Kiến thức: Kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp – Bravo
Yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo sự an toàn, tăng cường năng lực cạnh tranh cũng như khả năng đạt hiệu quả cao khi ban hành các quyết định kinh doanh đưa doanh nghiệp phát triển chính là nhờ vào quản lý tốt doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh.
Bài viết dựa trên việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng, mô hình kế toán, các chuẩn mực, công tác kế toán nói chung và đặc điểm công tác kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh ở các nước trên thế giới nói riêng. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm giúp các đối tượng sử dụng thông tin xác định được lợi ích kinh tế của mình, đưa ra quyết định phù hợp với từng nhu cầu và mục đích riêng của từng đối tượng.
Các nhân tố chính ảnh hưởng đến kế toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh
Trong doanh nghiệp (DN) hiện nay, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến kế toán nói chung và kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh nói riêng, tuy nhiên, các nhân tố tiêu biểu nhất có thể kể đến là:
– Các quy phạm pháp lý cần tuân thủ: Khi DN tham gia vào hoạt động chung của nền kinh tế, dù thuộc bất kỳ lĩnh vực kinh doanh/ ngành nghề nào, đều phải tuân theo các quy định pháp luật hiện hành. Luật Kế toán, chế độ kế toán và các văn bản hướng dẫn cụ thể… là các quy phạm pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN nói chung và công tác kế toán tại DN nói riêng. Do vậy, khi thực hiện công tác kế toán, đặc biệt các phần liên quan đến kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh bắt buộc phải tuân thủ các quy phạm này.
Theo khảo sát, các chuẩn mực kế toán mang tính hướng dẫn nhiều hơn tuân thủ, song nó cũng góp phần định hướng cho việc thực hiện hạch toán kế toán tại đơn vị. Đối với kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh, việc vận dụng các chuẩn mực, chế độ kế toán phải cân nhắc mối quan hệ giữa chi phí bỏ ra và lợi ích đạt được. Khi áp dụng vào thực tế các chuẩn mực ban hành, có một số nội dung còn mới mẻ với quá nhiều thuật ngữ, khái niệm chuyên ngành, kế toán viên sẽ chỉ vận dụng trên cơ sở các thông tư hướng dẫn chi tiết trong công tác kế toán. Nên đây là một trong số những rào cản ảnh hưởng đến vận dụng các chuẩn mực, chế độ kế toán. Từ việc khó khăn khi áp dụng chuẩn mực, chế độ kế toán, nhiều khi gây ảnh hưởng đến tính chính xác của thông tin kế toán cung cấp về các chỉ tiêu tài chính quan trọng đối với DN như: thông tin về doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh…
Bên cạnh đó, nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến công tác kế toán DN nói chung và kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh nói riêng không thể không kể tới chính sách thuế. Đồng thời, hệ thống pháp luật liên quan đến kế toán trong DN như Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp… cũng có ảnh hưởng nhất định đến công tác kế toán trong các DN.
– Đặc điểm của từng ngành nghề kinh doanh: Mỗi ngành, nghề kinh doanh đều mang những đặc trưng riêng biệt, điều này cũng dẫn tới các ảnh hưởng nhất định trong công tác kế toán. Ngoài việc tuân theo những quy định chung của pháp luật, thì tùy theo đặc điểm SXKD khác nhau mà DN sẽ tự lựa chọn các phương pháp kế toán khác nhau, sao cho phù hợp với đặc thù của DN mình. Ví dụ như kế toán có 02 phương pháp theo dõi hàng tồn kho là phương pháp kê khai thường xuyên và kiểm kê định kỳ.
– Các nhân tố khác: Thực tế, việc lựa chọn phương pháp kế toán còn phụ thuộc rất nhiều vào những nhân tố khác như: yêu cầu quản lý của ban giám đốc, trình độ của kế toán viên hay điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật… Toàn bộ yếu tố này đều tác động không nhỏ tới công tác kế toán. Chẳng hạn, để giảm thiểu rủi ro tài chính cho DN trong thời kỳ kinh tế lạm phát, nhà quản lý yêu cầu kế toán phải lựa chọn các phương pháp kế toán phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm kinh doanh của DN. Khi đó, kế toán viên phải cân nhắc lựa chọn phương pháp khấu hao tài sản cố định, phương pháp xuất kho sao cho đáp ứng yêu cầu và phù hợp với bối cảnh.
Như vậy, nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp rất đa dạng. Mỗi DN cần dựa trên điều kiện cụ thể để áp dụng những phương pháp kế toán thích hợp nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Xem thêm: Chuẩn mực kế toán về tài sản cố định cho doanh nghiệp
Kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh dựa theo chuẩn mực kế toán quốc tế
Kế toán doanh thu căn cứ theo chuẩn mực kế toán quốc tế
Căn cứ chuẩn mực kế toán quốc tế số 18 – Doanh thu (IAS 18): “Doanh thu là luồng thu gộp các lợi ích kinh tế trong kỳ, phát sinh trong quá trình hoạt động thông thường, làm tăng nguồn vốn chủ sở hữu, chứ không phải phần đóng góp của những người tham gia góp vốn cổ phần. Doanh thu loại trừ những khoản thu cho bên thứ ba ví dụ như thuế giá trị gia tăng”. Như vậy, trong khi thu nhập bao gồm cả doanh thu và các khoản lợi nhuận thu được, thì doanh thu đã được phân biệt với các loại thu nhập khác.
IAS 18 quy định, doanh thu cần được tính toán theo giá trị thực tế từ khoản tiền nhận được, ví dụ:
- Doanh thu bán hàng được ghi nhận khi những rủi ro và lợi ích quan trọng gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa được chuyển sang cho người mua;
- DN không tiếp tục tham gia quản lý quyền sở hữu cũng như không kiểm soát hàng bán ra;
- Giá trị doanh thu có thể được tính toán một cách đáng tin cậy;
- DN có khả năng là sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;
- Chi phí liên quan đến giao dịch được tính toán một cách đáng tin cậy.
Tuy chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS14) có nhiều điểm tương đồng trong nội dung về doanh thu và thu nhập, nhưng cũng có những điểm khác biệt trong việc ghi nhận doanh thu, cụ thể: Doanh thu không đề cập đến nội dung thu nhập khác (IAS 18); còn theo VAS 14, doanh thu và thu nhập khác thì có quy định về thu nhập khác với từng khoản mục cụ thể.
Kế toán chi phí theo chuẩn mực kế toán quốc tế
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 1 thì chi phí là khoản làm giảm lợi ích kinh tế dưới dạng luồng chi hoặc giảm giá trị tài sản, hoặc phát sinh nợ dẫn tới giảm vốn chủ sở hữu (không phải các khoản giảm do phân chia cho các chủ sở hữu). Theo đó, một số điểm khác biệt trong ghi nhận chi phí giữa Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và quốc tế dễ dàng nhận thấy như sau:
– Theo IAS 38, chi phí đào tạo, nghiên cứu, quảng cáo, chuẩn bị, tái phân bổ được ghi nhận là chi phí trong kỳ. Còn theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam VAS 04 thì các loại chi phí này được coi là chi phí trả trước và được khấu hao trong thời gian 3 năm, nếu chi phí trên đem lại những lợi ích kinh tế tương lai.
– Theo IAS 21 – chi phí đi vay, có thể bao gồm chênh lệch tỷ giá phát sinh từ các khoản vay bằng ngoại tệ trong trường hợp các chênh lệch này được coi như là một điều chỉnh chi phí lãi vay. Phần thặng dư giữa giá trị ghi sổ của tài sản dở dang và giá trị có thể thu hồi được khi giá trị hoặc chi phí ước tính sau cùng của tài sản lớn hơn giá trị có thể thu hồi của giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị còn lại được ghi giảm (xóa sổ) theo các yêu cầu của IAS khác. Tuy nhiên, chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 16 – chi phí đi vay thì không đề cập đề vấn đề này.
– Theo IAS 16, “máy móc, thiết bị, nhà xưởng”, chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định được hạch toán vào chi phí. Còn theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 03 “tài sản cố định hữu hình” thì chi phí sữa chữa lớn tài sản cố định sẽ được hạch toán vào tài khoản trả trước dài hạn và phân bổ trong vài năm.
Kế toán kết quả kinh doanh theo chuẩn mực kế toán quốc tế
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 08 – “Lãi lỗ thuần trong kỳ, các lỗi cơ bản và thay đổi chính sách kế toán”, kết quả hoạt động thông thường là kết quả khi DN được tiến hành với tư cách là một phần hoạt động kinh doanh của mình và cả những hoạt động liên quan mà DN tham gia. Những kết quả này được tính vào lợi nhuận trước thuế. Các khoản bất thường là các khoản thu nhập hoặc chi phí phát sinh từ các sự kiện hoặc giao dịch khác biệt rõ ràng với những hoạt động thông thường của DN và vì vậy các hoạt động này không được coi là phát sinh thường xuyên.
Nhìn chung, tại IAS 08, các nội dung về xác định kết quả kinh doanh có nội dung mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ và mang tính tổng quát, còn Chuẩn mực Kế toán Việt Nam VAS 29 (Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót), thì được quy định rõ ràng và chi tiết cho từng loại hoạt động kinh doanh của DN, đó là kết quả từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, kết quả hoạt động kinh doanh và kết quả hoạt động khác.
>> Tìm hiểu Phần mềm kế toán của BRAVO
Bài học áp dụng với Việt Nam
Thông qua việc nghiên cứu các chuẩn mực, mô hình kế toán, công tác kế toán, các DN Việt Nam có thể học hỏi, tiếp thu được những bài học quý báu trong công tác tổ chức hệ thống kế toán tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, về các chính sách, chế độ và chuẩn mực kế toán: Nếu như, nhiều nước trên thế giới hiện nay đã xây dựng đầy đủ các chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế và vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế một cách linh hoạt (mang tính chất hướng dẫn thực hiện, tổ chức công tác kế toán của DN ở các nước cũng chỉ bị chi phối chủ yếu bởi các chuẩn mực kế toán và các nguyên tắc được thừa nhận); thì thực tế, các chế độ và chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn mang tính chất khuôn mẫu, đang từng bước tiệm cận gần với thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam. Ngoài ra, tổ chức công tác kế toán trong các DN tại Việt Nam bị chi phối bởi nhiều hệ thống chính sách kế toán khác nhau như: Luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, hay các thông tư, nghị định…
Do vậy, cần xây dựng đầy đủ hệ thống chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế và thực hiện thống nhất toàn diện giữa các hệ thống chính sách kế toán.
Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN được Bộ Tài chính ban hành thay thế Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC vừa qua đã kế thừa kinh nghiệm quốc tế về tổ chức công tác kế toán của Việt Nam. Chế độ kế toán Việt Nam đã mang tính hướng dẫn hơn, xây dựng kế toán linh hoạt, cởi mở trao cho DN quyền quyết định nhiều hơn. Đồng thời, chế độ kế toán mới đã vận dụng thêm một số nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế như: Nội dung hướng dẫn báo cáo tài chính quốc tế (IFRIC 13), các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS 15). Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, vẫn cần tiếp tục có những thay đổi, điều chỉnh chính sách kế toán dựa trên những bài học kinh nghiệm của các nước để tạo điều kiện cho công tác kế toán của DN ở Việt Nam thực hiện được hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.
Thứ hai, về tổ chức công tác kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong DN: Hiện tại, hầu hết các DN ở nước ta đều tổ chức mô hình kế toán doanh thu, chi phí với mục tiêu chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề kế toán tài chính mà triệt để mục tiêu quản trị DN vẫn chưa giải quyết.
Cho nên, các DN Việt Nam có thể học hỏi áp dụng mô hình kế toán kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị các nước tiên tiến như Mỹ vào mô hình kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại DN mình. Khi đó, kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh sẽ cung cấp được những thông tin đầy đủ, chi tiết dưới cả hai góc độ kế toán tài chính và kế toán quản trị, từ đó các nhà quản trị sẽ có được tầm nhìn tổng quát, đánh giá khách quan, để ra các quyết định chính xác, hiệu quả hơn.
Đồng thời, việc xây dựng mô hình kế toán doanh thu, chi phí như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí luân chuyển chứng từ, tiết kiệm được chi phí nhân sự khi không phải tổ chức riêng hai bộ máy kế toán tài chính và kế toán quản trị độc lập. Mô hình này cũng phù hợp với trình độ kế toán của các DN hiện nay và đảm bảo cho việc kiểm tra, kiểm soát được dễ dàng.
Có thể bạn quan tâm:
>> Mức độ hài hòa của Chuẩn mực kế toán Việt Nam so với Quốc tế
Theo Tạp chí tài chính