Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT đang triển khai nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới để thực hiện sau năm 2015.

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình mới dự kiến sẽ được xây dựng theo hướng đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, giáo dục pháp luật và giáo dục hướng nghiệp, tích hợp ở những lớp dưới, phân hóa mạnh ở những lớp trên, tạo ra nhiều sự lựa chọn về nội dung học tập cho học sinh, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học của học sinh có hướng dẫn và hỗ trợ tối ưu của giáo viên; chú trọng giáo dục quốc phòng an ninh, tăng cường các hoạt động xã hội của học sinh để bảo tồn các truyền thống văn hóa xã hội, nhằm xây dựng nền học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển năng lực cá nhân của người học, phù hợp với điều kiện học tập của học sinh mỗi vùng miền, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

Với quan niệm tìm hiểu các thông tin về xây dựng chương trình GDPT của các nước có nền giáo dục phát triển cao và các nước tương đồng với Việt Nam là một yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển chương trình GDPT của Việt Nam, nhóm tác giả gồm GS.TS.Nguyễn Lộc, GS.TS. Đào Thái Lai và TS. Nguyễn Thị Hồng Vân (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã nghiên cứu sâu về giáo dục phổ thông của 5 nước: Phần Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Liên bang Nga, Trung Quốc, đồng thời tham khảo các nghiên cứu về GD của một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, qua đó khái quát một số vấn đề về xu thế phát triển chương trình GDPT trên thế giới.

Theo đó, chi phí cho GD (cả chi phí công và tư) của các nước đều chi khoảng trên 5% GDP trở lên cho GD. Riêng Hàn Quốc chi tới 7,19% GDP, Mỹ chi tới 7,13% GDP. GD THPT công là miễn phí ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu). Ngoại trừ Ý, Hàn Quốc và Hà Lan, ở những nước này, HS sẽ phải trả học phí khi qua tuổi GD bắt buộc; nếu cha mẹ có thu nhập thấp thì HS có thể được giảm học phí. 

Hầu hết các nước quy định GD cơ bản bắt buộc (khoảng 9-10 năm). Hungary, Bắc Ireland, Hà Lan: GD bắt buộc 12 năm; Anh, Bắc Ailen, Scotland, Xứ Wales,  Nga: GD bắt buộc 11 năm; Ireland, Phần Lan, Pháp, Đức, New Zealand, Sigapore,Mỹ: GD bắt buộc 10 năm; Canađa, Malayxia, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nam Phi, Ý: GD bắt buộc 9 năm.

Các nước khuyến khích HS duy trì việc học ở tuổi đi học (tới 18/19 tuổi). Ở Đức, GD cả ngày là bắt buộc tới tận 15/16 tuổi. Sau đó, thanh thiếu niên bắt buộc phải tới trường ít nhất là ở các cơ sở nửa ngày đến tận 19 tuổi. Ở Hà Lan, HS nào rời trường học cả ngày ở tuổi 16 phải tiếp tục học ở các cơ sở GD nửa ngày đến tận 18 tuổi.

Ở nhiều nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, xã hội và các bậc phụ huynh hết sức quan tâm đến việc học tập của trẻ em. Ở các nước này, việc học tập của HS đã trở thành cuộc ganh đua khốc liệt ngay từ tiểu học.

Tất cả các nước đều coi các yếu tố về sự phát triển của CNTT, nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa là các yếu tố quan trọng cần tính đến khi xây dựng chương trình GD. Ngoài ra, các nước đều căn cứ vào các mục tiêu phát triển kinh tế, chiến lược phát triển xã hội của nhà cầm quyền trong phát triển GD cũng như xây dựng chuơng trình.   

Nét chung trong hệ thống Giáo dục quốc dân ở các nước được nghiên cứu đều gồm GD mầm non, GDPT (tiểu học và trung học ), giáo dục nghề và đại học. Số năm học dành GDPT phần lớn là 12 năm.

Hầu hết các nước quy định tuổi vào học lớp 1 là 6 tuổi, một số nước như Anh, xứ Wales, Bắc Ailen, Hà Lan, New Zealand, Úc, HS đi học lớp 1 từ 5 tuổi; một vài nước như Phần Lan , Nam Phi, HS đi học lớp 1 từ 7 tuổi. Ở các nước Pháp, Đức, Hungary, Ý, Thụy điển, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, HS đi học lớp một từ 6 tuổi. Có một số nước, trong trường tiểu học có cả các lớp học mầm non (Malaysia, Pháp, ..).

Số năm học ở tiểu học phần đông là 6 năm, một số nước như Pháp, Nga, tiểu học có 5 năm học. Tiểu học ở Trung Quốc có thể 5 năm (vùng dân tộc) và 6 năm (ở phần lớn các vùng khác).

Riêng ở Hàn Quốc, trẻ em từ 3-5 tuổi thuộc giai đoạn mẫu giáo, không bắt buộc; bắt đầu vào lớp 1 là 6 tuổi. Tiểu học kéo dài 6 năm từ 6 tuổi đến 12 tuổi; THCS 3 năm từ 13 đến 15 tuổi và THPT 3 năm từ 16-18 tuổi. Ở THPT, HS có thể chọn một trong hai hướng: học cơ bản và học nghề. Lên Đại học cũng theo hai hướng GD hàn lâm và GD nghề. GD bắt buộc ở Hàn Quốc là 9 năm (giai đoạn Tiểu học và THCS)

Ở  Malaysia, GD  Mầm non: trẻ em tới trường trong độ tuổi từ 3 tới 6 tuổi. GDPT hiện nay là 11 năm chia thành 2 bậc: GD Tiểu học và GD Trung học. Trong đó, GD Tiểu học, trẻ em đi học từ 7 tuổi, thời gian dành cho GD tiểu học là 6 năm và được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là 3 năm từ năm thứ 1 đến năm thứ 3, giai đoạn 2 là 3 năm từ năm thứ 4 đến năm thứ 6.  Hết năm thứ 6 HS phải trải qua Kỳ thi đánh giá Tiểu học.

Thời gian dành cho giáo dục trung học là 5 năm, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn trung học bậc thấp là 3 năm từ năm thứ 1 đến năm thứ 3, trung học bậc cao là 2 năm từ năm thứ 4 đến năm thứ 5. Cuối năm thứ 3, HS phải trải qua kỳ thi quốc gia PMR (đánh giá trung học bậc thấp). Cuối năm thứ 5, HS trải qua kỳ thi quốc gia SPM (chứng chỉ giao dục Malaisia tương đương với British Ordinary GCSE). Hết trung học bậc cao, HS muốn vào các trường đại học công phải hoàn thành một năm rưỡi theo học năm thứ 6 (Form Six) và phải trải qua kỳ thi STPM  (tương đương trình độ Advanced hay ’A’ level của Anh). Thời gian đào tạo ĐH là 3 năm, thạc sĩ là 2 năm và tiến sĩ là 3 năm.

Tại Nga gồm GD tiền học đường (giáo dục mầm non); GDPT 11 năm, bao gồm ba giai đoạn: cấp tiểu học (lớp 1-4), cấp THCS (lớp 5-9), và THPT hoàn chỉnh (lớp 10-11). GD nghề nghiệp gồm hệ sơ cấp 3 năm (nhận HS học xong THCS) và hệ trung cấp 3 năm (nhận HS học xong trung học hoàn chỉnh và HS học xong nghề hệ sơ cấp). GD đại học và sau đại học gồm: đại học hệ 5 năm đào tạo chuyên gia với văn bằng tốt nghiệp; đào tạo thạc sĩ 2 năm; đào tạo phó Tiến sĩ khoa học 3 năm. Học vị cao nhất là Tiến sĩ khoa học, thời gian làm Tiến sĩ khoa học là 2 năm. Bên cạnh hệ thống GD chính quy là hệ thống GD bổ túc (gồm bổ túc văn hoá và nghề nghiệp).
Ở THPT, các trường tại Nga phân ban theo 4 loại hình: Ban Khoa học tự nhiên; Ban Nhân văn – Ngoại ngữ; Ban Xã hội – Kinh tế; Ban Công nghệ.

Phần Lan, GD cơ sở từ 7- 16 tuổi tại trường phổ thông “hỗn hợp” trong 9 năm. Đây là giai đoạn GD bắt buộc. Sau khi kết thúc giai đoạn GD cơ sở và nhận chứng chỉ, HS có thể tiếp tục học lên THPT hoặc học trung học nghề. Phần Lan chỉ có một kì thi quốc gia cuối THPT. Có 4 môn phải thi, bao gồm 2 ngôn ngữ quốc gia, 1 Ngoại ngữ, Toán, hoặc khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn. Kết quả được xác nhận riêng rẽ. Kì thi này xác nhận HS đủ tư cách vào đại học.

Về chu kỳ đổi mới, nhìn chung, sau 5 đến 10 năm các nước đều có đổi mới chương trình GDPT. Việc đổi mới đa dạng, có nước đổi mới chương trình nhiều cấp học trong cùng một giai đoạn, nhưng nhiều nước trong từng giai đọan tập trung đổi mới chương trình một cấp, một bậc học hoặc mộ số lĩnh vực GD. Phát triển chương trình là một hoạt động bình thường, diễn ra thường xuyên trong GDPT.
Về mục tiêu GD THPT, nói chung, mục đích, mục tiêu GD có thể được nhóm lại theo 5 lĩnh vực chính. Đó là: Phát triển cá nhân (phát triển các xu hướng, năng khiếu của cá nhân); Kinh tế (Khả năng đáp ứng nhu cầu làm việc. Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia, đặc bệt trong quan hệ với các nước Châu Âu và trong cạnh tranh quốc tế. Ở New Zealand, cạnh tranh cùng với hợp tác là một trong những kĩ năng mong đợi ở HS được nhấn mạnh); Văn hóa và xã hội (Khả năng hội nhập, phát triển một xã hội lành mạnh; Công bằng xã hội ý thức được về sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ của xã hội; ý thức về di sản đa văn hóa. Đẩy mạnh GD dân chủ và GD công dân); Kiến thức, kĩ năng, chuẩn mực (Phát triển các chuẩn rmực; kích thích sự sáng tạo; nhấn  mạnh toán học và các môn khoa học, CNTT, chuẩn bị tới xã hội tri thức); Mở rộng việc học tập (Mở rộng việc học sau GD bắt buộc. Chuẩn bị cho học tập suốt đời, vì vậy năng lực học tập suốt đời được đề cập đến ở nhiều nước). Hầu hết các nước đều đặt GD nghề – hướng nghiệp cho HS giai đoạn THPT.

Một số nước có nhấn mạnh thêm một số yếu tố khác biệt: Hàn Quốc chú ý tới GD những Công dân toàn cầu, chú trọng tới giáo dục các giá trị truyền thống. Malaysia, Hàn Quốc có chú ý tới GD đạo đức, GD ý thức trách nhiệm đối với gia đình, với cộng đồng và với xã hội. Malaysia có đề cập tới GD niềm tin vào Chúa.

Ở các nước có nghiên cứu, chương trình được kết cấu theo các thành phần: Các lĩnh vực chung (bao gồm cả các môn không thi) là bắt buộc đối với mọi HS; Các yếu tố cốt lõi bắt buộc; Các môn tự chọn; Tự học, hoạt động trải nghiệm trong hoạt động cộng đồng. Các yếu tố này được kết cấu trong chương trình chung cho mọi HS. 

Lĩnh vực học tập mới như xử lí thông tin, kĩ năng tư duy và giao tiếp, các kĩ năng  (bao gồm cả GD công dân và giáo dục tính cách) được bổ sung để đáp ứng đòi hỏi của GD đại học hoặc cuộc sống lao động. Chương trình các nước đều ý thức được tầm quan trọng của việc khuyến khích sự đa dạng và sự sáng tạo.

Ở hầu hết các nước, các kiến thức cốt lõi dược xác định dành cho giai đoạn GD bắt buộc gồm tiếng quốc gia, toán, lĩnh vực nhân văn (lịch sử, địa lí, nghiên cứu xã hội, GD công dân), giáo dục thể chất/thể thao (gồm thêm GD sức khỏe ở vài nước); Các môn tự nhiên (hoặc môn tự nhiên tích hợp), các môn nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc, nhảy, kịch) và tiếng nước ngoài (không phải tất cả các môn đều thi).

Các yếu tố chung quán triệt suốt các nội dung GD gồm: Tính toán và giao tiếp; kĩ năng về thông tin, bao gồm cả ICT (Công nghệ thông tin và truyền trông); Giải quyết vấn đề; Kĩ năng học tập; Các kĩ năng cá nhân, kĩ năng xã hội và làm việc theo nhóm; Quan hệ công dân và nhận thức về trách nhiệm công dân, các giá trị văn hóa và xã hội; Các kiến thức và kĩ năng gắn tới việc làm và tTư duy sáng tạo.

Dạy học phân hóa ở THPT theo hướng tự chọn là xu hướng chung ở tất cả các nước. Việc dạy học tự chọn cho phép tới THPT, HS chỉ học một số môn cốt lõi nhất như ngôn ngữ quốc gia, toán, ngoại ngữ, còn lại là các môn, các chủ đề tự chọn. HS học sâu thêm các điều đã học trong lĩnh vực GD bắt buộc và các môđun nâng cao ở các môn đặc thù. Trong số các nước được nghiên cứu, chỉ có Nga và Pháp vẫn tổ chức dạy học phân ban ở THPT.

Các nước đều không tổ chức thi quốc gia hoặc cấp chứng chỉ ở tiểu học. Hầu hết các nước tổ chức thi quốc gia ở THCS (thống kê INCA cho thấy, trong 21 nước, chỉ có 4 nước là Hungary, Thụy Sĩ, Úc và Canađa là không thi quốc gia ở THCS). Tất cả các nước đều tổ chức thi quốc gia hoặc có cấp chứng chỉ ở THPT .

Các nước đều phân cấp quản lí chương trình theo hướng tăng quyền cho các cấp dưới. Mở rộng quyền tham gia xây dựng chương trình cho các cấp địa phương, cho các cơ sở GD. Bộ xây dựng khung chương trình GD, nhiều nước công bố chuẩn. Các địa phương (sở GD) căn cứ vào khung chương tình xây dựng chương trình phù hợp địa phương. Các trường có chương trình vận dụng của mình (chương trình nhà trường). Việc quản lí, giám sát thực hiện và điều chỉnh chương trình được thực hiện ở cấp quản lí GD địa phương, tăng quyền cho các trường. Đánh giá chất lượng GD, ngoài việc các trường tự đánh giá, việc đánh giá được thực hiện theo cơ chế đánh giá ngoài.

Về quy trình tổ chức triển khai chương trình GD nhìn chung đều gồm các bước: Phân tích yêu cầu của xã hội đối với GD và GDPT; Đánh giá chương trình hiện hành; Phác thảo những ý tưởng, định hướng cơ bản và khung chương trình GD; Xin ý kiến rộng rãi; Chỉnh sửa và tổ chức thí điểm; Triển khai chương trình rộng rãi; Tiếp tục đánh giá và điều chỉnh chương trình.

Riêng về thí điểm chương trình, việc thí điểm nhìn chung không quá dài, tập trung thí điểm những nội dung thay đổi, ở một số lớp. Ở Phần Lan, không tổ chức thí điểm chương trình, Malaysia thí điểm trong 3 tháng, Hàn Quốc tổ chức thí điểm những nội dung thay đổi và trong thời gian ngắn….

Vấn đề SGK, nhìn chung, trên cơ sở chương trình GD quốc gia, có nhiều bộ SGK. Việc tổ chức biên soạn SGK khá đa dạng: Malayxia tổ chức viết các bộ SGK cho từng vùng. Phần Lan để các nhà xuất bản tổ chức viết SGK, tác giả SGK có thể là các giáo viên phổ thông…. Cơ sở GD, thậm chí giáo viên có quyền chọn SGK để dạy học. SGK được các nhà xuất bản tổ chức in phù hợp chương trình được công bố. SGK được các nhà xuất bản in nhưng phải được nhà nước duyệt về chất lượng, cho phép ban hành (Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Hungary, Ý, Hà Lan, Nhật, một nửa số bang của Mỹ,…).

Đội ngũ giáo viên, giáo viên ở các nước OECD trình độ thạc sĩ. Giáo viên ở phần nhiều nước như Malaysia, Hàn Quốc, Nga, … đều có trình độ đại học trở lên. Một số nước (Phần Lan, Malayxia) có hướng phát triển năng lực nghiên cứu trong đào tạo giáo viên.

Thời gian đào tạo giáo viên ở các nước khác nhau, chẳng hạn: thời gian đào tạo giáo viên tiểu học ở Anh, Bắc Ai len, xứ Wales là từ 3 đến 5 năm. Thời gian đào tạo giáo viên tiểu học ở Pháp, Đức, Canada, Úc, Mỹ khoảng 5 năm. Thời gian đào tạo giáo viên ở Nhật là 4 năm. Thống kê của INCA về số năm đào tạo giáo viên tiểu học và THCS được cho bởi các bảng 84.3….Tỷ lệ giáo viên/HS ở các nước nhìn chung là thấp, giáo viên có điều kiện tổ chức dạy học phân hóa (vi mô).

Hiếu Nguyễn