Kiểm tra cải cách hành chính tại các đơn vị, địa phương năm 2019 – Chi tiết tin – Sở Nội vụ
Kiểm tra cải cách hành chính tại các đơn vị, địa phương năm 2019
(24/09/2019)
Nhằm đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CCHC của các đơn vị, địa phương, kịp thời đánh triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, góp phần cải thiện chỉ số CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, UBND tỉnh đã thành lập 02 Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm tra trực tiếp tại 07 sở, ban, ngành và 01 đơn vị trực thuộc, 02 đơn vị cấp huyện và 08 đơn vị cấp xã từ ngày 16/9/2019 đến ngày 20/09/2019.
Đoàn kiểm tra số 01 do đồng chí Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng đoàn, tham gia Đoàn kiểm tra là lãnh đạo, công chức các phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành liên quan. Qua kiểm tra thực tế (tại UBND huyện Phú Bình và 04 xã thuộc huyện, tại Sở Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc), lãnh đạo các cấp, các ngành đã quan tâm, triển khai thực hiện công tác CCHC theo kế hoạch đã đề ra, nhận thức của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; cơ bản một số đơn vị, địa phương đã tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế.
Các đơn vị, địa phương đã tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC, trọng tâm các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn trên địa bàn tỉnh cao (99,57%). Tổ chức bộ máy cơ bản được sắp xếp tinh gọn, thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả; các đơn vị, địa phương đã kịp triển khai Đề án vị trí việc làm, thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy, rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cấp; sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính có hiệu quả, nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công; tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước, làm thay đổi tác phong làm việc của đội ngũ CB, CC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức tại đơn vị, địa phương được nâng lên.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy công tác CCHC tại các đơn vị, địa phương còn một số hạn chế nhất định: Việc xây dựng kế hoạch CCHC của một số đơn vị, địa phương chưa sát với thực tế, chưa bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện; các sáng kiến, giải pháp trong thực hiện CCHC còn hạn chế; trách nhiệm của một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa quyết liệt; còn tình trạng hồ sơ quá hạn, cán bộ, công chức bị kỷ luật. Việc đầu tư hạ tầng CNTT còn hạn chế, hiệu quả dịch vụ công mức độ 3, 4, tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ BCCI chưa cao…
Kết luận tại các buổi kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và yêu cầu các đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đề ra, rà soát những tồn tại, hạn chế, có giải pháp nhằm cải thiện chỉ số và nâng cao hiệu quả CCHC. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương đối với công tác CCHC; tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mọi tầng lớp nhân dân về CCHC. Tập trung rà soát, sửa đổi, cụ thể hóa các văn bản, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.
Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm tình trạng hồ sơ quá hạn, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo, thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ về tài chính; khắc phục, xử lý triệt để những tồn tại, hạn chế sau kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc sử dụng kinh phí. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động công vụ gắn với công tác CCHC, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, đảm bảo thực hiện một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, giải quyết TTHC; nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Đối với cấp huyện, hằng năm triển khai, đánh giá xác định Chỉ số CCHC đối với UBND cấp xã, lấy kết quả đánh giá, xác định chỉ số CCHC là thước đo đánh giá hiệu quả công tác CCHC tại địa phương./.
Nguồn: Phòng Cải cách hành chính