Khuyến mại là gì? Các đặc điểm của hoạt động khuyến mại?
Khuyến mại là gì? Đặc điểm của khuyến mại như thế nào? Các hình thức của hoạt động khuyến mại. Thời gian thực hiện khuyến mại được kéo dài trong bao lâu? Cách thức thông báo về chương trình khuyến mại?
Khuyến mại là một trong những phương thức nhằm kích ứng hành vi mua hàng của khách hàng. Đây đang là một trong những phương pháp được ưu tiên sử dụng của các công ty, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh. Vậy quy định pháp luật về khuyến mại như nào? Có những đặc điểm gì?
1. Khuyến mại là gì?
Điều 88 Luật thương mại 2005 đưa ra định nghĩa về khuyến mại như sau: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”
Ở góc độ ngôn ngữ, “mãi” là mua, “mại” là bán. Khuyến mại, khuyến mãi được hiểu là hành vi khuyến khích việc bán hàng, khuyến khích việc mua hàng. Do việc mua bán được tiến hành đồng thời nên cả 2 thuật ngữ này đều có thể sử dụng được. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chỉ sử dụng thuật ngữ “khuyến mại” với góc độ tiếp cận là hành vi của thương nhân nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển việc mua bán hàng hoá.
Như vậy, ta có thể hiểu thương mại là một trong những hình thức kích thích hành vi mua hàng của khách hàng mà các công ty, doanh nghiệp được phép triển khai. Việc thực hiện cần được tuân thủ theo đúng quy định, đúng yêu cầu của Luật thương mại hiện hành.
So với Luật thương mại năm 1997, Luật thương mại 2005 hiện hành khi định nghĩa về khuyến mại có bổ sung hai điểm về mục đích của khuyến mại và cách thức khuyến mại thông qua quan hệ dịch vụ. Cụ thể là, mục đích của khuyến mại không chỉ nhằm xúc tiến việc bán hàng mà còn nhằm xúc tiến việc mua hàng.
Mặc dù khuyến mại để bán hàng là hoạt động phổ biến của thương nhân, do thương nhân tiến hành như một nhu cầu tất yếu để cạnh tranh mở rộng thị phần nhưng đối với các doanh nghiệp thương mại, việc khuyến mại để mua hàng, gom hàng cũng có thể trở thành nhu cầu cần thiết.
Đáp ứng yêu cầu thực tế này, pháp luật hiện hành quy định khuyến mại là hoạt động thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (chứ không phải chỉ là xúc tiến việc bán hàng như trước đây).
Xem thêm: Các hình thức khuyến mại phổ biến, độc đáo trong thương mại
2. Đặc điểm của khuyến mại:
Khuyến mại là một hình thức xúc tiến thương mại, vì vậy, nó vừa mang những đặc điểm chung của một hoạt động xúc tiến thương mại lại vừa mang đặc điểm riêng, khác biệt so với các hình thức xúc tiến thương mại khác.
+ Về chủ thể thực hiện hành vi khuyến mại:
Chủ thể thực hiện hành vi khuyến mại là thương nhân. Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Luật thương mại 2005, thương nhân bao gồm “tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
Như vậy, ta có thể hiểu các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại một cách thường xuyên đều có thể thực hiện được hành vi tổ chức các chương trình khuyến mại.
* Phân loại :
Để tạo nhiều cơ hội thương mại, pháp luật cho phép thương nhân có thể tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại hoặc sử dụng dịch vụ khuyến mại do thương nhân khác cung cấp trên cơ sở hợp đồng dịch vụ khuyến mại.
Như vậy, thương nhân thực hiện khuyến mại gồm có thương nhân tự tổ chức thực hiện khuyến mại và thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại.
– Trường hợp thương nhân tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại cho mình thì không cần phải đăng kí để được phép thực hiện khuyến mại.
– Trường hợp thương nhân thuê dịch vụ khuyến mại do thương nhân khác cung cấp thì pháp luật quy định điều kiện đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại là cần phải có đăng kí kinh doanh dịch vụ này.
+ Về mục đích của khuyến mại
Giống như các hoạt động xúc tiến thương mại khác, mục đích của khuyến mại là xúc tiến bán hàng và cung ứng dịch vụ. để thực hiện mục đích này, mục tiêu bao trùm mà khuyến mại hướng tới là tác động tới khách hàng, lôi kéo hành vi của khách hàng để họ mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ, giới thiệu một sản phẩm mới hay kích thích trung gian phân phối chú ý hơn nữa đến hàng hoá của doanh nghiệp, tăng lượng hàng đặt mua, qua đó tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường hàng hoá, dịch vụ.
Việc áp dụng phương thức khuyến mại trong hoạt động kinh doanh giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, doanh nghiệp được thúc đẩy và phát triển. Đưa tên tuổi và các mặt hàng của công ty, doanh nghiệp tới gần hơn với khách hàng. Kích thích hành vi mua bán hàng hóa, là một trong những phương thức quảng cáo sản phẩm mới, sản phẩm hiện có của cửa hàng.
Không chỉ vậy, việc thực hiện các chương trình khuyến mại còn giúp cho việc xử lý hàng tồn kho, hàng cũ cần được xử lý của công ty doanh nghiệp được giải quyết trong thời gian ngắn mà nguồn lợi nhuận vẫn được đảm bảo.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Xem thêm: Hình thức, hạn mức và thời gian khuyến mại
3. Quy định về cách thức hoạt động khuyến mại:
Cách thức thực hiện xúc tiến thương mại của khuyến mại là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Dấu hiệu dành cho khách hàng những lợi ích nhất định để tác động tới thái độ và hành vi mua bán của họ là đặc trưng để phân biệt khuyến mại với các hình thức xúc tiến thương mại khác như quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hoá, dịch vụ…
* Đối tượng khách hàng được khuyến mại
Đối tượng khách hàng được khuyến mại không chỉ là người tiêu dùng mà còn có thể là các trung gian phân phối. Đây là một trong những đặc điểm được coi là ưu điểm của chương trình khuyến mại bởi nó đánh vào hành vi mua sắm của mọi đối tượng chứ không riêng gì đối tượng là người tiêu dùng hay các trung gian phân phối sản phẩm.
* Loại lợi ích dành cho khách hàng
Lợi ích mà thương nhân dành cho khách hàng rất đa dạng, có thể là lợi ích vật chất (tiền, hàng hoá) hoặc phi vật chất (cung ứng dịch vụ miễn phí…) (Điều 92 Luật thương mại 2005), tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như mục tiêu của đợt khuyến mại, trạng thái cạnh tranh hay kinh phí dành cho khuyến mại…
Tuy nhiên, điều kiện cần đảm bảo là tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại phải là những hàng hoá, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.
Như vậy, bản chất của khuyến mại là hoạt động của thương nhân thông qua việc dành cho khách hàng những lợi ích nhất định với những công cụ đa dạng như quà tặng, hàng mẫu, giảm giá… nhằm mục tiêu kích thích, lôi kéo hành vi quyết định mua hàng, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp, đích cuối cùng là tăng thị phần của doanh nghiệp trong thị trường hàng hoá, dịch vụ.
Xem thêm: Hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
4. Các hình thức khuyến mại:
Trong hoạt động tổ chức và thực hiện khuyến mại có rất nhiều hình thức mà công ty, doanh nghiệp có thể lựa chọn để thực hiện. Các hình thức đó được ghi nhận và quy định tại Điều 92 Luật thương mại 2005 như sau:
+ Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.
Đây là một trong những hình thức thực hiện khuyến mại được công ty, doanh nghiệp lựa chọn sử dung rất nhiều vào mục đích quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm mới
+ Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
Thông thường khi thực hiện phương thức khuyến mại này công ty, doanh nghiệp thường áp dụng cho những chương trình nhỏ để tri ân khách hàng vào những dịp như sinh nhật, kỷ niệm, ngày lễ hay cuối năm…
+ Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định hoặc bán hàng cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
Hình thức này thường được áp dụng cho những đợt khuyến mại lớn, nhằm khuyến kích hành vi mua hàng của khách hàng. Việc mua hàng đó có điều kiện để khách hàng được nhận phiếu mua hàng, được nhận phiếu giảm giá. Đây là một trong những cách thức để lưu giữ khách hàng, khuyến khích khách hàng tiếp tục mua hàng vào lần sau để được áp dụng hình thức khuyến mại đã được nhận.
+Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
Đối với hình thức này, việc tổ chức khuyến mại được tổ chức kèm cùng với các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí nhằm mục đích gắn kết khách hàng với nhà sản xuất, công ty hay doanh nghiệp bán hàng. Đây cũng là một trong những hình thức khuyến mại mang tính chất tri ân tới khách hàng gắn bó cùng công ty, doanh nghiệp.
Xem thêm: Quy định của pháp luật về khuyến mại thuốc
5. Cách thức thông báo về chương trình khuyến mại:
Khi thực hiện các chương trình khuyến mại, nhà cung cấp, công ty hay doanh nghiệp không chỉ cần đáp ứng yêu cầu về hình thức khuyến mại, hình thức tổ chức khuyến mại mà còn cần đáp ứng yêu cầu về hình thức thông báo. Quy định của Luật Thương mại đã có những quy định cụ thể về cách thức thông báo về chương trình khuyến mại như sau:
“1. Việc thông báo khuyến mại hàng hoá theo quy định tại Điều 97 của Luật này được thực hiện bằng một trong các cách thức sau đây:
a) Tại địa điểm bán hàng hóa và nơi để hàng hoá bày bán;
b) Trên hàng hoá hoặc bao bì hàng hóa;
c) Dưới bất kỳ cách thức nào khác nhưng phải được đính kèm với hàng hóa khi hàng hóa được bán.
2. Việc thông báo khuyến mại dịch vụ theo quy định tại Điều 97 của Luật này phải được thực hiện dưới một trong các cách thức sau đây:
a) Tại địa điểm cung ứng dịch vụ;
b) Cách thức khác nhưng phải được cung cấp kèm với dịch vụ khi dịch vụ đó được cung ứng.”
Như vậy, ta có thể thấy, việc thực hiện thông báo về chương trình khuyến mại cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như địa điểm tổ chức chương trình khuyến mại, tên các loại hàng hóa trong danh mục khuyến mại, thông báo và công bố rõ hình thức khuyến mại để khách hàng nắm bắt được mọi thông tin về chương trình khuyến mại mà công ty, doanh nghiệp tổ chức thực hiện.