Khu dân cư là gì?
“Khu dân cư” là một cấu trúc cộng đồng bao gồm: một số hộ gia đình tụ cư, sống đan xen trong một khu vực địa lý nhất định. (Ảnh minh họa)
Mặt trận trả lời:
Hệ thống quản lý hành chính 4 cấp của nước ta bao gồm: cấp Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn. Như vậy, xã, phường, thị trấn được xem là cấp cơ sở gắn bó gần gũi với nhân dân. Tuy nhiên, xã, phường, thị trấn vẫn chưa phải là cấp gần dân nhất; tổ chức gần và trực tiếp với dân nhất là các “khu dân cư”.
Vậy “Khu dân cư” là gì? Từ trước đến nay, cụm từ “khu dân cư” chưa được Nhà nước hoặc các ngành chức năng quan tâm nghiên cứu để có quy chuẩn. Cụm từ “khu dân cư” chưa thấy có trong định nghĩa của các từ điển tiếng Việt cũng như trong các văn bản của Nhà nước. Chính vì vậy, “khu dân cư” còn được hiểu là (tương ứng) cộng đồng dân cư, cụm dân cư. Tuy nhiên, có nơi nhiều “khu dân cư” mới hợp thành cụm dân cư. Có nơi “khu dân cư” đồng nghĩa với một thôn, xóm, bản, làng, khóm, ấp, khu phố. Có nơi một thôn, xóm, bản, làng, khóm, ấp, khu phố lại có từ 2 đến nhiều “khu dân cư”.
Có “khu dân cư”, dân số chỉ vài chục người nhưng có “khu dân cư” lại đông đến hàng nghìn người. “Khu dân cư” ở khu vực các tỉnh đồng bằng, khu vực đô thị khác với “khu dân cư” ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển. Nhìn chung về địa giới hành chính, dân số, trình độ dân trí, điều kiện lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần… ở các khu dân cư là rất phong phú, đa dạng, vừa có giống nhau, vừa có khác nhau.
Về phương diện tổ chức, “khu dân cư” không phải là một cấp hành chính, nhưng dù tồn tại dưới hình thức, tên gọi nào, quy mô địa giới hành chính đến đâu thì “khu dân cư” vẫn có 3 đặc trưng chung chủ yếu sau:
– “Khu dân cư” là một cấu trúc cộng đồng bao gồm: một số hộ gia đình tụ cư, sống đan xen trong một khu vực địa lý nhất định (thôn, xóm, bản, khu phố). Có “khu dân cư” tồn tại ổn định từ lâu đời, có “khu dân cư” mới đang trong quá trình hình thành, biến đổi… Tên gọi, cơ cấu địa giới, số lượng dân cư tùy theo yêu cầu, cách sắp xếp, bố trí của mỗi địa phương.
– Các hộ dân sinh sống ở “khu dân cư” ít phụ thuộc theo huyết thống, trái lại do yêu cầu cư trú mà có quan hệ gắn bó với nhau trong lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, trong giao tiếp xã hội, tâm lý tư tưởng và ứng xử cộng đồng.
– Các hộ dân sinh sống ở “khu dân cư” ngoài chịu tác động, chi phối của chủ trương, chính sách, pháp luật chung của Đảng, Nhà nước, còn chịu sự tác động, chi phối của bộ máy chính quyền địa phương, của “Hệ thống chính trị khu dân cư” cùng các phong tục, tập quán nơi mình cư trú, sinh sống”.
Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua, tháng 9/2004, tại Điều 27, Chương IV có ghi: Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu phố (gọi chung là “khu dân cư”).