Khu hành chính TP Cần Thơ 2.000 tỷ đồng sẽ thi công vào năm 2025
Quy hoạch khu hành chính mới gồm các khối nhà cao không quá 8 tầng cho 1.300 cán bộ, nhân viên; là nơi tập trung của 20 sở, ngành của TP Cần Thơ.
UBND Cần Thơ vừa có thông báo kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND TP Dương Tấn Hiển tại buổi họp về tình hình triển khai thực hiện dự án khu hành chính thành phố. Theo đó, Cần Thơ quyết định xây dựng khu hành chính nằm trong Trung tâm văn hoá Tây Đô (rộng 69 ha), tại Khu đô thị nam Cần Thơ, thuộc quận Cái Răng.
Kinh phí thực hiện dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách Trung ương và vốn đấu giá các trụ sở hành chính cũ tại TP Cần Thơ.
Quy hoạch khu hành chính mới gồm các khối nhà (cao không quá 8 tầng) cho 1.300 cán bộ, nhân viên; trung tâm hội nghị đa năng sức chứa 1.000-1.200 người. Đây là sẽ nơi làm việc tập trung của hơn 20 sở, ngành của thành phố, dự kiến khởi công trong năm 2025.
TP Cần Thơ hiện chưa có khu hành chính tập trung. Ảnh chụp khu vực phía trước trụ sở UBND TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều.
TP Cần Thơ được xem là đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích hơn 1.400 km2. Các đơn vị hành chính của thành phố gồm 9 quận, huyện với hơn 1,2 triệu dân. Việc xây dựng khu hành chính tập trung được xác định là yêu cầu cấp thiết của thành phố trong bối cảnh nhiều trụ sở cơ quan sở, ngành đang xuống cấp.
Trước đó năm 2015, UBND thành phố Cần Thơ đã thống nhất xây dựng trung tâm hành chính tập trung. Trong đó, hạng mục chính là tòa nhà làm việc cao 22 tầng, kinh phí thực hiện 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dự án không thể triển khai.
Phương án xây dựng tòa nhà hành chính cao 22 tầng cũng được cho là không phù hợp bằng phương án xây dựng các khối nhà thấp tầng, phân tán.
Sắp tới, UBND Cần Thơ sẽ tổ chức phương án thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án. Ngành chức năng thành phố sẽ chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, thủ tục, phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khu hành chính.
Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.