Kinh nguyệt kéo dài trên 10 ngày có cần lo lắng? – YouMed

Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi đôi khi là biểu hiện của sinh lý bình thường. Nhưng đôi khi đó cũng là gợi ý cho những bệnh lý nguy hiểm ở phụ nữ. Trong số đó phải kể đến kinh nguyệt kéo dài, chiếm khoảng 5% phụ nữ. Vậy kinh nguyệt kéo dài có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu bài viết này để biết thêm các nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị nhé!

Hiện tượng kinh nguyệt kéo dài 10 – 15 ngày

Bình thường, người phụ nữ sẽ hành kinh từ ba đến bảy ngày. Khi hành kinh trên 7 ngày được coi là kinh nguyệt kéo dài. Bác sĩ có thể gọi hành kinh trên 1 tuần là rong kinh. Bạn cũng có thể được chẩn đoán bị rong kinh nếu máu kinh chảy ra nhiều hơn bình thường mặc dù dưới 1 tuần.1

Kinh nguyệt kéo dài là gợi ý cho các bệnh lý nguy hiểm

Rong kinh có thể gây khó chịu cũng như làm thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày của bạn. Khi kinh nguyệt của bạn kéo dài thường xuyên, và lượng máu kinh nhiều thì có thể bạn sẽ bị thiếu máu, thiếu sắt. Lúc này, bạn cần đi khám bác sỹ để tìm ra nguyên nhân.

Các nguyên nhân gây ra kinh nguyệt kéo dài

Sự thay đổi trong nội tiết tố và rụng trứng1

Những thay đổi nội tiết tố hoặc quá trình rụng trứng có thể gây ra kinh nguyệt kéo dài. Những biểu hiện này thường gặp ở những kỳ kinh đầu tiên khi bắt đầu dậy thì hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh. Bên cạnh đó, rối loạn tuyến giáp hoặc hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây ra sự kéo dài của chu kỳ kinh.

Khi có bất thường nội tiết tố hay không rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung có thể trở nên rất dày. Và khi lớp niêm mạc đó rụng đi, bạn cũng hành kinh lâu hơn.

U xơ hoặc polyp tử cung1 2

U xơ hoặc polyp tử cung có thể dẫn đến kinh nguyệt kéo dài. Đôi khi triệu chứng diễn ra rất nặng nề.

Hành kinh kéo dài có thể gây ra bởi u xơ tử cung

U xơ xảy ra khi các mô cơ bắt đầu phát triển trong thành tử cung. Polyp cũng là kết quả của sự phát triển không đều của các mô trong tử cung và khiến các khối u nhỏ phát triển. Tuy nhiên, nên nhớ rằng không phải u xơ hay polyp nào cũng là ác tính.

Lạc nội mạc tử cung2

Lạc nội mạc tử cung là một dạng tích tụ mô khác trong tử cung. Tình trạng này xảy ra khi nội mạc tử cung, hoặc niêm mạc tử cung tự chui vào các cơ của tử cung. Điều này có thể dẫn đến kinh nguyệt kéo dài hoặc nặng nề. Bên cạnh đó, bạn còn có thể có các triệu chứng như đau bụng kinh nặng nề và cảm thấy tì đè vùng bụng dưới.

Các vấn đề liên quan đến thai kỳ1

Mặc dù thực tế không phải là máu kinh nhưng chảy máu âm đạo kéo dài có thể là dấu hiệu của bất thường trong thai kỳ. Thường gặp nhất phải kể đến là mang thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai.

Đối với một thai kỳ bình thường, chảy máu kéo dài là có thể là biểu hiện của nhau tiền đạo. Vì vậy, nếu bạn đã thử thai dương tính và đang bị chảy máu âm đạo, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn.

Một số loại thuốc có thể gây kéo dài kinh nguyệt1

Trong một số trường hợp, thuốc có thể làm cho kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài hơn.

Các loại thuốc thường gây ra triệu chứng này như:

  • Các biện pháp tránh thai, chẳng hạn như dụng cụ tử cung và thuốc tránh thai kéo dài.
  • Aspirin và các thuốc chống đông khác.
  • Các loại thuốc kháng viêm.

Cường giáp3

Cường giáp là bệnh lý khi tuyến giáp của bạn hoạt động quá mức. Điều đó gây ra những thay đổi nội tiết tố cơ thể. Từ đó dẫn đến kinh nguyệt của bạn kéo dài hơn bình thường. Việc quan trọng là bạn phải được chẩn đoán và điều trị sớm để cải thiện chu kỳ kinh nguyệt của mình.

Các bệnh lý rối loạn đông máu1

Các bệnh lý rối loạn đông máu toàn thân có thể gây ra kinh nguyệt kéo dài. Hai trong số bệnh lý thường gặp này là bệnh Hemophillia và bệnh Von Willebrand. Kinh nguyệt kéo dài có thể là dấu hiệu duy nhất của một trong những bệnh lý này hoặc có thể có các triệu chứng khác.

Béo phì1

Thừa cân có thể gây ra kéo dài thời gian hành kinh. Đó là bởi các mô mỡ có thể khiến cơ thể bạn sản xuất nhiều estrogen hơn. Lượng estrogen dư thừa này có thể dẫn đến sự thay đổi trong kỳ kinh của bạn.

Vì vậy, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và có chế độ ăn hợp lý không những giúp chị em có thân hình thon thả mà còn có một sức khỏe tốt.

Các bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu4

Các bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn lây nhiễm sang cơ quan sinh sản của bạn. Ngoài những thay đổi đối với chu kỳ kinh nguyệt của bạn, các bệnh lý này cũng có thể dẫn đến tiết dịch âm đạo bất thường và các triệu chứng khác.

Các bệnh lý ung thư1 2

Nếu kinh nguyệt diễn ra dài hơn trong một thời gian dài thì có thể đó là dấu hiệu của ung thư trong tử cung hoặc cổ tử cung. Đây có thể là một trong những triệu chứng sớm nhất của các bệnh lý ung thư này. Vì vậy, phụ nữ trên 35 tuổi thường xuyên đi tầm soát cổ tử cung để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Nên đi khám ngay lập tức nếu bị sốt cao, mất một lượng máu lớn hoặc xuất hiện cục máu đông lớn. Dấu hiệu cho thấy bạn đang mất nhiều máu là bạn cần thay băng vệ sinh từ 1 – 2 lần/giờ hoặc trong vài giờ.5 Bạn cũng có thể bắt đầu cảm thấy chóng mặt, khó chịu nếu mất nhiều máu.

Kinh nguyệt kéo dài được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Các thông tin bác sĩ thường hỏi bao gồm:

  • Kỳ kinh của bạn bắt đầu từ khi nào?
  • Bạn đã sử dụng bao nhiêu băng vệ sinh trong 1 ngày hành kinh?
  • Hoạt động tình dục của bạn như thế nào?
  • Bạn đang có triệu chứng nào khác không?
  • Tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình.

Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và có thể đề xuất một số xét nghiệm để củng cố chẩn đoán, bao gồm:6

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone và cũng để tìm các dấu hiệu thiếu sắt.
  • Xét nghiệm Pap.
  • Sinh thiết cổ tử cung.
  • Siêu âm bụng hoặc siêu âm đầu dò qua âm đạo.
  • Nội soi tử cung.
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung.

Từ quá trình thăm khám trên, bác sĩ sẽ có được nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị cho bạn.

Đến gặp bác sĩ để có được những lời khuyên hiệu quả nhất

Các phương pháp điều trị kinh nguyệt kéo dài

Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ lựa chọn những phương pháp điều trị khác nhau. Mục tiêu của việc điều trị là: giảm lượng máu kinh hiện tại, điều hòa kinh nguyệt hoặc giảm bớt các triệu chứng khác đi kèm.6

1. Các loại thuốc ngừa thai bằng nội tiết tố

Phương pháp này có thể điều chỉnh kỳ kinh nguyệt của bạn và rút ngắn nó trong tương lai. Có nhiều dạng ngừa thai bằng nội tiết tố: thuốc uống, que cấy tránh thai và đặt vòng âm đạo.

2. Các loại thuốc giảm đau

Bác sĩ sẽ cho bạn các loại thuốc giảm đau nếu bạn có triệu chứng này trong thời gian dài. Những loại thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như cataflam, ibuprofen thường được chỉ định.

3. Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể hiệu quả để giảm bớt tình trạng kinh nguyệt kéo dài. Việc nong và nạo có thể làm mỏng lớp màng trong tử cung của bạn. Từ đó, lượng máu chảy ra trong kỳ kinh nguyệt cũng ít đi, kỳ kinh cũng ngắn lại.

Nếu không còn tính đến chuyện có con hoặc đã đủ con, bác sĩ có thể đề nghị bạn cắt bỏ nội mạc tử cung hoặc cắt bỏ tử cung. Những thủ thuật này có thể làm giảm thời gian hành kinh, nhưng cũng loại bỏ khả năng mang thai.

Các biến chứng của kinh nguyệt kéo dài.

Việc trì hoãn chẩn đoán có thể dẫn đến phải sử dụng các biện pháp chẩn đoán và điều trị xâm lấn hơn.

Ngoài ra, nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài gây mất máu nhiều hơn, bạn có thể có nguy cơ bị thiếu máu. Điều này có thể gây ra cho bạn cảm giác mệt mỏi và suy nhược cơ thể.

Kinh nguyệt kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn. Dẫn đến hoạt động, sinh hoạt đời sống cũng bị thay đổi.

Kinh nguyệt kéo dài là một dạng rối loạn kinh nguyệt. Hiện tượng này có thể là dấu hiệu gợi ý cho những bệnh lý sản phụ khoa hoặc của toàn cơ thể. Vì vậy, hãy theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và tìm gặp bác sĩ khi có những bất thường. Chúc chị em phụ nữ sẽ thật vui, khỏe và thành công trong công việc và cuộc sống!