Kiên Giang đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tham gia Hội nghị trực tuyến về CCHC của Chính phủ – Ảnh: Tây Hồ
Mục Lục
Phát huy vai trò của người đứng đầu trong CCHC
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác CCHC, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Kiên Giang đã xây dựng mới trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công với đầy đủ tiện nghi, hiện đại nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và ở các sở, ngành; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải là Trưởng Ban chỉ đạo; thực hiện tốt việc giao ban Ban Chỉ đạo CCHC để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham dự của Bộ Nội vụ, VCCI, Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia… để phân tích đánh giá, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác CCHC của tỉnh ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố kết quả năm 2021. Qua đó tiếp thu các ý kiến góp ý và đề ra giải pháp khắc phục, cải thiện và nâng cao hiệu quả công tác CCHC, nhất là đã xây dựng kế hoạch thực hiện với 55 nhiệm vụ, tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: “Cải cách hành chính” – “Công khai minh bạch” – “Trách nhiệm giải trình”. Thành lập các Tổ kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các hạn chế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC như ký thỏa thuận hợp tác với VNPT, Zalo và thiết lập kênh truyền thông chuyển đổi số trên Zalo (Tổng đài 1022 Kiên Giang) để thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân; hỗ trợ tra cứu thông tin tình hình giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp và tiếp nhận phản ánh kiến nghị có liên quan TTHC.
Hoàn thành việc hợp nhất và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
Triển khai cơ sở dữ liệu phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Đến nay, tỉnh đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã; hiện đang cung cấp 1.977 dịch vụ công trực tuyến (cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện lên toàn trình); đã kết nối thanh toán trực tuyến với 6 ngân hàng lớn gồm Vietinbank, Agribank, SHB, BIDV, Vietcombank, VPBank và các hệ thống thanh toán trực tuyến, ví điện tử như: VNPT Pay, MoMo, Viettel Pay… xếp thứ 20/63 tỉnh, thành trong cả nước về số lượng dịch vụ đồng bộ, liên thông lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống Cổng Thông tin điện tử của tỉnh gồm 01 Cổng chính và 37 Trang Thông tin điện tử thành phần của các sở, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành, CCHC, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài tỉnh nhanh chóng, hiệu quả.
Kiên Giang đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp từ ngày 23/7/2022, trở thành kênh thông tin chính thức cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách của tỉnh, các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân truy cập thông tin, chính sách để phục vụ hoạt động kinh doanh. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi công vụ.
Hiện tại, 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ và kết nối internet; thực hiện gửi, nhận và xử lý văn bản trên môi trường mạng liên thông 3 cấp, kết nối với trục liên thông của Chính phủ. Hoàn thành việc triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối các sở, ban, ngành tỉnh với 15 huyện, thành phố và 144 xã, phường, thị trấn. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành thông suốt, nhanh chóng từ tỉnh đến cấp xã trên môi trường mạng.
Trên cơ sở đó, Kiên Giang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tăng cường công tác tuyên truyền và phân công công chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức nộp hồ sơ, nhất là hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (ở 3 cấp); qua dịch vụ bưu chính công ích và khi thanh toán trực tuyến năm 2022 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Số liệu các nhóm chỉ số đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được cải thiện với chỉ số “Mức độ hài lòng của người dân” xếp hạng 01/63 tỉnh, thành phố – Ảnh: VGP/LS
‘Quán quân’ mức độ hài lòng của người dân trên Cổng dịch vụ công
Hiện nay, thời gian giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp của Kiên Giang đã giảm nhiều so với quy định; quy trình giải quyết được thường xuyên được cập nhật; hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ cao.
Trong năm 2022, cấp huyện đã giải quyết 68.726/71.719 hồ sơ; cấp xã giải quyết 560.575/561.272 hồ sơ. Riêng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 44.292 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến là 26.234 hồ sơ, tăng 88% so với cùng kỳ, đã giải quyết 38.993 hồ sơ, đạt 88%, trong đó, trước và đúng hạn 36.211 hồ sơ, đạt tỉ lệ 93%; trễ hạn 1.782 hồ sơ, giảm 43,48% so với cùng kỳ.
Số liệu các nhóm chỉ số đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được cải thiện như: “Mức độ hài lòng của người dân” xếp hạng 01/63 tỉnh, thành phố. “Dịch vụ công trực tuyến” từ 14% (đầu năm 2022) lên 46,9% (vào cuối năm 2022).
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, Kiên Giang vẫn còn một số bất cập, hạn chế, khó khăn.
Theo Sở Nội vụ Kiên Giang, thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn còn phổ biến, chỉ làm theo cách thức truyền thống là nộp hồ sơ trực tiếp; thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân chậm thay đổi, nhất là khu vực nông thôn, biển đảo và nhóm người cao tuổi; tâm lý sợ mất an toàn do những thông tin trái chiều gây mất niềm tin cho người dân; khả năng tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc đẩy mạnh giải quyết TTHC mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến.
Điều kiện cơ sở hạ tầng mạng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, một số vùng sóng kết nối internet còn yếu và chậm nên gây khó khăn trong việc nâng cao số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khó khăn về nguồn nhân lực trong chuyển đổi số, nhất là yêu cầu phải có công chức chuyên trách (hiện nay đa phần là kiêm nhiệm).
Lấy người dân làm trung tâm phục vụ dịch vụ công
Đề cập đến giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác CCHC gắn với chuyển đổi số trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông cho rằng cần tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo CCHC các cấp, xác định chuyển đổi số và CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, nhất là ở cơ sở.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng lên nhận thức của cán bộ, công chức và tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đồng thời, tiếp tục theo dõi đánh giá sự hài lòng của người dân, lắng nghe ý kiến người dân để có cơ sở khách quan cho việc cung ứng dịch vụ công, bảo đảm lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ theo hướng tích hợp chia sẻ, dùng chung dữ liệu và tài khoản, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ; xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật để phủ sóng thông tin di động nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp kết nối internet sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; tổ công nghệ số cộng đồng; đề án thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Lê Sơn