Khu công nghiệp – Tâm điểm hút vốn FDI vào Quảng Ninh
Nhờ cải thiện tốt môi trường đầu tư, khơi thông những điểm nghẽn của nền kinh tế về cơ chế chính sách, hạ tầng, Quảng Ninh đang tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2021, Jinko Sola đã đầu tư liên tiếp 2 dự án vào Khu công nghiệp Sông Khoai, với tổng vốn hơn 865 triệu USD.
Từ khi hình thành Khu công nghiệp đầu tiên là Cái Lân vào năm 1997, đến nay, Quảng Ninh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án thứ cấp đạt khoảng 7,4 tỷ USD. Trong đó, lượng vốn FDI chiếm 56,5%, tương đương 4,18 tỷ USD. Con số này được đánh giá là còn khiêm tốn với địa phương có tiềm năng lớn như Quảng Ninh.
Nguyên nhân được nhìn nhận là do trong thời gian dài, Quảng Ninh chỉ chú trọng khai thác những tài nguyên sẵn có như khoáng sản, du lịch. Các yếu tố nguồn lực bên ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ít được cải thiện, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ và tính kết nối kém đã khiến Quảng Ninh chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2012, môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh đã được cải thiện mạnh. Tỉnh đã được các nhà đầu tư ngoại để ý đến. Đầu tiên phải kể đến là Tập đoàn Texhong với 2 dự án đầu tư có tổng vốn trên 500 triệu USD là Nhà máy sản xuất sợi Texhong Ngân Long (giai đoạn I) tại Khu công nghiệp Hải Yên (TP. Móng Cái) và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (giai đoạn I) tại xã Quảng Điền, huyện Hải Hà. Hiện tại đã có 11 dự án của nhà đầu tư thứ cấp đang được triển khai tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, với tổng số vốn đầu tư được đăng ký trên 727 triệu USD.
Tháng 3/2018, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Thái Lan, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai, có quy mô 714 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 155,5 triệu USD cho Amata.
“Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch đầu tư hơn 2 tỷ USD để xây dựng một khu đô thị, công nghiệp sinh thái hiện đại và phát triển bền vững tại Quảng Ninh”, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam khẳng định.
Nhà đầu tư Khu công nghiệp DEEP C đến từ Bỉ cũng đã cùng các đối tác đầu tư 2 dự án hạ tầng gồm Khu công nghiệp Nam Tiền Phong 369,8 ha và Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong 1.192,9 ha (thuộc Khu công nghiệp – Dịch vụ Đầm Nhà Mạc, nằm trong Khu kinh tế Quảng Yên).
Việc các khu công nghiệp được phát triển bởi những nhà đầu tư hạ tầng uy tín đã góp phần giúp Quảng Ninh thu hút được nhiều dự án thứ cấp chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Điển hình, trong tháng 3/2021, Công ty Jinko Solar – một trong những nhà sản xuất tấm quang năng hàng đầu thế giới đã đầu tư gần 500 triệu USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên) để triển khai dự án tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam. Chưa đầy 6 tháng sau, doanh nghiệp này đã được trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thứ hai là Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, với số vốn hơn 365 triệu USD. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ có doanh thu bình quân năm hơn 25.654 tỷ đồng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 461,3 tỷ đồng, giúp giải quyết việc làm cho 2.188 lao động địa phương.
Trước đó, Foxconn, tập đoàn xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho các “ông lớn” công nghệ như Apple, Motorola, Nokia và HP…, đã đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên). Cuối năm 2020, sau 1 năm triển khai đầu tư, dự án đã cho ra mắt lô sản phẩm đầu tiên.
Động thái mới đây nhất của Tập đoàn Amata khi cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản (Tập đoàn Marubeni) và Hàn Quốc (Tập đoàn GS E&C) làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để phát triển quỹ đất công nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao đã cho thấy sức hút đối với dòng vốn FDI của Quảng Ninh ngày càng tăng.
Trong 9 tháng năm 2021, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tổng vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc địa bàn quản lý của Ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh (trừ Khu Kinh tế Vân Đồn) vẫn có sự tăng trưởng tốt, đạt 40.350 tỷ đồng, tương đương hơn 1,75 tỷ USD, bằng 139% kế hoạch thu hút vốn đầu tư theo kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong đó vốn FDI đạt hơn 1,068 tỷ USD.