Không phải cứ người nước ngoài là dạy ngoại ngữ sẽ tốt
GDVN- Theo tôi quan sát, giáo viên nước ngoài đều tập trung vào luyện kĩ năng nghe nói cho học sinh, còn đọc viết nhiều khi họ “lờ đi” vì không có thời gian chấm bài.
Thực tế hiện nay có nhiều địa phương sử dụng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông. Liệu có phải giáo viên dạy tiếng Anh người Việt Nam chưa đáp ứng được công việc giảng dạy này?
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Thạc sỹ chuyên ngành Ngôn Ngữ Anh Hồ Hải Yến – Giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội. Cô Yến chia sẻ: “Không thể nói là giáo viên Việt Nam chưa đáp ứng được việc dạy tiếng Anh, nhiều người có năng lực chuyên môn rất tốt, và hiện nay chương trình của Bộ cũng đã có rất nhiều đổi mới.
Việc một số địa phương mời giáo viên nước ngoài vào dạy như vậy, có thể nói đó là tăng cường để học sinh có thêm tiếp cận với tiếng Anh bản địa, nói gì đi nữa thì thầy cô người Việt vẫn không phải là người nước ngoài”.
Có địa phương áp dụng 100% số tiết tiếng Anh đều do giáo viên nước ngoài giảng dạy. Về vấn đề này, cô Yến nói: “Về mặt ưu điểm, khi học sinh được tiếp xúc với người bản địa nói tiếng Anh thì đó là điều tuyệt vời.
Nhưng nếu sử dụng tất cả giáo viên nước ngoài như vậy thì vấn đề chi phí cũng không phải là nhỏ, vậy chi phí này lấy từ đâu, hay lại tất cả đều do phụ huynh học sinh chi trả? Nếu như vậy thì đây cũng là một điều đáng phải bàn bởi hàng tháng cha mẹ lại phải gánh thêm một khoản không hề nhỏ.
Hơn nữa, giáo viên nước ngoài có năng lực, chuyên môn, có thể họ có nhiều hoạt động rất hay, nhưng để mà hiểu được rõ được về văn hóa và học sinh người Việt thì cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nói là sẽ tốt, nhưng thật sự chất lượng và tâm lý của giáo viên nước ngoài cũng cần phải được các nhà trường quản lý sát sao thì mới có hiệu quả. Việc này giáo viên Việt Nam có ưu điểm hơn.
Việc chuyển đổi dạy tiếng Anh bởi giáo viên nước ngoài cần phải được triển khai đồng đều từ cấp Tiểu học cho đến hết Trung học phổ thông, liền như vậy thì mới hiệu quả, chứ nếu đang học giáo viên Việt Nam lại chuyển ngang sang học giáo viên nước ngoài thì đó là làm khó cho người học. Nếu đã thay đổi thì cần thay đổi từ “gốc rễ” đầu tiên.
Cũng cần phải thay đổi cả cơ chế thi, bởi nếu thi theo chuẩn của nước ngoài sẽ rất cao, học sinh Việt Nam trình độ đại trà khó có thể đáp ứng được. Đó cũng là lý do chương trình tiếng Anh của Bộ vẫn phải duy trì, phổ cập đồng đều.
Tôi thấy Bộ cũng đã rất “mở” khi công nhận học sinh nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được miễn thi môn tiếng Anh khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, như vậy là Bộ cũng đã có công nhận. Nhưng không phải học sinh nào cũng đạt được như vậy, nên vẫn rất cần chương trình học cũng như đề thi của Bộ cho những bạn có trình độ thấp hơn, giúp cho học sinh hoàn thành khóa học.
Theo tôi, cả 2 chương trình vẫn nên chạy song song để phổ cập toàn diện cho học sinh, phổ cập giáo dục, phù hợp với yêu cầu và ngân sách. Còn học sinh nào có năng khiếu, cần sự bứt phá cao hơn thì đã có chương trình nâng cao ngoại ngữ của nước ngoài, và thực tế không phải học sinh nào cũng có điều kiện kinh tế để theo học các khóa dạy và lấy chứng chỉ quốc tế như vậy”.
Nhiều ý kiến cho rằng học sinh đã học tiếng Anh theo chương trình của Bộ, mà vẫn phải học thêm ngoài trường. Nguyên nhân do đâu, phải chăng phụ huynh đang phải trả 2 lần tiền cho 1 môn học?
Về ý kiến này, cô Yến cho biết: “Theo tôi việc này cũng tùy vào tiêu chí của từng trường, có khá nhiều trường tư thục xác định tiêu chí và xây dựng một chương trình tăng cường tiếng Anh, được phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế cho riêng học sinh của mình, với những trường như vậy thì học sinh chỉ học trong nhà trường đã khá đầy đủ, có nhiều trường đề ra mục tiêu khi các con tốt nghiệp lớp 12 là đã có chứng chỉ IELTS, nhưng tất nhiên là học phí của những trường này khá cao.
Tuy nhiên với mỗi học sinh lại có sự phấn đấu khác nhau, sự kì vọng của phụ huynh cũng khác nên có không ít học sinh tham gia học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ ở ngoài trường. Việc này theo tôi là nhu cầu chính đáng.
Nhưng không phải trường tư thục nào việc dạy tiếng Anh cũng tốt hơn trường công lập, việc này được quyết định bởi quan điểm của nhà trường. Nếu một nhà trường có mục tiêu chăm lo đến từng học sinh, giúp các em tiến bộ, và mục tiêu tiếng Anh nổi trội, nếu đó là định hướng của nhà trường thì chắc chắn trình độ tiếng Anh của học sinh sẽ tốt”.
Không phải học sinh nào cũng có điều kiện kinh tế
Cô Yến nêu quan điểm: “Là một giáo viên tiếng Anh, tôi thấy sách giáo khoa tiếng Anh phổ cập hiện nay mới dừng ở mức độ tham khảo, chương trình không đặt nặng phải chạy theo tất cả kiến thức trong đó.
Khi giảng dạy trên lớp, giáo viên cần nắm bắt năng lực của học sinh từng lớp để thêm, bớt các học liệu, làm sao phù hợp với từng nhóm để giúp các em không bị “đuối” quá so với mặt bằng chung tiếng Anh trong cùng cấp học.
Sách giáo khoa tiếng Anh của Bộ hiện nay đã đổi mới rất nhiều, các chủ đề đa dạng, từ vựng gắn liền thực tế để học sinh hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam và hướng cả ra thế giới, củng cố ngữ pháp, phát âm, kết hợp tăng cường kỹ năng nghe, nói, đọc viết.
Cuối mỗi đơn vị bài đều có các dự án để các con thoả sức sáng tạo, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Giáo viên Việt Nam trong quá trình dạy cũng dễ tiếp cận và hiểu học sinh nên dễ dàng hỗ trợ học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, và có những bài thi, đánh giá phù hợp với sự tiến bộ học sinh, khuyến khích học sinh vươn lên.
Việc triển khai học tiếng Anh với người nước ngoài và thi lấy chứng chỉ quốc tế được công nhận đang được áp dụng rộng rãi, nhưng theo tôi chưa thể thay thế được chương trình tiếng Anh của Bộ, bởi không phải vùng miền nào cũng đủ điều kiện, cũng như chi phí áp dụng, và không phải học sinh nào cũng có thể đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu của chuẩn chứng chỉ quốc tế. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, nên để 2 chương trình tiếng Anh diễn ra song song đáp ứng cho mọi đối tượng học sinh”.
Giáo viên nước ngoài sẽ tốt hơn về kĩ năng giao tiếp
Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Nguyễn Thị Hải – Giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Dịch Vọng, Hà Nội. Theo cô Hải: “Theo tôi, học sinh thi cái gì thì giáo viên dạy cái đó. Giáo viên Việt Nam cũng rất giỏi nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào bài thi của học sinh ở trường.
Luyện từ vựng, luyện ngữ pháp… theo hình thức bài thi, còn thầy cô người Việt không luyện học sinh theo các kĩ năng phục vụ thi quốc tế, luyện thế này là phải có giáo viên chuyên về lĩnh vực đó.
Tôi biết ở Hà Nội có nhiều trường mời người nước ngoài vào giảng dạy, nhưng không phải người nước ngoài nào cũng có trình độ sư phạm, cũng luyện được IELTS, hầu hết những giáo viên này đều tập trung vào kĩ năng nghe nói, còn đọc viết nhiều khi họ “lờ đi” vì không có thời gian chấm bài.
Học theo người nước ngoài, học sinh thường phải mua khá nhiều sách, nhưng theo phản hồi của học sinh thì lại không thấy dùng đến các loại sách đó, cứ mua cho có vậy thôi. Chủ yếu họ luyện nghe và nói, còn những kĩ năng đọc, viết thì hoàn toàn dựa vào những học sinh có ý thức học nghiêm túc, các em tự học thêm.
Mời giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh và đặt mục tiêu học sinh đi thi phải được trên 6.0, nhưng thực tế theo tôi quan sát, học sinh đạt được điểm cao hầu hết là dựa vào thực lực, sự nỗ lực của các em.
Hơn nữa, không phải tất cả học sinh đều có trình độ như nhau để có thể tiếp thu được kiến thức giáo viên truyền đạt, vậy nên nếu nói giáo viên nước ngoài dạy cũng chưa hẳn đã có chất lượng như mong muốn, trình độ không đồng đều cũng khó để cho giáo viên dạy tốt được.
Giáo viên nước ngoài vui vẻ, cười nói, giao tiếp nhưng quan trọng là sau tiết học đó thì học sinh thu được cái gì? Ví dụ: Sau giờ học đó, học sinh nói tốt, trình bày trôi chảy một vấn đề. Nhưng thực tế là không đạt, mặc dù một tuần có 3- 4 tiết tiếng Anh, nhưng học sinh có em nói vẫn không trôi chảy, và theo tôi không phải cứ người nước ngoài là dạy ngoại ngữ sẽ tốt”.
Tùng Dương