Kiểu nhà nước tư sản là gì? Sự ra đời, trình phát triển nhà nước tư sản

Kiểu nhà nước tư sản là kiểu nhà nước ra đời, tồn tại và phát triển trong lòng hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa. Cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sắn xuất, nền kinh tế hàng hoá – thị trường.

Cũng như các kiểu nhà nước tồn tại trước đó, nhà nước tư sản là một nhà nước có giai cấp, đồng thời, là người đại diện chính thức của toàn xã hội đảm đương các chức năng công ích, xã hội; là bộ máy duy trì trật tự xã hội, điều hoà các mối quan hệ xã hội chung của cả cộng đồng dân cư của quốc gia – dân tộc. Tuy nhiên, do nhà nước tư sản hình thành trên một hình thái kinh tế – xã hội tiến bộ hơn, trong giai đoạn nền văn minh nhân loại phát triển cao hơn, vì vậy, tính xã hội của nhà nước tư sản cũng phát triển sâu rộng hơn.

Nhà nước tư sản có các đặc điểm cơ bản sau đây: thiết lập nguyên tắc chủ quyền nhà nước trên danh nghĩa thuộc về nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân; cơ quan lập pháp là cơ quan đại diện của các tầng lớp dân cư trong xã hội do bầu cử lập nên; thực hiện nguyên tắc phân chia quyền lực và kiểm chế, đối trọng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng trong bầu cử nghị viện và tổng thống: hình thức chính thể phổ biến của nhà nước tư sản là cộng hoà (cộng hoà tổng thống, cộng hoà nghị viện, cộng hoà lưỡng tính) và quân chủ lập hiến (quân chủ nghị viện).

Sự ra đời và phát triển của nhà nước tư sản

Vào khoảng cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI, trong lòng xã hội phong kiến phương Tây đang diễn ra quá trình tư bản hoá. Trong xã hội, một kiểu quan hệ sản xuất mới đang từng bước hình thành và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đó là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cùng với việc hình thành quan hệ sản xuất mới thì trong xã hội cũng hình thành những giai cấp mới, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Sản xuất ngày càng phát triển, địa vị kinh tế của giai cấp tư sản ngày càng được nâng cao, nhung quyền lực chính trị vẫn do giai cấp địa chủ, phong kiến nắm giữ. Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng sâu sắc. Để bảo vệ địa vị kinh tế của mình, giai cấp tư sản tìm cách chiếm vũ đài chính trị, giành chính quyền về tay giai cấp mình. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh cụ thể của các nước khác nhau, nên sự ra đời của nhà nước tư sản ở mỗi nước là không giống nhau. Trên thế giới có ba con đường dẫn đến sự ra đời của nhà nước tư sản:

– Một là, sự ra đời của các nhà nước tư sản thông qua các cuộc cách mạng xã hội dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang như Hà Lan, Anh, Pháp…

– Hai là, sự ra đời các nhà nước tư sản thông qua các cuộc cải cách xã hội như ở Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản… Ở những nước này, giai cấp tư sản chưa đủ mạnh để lật đổ giai cấp phong kiến vì vậy có sự thoả hiệp giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến, xã hội được cải cách từng bước theo hướng tư bản hoá, chính quyền nhà nước dần dần chuyển vào tay giai cấp tư sản.

– Ba là, sự ra đời các nhà nước tư sản ở châu Mỹ, châu úc như Mỹ, Ca Na Đa, úc… Ở những khu vực này, giai cấp tư sản được hình thành từ những người châu Âu di cư, họ dùng vũ lực lấn át và tiêu diệt thổ dân bản xứ còn đang trong chế độ thị tộc, bộ lạc, thiết lập nên chính quyền nhà nước tư sản.

Cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là quan hệ sản xuất giữa nhà tư bản và công nhân lao động làm thuê. Dưới chế độ tư bản, tư liệu sản xuất khá đa dạng, bao gồm nhà máy, công trường, hầm mỏ, đồn điền, tiền… đều thuộc sở hữu của các nhà tư bản. Người công nhân không có tư liệu sản xuất phải bán sức lao động của mình cho nhà tư bản để kiếm sống. Cơ sở xã hội của nhà nước tư sản là quan hệ giữa các giai cấp tầng lóp trong xã hội mà cốt lõi là quan hệ giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản.

Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhà nước tư sản đã phát triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có những đặc thù riêng. Có thể phân chia sự phát triển của nhà nước tư sản gắn với ba giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản như sau:

– Giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh (từ đầu đến cuối thế kỉ XIX).

– Giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản độc quyền, lũng đoạn (từ cuối thế kỉ XIX đến sau chiến tranh thế giới thứ hai).

– Giai đoạn chủ nghĩa tư bản hiện đại (từ những năm 1970 trở lại đây).

Cho đến nay, nhà nước tư sản đã trải qua quá trình tồn tại và phát triển mấy trăm năm. Trong quá trình đó, hình thức sở hữu tư bản chủ nghĩa đã có sự thay đổi, ban đầu chủ yếu là sở hữu của các nhà tư bản riêng lẻ, các gia đình tư bản, một nhóm tư bản hoặc một hiệp hội cổ đông, về sau, các nhà tư bản liên kết với nhau, hình thành các tập đoàn tư bản, các công ti đa quốc gia, liên quốc gia, bên cạnh đó còn có hình thức sở hữu tư bản nhà nước. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, kết cấu và địa vị của các giai cấp trong xã hội tư bản chủ nghĩa cũng có những biến đổi. Khi mới xuất hiện, giai cấp tư sản là giai cấp tiến bộ trong xã hội, về sau chúng ngày càng bộc lộ rõ tính chất phản động, thông qua nhà nước, tiến hành các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa, tăng cường áp bức, bóc lột giai cấp vô sản. Ngày nay, giai cấp tư sản có nhiều biến đổi theo hướng quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho người lao động. Trong xã hội diễn ra quá trình cổ phần hoá, tư nhân hoá một cách rộng khắp, một bộ phận người lao động trở thành cổ đông, đồng sở hữu chủ trong các công ty tư bản. Chính vì vậy, đời sống người lao động được cải thiện đáng kể, tầng lớp nghèo khổ chỉ còn là thiểu số, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Một bộ phận công nhân nắm giữ số lượng cổ phiếu nhất định trong các công ti, một bộ phận là những người có tay nghề cao, các chuyên gia kĩ thuật… được hưởng lương cao, được hưởng nhiều ưu đãi, biến thành tầng lớp công nhân thượng lưu, bộ phận này dễ thoả hiệp với giai cấp tư sản.

Có thể nói, nhà nước tư sản đang tự hoàn thiện để thích nghi với điều kiện mới. Từ chỗ là công cụ chủ yếu phục vụ giai cấp tư sản, nhà nước tư sản dần dần trở thành công cụ tổ chức và quản lí có hiệu quả các mặt của đời sống xã hội, đảm bảo các quyền, tự do của con người, đảm bảo dân chủ, công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, dù phát triển đến giai đoạn nào, dù cố gắng cải biến đến đâu, nhà nước tư sản vẫn còn rất nhiều hạn chế, chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột, xã hội tư bản chủ nghĩa vẫn còn đầy rẫy những bất công. Theo báo cáo Global Wealth của Cresit Suisse, một phần trăm những người giàu có nhất thế giới hiện đang sở hữu tới một nửa khối tài sản toàn cầu, cùng với đó khoảng cách chênh lệch giữa người giàu và người nghèo lại tăng lên.1 Chính vì vậy, theo quy luật phát triển của xã hội, nhà nước tư sản phải bị thay thế bởi kiểu nhà nước mới, nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, thực tiễn cho thấy, chưa có những dấu hiệu chứng tỏ sự sụp đổ của nhà nước tư sản trong một sớm một chiều. Điều này c. Mác đã khẳng định:

“Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thải xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khỉ những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)