Kinh doanh quốc tế (International Business) là gì? Các chủ thể và hình thức

Kinh doanh quốc tế (tiếng Anh: International Business) là toàn bộ các giao dịch có tính chất kinh doanh, giữa các doanh nghiệp có quốc tịch khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế và qua đó thu được lợi nhuận cho các doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế.

international-business

Hình minh họa. Nguồn: GITAM

Kinh doanh quốc tế

Khái niệm

Kinh doanh quốc tế trong tiếng Anh là international business.

Kinh doanh quốc tế là toàn bộ các giao dịch có tính chất kinh doanh, giữa các doanh nghiệp có quốc tịch khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế và qua đó thu được lợi nhuận cho các doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế. Nếu các giao dịch đó không nhằm mục đích thu hái lợi nhuận thì giao dịch đó không có tính chất kinh doanh.

Kinh doanh quốc tế khác kinh doanh nội địa về phạm vi, về mức độ phức tạp, về hệ thống luật pháp, về đồng tiền sử dụng trong thanh toán và các phương thức thanh toán. 

Bản chất của kinh doanh quốc tế là các giao dịch giữa các doanh nghiệp của các quốc gia khác nhau, sử dụng các đồng tiền ngoại tệ để thanh toán, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế trên thế giới, trên cơ sở đó mà thu được lợi nhuận cho tổ chức kinh doanh.

Các chủ thể tham gia kinh doanh quốc tế

Có thể kể đến nhiều loại chủ thể khác nhau, có qui mô khác nhau, có địa vị pháp lí khác nhau và có thương hiệu khác nhau trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc nghiên cứu và quản trị, người ra chia các chủ thể này thành hai loại sau đây:

Các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ: Đây là những cá nhân tự tiến hành kinh doanh trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp tư nhân có qui mô nhỏ, thậm chí cả các tập đoàn đa quốc gia có qui mô nhỏ đang kinh doanh trên thị trường quốc tế (trên thị trường không phải là quốc gia xuất thân của mình, hoặc với các doanh nghiệp thuộc quốc gia khác quốc tịch với mình).

Trên thị trường thế giới, loại chủ thể này nếu tính riêng lẻ thì hầu như không thấy rõ vai trò của chúng trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu tính cả khối doanh nghiệp này thì chúng có vai trò khá quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới nơi mà các doanh nghiệp qui mô lớn chưa vươn tới. 

Các công ty đa quốc gia lớn/các doanh nghiệp lớn: Loại chủ thể này cũng bao gồm nhiều loại qui mô khác nhau. Có doanh nghiệp có tài sản lớn hơn cả GDP của những quốc gia đang phát triển có qui mô nhỏ như Việt Nam, Lào, Campuchia,…

Vai trò của loại chủ thể này có thể nói là rất quan trọng đối với sự phát triển của từng thị trường/khu vực thị trường trên thế giới vì giá trị của từng giao dịch thường rất lớn, có thể tới hàng nhiều tỉ đô la Mỹ. 

Loại chủ thể này kinh doanh ở đâu thì đều mang đến đó nhiều nguồn lực về vốn, quan hệ thị trường, công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường thế giới. 

Các hình thức kinh doanh quốc tế

Kinh doanh trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế thường kinh doanh dưới nhiều hình thức vô cùng đa dạng và phong phú. Để thuận lợi cho việc quản lí, người ta thường phân loại tất cả các hình thức kinh doanh quốc tế thành 3 nhóm lớn sau đây:

Thứ nhất, nhóm hình thức kinh doanh trên lĩnh vực ngoại thương

– Nhập khẩu

– Xuất khẩu

– Chuyển khẩu

– Tái xuất khẩu

– Gia công quốc tế

– Xuất khẩu tại chỗ

Thứ hai, nhóm hình thức kinh doanh thông qua các hợp đồng

– Hợp đồng cấp giấy phép

– Hợp đồng đại lí đặc quyền

– Hợp đồng quản lí

– Hợp đồng theo đơn đặt hàng

– Hợp đồng xây dựng và chuyển giao

– Hợp đồng phân chia sản phẩm

Thứ ba, nhóm hình thức kinh doanh thông qua đầu tư nước ngoài

– Đầu tư trực tiếp nước ngoài

– Đầu tư gián tiếp nước ngoài

(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)