Kiểm tra, đánh giá – một bộ phận hợp thành không thể thiếu của quá trình dạy học |

Kiểm tra, đánh giá là một quá trình được tiến hành có hệ thống, để xác định mức độ đạt được về trình độ nắm kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng trình độ phát triển tư duy và trình độ được giáo dục của người học trong quá trình dạy học.

Các yếu tố: Xác định mục tiêu dạy học, thiết kế và thực hiện chương trình dạy học và kiểm tra, đánh giá là một chỉnh thể tạo thành chu trình dạy học khép kín. Mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố trên nếu được đảm bảo tốt sẽ tạo nên một quá trình dạy học đạt hiệu quả cao.

Kiểm tra, đánh giá là sự so sánh đối chiếu trình độ kiến thức, kỹ năng, thái độ đã được hình thành ở người học với những yêu cầu xác định của mục tiêu dạy học, mục tiêu đào tạo. Mục tiêu dạy học là cơ sở cho việc xác định nội dung, xây dựng chương trình dạy học, lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức quá trình dạy học. Đồng thời mục tiêu dạy học chi phối toàn bộ quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, từ việc xác định mục đích kiểm ta, đánh giá đến việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, yêu cầu kiểm tra, đánh giá.

Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của chu trình dạy học, song cũng có thể xem là bước khởi đầu cho chu trình tiếp theo với chất lượng mới hơn của cả một quá trình.

Từ một phương diện khác, có thể xem kiểm tra, đánh giá là hoạt động nhằm rút ra những phán đoán về giá trị đạt được và những quyết định cần thiết trên cơ sở thông tin và số liệu thu thập được.

Kiểm tra, đánh giá là một hoạt động mà thực chất là quá trình “đo lường”, cho nên việc xác định trình độ kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng mà học viên đạt được không tiến hành theo phép đo mà bằng thang điểm hay bậc thang xếp hạng.

Kiểm tra, đánh giá là hai mặt của một quá trình, kiểm tra là thu thập thông tin, số liệu, bằng chứng về kết quả đạt được, đánh giá là so sánh đối chiếu với mục tiêu dạy học đưa ra những phán đoán kết luận về thực trạng và nguyên nhân của kết quả đó. Đánh giá gắn liền với kiểm tra, nằm trong chu trình kín của quá trình dạy học.

Như vậy, kiểm tra, đánh giá không đơn thuần là sự ghi nhận kết quả dạy – học, mà còn đề xuất những quyết định làm thay đổi thực trạng để cho nó tốt hơn. Vì vậy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên nhằm mục đích:

Một là, làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về mục tiêu dạy học, trình độ kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và thái độ của học viên, từ đó xác định mức độ chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy – học.

Hai là, phát hiện sai lệch và điều chỉnh hoạt động nhằm đạt mục đích dự kiến: tìm ra những sai sót, lệch lạc trong nhận thức học viên, giúp họ điều chỉnh hoạt động, giúp giáo viên cho những thông tin ngược để kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy. Tạo cơ sở cho những dự đoán phát triển trong tương lai; điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học.

Nguyễn Hồ Thanh