Không học sư phạm cũng được tuyển làm giáo viên

(GDVN) – Ngày 14/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trước đó, tại các phiên thảo luận về dự án Luật, có ý kiến đề nghị đối với cấp học phổ thông, mở rộng đối tượng tuyển dụng vào nghề giáo đối với người không học sư phạm; đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo để có căn cứ triển khai thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định ngành giáo dục được tuyển dụng người “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” (Điều 72).

Không học sư phạm cũng được tuyển làm giáo viên ảnh 1

Cụ thể,  Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Cùng với đó, về thẩm quyền quy định việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo: Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tại Điều 74 của dự thảo Luật đã quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền quy định việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Điều 74.  Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

1. Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo gồm trường sư phạm, cơ sở giáo dục có khoa sư phạm, cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

2. Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục gồm trường sư phạm, cơ sở giáo dục đại học có khoa quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

3. Trường sư phạm do Nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; được ưu tiên trong việc tuyển dụng nhà giáo, bố trí cán bộ quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ký túc xá và bảo đảm kinh phí đào tạo. Trường sư phạm có trường thực hành hoặc cơ sở thực hành.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Đỗ Thơm