Khủng bố là gì ? Quy định mới về tội khủng theo luật hình sự ?
Khủng bố là một trong những loại hành vi đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người và đe doạ nghiêm trọng đến an ninh, trật tự của các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Trong những năm gần đây, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, khủng bố có tổ chức xuyên quốc gia đang trở thành thách thức lớn đối với hoà bình, an ninh quốc tế.
1. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng, chống khủng bố
Khủng bố là một trong những loại hành vi đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người và đe doạ nghiêm trọng đến an ninh, trật tự của các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Trong những năm gần đây, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, khủng bố có tổ chức xuyên quốc gia đang trở thành thách thức lớn đối với hoà bình, an ninh quốc tế. Vì vậy, hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng bố là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do tính chất nguy hiểm và phạm vi hoạt động xuyên quốc gia của tội phạm khủng bố nên một trong những biện pháp hữu hiệu mà cộng đồng quốc tế rất quan tâm là xác lập cơ sở pháp lý quốc tế cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố. Đến nay, đã có hơn mười điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố quốc tế1.
Bên cạnh đó còn một số văn kiện pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc như Tuyên bố bổ sung về các biện pháp thanh toán khủng bố quốc tế năm 1994; ba nghị quyết và ba tuyên bố về khủng bố quốc tế (sau sự kiện ngày 11/9/2001 tại New York, Hoa Kỳ)… và một số điều ước khu vực, như Công ước châu Âu về trừng trị khủng bố năm 1977, Công ước chống khủng bố của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) năm 2002, Công ước ASEAN về chống khủng bố năm 2007.
Là một thành viên của Liên hợp quốc, có truyền thống tôn trọng và yêu chuộng hoà bình, với mong muốn góp phần vào việc ổn định an ninh quốc tế, thời gian qua Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế đa phương của Liên hợp quốc về chống khủng bố2, bao gồm: Công ước năm 1963 về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay; Công ước năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước năm 1971 về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng; Công ước năm 1973 về ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao; Nghị định thư năm 1988 về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế; Công ước năm 1988 về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hành trình hàng hải; Công ước năm 1988 về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn của những công trình cố định trên thềm lục địa; Công ước quốc tế năm 1999 về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố; Công ước quốc tế về chống khủng bố hạt nhân (Công ước này chưa có hiệu lực).
Việt Nam đang tích cực nghiên cứu khả năng gia nhập bốn điều ước quốc tế còn lại và đã ký kết Công ước của ASEAN về chống khủng bố. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam đã ký nhiều hiệp định, thoả thuận song phương về hợp tác phòng, chống khủng bố; trong đó phải kể đến hơn 10 hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ…
Nhận thức được tính chất đặc biệt nguy hiểm của tội phạm khủng bố nên Nhà nước Việt Nam luôn có thái độ rất kiên quyết trong phát hiện, ngăn chặn và trừng trị loại tội phạm này. Trong những năm sau ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tuy chưa có thuật ngữ pháp lý về “khủng bố” nhưng việc trừng trị các hành vi bắt cóc, giết người nhằm chống lại chính quyền nhân dân… đã được quy định trong các sắc lệnh của Chủ tịch nước như Sắc lệnh số 133-SL ngày 20/01/1953 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trừng trị các loại Việt gian và phản động. Mục II của Sắc lệnh này quy định các tội phạm và hình phạt, trong đó hành vi “khủng bố” (Điều 4) và “khủng bố nhân dân” (Điều 5) được xác định với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Trong Pháp lệnh ngày 30/10/1967 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về trừng trị các tội phản cách mạng, các hành vi khách quan của tội khủng bố được quy định tại Điều 10 với tội danh “giết người, đánh người, gây thương tích, bắt giữ người, doạ giết người, vì mục đích phản cách mạng”.
Từ khi ban hành Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên (năm 1985) đến BLHS năm 1999 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, tội danh khủng bố được quy định tương đối ổn định tại Điều 78 BLHS năm 1985 và Điều 84 BLHS năm 1999. Theo các quy phạm pháp luật này, Tội khủng bố có một số đặc điểm cơ bản sau:
– Là một trong những tội được quy định trong Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và theo đó, dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm là phải có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân;
– Hành vi khách quan của tội phạm này được biểu hiện: xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm tính mạng, xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ hoặc những hành vi khác uy hiếp tinh thần của con người; đối tượng tác động của tội phạm chỉ có thể là con người cụ thể mà không phải là tài sản hoặc các vật khác.
Những hành vi tuy xâm phạm đến con người nhưng không nhằm mục đích chống chính quyền hoặc hành vi khác xâm phạm đến tài sản… sẽ bị điều tra, xử lý theo các tội danh khác tương ứng.
Việc quy định tội danh khủng bố như trên xuất phát từ thực tiễn đấu tranh chống tội phạm và đặc điểm xây dựng pháp luật hình sự ở Việt Nam thời gian qua, trong điều kiện quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước về phòng, chống khủng bố còn hạn chế. Quy định này là phù hợp với điều kiện lịch sử của Việt Nam qua một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Thực tiễn áp dụng quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm hình sự đối với Tội khủng bố quy định tại Điều 84 BLHS sự năm 1999 cho thấy, điều khoản này đã áp dụng rất có hiệu quả để phòng, chống tội phạm khủng bố. Tuy vậy, quy định về tội phạm khủng bố trong BLHS năm 1999 có một số nội dung khác biệt so với quan niệm của cộng đồng quốc tế về khủng bố và tội phạm khủng bố nên đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố. Mặt khác, BLHS có một tội danh về khủng bố là chưa toàn diện, thiếu cơ sở pháp lý đấu tranh với loại tội phạm này.
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống khủng bố trong tình hình hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã sửa Điều 84 quy định về Tội khủng bố thành Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, bổ sung Điều 230a quy định Tội khủng bố và Điều 230b quy định Tội tài trợ khủng bố. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự đối với các hành vi khủng bố của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Việt Nam về tội phạm khủng bố. Theo hướng này, trong BLHS của Việt Nam có ba điều quy định ba tội danh về khủng bố, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh phòng, chống khủng bố và thuận lợi trong hợp tác quốc tế phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy vậy, thực tiễn phòng, chống khủng bố cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần quan tâm nghiên cứu, giải quyết, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay ở Việt Nam. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống khủng bố là nhu cầu khách quan; trong đó, việc xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố là rất cần thiết.
Để thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 900/UBTVQH ngày 21/3/2007 thực hiện Chiến lược nêu trên trong giai đoạn 2007-2012; trong đó, có yêu cầu xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống khủng bố để góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đáp ứng tình hình thực tế trong nước và quốc tế. Quốc hội Việt Nam khoá XII đã có Nghị quyết số 11/2007/NQ-QH12 ngày 21/11/2007 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và năm 2008; Nghị quyết số 31/2009/NQ-QH12 ngày 17/6/2009 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011), trong đó, dự án Luật Phòng, chống khủng bố được đưa vào Chương trình chuẩn bị.
2. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố
Với ý nghĩa là một đạo luật chuyên ngành về phòng, chống khủng bố, sau khi được xây dựng và ban hành, Luật Phòng, chống khủng bố sẽ là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để Việt Nam thực hiện tốt hơn hoạt động phòng, chống khủng bố phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống loại tội phạm này. Có nhiều yêu cầu đặt ra cho việc xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố; trong đó xác định được mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và nguyên tắc xây dựng Luật này là một nhiệm vụ rất quan trọng.
– Trước hết cần xác định được mục tiêu xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố là nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và đồng bộ để đấu tranh phòng, chống khủng bố có hiệu quả hơn và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố.
– Việc xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố phải được quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:
+ Kế thừa các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống khủng bố trong những năm qua và phù hợp thực tế Việt Nam. Theo tiêu chí này, cần phải hệ thống hóa toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố để trên cơ sở đó loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chọn lọc những quy định đã, đang phát huy tác dụng để pháp điển hóa; đồng thời dự báo các nhóm quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của hoạt động phòng, chống khủng bố để luật hóa.
+ Luật Phòng, chống khủng bố phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết toàn diện về lý luận, pháp luật và kinh nghiệm tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống khủng bố ở nước ta trong những năm qua, nhất là kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống các tình huống khủng bố; đấu tranh phòng, chống khủng bố bằng pháp luật hình sự.
+ Phải bảo đảm yêu cầu nội luật hoá các quy định trong các văn kiện pháp lý quốc tế về phòng, chống khủng bố mà Việt Nam đã là thành viên, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục tham gia các điều ước quốc tế còn lại về chống khủng bố trong thời gian tới; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật và thực tiễn đấu tranh phòng, chống khủng bố của các quốc gia trên thế giới. Đây là những yêu cầu rất đáng chú ý trong quá trình xây dựng dự án Luật để đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về phòng, chống khủng bố. Việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống khủng bố cũng phải được tính toán, cân nhắc có chọn lọc, theo hướng lựa chọn những kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn chính trị, kinh tế, pháp luật Việt Nam, tránh rập khuôn, máy móc…
+ Phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố do đó phải tuân thủ đầy đủ các quy định về hình thức, về nội dung, bảo đảm tính hợp hiến, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt là làm tốt việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án Luật Phòng, chống khủng bố.
3. Một số nội dung chính của Luật Phòng, chống khủng bố
Nội dung chính cơ bản của Luật Phòng, chống khủng bố có thể bao gồm:
3.1. Các quy định chung
Nhóm các quy định chung bao gồm các quy định về mục đích ban hành Luật, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; các định nghĩa cần được xác định như: khủng bố, đối tượng khủng bố, cơ quan phòng, chống khủng bố…; quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố. Nhóm các quy định chung này là những quy định mang tính chất chung nhất, nguyên tắc, xuyên suốt toàn bộ luật, làm cơ sở cho các quy định tiếp theo trong đạo luật.
3.2. Nhóm các quy định cụ thể
Nhóm này sẽ bao gồm hai nội dung lớn:
Một là, các quy định về phòng ngừa các hoạt động khủng bố, các quy định này sẽ xác định hình thức, nội dung và biện pháp phòng ngừa các hoạt động khủng bố ở các mức độ, cấp độ khác nhau (Luật sẽ có nhiều quy định về phòng ngừa, đây là tư tưởng chỉ đạo khi xây dựng Luật);
Hai là, các quy định liên quan đến hoạt động chống khủng bố, các quy định này sẽ xác định các hình thức, nội dung và biện pháp chống khủng bố của các cơ quan có thẩm quyền (xác định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia phòng, chống khủng bố và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong phòng, chống khủng bố ở Việt Nam).
Trong hai nhóm trên phải có các quy định xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động phòng, chống khủng bố. Trong nội dung này của dự án Luật sẽ chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống khủng bố. Quy định những việc phải làm và không được làm của các chủ thể nêu trên trong hoạt động phòng, chống khủng bố, các biện pháp hạn chế hậu quả của hành vi khủng bố; tăng cường hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm khủng bố. Ngoài ra, nó cũng phải đề cập đến hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố (sẽ gồm các quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức, cơ chế hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố).
3.3. Nhóm các quy định về tổ chức thực hiện
Tổ chức thực hiện sẽ gồm các quy định về việc triển khai, tổ chức Luật Phòng, chống khủng bố trên phạm vi quốc gia.
(1) Xem: Bình luận khoa học Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999, GS,TS. Nguyễn Ngọc Anh (Chủ biên), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 66-70.
(2) GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh (Chủ biên), tlđd, tr. 78-80.
Tác giả: Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an.
Nguồn: http://www.nclp.org.vn/
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)