Không nợ vẫn bị đòi tiền vì lộ thông tin căn cước công dân, người dân phải làm gì? – Công nghệ thông tin – An toàn thông tin – Cổng thông tin điện tử Huyện Thanh Trì

Khi để lộ thông tin thẻ CCCD trên mạng xã hội, người dân đã vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng để sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, nhất là các tội phạm công nghệ cao.

Không vay tiền vẫn bị đòi nợ

Trong một lần mất cảnh giác, anh Nguyễn Hồng Kiên, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bị mất giấy tờ cá nhân, trong đó có thẻ Căn cước công dân. Khoảng vài tháng sau đó, anh Kiên bất ngờ nhận được tin nhắn yêu cầu trả khoản vay của một ứng dụng vay tiền online, mặc dù anh không hề vay tiền qua ứng dụng này.

Trao đổi với chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phóng viên ANTĐ được biết hiện nay, đa phần người dân đã chuyển sang sử dụng CCCD gắn chíp, so với CMND và CCCD mã vạch thì CCCD gắn chíp chứa đựng được nhiều thông tin hơn qua việc quét mã QR và chíp điện tử gắn trên thẻ. Điều này đã vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng để sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, nhất là các tội phạm công nghệ cao.

Không chỉ mất giấy tờ như anh Kiên, không ít trường hợp vô tư chia sẻ hình ảnh CMND/CCCD không làm mờ thông tin ra ngoài, thậm chí nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn xin chụp ảnh CMND/CCCD rồi trả tiền.

Từ đó, kẻ xấu có thể lấy thông tin, ảnh chụp và thực hiện các giao dịch vay tiền trên app nhằm mục đích chiếm đoạt. Ngoài ra, mọi người có thể bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CMND/CCCD hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng.

Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ thực hiện những cuộc gọi quốc tế, hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước và chủ thẻ có thể phải chịu các khoản phí nợ cước… Chưa kể, các công ty ảo sẽ sử dụng thông tin cá nhân, ảnh chụp CMND/CCCD để đăng ký mã số thuế nhằm qua mặt các cơ quan chức năng…

Cần làm gì khi bỗng dưng bị đòi nợ

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, ngay sau khi nhận thấy thông tin CMND/CCCD đã bị lộ, người dân cần thu hồi ảnh CMND/CCCD ngay khi đăng lên mạng hoặc gửi nhầm cho người khác.

 

Mọi người cần kiểm tra thông tin tài khoản cùng các khoản vay bởi vì kẻ xấu sau khi lấy được thông tin cá nhân của chủ thẻ có thể sẽ thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, trong đó phổ biến là hành vi vay tiền qua các app với thủ tục vay đơn giản.

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho vay sẽ giao tài sản cho bên vay và bên vay hoàn trả theo đúng số lượng, chất lượng, lãi (nếu có) trong thời hạn nào đó theo thỏa thuận.

Như vậy, việc vay nợ chỉ được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên dưới tinh thần tự nguyện, do đó nếu một người bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD… nhưng trên thực tế không thực hiện giao dịch vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.

Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin trong trường hợp này phải chứng minh mình không phải là người thực hiện vay tiền.

Trường hợp người bị lấy cắp thông tin để vay nợ bị bên cho vay đòi nợ, có thể yêu cầu bên cho vay cung cấp các giấy tờ, chứng từ liên quan đến việc vay mượn như thời gian vay, số tiền vay, lãi suất cho vay, giao dịch vay…

Đồng thời, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bản thân, người bị hại có thể trình báo sự việc trên cho các cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tin báo tội phạm.

Triệu Quang Xuyên – VHTT(Tin TH)