Kinh nghiệm du lịch Hà Giang – Khám phá vẻ đẹp nơi địa đầu Tổ Quốc – BlogAnChoi
Hà Giang – mảnh đất địa đầu của Tổ Quốc luôn có một sức hấp dẫn đến kỳ lạ đối với những người yêu thích du lịch. Nhắc đến du lịch Hà giang là người ta nghĩ ngay đến những con đường đồi quanh co, những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp, bầu không khí trong lành và mát mẻ,…..Hãy cùng BlogAnChoi đi khám phá một vòng quanh Hà Giang nhé!
Mục Lục
Giới thiệu sơ lược về Hà Giang
- Vị trí: Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp Trung Quốc. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 280km.
- Địa hình: Nằm trong khu vực vùng núi cao phía bắc lãnh thổ Việt Nam nên địa hình Hà Giang khá là hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800m đến 1.200m so với mực nước biển.
- Khí hậu: Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Vào mùa đông có những đêm băng giá lạnh cắt da, còn mùa hè thì lại có những ngày đổ lửa khô cháy.
Đường đi và phương tiện di chuyển đến Hà Giang
Về đường đi
Quãng đường đi từ Hà Nội đến Hà Giang có tổng chiều dài là 280km và bạn có thể di chuyển theo 2 quãng đường cụ thể sau:
- Tuyến thứ nhất: Từ Hà Nội qua cầu Thăng Long. Đi theo hướng cao tốc Nội Bài Lào Cai đến Vĩnh Phúc – Việt Trì, Phú Thọ – Tuyên Quang. Sau khi đến TP. Tuyên Quang, bạn đi theo Quốc lộ 2 đến Hàm Yên, Bắc Quang, Vị Xuyên là đến TP. Hà Giang.
- Tuyến thứ hai: Từ Hà Nội đi đến Láng – Hòa Lạc, đi theo hướng Đại lộ Thăng Long. Sau đó đi theo hướng Quốc lộ 21 lên Sơn Tây. Tiếp theo đi từ Sơn Tây qua cầu Trung Hà đến Cổ Tiết rồi qua cầu Phong Châu đi đường 320 đến Phú Thọ. Từ Phú Thọ theo Quốc lộ 2 lên Đoan Hùng rồi đến Tuyên Quang. Sau khi đến TP. Tuyên Quang, bạn đi theo Quốc lộ 2 đến Hàm Yên, Bắc Quang, Vị Xuyên là đến TP. Hà Giang.
Về phương tiện di chuyển
Bạn có thể di chuyển theo 2 phương tiện đó là phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng.
- Phương tiện cá nhân: Nếu bạn thích tự chủ trong việc đi lại thì các bạn có thể sử dụng các phương tiện cá nhân như ô tô hoặc xe máy. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang sẽ rơi vào tầm 8-10 tiếng bao gồm cả thời gian chụp ảnh check in và nghỉ ngơi.
- Phương tiện công cộng: Bạn có thể bắt các tuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Thành Phố Hà Giang. Thông tin cụ thể về các tuyến xe phổ biến nhất đó là:
Xe khách giường nằm HẢI VÂN EXPRESS:
- Xuất phát – Đích đến: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Hà Giang
- Giờ xuất bến – Giờ đến: 20:30 – 4:25
- Giá vé: 200.000 VND/người
- Số điện thoại nhà xe: 04 38717171 – 0982428868
Xe khách giường nằm Cầu Mè:
- Xuất phát – Đích đến: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Hà Giang
- Giờ xuất bến – Giờ đến: 07:30 – 13:30 và 09:30 – 15:30
- Giá vé: 200.000 VND/người
- Số điện thoại nhà xe: 0915448933 – 0918946901 – 0913589055
Xe khách giường nằm Ngọc Cường
- Xuất phát – Đích đến: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Hà Giang
- Giờ xuất bến – Giờ đến: 12:30 – 20:30 và 20:15 – 4:15
- Giá vé: 220.000 VND/người
- Số điện thoại nhà xe: 0904366279 – 0982295279
Thuê xe máy tại Hà Giang
Nếu bạn di chuyển lên Hà Giang bằng phương tiện công cộng thì có thể tham khảo một số địa chỉ thuê xe máy thuận tiện mà giá lại vô cùng hạt dẻ để vi vu khắp khám phá mọi ngóc ngách tại Hà Giang ngay dưới đây nhé!
Giang sơn:
- Dịch vụ: Có mũ bảo hiểm – Bản đồ du lịch – Cho mượn đồ sửa xe – Có sẵn áo mưa – Cung cấp dây buộc đồ – Có giáp bảo vệ chân tay
- Địa chỉ: 54A Trần Phú, Thành phố Hà Giang (Cạnh ATM Ngân hàng Minh Khai)
- Điện thoại: 036 6166 968 – 0986 846 110 (Mr Tac)
- Giá xe: Dao động từ 150.000 – 200.000 VND /xe/ngày ( tùy vào loại xe và ngày thuê).
Hằng thường:
- Dịch vụ: Giao xe tận nơi – Bản đồ du lịch – Cho mượn đồ sửa xe – Tặng 2 chai nước mỗi xe – Mũ bảo hiểm 1/2 và 3/4
- Địa chỉ: 15B Phạm Hồng Thái, Tổ 17, Phường Minh Khai, Thành phố Hà Giang.
- Điện thoại: 083 6399 888 – 0942 50 8448 (Mr Thường)
- Giá xe: Dao động từ 180.000 – 200.000 VND /xe/ngày ( tùy vào loại xe và ngày thuê).
- Các loại xe như: wave 110, xe winner, xe tay ga và xe phân khối lớn.
Hồng Hào
- Dịch vụ: Có mũ bảo hiểm – Bản đồ du lịch – Cho mượn áo phản quang, giáp tay chân, mũ bảo hiểm ½ hoặc ¾ – Tặng kèm 2 chai nước – Tặng kèm 2 khẩu trang – Dây buộc đồ
- Địa chỉ: 10 Phạm Hồng Thái, Thành phố Hà Giang, Hà Giang
- Điện thoại: 0165.398.2928 / 0915.842.019
- Giá xe: 200.000 VND/xe/ngày.
- Các loại xe như: wave RSX, wave alpha, blade, sirius, winner đời mới, hàng năm xe được thay thế; xe có giá để đồ, dây chằng đồ.
Địa điểm nghỉ ngơi và ăn uống khi du lịch Hà Giang
Một số địa chỉ nghỉ ngơi tại Hà Giang
Bụi Homestay Đồng Văn
- Địa chỉ: Thị Trấn Đồng Văn, Ngã 3 Lũng Cú, Hà Giang
- Giá phòng: 180.000VND/phòng tập thể, 350.000VND/phòng đôi
- Số điện thoại: 0968 890 690
- Facebook: buihomestaydongvan
Dao Lodge Homestay
- Địa chỉ: Bản Nậm Đăm, Huyện Quản Bạ, Hà Giang
- Giá phòng: dao động trong khoảng 250.000VND-300.000VND/phòng
- Số điện thoại: 094 346 84 88
- Facebook: DaoLodge
Auberge de MeoVac homestay
- Địa chỉ: Thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang
- Giá phòng: 260.000VND/phòng tập thể
- Số điện thoại: 0219 3871 686
Khách sạn Hương Thảo
- Địa chỉ: Số 350 Đường Lý Tự Trọng, Thành phố Hà Giang, Hà Giang
- Giá phòng: 250.000VND/phòng đôi
- Số điện thoại: 097 612 51 52
Kiki’s House
- Địa chỉ: 134B Lý Tự Trọng, Trần Phú, Thành phố Hà Giang, Hà Giang
- Giá phòng: 280.000 VND/đêm phòng sàn ngủ tập thể.
- Số điện thoại: 098 890 39 90
Địa chỉ ăn uống tại Hà Giang
Nhà hàng Ngói Đỏ
- Địa chỉ: Tổ 1 – Phường Nguyễn Trãi – Thành phố Hà Giang
- Điện thoại: 0986294185
- Phục vụ: các món ăn dân tộc mang đậm hương vị núi rừng. Ngoài ra bạn còn có thể thưởng thức các món ăn Hàn Quốc, giá chỉ khoảng 100k/người.
Nhà hàng Sơn Thúy
- Địa chỉ: Tổ 1, Phường Quang Trung, Khu phố ẩm thực, Thành phố Hà Giang
- Điện thoại: 0915.047.301/ 0943.926.483
- Phục vụ: các món ngon đặc sản dân tộc như: Cá sông, lợn đen, gà đồi, ba ba cùng các loại lẩu…
Nhà hàng Cơm Dân Tộc
- Địa chỉ: Số 18 đường Nguyễn Văn Linh – Khu Phố Ẩm thực Hà Giang
- Phục vụ: các món ăn truyền thống, đây chắc chắn là điểm đến lí tưởng để thưởng thức các món ngon đặc sản Hà Giang.
Quán bà Tú Lan
- Địa chỉ: số nhà 125 – Tổ 3 – Thị trấn Đồng Văn ( khu phố cổ Đồng Văn).
- Điện thoại: 01663 276 042.
- Đây được đánh giá là một trong những quán ăn ngon ở Đồng Văn, quán nằm bên trái đối diện với quán cafe chợ cổ Đồng Văn.
Quán cháo Mộc Miên
- Địa chỉ: Số nhà 140 – Tổ 2 – Thị trấn Đồng Văn – tỉnh Hà Giang.
- Điện thoại: 01692 222 830.
- Phục vụ: Chuyên đặc sản cháo Ấu tẩu (trị đau xương, khớp, ăn ngon, ngủ ngon)
Bánh cuốn bà Hà
- Địa chỉ: Số nhà 31 – Phố Cổ – Thị trấn Đồng Văn.
- Phục vụ: Chuyên phục vụ bánh cuốn nóng, xôi, giò chả và các loại đặc sản địa phương như: lạp sườn, xúc xích, thịt hun khói, bò khô, mật ong…
Nhà hàng Âu Việt
- Địa chỉ: Tổ 3 – Thị trấn Đồng Văn.
- Điện thoại: 0942 905 888.
- Thực đơn: Lẩu gà, dê, cá, vịt. Phở bò, gà, sốt vang. Cơm và các món đặc sản.
Nên đi Hà Giang vào tháng mấy?
Có thế nói Hà Giang mùa nào cũng đẹp cả, mỗi mùa đều có những nét đẹp riêng biệt. Dưới đây là thông tin về các mùa du lịch tại Hà Giang cho bạn lựa chọn:
- Tháng 1-2: mùa lễ hội tại Hà Giang. Đi vào thời điểm này, bạn không chỉ được hòa mình vào không khí vui vẻ, sôi nổi, được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn như: Chọi trâu, lồng tồng, đấu ngựa,… mà còn có cơ hội tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc.
- Tháng 3: mùa hoa đào, hoa mận nở rộ. Với những bạn trẻ yêu thích hoa lá và sống ảo thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất để đến Hà Giang và tậu ngay cho mình những bức hình để đời. Đặc biệt khí hậu mùa này khá mát mẻ, thuận tiện cho việc đi tham quan và khám phá các địa danh nổi tiếng.
- Tháng 4: tham gia Chợ tình Khâu Vai – một trong những lễ hội lớn nhất ở Hà Giang. Bạn sẽ được hòa mình vào không gian sôi nổi, náo nhiệt, hình ảnh những chàng trai, cô gái đang xúm lại trò chuyện, tán tỉnh nhau. Lễ hội đến là thời gian ngắn ngủi cho những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau gặp lại nhau, bên nhau trò chuyện, tâm tình.
- Tháng 5-6: Hà Giang “mùa nước đổ” quyến rũ một cách lạ thường. Khi đến với Hà Giang vào khoảng thời gian này bạn sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tuyệt đẹp. Đặc biệt hơn khi những dòng nước trên đỉnh núi cao đổ xuống những thửa ruộng làm cho nó như được khoác trên mình những chiếc áo mới vô cùng quyến rũ.
- Tháng 8-9: mùa lúa chín. Đây được xem là mùa của vẻ đẹp mộng mơ và nên thơ. Đến với Hà Giang mùa này bạn sẽ được đắm chìm trong mùi thơm ngọt ngào của mùi lúa chín, đắm chìm trong ký ức của tuổi thơ. Nơi đây chính là bối cảnh của rất nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng.
- Tháng 10-11: là mùa hoa Tam Giác Mạch, bạn đi vào khoảng tuần thứ 3 của tháng 10 cho đến khoảng đầu tháng 11 là đẹp. Đây là mùa du lịch được các bạn trẻ yêu thích nhất. Bởi vì Hà Giang mùa này có những cánh đồng hoa tam giang mạch nở rộ, phủ một màu tím khắp các sườn đồi cùng với không khí se lạnh của thời tiết tạo nên một khung cảnh lãng mạn.
- Tháng 12: mùa hoa cải vàng. Sau khi kết thúc một dải màu tím lãng mạn của tam giác mạnh bạn sẽ được tận hưởng một màu vàng rực rõ của hoa cải. Kết hợp với thời tiết lạnh cùng với màn sương mờ ảo tất cả sẽ tạo nên một bức ảnh check-in vô cùng độc đáo.
Tùy theo sở thích của mỗi cá nhân thì các bạn nên chọn thời điểm đi sao cho hợp lý. Riêng cá nhân của mình thì mình thấy đi vào khoảng thời gian tháng 10-11 là hợp lý nhất. Bởi vì nó là thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ với một màu tím khắp trải dài khắp các sườn đồi, chân núi như một thảm màu tím rực rỡ. Đặc biệt hơn khi kết hợp với thời tiết se lạnh và được đi du lịch cùng với người mình thương thì còn điều gì tuyệt vời hơn nữa.
Các địa điểm du lịch tại Hà Giang nhất định bạn phải đến
Bất kể là bạn đi du lịch ở đâu cũng sẽ có những địa điểm nổi tiếng, mang đậm đà bản sắc văn hóa của nơi đó. Và Hà giang cũng không ngoại lệ, khi đến Hà Giang du lịch thì bạn không thể bỏ qua những địa điểm sau đây:
Cao nguyên đá Đồng Văn
Có thể nói cao nguyên đá đồng văn không còn xa lạ gì với tất cả người dân Việt Nam, Chỉ cần nhắc đến Hà giang là sẽ nghĩ ngay đến cao nguyên này. Đến Hà Giang mà không đến đây thì chính là một sự mất mát của chuyến du lịch.
- “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
- Nơi đây có những cảnh tượng hùng vĩ với những núi đá xám nhiều hình dạng độc đáo và là nơi lưu dấu nền văn hóa độc đáo của các dân tộc H’Mông, Dao,…..
Đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng là cung đường nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, cũng là cung đường đẹp nhất của vùng cao nguyên đá.
- Bạn hãy thử một lần chạy xe trên cung đường uốn lượn với một bên là núi đá cao ngút và một bên là vực thẳm vfa ngắm nhìn dòng sông Nho Quế Xanh ngát uốn lượn như một dải lụa. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm thú ví mà bạn không bao giờ quên.
- Ngoài ra trên đèo còn có một mỏm đá nhô ra, đây chính là nơi mà bạn có thể cảm nhận rõ nét nhất sự hùng vĩ bao la của mảnh đất Hà Giang khi bạn đứng từ đây nhìn xuống.
- Đèo Mã Pí Lèng còn được xem là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Dinh thự họ Vương
- Dinh thự họ Vương của vua Mèo, một gia tộc giàu có nhất vùng nhờ bán thuốc phiện thời trước. Dinh thự nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ, nơi đây cửa vào có hàng cây samu cổ thụ, thẳng tắp.
- Dinh thự họ Vương được xem như “viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá“. Dinh thự mang kiến trúc độc đáo, có sự ảnh hưởng của ba nền kiến trúc: Trung Quốc, người dân tộc Mông và Pháp. Được khởi công xây dựng năm 1019 Và hoàn thành trong 10 năm với kinh phí lên đến 150.000 đồng bạc trắng ( ứng với số tiền 150 tỷ đồng bây giờ).
- Dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia năm 1993. Năm 2004, gia đình họ Vương quyết định cống hiến dinh thự này cho Nhà nước bảo tồn.
Cột cờ Lũng Cũ
- Cột cờ Lũng Cũ – Điểm cực Bắc thiêng liêng của tổ quốc. Nơi có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, ẩn dụ của 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió.
- Ở trên cao 2000m so với mực nước biển, nơi duy nhất có người dân tộc Lô Lô sinh sống. Đứng trên này nhìn lá cờ tổ quốc bay trong gió và được tận mắt thấy nét vẽ hình chữ S đầu tiên bạn sẽ cảm thấy tình yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu đất nước dâng trào trong tim.
- Cột cờ Lũng Cũ là nơi mà bạn không nên bỏ qua khi ghé đến du lịch tại Hà Giang.
Phố cổ Đồng Văn
- Phổ cổ đồng văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Với vỏn vẹn 40 ngôi nhà nằm san sát nhau dưới núi đá.
- Buổi sáng nơi đây là một bức tranh với sự pha trộn giữa hai tông màu: vàng rực của nắng và xám của những ngôi nhà cổ. Buổi tối, phố cổ tĩnh lặng, trầm mặc.
- Bạn tới phố cổ vào các ngày giữa tháng thì sẽ thấy một phố cổ nhộn nhịp hơn với những chiếc đèn lồng đỏ rực, những hoạt động buôn bán hàng hóa, đồ ăn thức uống đậm đà bản sắc của dân tộc.
Hoàng Su Phì
- Nổi danh với những thửa ruộng bậc thang cao ngút ngàn trên các quả núi. Với bàn tay khéo léo của người La Chí, Nùng, Dao…đã tạo nên thửa ruộng bậc thang hàng nghìn bậc ở Hà Giang được khai hoang từ trên dưới 300 năm trước.
- Khoảng tháng 5 (mùa nước đổ) hoặc tháng 9 (mùa lùa chín) đều là thời điểm tuyệt đẹp để du lịch Hoàng Su Phì. Xen kẽ những thửa ruộng vàng óng ánh là những mái nhà của người dân tộc ẩn trong lùm cây tạo nên một khung cảnh thơ mộng, hữu tình.
Núi cấm sơn
- Núi cấm sơn có địa hình hiểm trở, hang sâu vách đá dựng đứng, như con sư tử với dáng oai vệ. Dưới chân núi là những phố phường đông đúc dân cư, làm ăn sầm uất. Tuy nhiên, người dân Hà Giang ít ai thấy hết được vẻ đẹp tự nhiên mà huyền bí của Cấm Sơn vì chỉ có một con đường lên đỉnh núi.
- Trên đỉnh núi có một hang sâu thẳm, thẳng đứng như một cái “giếng trời”. Chính với địa thế hiểm trở và độc đáo này mà thực dân Pháp khi xâm lược đã chọn nơi đây làm chốt canh giữ chính.
Thung lũng Sủng Là
- 100 năm về trước Sủng Là được biết đến là nơi trồng thuốc phiện lớn nhất tại Đồng Văn nhưng ngày nay Sủng Là được mệnh danh là “thung lũng nơi đá nở hoa”. Nơi đây bạt ngàn với những rừng hoa tam giác mạch , ngoài ra còn có rất nhiều loài hoa khác như hoa hồng, hoa lê, hoa mận,….
- Thung lũng Sủng Là được ví như bông hoa giữa cao nguyên đá, cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, yên bình của những mái nhà nhỏ nhắn, những ruộng ngô xanh mướt, những dải hoa tam giác mạch dịu dàng. Khung cảnh của Sủng Là là nét đẹp đặc trưng của miền sơn cước.
- Đặc biệt nơi đây có Làng văn hóa Lũng Cẩm – bối cảnh bộ phim “Chuyện của Pao” đạt giải thưởng liên hoan phim quốc tế. Ngôi nhà của Pao với nếp nhà rêu phong, ngôi nhà vách gỗ đã nhuốm màu cổ kính, tuy mộc mạc, đơn sơ, nhưng lại có một sức hút lạ lùng đối với du khách.
Rừng thông Yên Minh
- Yên Minh cách thành phố Hà Giang khoảng 100km về phía Đông Bắc, men theo quốc lộ 4C chạy từ Cán Tỷ lên trung tậm phố huyện qua ba xã: Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải có một cung đường đẹp như mơ khiến bạn tựa như đang đứng giữa Đà Lạt mông mơ vậy.
- Nơi này có một cung đường đẹp như mơ với 2 bên đường là hàng thông bạt ngàn, xanh xì. Rừng thông yên minh được người ta ví von như Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam vậy.
Núi đôi Quản Bạ – Cổng trời Quản Bạ
- Núi Đôi Quản Bạ ở Tam Sơn, Quản Bạ, nằm cạnh quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang 40 km. Giữa núi đá và ruộng bậc thang trùng điệp, nổi lên hai trái núi có hình dáng kỳ lạ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa. Hai trái núi này gắn với truyền thuyết Núi Cô Tiên thi vị.
- Núi có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng độc lạ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, của tạo hóa.
- Cổng trời Quản Bạ – cao 1500m so với mặt biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, người ta dựng một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một “thế giới” khác – còn gọi là “Vùng tự trị của người Mèo”, gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Yên Minh và Đồng Văn.
Phó bảng – Yên Minh
- Thị trấn phó bảng nằm sâu thẳm trong thung lũng của dãy cao nguyên đá, bao quanh là núi non hùng vĩ.
- Nơi đây độc đáo với những kiến trúc ngôi nhà cổ, với những thửa ruộng hoa tam giác mạch ngập tràn hai bên đường đi. Không những thế Phó Bảng còn làm bạn bất ngờ với một thung lũng hoa hồng ngát hương thơm.
- Cả thị trấn chỉ có vài chục nóc nhà nằm khép mình bên những dãy núi đá tai mèo. Hình ảnh những ngôi nhà đã nhuốm màu sắc thời gian với những cánh cửa cũ kỹ, tường rêu mốc,… nhưng người dân nơi đây vẫn vô tư, giản dị với cuộc sống bình yên nơi đây. Người dân sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông và người Hoa.
Những món đặc sản phải thử khi đến Hà Giang
Đi du lịch Hà Giang ngoài khám phá những địa điểm đẹp thì không thể thiếu việc thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng của vùng đất địa đầu tổ quốc được đúng không các bạn? Dưới đây là những món bạn nhất định phải thử qua khi đến Hà Giang nhé!
- Bánh cuốn trứng: Bánh cuốn trứng Hà Giang ngon là do sự kết hợp của bột bánh dẻo vừa đủ, nhân thịt đậm đà, đặc biệt là bát nước chấm có vị riêng biệt.
- Nộm da trâu: da trâu được hơ trên bếp lửa sau đó cạo sạch, thái lát mỏng và trộn đều với các loại gia vị (trong đó không thể thiếu mắc khén nhé) cùng các loại rau thơm để tạo thành món nộm da trâu giòn ngon, béo ngậy.
- Xôi ngũ sắc: xôi gồm 5 màu hội tụ được những giá trị truyền thống, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
- Thắng cố Đồng Văn: Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh.
- Cháo Ấu tẩu: Đủ các cung bậc mùi vị trong một bát cháo nhỏ: thơm lôi cuốn của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm được trồng trên nương nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu được ninh kỹ và nước hầm chân giò béo ngậy, mùi lá thơm, lá gia vị.
- Bánh tam giác mạch: chế biến từ hạt tam giác mạch phơi khô xay nhuyễn trộn với bột nặn thành những chiếc bánh hình tròn sau đó đem đi nướng. Giá của 1 chiếc bánh nóng hổi là 10.000-15.000 VND một chiếc.
- Thắng dền: trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, điều khắc biệt ở đây đó là nước dùng được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng tạo nên một bát tháng dền đậm đà. Có thể cho thêm vừng hoặc lạc để tăng thêm độ bùi của món ăn.
- Rêu Nướng: Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng của nơi đây.
- Cơm lam Bắc Mê: chế biến từ loại gạo nếp thơm ngon, gạo được vo sạch bỏ vào ống tre sau đó nướng đều tay trên lửa. Tầm 1 tiếng sau bạn sẽ có một thanh cơm lam nóng hổi chấm với muối vừng ngon không cưỡng lại được.
Đặc sản Hà Giang mua về làm quà
Sau mỗi chuyến du lịch bạn đều muốn có những món đồ, món ăn đậm chất Hà giang mang về làm quà cáp cho bạn bè và người thân đúng không nào? Cùng điểm qua một số món dưới đây nhé!
- Thịt gác bếp
- Chè shan tuyết
- Cam sanh Bắc Quang
- Mật ong bạc hà Mèo vạc
- Rượu ngô
- Hồng không hạt Quản Bạ
- Ba kích, táo mèo
Sau khi dạo qua một vòng tại Hà Gang thông qua bài viết này thì phần nào đó bạn đã mường tượng ra một mảnh đất địa đầu Tổ Quốc hùng vĩ nhưng đầy thơ mộng rồi chứ. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn nhiều cho chuyến đi sắp tới của bạn nhé!
Một vài bài viết hữu ích có liên quan cho bạn tham khảo:
Đừng quên thường xuyên ghé thăm BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin hữu ích hơn về mảng Du lịch nhé!