Kinh nghiệm giáo dục ATGT trong nhà trường

Cuộc thi “An toàn giao thông (ATGT) cho nụ cười ngày mai” (gọi tắt là Cuộc thi) năm học 2021 – 2022 dành cho học sinh và giáo viên trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo,  Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam tổ chức. Ở phần thi dành cho giáo viên trung học của Cuộc thi, Tiền Giang có 2 giáo viên của các trường THPT ở huyện Cái Bè đoạt giải Nhất và Nhì là thầy Nguyễn Long Hồ (Trường THPT Phạm Thành Trung) đoạt giải Nhất và cô Đỗ Thị Cẩm Tú (Trường THPT Thiên Hộ Dương) đoạt giải Nhì.

Thầy Hồ và cô Tú đã chia sẻ kinh nghiệm công tác giáo dục ATGT trong nhà trường, góp phần làm giảm tai nạn giao thông (TNGT), nâng cao ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông.

* Thầy Nguyễn Long Hồ: Tạo hứng thú cho tiết học ATGT

Thầy Hồ là giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Phạm Thành Trung. Từng chứng kiến học sinh của mình bị TNGT, thầy không khỏi xót xa, đau buồn. Trước những trăn trở đó, thầy Hồ đã tìm hiểu những kiến thức về giao thông trên tài liệu giáo dục ATGT, mạng xã hội, phương tiện truyền thông… để từ đó xây dựng ý tưởng tích hợp kiến thức ATGT vào nội dung các tiết dạy có liên quan đến giao thông. Qua các tiết học ATGT, thầy đã cùng học sinh phân tích nguyên nhân, hậu quả, cũng như đưa ra các giải pháp để phòng tránh TNGT.

Cô Đỗ Thị Cẩm Tú, em Nguyễn Thị Ngọc Vy và thầy Nguyễn Long Hồ nhận giải thưởng Cuộc thi  được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cô Đỗ Thị Cẩm Tú, em Nguyễn Thị Ngọc Vy và thầy Nguyễn Long Hồ nhận giải thưởng Cuộc thi được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đối với mỗi tiết dạy, đặc biệt là những tiết có tích hợp kiến thức ATGT, thầy Hồ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp giáo dục kiến thức ATGT một cách sáng tạo và vận dụng các phương pháp dạy học sinh động, như: Dạy học dự án, kỹ thuật dạy học mảnh ghép, đóng vai… để tạo cho học sinh sự hứng thú, không nhàm chán.

Cuộc thi năm học 2021 – 2022, Tiền Giang có 16.046 bài thi của học sinh và giáo viên trung học tham gia, tăng 3.190 bài thi so với năm học 2020 – 2021. Kết quả Cuộc thi, Tiền Giang đoạt 21 giải thưởng của giáo viên và học sinh, gồm: 2 giải Nhất, 1 giải Nhì, 4 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Trong đó, ở phần thi dành cho học sinh của Cuộc thi, em Nguyễn Thị Ngọc Vy (Trường THPT Phạm Thành Trung) đoạt giải Nhất.

Thầy Hồ cho biết, do vị trí của Trường THPT Phạm Thành Trung nằm gần Quốc lộ 1 nên hằng ngày có rất nhiều học sinh của trường phải đi ngang qua Quốc lộ 1 để vào trường.

Các em tuổi còn nhỏ và kiến thức giao thông hạn chế, nên việc tham gia giao thông cũng như đi ngang qua Quốc lộ 1 để đến trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. “Trong quá trình tích hợp kiến thức giao thông, tôi cho các nhóm học sinh làm dự án, sản phẩm là những video hướng dẫn các bạn đi ngang qua Quốc lộ 1 hoặc các đường tắt để tránh Quốc lộ 1 khi đến trường và hạn chế ùn tắc trên đường dẫn vào trường do đường này khá nhỏ hẹp”, thầy Hồ chia sẻ.

Không chỉ dạy tốt các tiết học ATGT ở nhà trường mà thầy Hồ đã 2 lần tham gia Cuộc thi và đều đoạt giải, ở lần thứ nhất (năm học 2020 – 2021) đoạt giải Khuyến khích và lần thứ  hai (năm học 2021 – 2022) đoạt giải Nhất. Thầy Hồ chia sẻ: “Bản thân nhận thấy mình cần rèn luyện, nỗ lực hơn nữa trong công tác giáo dục ATGT cho học sinh. Trở lại với Cuộc thi năm học 2021 – 2022, sau thời gian rèn luyện, học tập và nâng cao kiến thức, bản thân đã vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đạt hiệu quả cao trong từng tiết dạy, nên đã nhận được giải thưởng cao từ Cuộc thi”.

* Cô Đỗ Thị Cẩm Tú: Vừa học, vừa chơi

Để lồng ghép tốt kiến thức, kỹ năng ATGT vào các tiết dạy trên lớp, cô Tú, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Thiên Hộ Dương thường xuyên nghiên cứu tài liệu liên quan đến phương tiện và những quy định pháp luật về giao thông để lập ra kế hoạch cụ thể cho từng bài dạy. Đồng thời, cô chuẩn bị nội dung, các phương tiện giảng dạy thật kỹ, lựa chọn phương pháp phù hợp để giúp học sinh nắm bắt kiến thức và hình thành kỹ năng về ATGT nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn.

Thầy Nguyễn Long Hồ, em Nguyễn Thị Ngọc Vy và cô Đỗ Thị Cẩm Tú dự Lễ trao giải Cuộc thi được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thầy Nguyễn Long Hồ, em Nguyễn Thị Ngọc Vy và cô Đỗ Thị Cẩm Tú dự Lễ trao giải Cuộc thi được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Theo cô Tú, việc lồng ghép, tích hợp môn Ngữ văn với kiến thức ATGT tương đối dễ hơn so với các môn học khác. Nhiều bài học có thể lồng ghép nội dung ATGT như: Phát biểu theo chủ đề, nghị luận về một hiện tượng đời sống, trình bày một vấn đề… Qua đó, cung cấp giúp học sinh hiểu biết thêm về nguyên nhân gây tai nạn, cách phòng tránh nguy hiểm và giáo dục học sinh ý thức tham gia giao thông đúng luật.

Hơn 17 năm đứng lớp, để có tiết ATGT đạt hiệu quả, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Tú tự xây dựng đề cương và chọn cho mình phương pháp giảng dạy riêng, từ thuyết trình, đàm thoại, nêu gương, sử dụng đồ dùng trực quan cho đến thảo luận nhóm, xử lý tình huống, tổ chức trò chơi…

Đặc biệt, qua phương pháp xử lý tình huống giúp học sinh củng cố kiến thức đã học và phát huy kỹ năng vận dụng liên hệ vào thực tiễn đời sống. Đây là dịp để học sinh làm quen với yêu cầu thể hiện quan điểm của mình trước các tình huống ATGT, từ đó rèn luyện kỹ năng, nâng cao ý thức đảm bảo ATGT cho học sinh.

Bên cạnh đó, cô Tú tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho tiết ATGT. Ngoài ra, cô Tú còn thiết kế trò chơi bằng trình chiếu PowerPoint tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, cho học sinh quay video thuyết trình về chủ đề giao thông… Việc xem hình ảnh, video sẽ giúp học sinh nhớ bài học lâu và các em sẽ tự nhận thức, điều chỉnh hành vi tham gia giao thông của bản thân đúng luật, an toàn.

Theo cô Tú, đối với môn học mang tính chất tuyên truyền, phổ biến như ATGT, người dạy cần tổ chức các hoạt động linh hoạt, mang tính trải nghiệm sáng tạo, sử dụng các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực để tạo cho học sinh sự thoải mái, dễ tiếp thu bài học.

Đồng thời, cô Tú không chỉ lồng ghép, tích hợp vào môn học, mà kiến thức về ATGT còn được tuyên truyền, phổ biến trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp thông qua sử dụng phương pháp hỏi – đáp trực tiếp với học sinh, so sánh các đáp án để cả lớp nhận định câu trả lời đúng; liên hệ thực tiễn vị trí giao thông của trường mà học sinh đang học để hướng dẫn các em thực hiện đúng luật.

Cô Tú cho biết, cách dạy trên đã nhận được sự hợp tác cao từ nhiều học sinh. Các em tỏ ra thích thú khi xung phong trả lời về các tình huống cụ thể trên đường – nơi mà hằng ngày các em vẫn đi đến trường – về nhà. Chẳng hạn đưa ra các tình huống cụ thể ngoài đời thường gặp khi tham gia giao thông (vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang, đi xe dùng điện thoại…) kết hợp sân khấu hóa bằng cách cho học sinh diễn kịch tại lớp, qua đó tạo sự thoải mái, vui vẻ để các em nhớ bài học lâu và có sức lan tỏa hơn.

VĂN THẢO