lại, nhu cầu thị trường cao sẽ thúc đẩy nguồn cung tăng mạnh.

    Cụ thể, nền kinh tế hàng hoá ra đời từ nền kinh tế tự nhiên – nền kinh tế mà trong đó sản xuất nhỏ chiếm ưu thế nhưng còn ở trình độ thấp. Đơn giản trong mô hình kinh tế này là sự trao đổi hàng hóa chứ không tính đến lợi nhuận, đổi cái mình làm ra dư thừa lấy thứ mà mình còn thiếu. Trong khi đó, kinh tế thị trường có nguồn gốc từ kinh tế hàng hoá phát triển cao. Theo C. Mác, kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua để đạt tới một tầm cao hơn trên con đường phát triển và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là nền kinh tế thị trường phát triển đến trình độ phổ biến và hoàn chỉnh. Nấc thang cao hơn chính là nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế XHCN. Để chuyển lên nấc thang này, nền kinh tế thị trường phải phát triển hết mức, phải trở thành phổ biến trong đời sống kinh tế – xã hội.

    Hiện nay, đưa nền kinh tế hàng hóa tại Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường lớn, hiện đại là một vấn đề lớn của lực lượng sản xuất, đồng thời cũng là một vấn đề của quan hệ sản xuất và nằm trong tầm nhìn chiến lược của quốc gia. Chế độ công hữu được thực hiện ở kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và một phần ở các thành phần kinh tế khác khi liên doanh với kinh tế nhà nước.

    Nền kinh tế hàng hoá tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khiến chưa thực sự trở thành nền kinh tế hàng hoá lớn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xuất khẩu nông, thuỷ sản, cơ sở sản xuất, chế biến nông, thủy sản ở nước ta, nói chung còn lạc hậu, trong khi thị trường quốc tế lại khó tính, đòi hỏi rất cao về chất lượng, quy cách và mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh những sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, vẫn có những sản phẩm dù chất lượng rất tốt ,nhưng chưa xây dựng được thương hiệu.

    Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản của Việt Nam trong hàng chục năm qua còn nhiều hạn chế khiến nông sản Việt có những thời điểm rơi vào tình trạng bị thương gia, doanh nghiệp của nước ngoài giả mạo hoặc đăng ký mất thương hiệu. Câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… là những ví dụ điển hình. Hay gần đây tình trạng này cũng xảy ra với gạo từng được xếp hạng là gạo ngon nhất thế giới ST25 khi bị các công ty lớn của Hoa Kì nhanh tay đăng kí bảo hộ nhãn hiệu khiến “thương hiệu gạo ngon số 1 thế giới” có nguy cơ bị đánh cắp.

    Như vậy, nền kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nền kinh tế thị trường tạo ra động lực để các doanh nghiệp có thể đổi mới, phát triển mình, bởi khi các doanh nghiệp đó muốn cạnh tranh và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thì đòi hỏi họ phải đổi mới về công nghệ , nhân lực và nâng cao chất lượng của sản phẩm.