Khu di tích núi Minh Đạm: Nơi ghi dấu chiến công

Với địa hình hiểm trở và vị trí chiến lược quan trọng trong thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, núi Minh Đạm đã được Huyện ủy Long Điền chọn làm căn cứ cách mạng chống giặc. Trải qua thời gian cùng nhiều thăng trầm của lịch sử, hiện nay khu căn cứ này được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia và trở thành điểm tham quan truyền thông giáo dục cho thế hệ trẻ.

Địa chỉ đỏ

Nhắc đến điểm du lịch văn hóa, lịch sử ở miền Nam thì không thể bỏ qua căn cứ núi Minh Đạm (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là một trong những căn cứ cách mạng nổi tiếng – nơi từng ghi dấu những chiến công chống ngoại xâm hiển hách của nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Khu di tích núi Minh Đạm: Nơi ghi dấu chiến công Các chiến sĩ bộ đội TP. Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm

Tham gia tour du lịch về nguồn tại Khu căn cứ núi Minh Đạm, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, em Nguyễn Tiến Hải – dân quân tự vệ tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) – cho biết: Xem danh sách các vị anh hùng, liệt sỹ được thờ phụng ở Minh Đạm, tôi thấy có rất nhiều người hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Họ chỉ mới 18, 20. Trong khi cùng độ tuổi như họ, tôi được đến trường học tập và thực hiện nhiều dự định khác như đi du lịch, giao lưu kết bạn… Tôi thật sự khâm phục lý tưởng, ý chí của họ. Đến đây, tôi càng hiểu và thêm trân trọng giá trị hòa bình, tự thấy bản thân phải có một phần trách nhiệm đem lại hạnh phúc, hòa bình cho mọi người.

Giống như Hải, binh nhất Phan Thanh Hiếu – Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ rằng, càng tìm hiểu về Khu di tích lịch sử Minh Đạm, Hiếu càng yêu thêm mảnh đất và con người Việt Nam. Đặc biệt là thế hệ cha anh đi trước, họ đã vượt mọi gian khó, hy sinh để giành lại tự do cho nhân dân và dân tộc. “Với cương vị là một người lính, tôi học hỏi ở các thế hệ cha anh sự kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh, rừng thiêng nước độc như khu vực núi Minh Đạm” – binh nhất Hiếu cho biết.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, căn cứ Minh Đạm nằm trên địa bàn hai huyện Long Điền, Đất Đỏ. Đây từng là nơi cơ quan thường vụ Huyện ủy Long Đất hoạt động để lãnh đạo phong trào kháng chiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Núi Minh Đạm dài 8km, cao 355m, ba mặt giáp biển, do nhiều ngọn núi hợp thành; ban đầu được gọi là dãy Châu Viên, Châu Long.

Tên gọi “Căn cứ Minh Đạm” được hình thành cuối năm 1948, được đặt theo tên của hai đồng chí Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm – nguyên Bí thư và Phó Bí thư Huyện ủy Long Điền, đã hy sinh anh dũng ngày 17/1/1948 trong khi đang hoạt động bí mật. Để tưởng nhớ hai đồng chí và khích lệ phong trào kháng chiến, Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh (cũ) quyết định lấy tên hai đồng chí đặt tên cho khu căn cứ kháng chiến này. Năm 1993, Căn cứ Minh Đạm được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Hiện, Khu di tích núi Minh Đạm thường xuyên đón nhiều đoàn khách là cựu chiến binh, sinh viên, học sinh lên tham quan, ôn lại truyền thống, tổ chức hội trại, huấn luyện kỹ năng. Những đoàn khách đến núi Minh Đạm đều trật tự đi trong yên lặng, mang những bó hoa tươi, đốt nén hương trầm kính cẩn dâng lên bàn thờ các anh hùng liệt sỹ.

Vừa hướng dẫn khách dâng hương, ông Trần Văn Định, nhân viên Ban quản lý Đền liệt sỹ căn cứ Minh Đạm cho hay, mấy ngày nay, khách về thăm Minh Đạm đông lắm, nhất là dịp cuối tuần, lượng khách đạt hơn 1.000 lượt/ngày.

Ông Mai Ngọc Thuận, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu – cho biết, Minh Đạm là khu căn cứ cách mạng nổi tiếng của huyện nói riêng và của cả tỉnh nói chung. Cung đường lên Minh Đạm ít xe lưu thông, cây xanh râm mát nên đạt được tất cả các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho hoạt động du lịch về nguồn kết hợp với giáo dục truyền thống cách mạng. Những năm qua, huyện Đất Đỏ tổ chức nhiều hoạt động cho các thế hệ nhân dân tại đây. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, huyện Đất Đỏ tổ chức đi bộ đồng hành lên Minh Đạm, huy động toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong huyện tham gia. Sau khi chinh phục Minh Đạm, toàn thể cán bộ, công chức cùng viếng đền thờ liệt sỹ và tham gia các hoạt động tập thể như: Nghe các nhân chứng đã chiến đấu ở Minh Đạm ôn lại những câu chuyện cảm động, sự mưu trí của quân dân Long Đất, tham quan các hang, chinh phục Hòn Đá Chẻ.

Đặc biệt, để giáo dục chính trị, tư tưởng cho các thế hệ trẻ, từ đầu năm 2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Đất Đỏ đã ban hành kế hoạch tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử, văn hóa núi Minh Đạm. Tại đây, các em được nghe giới thiệu và khám phá hệ sinh thái trên núi, viếng đền, tham quan sa bàn, các hang, sinh hoạt tập thể… Qua đó giúp các em hiểu biết thêm về truyền thống, từ đó giữ gìn, phát huy giá trị di tích; phấn đấu học tập, lao động để mai này trở thành người có ích.