“Kiến thức về từ Hán-Việt” – Môn Ngữ văn – Lớp 12 – Butbi.hocmai.vn

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Thầy Đặng Ngọc Khương (giáo viên môn Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đi soạn bài “Kiến thức về từ Hán-Việt“.

I. Khái niệm.

Từ Hán – Việt là từ vay mượn của tiếng Hán, nhưng được đọc theo cách phát âm của tiếng Việt.

II. Mức độ phổ biến.

Xa xưa, đất nước ta bị Trung Quốc đô hộ nên chữ Hán cũng đã từng được dùng làm chữ viết chính của nước ta trong nhiều thế kỉ. Vậy nên, tiếng Việt đã vay mượn tiếng Hán với số lượng lớn. Hiện nay, số lượng từ Hán – Việt chiếm hơn 60% trong ngôn ngữ tiếng Việt. Đa số là từ Hán – Việt là từ đa âm tiết: từ hai âm tiết trở lên.

VD: an ninh, bảo vệ, bản lĩnh.

III. Đặc điểm.

1. Đặc điểm ngữ pháp.

Có nhiều từ đơn tiết Hán – Việt đã ăn sâu vào tiếng Việt, nên rất khó biết nó là từ ngoại lai. Đối với từ đa tiết Hán – Việt có thể thấy rõ hơn một số đặc điểm ngữ pháp ở chúng.

a. Trong từ ghép Hán – Việt có quan hệ chính phụ, thành tố phụ đứng trước, thành tố chính đứng sau; còn trong từ ghép chính phụ thuần Việt thì bao giờ cũng ngược lại.

b. Những từ ghép đẳng lập Hán – Việt khác với những từ ghép đẳng lập thuần Việt ở chỗ là vị trí của các thành tố cấu tạo hầu như cố định, tức cả kết hợp có tính cố định rất cao.

c. Trong vốn từ đa tiết Hán – Việt, có một số yếu tố có khả năng sản sinh ra từ khác.

d. Các nhà nghiên cứu cũng xếp vào lớp từ Hán – Việt cả những trường hợp từ được cấu tạo ở Việt Nam.

  • Sử dụng các yếu tố gốc Hán để tạo đơn vị mới.
  • Kết hợp một yếu tố Hán và một yếu tố thuần Việt để tạo nên đơn vị mới.

2. Đặc điểm ngữ nghĩa.

Từ Hán – Việt đa số mang nghĩa trừu tượng chỉ các khái niệm thuộc các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn học.

3. Đặc điểm phong cách.

Từ Hán – Việt thường mang nghĩa trìu tượng, khái quát cho nên thường phù hợp với phong cách sách vở.

Từ Hán – Việt có sắc thái trang trọng, cổ kính nó không chỉ phù hợp với phong cách sách vở, với không khí giao tiếp trang trọng mà còn phù hợp với cách miêu tả tĩnh tại.

IV. Cách nhận diện từ Hán – Việt.

1. Dựa vào đặc điểm về ý nghĩa.

Từ Hán – Việt thường mang nghĩa trìu tượng nên chúng ta thường cảm thấy nghĩa của nó mơ hồ, khó giải thích hoặc chúng ta phải tìm yếu tố tương đương trong từ thuần Việt rồi mới suy ra được ý nghĩa.

2. Dựa vào trật tự phân bố của các yếu tố trong từ.

Từ Hán – Việt có cấu tạo theo quan hệ chính phụ.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học môn Ngữ văn lớp 12.