Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng 23/4/2023: Cùng Chúa đọc lại câu chuyện đời mình
Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc kinh.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Vào Chúa Nhật III Phục Sinh này, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24:13-35). Đây là hai môn đệ, đau khổ vì cái chết của Thầy, vào ngày Phục sinh đã quyết định rời Giêrusalem để về nhà. Có lẽ họ có chút xao xuyến, bởi vì họ đã nghe các phụ nữ từ mộ trở về và kể về ngôi mộ trống… nhưng họ vẫn ra đi. Và khi họ buồn bã nói về những gì đã xảy ra, Chúa Giê-su đã cùng đi với họ, nhưng họ không nhận ra Người. Người hỏi họ tại sao lại buồn như vậy, và họ trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” (câu 18). Và Chúa Giêsu hỏi lại: “Chuyện gì vậy?” (câu 19). Họ đã kể cho Người tất cả câu chuyện. Chúa Giê-su đã làm cho họ kể về câu chuyện. Sau đó, khi cùng họ bước đi, Người giúp họ đọc lại các sự kiện theo một cách khác, dưới ánh sáng của các ngôn sứ, của Lời Chúa, của tất cả những lời loan báo cho dân Israel. Đọc lại: đó là điều Chúa Giêsu đã làm với họ, giúp họ đọc lại. Chúng ta dừng lại ở điểm này.
Thật vậy, điều quan trọng đối với chúng ta là đọc lại câu chuyện của chúng ta cùng với Chúa Giêsu: câu chuyện về cuộc đời chúng ta, về một giai đoạn nhất định, về những ngày của chúng ta, với những thất vọng và hy vọng của chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, trước những gì xảy đến với chúng ta, chúng ta có thể thấy mình lạc lõng trước các biến cố, cô đơn và bấp bênh, với nhiều thắc mắc và lo lắng. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nói với Chúa Giêsu mọi sự một cách chân thành, không sợ làm phiền Người, không sợ nói những điều sai, không xấu hổ về những uẩn khúc khó hiểu của chúng ta. Chúa vui khi chúng ta mở lòng mình ra với Người; chỉ bằng cách này, Người mới có thể nắm lấy tay chúng ta, đồng hành với chúng ta và làm cho trái tim của chúng ta bừng cháy trở lại (x. c. 32). Rồi chúng ta, cũng như các môn đệ Emmau, được mời gọi nài nỉ Người, để khi chiều đến, Người ở lại với chúng ta (x. c. 29).
Có một cách hay để làm điều này, và hôm nay tôi muốn đề xuất với anh chị em: đó là dành một chút thời gian, vào mỗi buổi tối, để làm phút hồi tâm ngắn. Điều gì xảy ra trong tôi? Đây là câu hỏi. Là đọc lại ngày sống của mình với Chúa Giêsu, đọc lại ngày sống của tôi: mở lòng ra với Người, mang đến với Người những con người, những chọn lựa, sợ hãi, sa ngã và hy vọng, tất cả những điều xảy ra; để dần dần học cách nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, bằng con mắt của Người chứ không chỉ của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau đó. Trước tình yêu của Chúa Kitô, ngay cả những gì có vẻ mệt mỏi và không thành công cũng có thể xuất hiện dưới một ánh sáng khác: một thập giá khó khăn không ôm nỗi, sự lựa chọn tha thứ khi đối diện với sự xúc phạm, một cuộc trả thù còn đó, sự mệt mỏi trong công việc, sự chân thành phải trả giá đắt, những thử thách của đời sống gia đình sẽ có thể mở ra trước mắt chúng ta dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Đấng biết cách làm cho mỗi lần vấp ngã lại tiến lên một bước. Nhưng để làm được điều này, điều quan trọng là phải loại bỏ sự phòng thủ: dành thời gian và không gian cho Chúa Giêsu, không giấu giếm Người bất cứ điều gì, mang những đau khổ đến với Người, để cho mình bị tổn thương bởi sự thật của Người, để cho trái tim rung động trước hơi thở Lời Người.
Chúng ta có thể bắt đầu ngay hôm nay, dành một chút cầu nguyện vào buổi tối, nơi đó chúng ta tự hỏi: ngày hôm nay của tôi thế nào? Đâu là những viên ngọc, có lẽ được giấu kín, để tạ ơn? Đâu là một chút yêu thương tôi đã làm? Và đâu là những vấp ngã, buồn phiền, nghi ngờ và sợ hãi mà tôi cần mang đến với Chúa Giêsu để Người mở ra cho tôi những con đường mới, nâng tôi dậy và khích lệ tôi? Xin Mẹ Maria, Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu, Đấng đồng hành với chúng ta và đọc lại mỗi ngày sống của chúng ta trước mặt Người.
Vatican News