Khu công nghiệp – Động lực phát triển kinh tế tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2035 (kỳ 1)

Bài viết trình bày cơ sở lý luận về các KCN trong đó nêu các khái niệm về KCN của các cơ quan, tổ chức, chính phủ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chỉ ra lịch sử phát triển các KCN từ đó giúp độc giả hình dung được bức tranh tổng quát về sự hình thành và phát triển của các KCN trên thế giới. Với phương pháp phân tích, đánh giá số liệu thực tế về các KCN tỉnh Bắc Ninh, bài viết đã nêu ra 6 vai trò của các KCN là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh cũng như một số hạn chế còn tồn tại trong các KCN. Từ đó tác giả đưa ra định hướng và giải pháp cho sự phát triển các KCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm giảm bớt những hạn chế, tạo sự phát triển bền vững, ổn định các KCN.

Từ khóa: khu công nghiệp, khu chế xuất, đầu tư nước ngoài, Bắc Ninh, Công nghiệp.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Cơ sở lý luận các khu công nghiệp

1.1 Khái niệm khu công nghiệp (KCN)

Trên thế giới KCN tập trung được hiểu là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ công nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất trong khu. Có rất nhiều khái niệm khác nhau về khu công nghiệp. Định nghĩa sớm nhất về KCN được đưa ra bởi William Bredo đó là “KCN là một vùng đất được phát triển và chia thành nhiều lô nhỏ theo một quy hoạch đồng bộ với đầy đủ tiện ích về cơ sở hạ tầng bao gồm đường giao thông, điện, nước, tiện ích công cộng được sủ dụng chung cho toàn bộ các thành phần trong đó.”

Theo tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (Unido) định nghĩa KCN là tổ hợp các nhà máy xí nghiệp công nghiệp, khu hạ tầng phát triển, có nhà xưởng xây sẵn và các dịch vụ tiện ích cung cấp cho các xí nghiệp.

Một trong những khái niệm về khu công nghiệp được đưa ra tại hội thảo của trường Đại học Dartmouth Hoa Kỳ năm 1958 đó là: “Khu công nghiệp là một vùng công nghiệp được quy hoạch hoàn chỉnh và được thiết kế nhằm đảm bảo sự tương thích giữa các hoạt động công nghiệp và các hoạt động của cộng đồng dân cư xung quanh đó. Bản quy hoạch thiết kế bao gồm đường cho các phương tiện vận tải và các phương tiện giao thông khác, quy định về khoảng lùi, kích thước lô đất nhỏ nhất, tỉ lệ sử dụng đất thấp nhất, xây dựng kiến trúc, yêu cầu cảnh quan, và các yêu cầu sử dụng cụ thể, tất cả đều nhằm thúc đẩy sự mở cửa và sự hòa nhập giữa các hoạt động công nghiệp và cộng đồng xung quanh. Khu công nghiệp cần có một kích cỡ hợp lý và khu vực phù hợp để bảo vệ môi trường xung quanh.  Việc quản lý được thu phí để duy trì bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cũng như bảo vệ sự đầu tư của nhà đầu tư và các khách hàng”(ULI, 1988).

Theo định nghĩa đơn giản của Peddle (1993) “Khu công nghiệp là một vùng đất tương đối rộng được chia thành nhiều lô và được xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó các xí nghiệp dễ dàng lựa chọn địa điểm để phát triển, thống nhất sử dụng hạ tầng và hưởng những lợi thế ở những vị trí liền kề nhau”.

Theo quy chế KCN, khu chế xuất ban hành ngày 24/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ, KCN là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có gianh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống và phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Tóm lại KCN tập trung được hiểu là một khu vực có những thuận lợi về mặt tự nhiên, về xây dựng kết cấu hạ tầng, về xã hội và nhân văn để thu hút đầu tư và hoạt động theo một cơ cấu hợp lý các doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ có liên quan thuộc nhiều thành phần kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao trong kinh doanh của từng doanh nghiệp và cả cơ cấu các doanh nghiệp trong khu.

1.2 Lịch sử hình thành các khu công nghiệp trên thế giới

Cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới diễn ra lần đầu tiên ở Anh từ cuối thế kỷ 18 sau đó lan sang các nước Châu Âu khác và Mỹ. Ý tưởng về một KCN trên thế giới có thể chỉ xuất hiện lần đầu tiên năm 1885 khi một tập đoàn tư nhân Mỹ quy hoạch một quận công nghiệp gần Chicago nước Mỹ. Tuy nhiên KCN đầu tiên trên thế giới lại do một công ty tư nhân của Anh thành lập năm 1896 ở Trafford Park thành phố Manchester nước Anh. KCN Trafford này có thể coi là cha đẻ của tất cả các KCN hình thành sau này. KCN thứ hai là một quận công nghiệp cũng được thành lập bởi một công ty tư nhân ở Mỹ năm 1899. KCN thứ ba trên thế giới là KCN Naples ở Italia được thành lập năm 1904 theo một bộ luật đặc biệt của thành phố Naples. Trong khoảng 30 đến 40 năm sau đó chỉ có các tập đoàn tư nhân ở Vương quốc Anh, Liên bang Mỹ và một số thành phố ở Italia thành lập các KCN tư nhân với mục tiêu hoạt động vì lợi nhuận và thương mại hóa. Chỉ đến khi Chính phủ Vương Quốc Anh là chính phủ đầu tiên ban hành chính sách phát triển các KCN như một công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đối phó với sự sụt giảm kinh tế vào những năm thập niên 1930 và nó đã mang lại những kết quả tích cực. Trên thực tế sau chiến tranh thế giới II Chính phủ Vương Quốc Anh đặc biệt quan tâm đến chính sách dịch chuyển các nhà máy ra khỏi khu đô thị đông dân cư, thành lập các khu mới nhằm phân hóa lại mật độ dân số ở các vùng miền trong cả nước. Ở nước Mỹ Chính phủ quan tâm đến phát triển KCN muộn hơn, chỉ đến khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra các ngành công nghiệp hóa chất, sản xuất vũ khí đã thúc đẩy Chính phủ có chính sách phát triển KCN xa rời khu dân cư đông đúc.

Quá trình phát triển các KCN trên thế giới chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, trình độ thấp và sơ sài kéo dài đến tận năm 1950. Sau đó công nghệ, kỹ thuật xây dựng KCN đã thực sự được phát triển và kéo theo sự quan tâm của toàn thế giới do những tác động tích cực và thành công của nó đem lại. Kể từ đó việc xây dựng các KCN trên thế giới diễn ra với quy mô lớn hơn ở cả những nước công nghiệp phát triển cũng như các nước công nghiệp mới nổi. Hiện nay hầu như các nước trên thế giới đều có những chính sách phát triển các KCN tập trung như một công cụ thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế.

Ở Việt Nam, KCN, Khu chế xuất hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế được khởi xướng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986). Các Nghị quyết của Đảng tại các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay đã hình thành hệ thống các quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển KCN, Khu chế xuất; khẳng định vai trò của KCN, Khu chế xuất là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội X và XI đã nêu rõ.

1.3 Sự hình thành các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1991-1996) đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới là: “Phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới”.

Kể từ sau tái lập tỉnh tháng 3/1997, về cơ bản Bắc Ninh vẫn là một tỉnh thuần nông với cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh đã sớm xác định công nghiệp là động lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh. Ngày 14/5/1997 đồng chí Ngô Văn Luật – Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định số 219/CT thành lập Tổ xúc tiến dự án khả thi các KCN tập trung tỉnh Bắc Ninh. Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan thu thập tài liệu, làm việc với các Bộ, các cơ quan Trung ương giúp đỡ tư vấn và thẩm định dự án, xúc tiến nhanh việc lập dự án khả thi các KCN tập trung trình Chính phủ phê duyệt và giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện dự án KCN tập trung sau khi được phê duyệt. Ngày 25/8/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 152/1998/QĐ-TTg thành lập Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, đã trở thành một ngày trọng đại không chỉ với riêng tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban quản lý các KCN, mà còn trở thành một ngày thực sự có ý nghĩa đối với sự phát triển và xây dựng các KCN Bắc Ninh. Sau 5 tháng chuẩn bị, ngày 9 tháng 1 năm 1999, đồng chí Ngô Văn Luật – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 30/1999/QĐ-UB thành lập, tổ chức bộ máy Ban quản lý các KCN Bắc Ninh.

Ngay sau khi thành lập Ban quản lý các KCN tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập KCN Tiên Sơn tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 19/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích giai đoạn I là 134ha và được khởi công tháng 12/2000. Tiếp theo, thành lập KCN Quế Võ, tại Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích giai đoạn I là 336ha, khởi công ngày 27/4/2003. Sau đó, lần lượt các KCN: Đại Đồng – Hoàn Sơn; Yên Phong I; VSIP Bắc Ninh; Quế Võ II được thành lập. Theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 và công văn số 1511/TTg-KTN ngày 20/8/2014 về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN, Bắc Ninh hiện có 15 KCN được thành lập với tổng diện tích 6.847ha (KCN 5.803ha và khu đô thị 1044ha), gồm: Tiên Sơn (449ha), Quế Võ 1 (611ha), Đại Đồng – Hoàn Sơn (530ha), Yên Phong 1 (655ha), Quế Võ 2 (270ha), VSIP Bắc Ninh (700ha), Nam Sơn – Hạp Lĩnh (1.000ha), Đại Kim (1.000ha), Thuận Thành (200ha), Yên Phong 2 (1.200ha). Trong đó: 09 KCN đã đi vào hoạt động bao  gồm Tiên Sơn, Quế Võ I, Quế Võ II, Đại Đồng – Hoàn Sơn, Yên Phong I, VSIP Bắc Ninh, Thuận thành II, Thuận thành III và Hanaka, với tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất thu hồi đạt bình quân 84,97%; 6 KCN còn lại đang trong giai đoạn triển khai đền bù giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.  

2. Vai trò của các khu công nghiệp trong phát triển kinh tế tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm qua.Tính đến tháng 6/2014, Bắc Ninh có 15 KCN được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất quy hoạch là 6.847ha. Có 9 KCN đang triển khai đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 72,2%, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất thu hồi đạt 84,97%. Luỹ kế đến hết tháng 5/2016 , các KCN Bắc Ninh đã thu hút 978 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12,78 tỷ USD, trong đó có 629 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 11,25 tỷ USD và 349 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1,53 tỷ USD.

Qua 18 năm hình thành và phát triển, các KCN Bắc Ninh đã có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thu ngân sách của tỉnh, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là địa bàn lân cận các KCN. Các doanh nghiệp đi vào hoạt động đã đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục ở mức trên hai con số của tỉnh, cụ thể như sau:

Một là, các KCN đã đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Năm 2005, các KCN Bắc Ninh mới có 74 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1800 tỷ đồng, đánh dấu những đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh Bắc Ninh sau 7 năm thành lập và xây dựng các KCN. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới chỉ ở giai đoạn đầu, nên chưa phát huy hết công suất (công suất bình quân đạt từ 40-50% công suất thiết kế).

Biểu đồ 1: Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2010 – 2015

Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 thực sự là giai đoạn bùng nổ về đầu tư sản xuất của các KCN tỉnh Bắc Ninh với việc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (dự án FDI) tăng mạnh cả về số lượng cũng như quy mô đầu tư trong đó có các tập đoàn lớn đầu tư mới và mở rộng sản xuất như Sam Sung, Microsoft, PepsiCo, Canon… Lũy kế đến hết năm 2015, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã có 627 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 511.497 tỷ đồng, là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh. Nếu như giai đoạn năm 2010, các Khu công nghiệp Bắc Ninh mới đóng góp được 44% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thì đến năm 2011 đã đạt 58,6% và năm 2015 đạt 75% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (Biểu đồ 1. Giá trị sản xuất công nghiệp của các Khu công nghiệp).

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của các Khu công nghiệp ở mức rất cao trong giai đoạn dài đã giúp Bắc Ninh vượt kế hoạch đặt ra về tiêu chí tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong GDP đến năm 2015 đạt 75.8%. Con số này thực sự ấn tượng đã đưa Bắc Ninh cơ bản đạt được tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp năm 2015.

Hai là, các Khu công nghiệp là nhân tố quan trọng nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh có giá trị xuất siêu, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2003 – 2004, các doanh nghiệp đi vào hoạt động chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thực hiện việc đầu tư tại Khu công nghiệp với mục tiêu di chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu tại các Khu công nghiệp không có. Năm 2005, khi các doanh nghiệp mới bước đầu ổn định sản xuất, với sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty Trendsetter Fashions, Asean tire…) kim ngạch xuất khẩu đạt 12,278 triệu USD, chiếm 24% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Đến năm 2007, do có các tập đoàn lớn thực hiện dự án đầu tư (tập đoàn Canon, Hồng Hải, Mitac, Longtech…) kim ngạch xuất khẩu tại các Khu công nghiệp Bắc Ninh đạt 346,82 triệu USD. Đặc biệt, đến năm 2009, với việc đưa dự án Khu tổ hợp công nghệ Samsung của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong đi vào hoạt động, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh đã có bước tăng trưởng vượt bậc, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh có giá trị xuất siêu vào năm 2009

Biểu đồ 2: Kim ngạch xuất khẩu của các khu công nghiệp

Thực tế cho thấy, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các Khu công nghiệp Bắc Ninh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định. Điều đó, đã nâng cao tỷ trọng đóng góp về giá trị kim ngạch xuất khẩu của các Khu công nghiệp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đến năm 2013, các Khu công nghiệp đã trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 26.733 triệu USD chiếm tỷ trọng 99,3%. Mặc dù từ năm 2013 đến 2015 do tình hình biến động của nền kinh tế thế giới, giá trị xuất khẩu có giảm 11.6% vào năm 2014 nhưng sau đó đã tăng trở lại vào năm 2015. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các khu công nghiệp đóng góp gần như toàn bộ giá trị xuất khẩu của cả tỉnh. (Biểu đồ 2. Kim ngạch xuất khẩu của các Khu công nghiệp).

Bên cạnh sự đóng góp của các Khu công nghiệp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, các Khu công nghiệp cũng là nhân tố quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Bắc Ninh tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế thông qua trao đổi thương mại, thu hút đầu tư. Tính đến hết tháng 4/2016, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã thu hút 616 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12,5 tỷ USD. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất với 346 dự án tương ứng vốn đầu tư 8.13 tỷ USD; tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, Đài loan và các quốc gia khác.

Các Khu công nghiệp cũng chiếm tỷ trọng lớn về giá trị kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh. Năm 2006 giá trị kim ngạch nhập khẩu của các Khu công nghiệp mới chiếm 53,3% kim ngạch nhập khẩu của tỉnh thì đến năm 2012 đã chiếm 99,5%.

Như vậy, các Khu công nghiệp là nhân tố chủ yếu, quan trọng trong việc đẩy mạnh sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.

Ba là, các Khu công nghiệp đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động.

Biểu đồ 3: Tổng số lao động trong các khu công nghiệp

Tính đến 12/2010, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã giải quyết việc làm cho 51.000 lao động, trong đó lao động địa phương chiếm 42,4%. Tốc độ tăng số lượng lao động làm việc tại các Khu công nghiệp giai đoạn 2010-2011 với con số rất ấn tượng là 70,69%. Đây là kết quả của việc thu hút thành công dự án công ty TNHH điện tử Sam Sung Việt Nam đầu tư và đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Tính đến hết 31/12/2015, các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã tạo việc làm cho 199.212 lao động, lao động địa phương chiếm tỷ trọng 33,3%, tốc độ tăng trưởng về số lượng lao động bình quân giai đoạn 2010-2015 là 32,69%. Việc thu hút nhiều lao động làm việc tại các Khu công nghiệp cho thấy hiệu quả xã hội đem lại từ các Khu công nghiệp là rất lớn.

Cùng với sự phát triển của các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp Khu công nghiệp và quy định lộ trình tăng lương tối thiểu của Chính phủ, thu nhập của người lao động trong các Khu công nghiệp dần được nâng cao. Đến hết tháng 5/2016, thu nhập bình quân của người lao động trong các Khu công nghiệp đạt 5.578.000 đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 là 3.750.000 đồng/người/tháng. Điều đó thể hiện rõ các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh không những tạo việc làm mà còn nâng cao thu nhập, tăng mức sống cho người lao động.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các Khu công nghiệp là 100% do khi tuyển dụng một bộ phận lao động đã được đào tạo và bộ phận lao động tốt nghiệp phổ thông sẽ được doanh nghiệp đào tạo tay nghề trong thời gian từ 1 đến 3 tháng sau khi tuyển dụng. Hiện tỷ lệ lao động của các Khu công nghiệp chiếm 41,5% nguồn lao động toàn tỉnh, tương đương tỷ lệ lao động có tay nghề do các Khu công nghiệp cung cấp đạt 41,5% tổng số lao động toàn tỉnh. Dự báo nhu cầu lao động của các Khu công nghiệp vào năm 2020 khoảng 250.000 người. Cùng với sự phát triển các Khu công nghiệp là sự phát triển các Khu đô thị mới sẽ làm gia tăng tỷ lệ dân số thành thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động.

Bốn là, các Khu công nghiệp góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Năm 2010, các Khu công nghiệp nộp ngân sách đạt 2150 tỷ đồng, chiếm 43% so với cả tỉnh. Đến năm 2011 với tốc độ thu ngân sách tăng 23.4% so với năm trước, các Khu công nghiệp nộp ngân sách đạt 2653 tỷ đồng, góp phần vào tổng thu ngân sách 6800 tỷ đồng của cả tỉnh, giúp Bắc Ninh lần đầu tiên có khả năng tự cân đối ngân sách và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, năm 2012 tốc độ tăng thu ngân sách trong các khu công nghiệp lên đến trên 50% so với năm trước giúp thu ngân sách từ các khu công nghiệp đạt 3980 tỷ đồng. Tốc độ tăng thu ngân sách của các khu công nghiệp liên tục ở mức cao từ năm 2010 đến năm 2014, và chỉ giảm nhẹ vào năm 2015. Với việc thu ngân sách của các khu công nghiệp đạt 6500 tỷ đồng năm 2014, tổng thu ngân sách của cả tỉnh đạt 12.440 tỷ đồng, giúp Bắc Ninh trở thành tỉnh trọng điểm trong thu ngân sách của cả nước.

Biểu đồ 4: Nộp ngân sách các khu công nghiệp

Năm là, sự phát triển của các Khu công nghiệp thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp.

Việc phát triển các Khu công nghiệp Bắc Ninh đã có tác động lan tỏa đến các hoạt động dịch vụ và ngược lại, các hoạt động dịch vụ đã đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.

– Đối với lĩnh vực tín dụng, ngân hàng: Đến nay đã có 33 tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước đã mở chi nhánh tại Bắc Ninh để cung cấp các dịch vụ về tài chính, ngân hàng cho các KCN Bắc Ninh (trong đó, ngân hàng quốc doanh 11; Ngân hàng cổ phần 18; Tổ chức tài chính vi mô 01; Phòng giao dịch ngân hàng ngoài địa bàn 03). Nhiều ngân hàng đã mở chi nhánh trực tiếp tại các KCN nhằm chủ động cung cấp các dịch vụ, tiện ích đến với doanh nghiệp KCN như thanh toán lương, thanh toán xuất nhập khẩu, thẻ tính dụng cá nhân …

– Đối với lĩnh vực dịch vụ bưu chính, viễn thông, điện lực: Các công ty cung cấp các dịch vụ này cũng đã cung cấp hạ tầng và dịch vụ đáp ứng yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp như VNPT, Viettel, Điện lực Bắc Ninh…

– Dịch vụ Logicstic: Các KCN Bắc Ninh đã xuất hiện các công ty kinh doanh dịch vụ Logicstic nổi tiếng trong và ngoài nước như: Công ty ALS Bắc Ninh, Công ty TNHH Mapletree Logistics Park Bac Ninh; Công ty Bắc Kỳ, Công ty Sagawa, Công ty TNHH Yusen, Công ty cổ phần Vinafco, Công ty INDO-TRANS KEPPEL, Công ty TNHH Shenker Gemadept; Công ty Linfox .. Các công ty này đã đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho các doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp.

– Các hoạt động dịch vụ kinh doanh: Cung cấp nhà ở cho công nhân, cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động được các địa phương lân cận các Khu công nghiệp cung cấp đã đem lại lợi ích cho cả hai bên. Góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho dân cư xung quanh KCN.

– Các dịch vụ khác như: tiếp cận đất đại, tư vấn pháp lý doanh nghiệp, các dịch vụ, dịch vụ vui chơi giải trí đã và đang được các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh cung cấp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Sáu là, sự phát triển các Khu công nghiệp đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Qua 18 năm xây dựng và phát triển, các Khu công nghiệp đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trên hai con số và trở thành nhân tố quyết định quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa của tỉnh, đã thúc đẩy liên kết hạ tầng kỹ thuật, góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực phía Bắc sông Đuống và phía Nam sông Đuống. Các Khu công nghiệp được quy hoạch nằm dọc theo các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 18, Quốc lộ 38 và các đường Tỉnh lộ; trong quy hoạch đã cơ bản đảm bảo được sự gắn kết hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài hàng rào KCN về giao thông. Đây cũng là thành công bước đầu của Bắc Ninh về sự gắn kết này.

Các KCN đã khẳng định vai trò rất quan trọng tác động và ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển các Khu đô thị của tỉnh Bắc Ninh. Chính hạt nhân từ các KCN đã hình thành các khu đô thị mới, cùng các công trình hạ tầng xã hội đã đưa mạng lưới đô thị của tỉnh ngày càng mở rộng và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 7 dự án đang triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân với tổng diện tích 196.510m2, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 26.600 công nhân, đạt khoảng 44,30% số người có nhu cầu thuê nhà ở (26.600/60.015 người), tại 03 KCN: Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 10 Khu đô thị, dịch vụ gắn với KCN, bao gồm:

– 04 Khu đô thị, dịch vụ (diện tích 834 ha) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với Khu công nghiệp là: KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh; KCN, đô thị và dịch vụ Yên Phong II; KCN, đô thị và dịch vụ Đại Kim và KCN, đô thị và dịch vụ Nam Sơn – Hạp Lĩnh.

– 06 Khu đô thị, dịch vụ (diện tích 693ha) được UBND tỉnh cho phép đầu tư gắn với KCN là: KCN Tiên Sơn, KCN Quế Võ, KCN Yên Phong, KCN Quế Võ III, KCN Thuận Thành II, III và KCN Đại Đồng – Hoàn Sơn.

Các Khu đô thị, dịch vụ sau khi triển khai đầu tư sẽ có công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội và các công trình hạ tầng xã hội khác đáp ứng cho người lao động tại KCN và dân cư địa phương.

Theo đó, hệ thống các tuyến đường giao thông Tỉnh lộ được quy hoạch đầu tư xây dựng nối các KCN, Khu đô thị thành mạng lưới giao thông khép kín, liên hoàn; quy hoạch mạng lưới điện của tỉnh thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung; mạng lưới cung cấp nước sạch cho các KCN và Khu đô thị được tỉnh chú trọng đầu tư, nhiều nhà máy cấp nước sạch được xây dựng trên khắp địa bàn tỉnh. Hệ thống hạ tầng viễn thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng cũng được kéo theo cùng với việc xây dựng hạ tầng các KCN. Việc đầu tư cho môi trường được quan tâm do các bãi rác tập trung vốn đã chật hẹp, hết công suất và chưa có bãi chôn lấp xử lý chất thải rắn, độc hại nay Khu xử lý rác thải hiện đại đã được đầu tư tại huyện Quế Võ với diện tích hơn 40 ha, Nhà máy xử lý rác thải công suất 50 tấn/ngày tại KCN Yên Phong do Chủ đầu tư là Tổng Công ty VIGLACERA cũng đang được đầu tư. Các dịch vụ khác trong KCN như Ngân hàng, Hải quan, bảo hiểm…được hình thành ở hầu hết các KCN đã đi vào hoạt động. Về đảm bảo an ninh trật tự cho các KCN tỉnh quan tâm cho thành lập các Trạm công an KCN. Ngoài ra, hạ tầng xã hội được đầu tư theo tiến độ quy hoạch và xây dựng các KCN như: Trường học, bệnh viện, nhà ở, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, văn hoá, thể thao…

Bên cạnh những thành công về kinh tế, các KCN còn tham gia, đóng góp tích cực vào tổ chức đời sống xã hội. Với việc thiết lập mô hình KCN, đô thị đã góp phần hình thành các khu đô thị mới gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và kiến tạo bộ mặt nông thôn mới. Tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Thúc đẩy hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà ở, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, văn hoá, thể thao…đảm bảo cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội. Góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực trong tỉnh là cơ sở để Bắc Ninh hội nhập và phát triển một cách bền vững.

Những đóng góp trên đã khẳng định các KCN là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI.

(Kỳ cuối: Định hướng và giải pháp phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn mới)