Khu Kinh Tế Nghi Sơn – Thanh Hóa | iipvietnam.com

Giới thiệu chung về Khu kinh tế Nghi Sơn

Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn) được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 15/5/2006, nằm phía Nam tỉnh Thanh Hoá, trên trục giao lưu Bắc – Nam của đất nước, cách Thủ đô Hà Nội 200 km về phía Nam, là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, Tây Bắc và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

emoticon
(Ảnh: Quy hoạch chung KKT Nghi Sơn)

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI CỦA KKT NGHI SƠN:

1. Tiềm năng và vị trí địa lý: Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn) có diện tích tự nhiên 18.611,8 ha nằm phía Nam tỉnh Thanh Hoá, trên trục giao lưu Bắc – Nam của đất nước, cách Thủ đô Hà Nội 200 km về phía Nam, là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, Tây Bắc và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Cảng Nghi Sơn có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất cả nước với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 50.000DWT, năng lực xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu tấn/năm. Để thực hiện mục tiêu phát triển thành KKT đa ngành thu hút các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu… Chính phủ Việt Nam đã ban hành và cho áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất dành cho các nhà đầu tư.

2. Khí hậu: Nhiệt độ trung bình năm 23,40C, độ ẩm không khí trung bình năm 85-86%, lượng mưa trung bình năm 1.833 mm.

3. Địa hình: Địa hình đa dạng, bao gồm: Vùng núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Trong đó đồng bằng chiếm khoảng 60% tổng diện tích.

4. Dân số, lao động: Tổng dân số toàn tỉnh Thanh Hoá khoảng 3,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động là 2,1 triệu người. Dân số của KKT Nghi Sơn là trên 80.000 người, trong đó lực lượng lao động khoảng 45.000 người. Lực lượng lao động tỉnh Thanh Hóa phần lớn là lao động trẻ, có trình độ văn hóa được phổ cập giáo dục tốt nghiệp THCS và THPT, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật và đào tạo thành lao động có tay nghề cao. Thanh Hóa có hệ thống giáo dục và đào tạo khá hoàn chỉnh với đủ các cấp học và ngành học. Tại KKT Nghi Sơn có trường Trung cấp nghề Nghi Sơn đang hoạt động và Cao đẳng nghề công nghệ Licogi đang xây dựng đáp ứng nhu cầu đào tạo cho hàng nghìn lao động kỹ thuật.

 Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho KKT, hiện nay Ban Quản lý KKT Nghi Sơn đang xây dựng Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KKT Nghi Sơn giai đoạn 2015-2025 trình Chính phủ phê duyệt.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT- XÃ HỘI

1. Hệ thống giao thông:

– Đường bộ: Nằm trên trục giao thông Bắc – Nam của Việt Nam, KKT Nghi Sơn có Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc quốc gia Bắc – Nam được quy hoạch phía Tây quốc lộ 1A đi qua. Có hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn giữa các vùng miền trong tỉnh và khu vực. Các trục đường giao thông nối từ khu đô thị trung tâm đến các KCN và cảng Nghi Sơn, các trục Đông Tây nối từ cảng Nghi Sơn với đường cao tốc Bắc Nam. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương đầu tư xây dựng tuyến đường từ KKT Nghi Sơn đi sân bay Thọ Xuân khoảng 60km.

 – Đường sắt: Đường sắt quốc gia chạy qua KKT Nghi Sơn có chiều dài trên 15km, trong đó ga Khoa Trường dự kiến nâng cấp mở rộng thành Ga trung tâm của KKT:

 + Từ Ga Hà Nội đến Ga Khoa Trường: 200km.

 + Từ Ga TP Hồ Chí Minh đến Ga Khoa Trường: 1.500km.

– Cảng biển: Cảng Nghi Sơn đã xây dựng và đưa vào khai thác các bến chuyên dụng của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy xi măng Nghi Sơn và 03 bến tổng hợp có khả năng đón tàu có trọng tải đến 30.000 DWT, năng lực xếp dỡ khoảng 5 triệu tấn/năm. Ngoài ra hiện nay có hàng chục bến cảng tổng hợp, bến chuyên dụng và bến container cùng khu tổng hợp hậu cần cảng đều đang được các nhà đầu tư triển khai xây dựng.

 Từ vị trí cảng Nghi Sơn:

Ø đến cảng Hải Phòng: 119 hải lý.

Ø đến cảng TP Hồ Chí Minh: 700 hải lý.

Ø đến cảng Hồng Kông: 650 hải lý.

Ø đến cảng Singapore: 1280 hải lý.

Ø đến cảng Tokyo: 1900 hải lý.

– Hàng không: Sân bay Thọ Xuân tiêu chuẩn cấp 4E cách KKT Nghi Sơn khoảng 60 km. Hiện tại, hãng hàng không Việt Nam Airlines đang khai thác tuyến bay Thanh Hóa – Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 02 chuyến bay/ngày. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, sân bay Thọ Xuân sẽ được nâng cấp mở rộng thành cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển của KKT Nghi Sơn và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh và trong khu vực.

2. Hệ thống điện:

 – KKT Nghi Sơn đang sử dụng mạng lưới điện Quốc Gia bao gồm: đường dây 500 KV Bắc Nam và đường dây 220 KV Thanh Hóa – Nghệ An, hiện có trạm biến áp 220/110/22 KV – 250 MVA đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

 – KKT Nghi Sơn được Chính phủ quy hoạch phát triển thành một trung tâm nhiệt điện lớn với tổng công suất 2.400MW. Trong đó, nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I công suất 600 MW sẽ hoàn thành và phát điện vào quý I năm 2014. Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II, công suất 1.200 MW do Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư theo hình thức BOT dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2014. Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh công suất 600 MW đã được chủ đầu tư san lấp mặt bằng.

3. Cấp nước:

 – Nước thô: Nguồn nước thô được lấy từ hồ Yên Mỹ (87 triệu m3) và hồ Sông Mực (200 triệu m3) bằng hệ thống đường ống dẫn nước thô. Tuyến ống giai đoạn 1 cung cấp về hồ Đồng Chùa công suất 30.000 m3/ngày đêm đã xây dựng xong và đưa vào vận hành. Tuyến ống giai đoạn 2 công suất 90.000 m3/ngày đêm đang được đầu tư từ nguồn vốn ODA, dự kiến hoàn thành năm 2015.

 – Nước sạch: Có 2 nhà máy cấp nước sạch bao gồm Nhà máy tại hồ Đồng Chùa đã xây dựng xong giai đoạn I và đang cấp nước với công suất 30.000 m3/ngày đêm; giai đoạn II nâng công suất lên 90.000 m3/ngày đêm và nhà máy tại Khu vực phía Tây Quốc lộ 1A, công suất: 20.000 m3/ngày đêm đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2015.

4. Dịch vụ viễn thông: Hạ tầng mạng viễn thông – Công nghệ thông tin KKT Nghi Sơn đã được quy hoạch phát triển với các loại hình dịch vụ tiên tiến, băng thông rộng, tốc độ cao và công nghệ hiện đại; có khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin với chất lượng cao nhất cho khách hàng.

III. HẠ TẦNG XÃ HỘI

 Hệ thống trường học học, bệnh viện, dịch vụ thương mại, khách sạn – du lịch, … đã được quy hoạch đồng bộ. Một số dự án đang triển khai xây dựng như: Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn, Khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng Bắc đảo Nghi Sơn, Tổ hợp dịch vụ tổng hợp, Khu dịch vụ công cộng Bắc núi Xước, Trường cao đẳng nghề công nghệ Licogi, Khu nhà ở cho công nhân, các ngân hàng thương mại, dịch vụ bảo hiểm… đáp ứng nhu cầu nhà ở, học tập, vui chơi giải trí của cán bộ, chuyên gia và nhân dân trong KKT Nghi Sơn.

IV. QUY HOẠCH:

1. Ngày 10/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn tại Quyết định số 1364/QĐ-TTg. Đến nay, tất cả các khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000, trong đó các khu quan trọng như:

 a. Cảng Nghi Sơn: Được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1401/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2010. Tổng diện tích quy hoạch là 2.020 ha, trong đó vùng đất là 916,8 ha, vùng nước là 1.103,2 ha. Cảng Nghi Sơn được quy hoạch bao gồm các khu bến tổng hợp, container và bến chuyên dùng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 – 50.000 DWT, năng lực xếp dỡ 80 triệu tấn/năm.

 b. Các KCN:

 – Khu liên hợp lọc hoá dầu: Diện tích quy hoạch 504 ha; trong đó 394 ha thuộc mặt bằng nhà máy giai đoạn 1 (bao gồm Khu nhà máy, khu cảng và khu đường ống dẫn dầu), 110 ha quy hoạch cho giai đoạn mở rộng công suất lên 20 triệu tấn/năm.

 – Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn: Diện tích quy hoạch 347 ha, gồm mặt bằng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 và khu bến cảng chuyên dụng (20 ha);

 – Các KCN tập trung như: KCN số 1 (241,29 ha), KCN số 2 (128,37 ha), KCN số 3 (247,12 ha), KCN số 4 (385,24 ha), KCN số 5 (462,87 ha), KCN luyện kim (473,60 ha).

 c. Các khu chức năng khác:

 – Khu đô thị trung tâm: 1.613,28 ha;

 – Khu đô thị số 3: 572,2 ha;

 – Khu Trung tâm dịch vụ công cộng: 38,70 ha;

 – Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn: 100 ha;

 – Khu xử lý chất thải rắn Trường Lâm: 40,03 ha;

 – Khu DV công cộng Bắc Núi Xước: 14,58 ha.

 Ngoài ra còn có các khu chức năng khác đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết như: Khu dân cư, Khu tái định cư, Sân Golf…

2. Định hướng quy hoạch mở rộng KKT Nghi Sơn:

 Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đang lập đề án điều chỉnh, mở rộng diện tích KKT Nghi Sơn trình phê duyệt trước năm 2015 gồm toàn bộ vùng huyện Tĩnh Gia và 5 xã của huyện Nông Cống, Như Thanh với tổng diện tích khoảng 64.000 ha, trong đó:

 – Diện tích đất đô thị khoảng 12.510 ha;

 – Diện tích đất công nghiệp khoảng 6.485 ha;

 – Diện tích đất du lịch khoảng 500 ha;

V. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ:

1. Giá thuê đất, thuê mặt nước: Giá thuê đất, thuê mặt nước theo khung giá quy định của UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành và ổn định trong nhiều năm.

 Thời gian thuê tối đa 70 năm, hết thời hạn trên có thể gia hạn nếu nhà đầu tư có nhu cầu.

2. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước:

 2.1. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản; miễn từ 11 đến 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động tuỳ theo lĩnh vực ngành nghề dự án.

 2.2. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp: Áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới.

3.1. KKT Nghi Sơn: Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo.

 3.2. Đối với các dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ (đáp ứng tiêu chí theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp) được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được miễn, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng bằng thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới.

4. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

 Tuỳ theo từng lĩnh vực ngành nghề dự án mà Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi:

 – Miễn thuế nhập khẩu hàng hoá để tạo tài sản cố định, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ phục vụ dự án đầu tư, phương tiện đưa đón công nhân…

 – Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi dự án đi vào sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

5. Thuế thu nhập cá nhân

 Giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKT.

6. Các chính sách khác

 6.1. Chính sách về giá:

 Áp dụng chính sách một giá đối với hàng hoá, dịch vụ và tiền thuê đất cho các nhà đầu tư là các tổ chức và cá nhân, không phân biệt trong nước và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKT Nghi Sơn.

 6.2. Chuyển lỗ:

 Nhà đầu tư sau khi đã quyết toán thuế với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời gian được chuyển lỗ không quá 5 năm.

 6.3. Khấu hao tài sản cố định:

 Dự án đầu tư trong KKT Nghi Sơn được áp dụng khấu hao tài sản nhanh đối với tài sản cố định; mức khấu hao tối đa là hai lần mức khấu hao theo chế độ khấu hao tài sản.

7. Chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa đối với dự án đầu tư tại các KCN số 3, 4, 5 – KKT Nghi Sơn:

Ngân sách tỉnh hỗ trợ 10% chi phí san lấp trên cơ sở hồ sơ quyết toán được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn thẩm định. Mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/01 ha.