Kiến nghị chính sách, chế độ cho giáo viên mầm non
–
Thứ ba, 01/09/2020 09:34 (GMT+7)
Chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên tại các trường mầm non luôn là trăn trở của nhiều cấp, ngành bởi mức thu nhập thấp, chưa tương xứng với công sức của giáo viên mầm non bỏ ra.
Bộ GDĐT cho biết bảng lương theo vị trí việc làm mới đã chú ý tới việc cải thiện chính sách tiền lương giáo viên mầm non. Ảnh: Huyên Nguyễn
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng mới đây đã gửi kiến nghị của giáo viên, cử tri kiến nghị Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ có chính sách quan tâm đối với đội ngũ giáo viên nhà trẻ, chế độ làm thêm giờ, chế độ trực trưa đối với giáo viên mầm non và nhân viên nấu ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Trước nội dung này, Bộ GDĐT cho biết trong thời gian qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số chính sách ưu đãi đối với giáo viên cấp mầm non.
Trong đó, giáo viên nhà trẻ như mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non bằng hoặc cao hơn so với giáo viên các cấp học khác.
Chính sách này ưu tiên cho những giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với mức phụ cấp cao nhất (mức phụ cấp 50%).
Đồng thời, giảm số giờ làm việc trên lớp từ 8 giờ/ngày xuống còn 6 giờ/ngày; tăng định mức giáo viên/lớp khi bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ.
Đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, các địa phương cần bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp; đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.
Giáo viên mầm non hợp đồng tại trường công lập được hưởng theo thang, bảng lương như giáo viên trong biên chế.
Giáo viên mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp theo chính sách của Chính phủ.
Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ…
Những giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ 2 độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng, tính 9 tháng/năm.
Hiện nay, Bộ GDĐT đã xây dựng và gửi Bộ Nội vụ tổng hợp bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành giáo dục, trong đó đã chú ý tới việc cải thiện chính sách tiền lương giáo viên mầm non.
Chế độ trực trưa đã được quy định trong Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25.10.2011.
Theo đó, giáo viên mầm non dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
Mặt khác, đối với lớp học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp để nhà trường có giáo viên đón, trả trẻ và trực trưa.
Thời gian trực trưa đối với giáo viên mầm non giảng dạy trực tiếp và giáo viên mầm non làm công tác quản lý tại trường mầm non được tính trong tổng số giờ được quy định.
Giáo viên làm việc quá số giờ quy định thì được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8.3.2013.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Nhà nước chưa có quy định về chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, tuy nhiên, một số địa phương đã có hỗ trợ này.
Chế độ với nhân viên nấu ăn được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16.3.2015. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ thực tế đề xuất cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định số lượng hợp đồng lao động vị trí nấu ăn và lựa chọn hình thức hợp đồng lao động phù hợp.
Kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm, kinh phí công đoàn cho nhân viên hợp đồng do các đơn vị tự sắp xếp từ nguồn ngân sách Nhà nước.