Kinh nghiệm bảo quản lúa sau thu hoạch
(Baonghean) Trong điều kiện thời tiết vụ hè thu mưa lũ kéo dài đã làm ảnh hưởng đến công tác thu hoạch lúa và công tác bảo quản hạt lúa cũng hết sức khó khăn. Nếu thu hoạch chạy lụt mà bà con nông dân bảo quản không đúng cách sẽ làm chất lượng hạt thóc bị giảm sút nghiêm trọng, hàm lượng các chất dinh dưỡng và giá trị thương phẩm cũng bị giảm đáng kể. Để khắc phục và giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch, bà con cần áp dụng các kỹ thuật cơ bản:
Làm khô
Trong điều kiện trời mưa, nhiệt độ thấp và không có hệ thống sấy hiện đại thì bà con nông dân phải sấy lúa bằng hệ thống quạt thông gió và ánh điện để làm giảm độ ẩm của hạt, nên rải lúa thành luống trên nền khô, mỗi luống cao khoảng 10-15cm, rộng 40-50cm và cứ nửa giờ cào đảo một lần để tránh hiện tượng tự bốc nóng của đống hạt.
Ngoài ra có thể làm khô lúa bằng phương pháp nhân tạo như: sấy lúa với không khí nóng, sấy đối lưu, sấy bức xạ… Những phương pháp này có ưu điểm là lúa có thể được làm khô bất cứ lúc nào và không phụ thuộc và thời tiết nắng hay mưa, độ ẩm của hạt có thể khống chế hợp lý trong thời gian giới hạn và khi xay xát, hiệu suất thu hồi gạo cao hơn so với sấy tự nhiên.
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì thông thường lúa được làm khô bằng các cách sau:
Phơi nhanh: Lúa được phơi dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ không khí lên tới 40 độ C, nhiệt độ trên sân xi măng, sân gạch có thể đạt tới 60-70 độ C, khi đó nhiệt độ hạt lúa có thể trên 50 độ C. Phơi theo cách này chỉ cần phơi lúa liên tục từ 8-9 giờ sáng cho đến 4-5 giờ chiều trong 2-3 ngày nắng là lúa có thể xay xát được. Lúa được phơi thành luống, mỗi luống cao khoảng 10-15 cm, rộng 40-50 cm và cứ nửa giờ cào đảo một lần. Tuy nhiên, phơi theo cách này hạt gạo bị nứt nẻ khi xay xát, tỷ lệ gạo bị gãy cao do nước bên trong hạt gạo không đủ thời gian khuếch tán ra bên ngoài.
Phơi lâu: Phương pháp này đòi hỏi mất nhiều thời gian và lao động hơn nhưng gạo ít bị tấm hơn. Lúa được trải thành luống như cách trên nhưng ngày đầu tiên chỉ phơi lúa dưới nắng 2 giờ, ngày thứ hai phơi 3 giờ, ngày thứ ba phơi 4 giờ. Cứ 15 phút cào đảo một lần. Trong 3 ngày đầu, sau khi phơi ngoài nắng, đưa lúa vào chỗ có bóng mát, càng thoáng gió càng tốt. Các ngày sau đó, lúa tiếp tục được phơi 5-6 giờ/ngày cho đến khi lúa có độ ẩm thích hợp cho việc xay xát hoặc tồn trữ. Nếu nắng tốt thì đến ngày thứ tư, độ ẩm của lúa đạt tiêu chuẩn để xay xát và bảo quản.
Trần Thị Hoài Phương