Không gian cộng đồng – Khái niệm cần được nhìn nhận – Tạp chí Kiến Trúc
Tại Hà Nội, theo thống kê, các không gian công cộng (KGCC) chỉ chiếm 0,3% diện tích thành phố và ít hơn 1m2/người. Điều này nói lên sự thiếu hụt nghiêm trọng các KGCC và những không gian này còn chưa thu hút được cộng đồng, thực tế là có nhiều công viên, vườn hoa, quảng trường,… bị bỏ hoang, ít người sử dụng. Ngược lại, có những KGCC thường xuyên trong tình trạng quá tải ở một số thời điểm, đặc biệt có nhiều những không gian được hình thành tự phát do nhu cầu của người dân và mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hoá, xã hội…
Những mâu thuẫn này không chỉ diễn ra tại các đô thị lớn mà còn tồn tại ở cả những thành phố vừa và nhỏ. Nó cho thấy sự thiếu liên kết giữa yếu tố công cộng và cộng đồng, giữa các KGCC và không gian cộng đồng (KGCĐ), trong đó các KGCĐ dường như ít được chú ý đến. Tuy nhiên, bài viết này nêu lên những nhận thức cá nhân về KGCĐ và KGCC với mong muốn đưa ra một hướng tiếp cận mới trong việc nâng cao chất lượng không gian trong đô thị hiện nay.
Không gian cộng đồng – Khái niệm cần được nhìn nhận
Khái niệm KGCĐ là một khái niệm rộng và chưa được nghiên cứu một cách cụ thể, đặc biệt là tại Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng nhập nhằng về khái niệm giữa KGCĐ và các loại hình không gian khác, gây nên sự khó khăn trong việc định hướng cho các nhà quản lý cũng như các nhà chuyên môn trong việc đảm bảo số lượng và chất lượng các không gian trong đô thị.
“Cộng đồng” là một thuật ngữ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học, được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, do đó nhiều định nghĩa khác nhau. Từ góc độ địa lý, đó là cộng đồng láng giềng, khu phố, thành phố hay thậm chí là quốc gia và thế giới. Từ góc độ văn hoá, gồm có cộng đồng tôn giáo, cộng đồng bản sắc,… Từ góc độ tổ chức, gồm có cộng đồng dòng họ, các tập đoàn kinh tế, các tổ chức xã hội,… Có rất nhiều loại hình cộng đồng với cách thức tổ chức và quy mô khác nhau, tuy nhiên, dù tồn tại ở dạng thức nào thì mỗi cộng đồng đều mang những đặc tính cốt yếu nhất, đó là tập hợp người có sức cố kết nội tại cao, dựa trên sự đồng thuận về ý chí, tình cảm, niềm tin và ý thức cộng đồng, nhờ đó các thành viên cảm thấy có sự gắn kết họ với cộng đồng và với các thành viên khác.
Trên thực tế, các cộng đồng không chỉ tồn tại riêng rẽ mà nó là sự tổng hoà của một vài dạng thức khác nhau. Một ví dụ điển hình như trong các làng xã truyền thống Việt Nam, các làng tồn tại khép kín và độc lập với chính quyền phong kiến. Trên góc độ cư trú, đó là cộng đồng địa lý, tuy nhiên bên trong đó còn là những cộng đồng huyết thống, cộng đồng văn hoá hay nghề nghiệp,…
Trong công tác quy hoạch đô thị, lâu nay cộng đồng thường chỉ được xem là một nhóm người sinh sống trong cùng một khu vực, được nhìn nhận là những cộng đồng địa lý mà ít chú ý đến các dạng hỗn hợp khác trong cùng một cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, sự thiếu liên lạc giữa công tác quy hoạch với sự đồng thuận về ý chí của cộng đồng, dẫn đến những mâu thuẫn trong việc quy hoạch phát triển đô thị với mong muốn và nhu cầu của người dân.
KGCĐ là không gian chứa đựng các hoạt động của cộng đồng, là một bộ phận quan trọng cấu thành nên không gian đô thị. KGCĐ được hình thành đầu tiên từ cộng đồng huyết thống với không gian tương ứng là “ngôi nhà”, sau đó KGCĐ phát triển thành “ngôi làng” với hình ảnh gần gũi nhấtvới người Việt là Đình và Chợ. Đình là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, xã hội của cộng đồng. Không gian Đình vừa mang tính văn hoá, tâm linh, vừa mang tính chính trị. Vì thế Đình được xây dựng ở trung tâm và có quy mô bề thế nhất trong làng. Đình làng cũng tương tự nhà Rông của đồng bào Tây Nguyên.
Chợ làng truyền thống lại là một KGCĐ đầy tính nhân văn khác. Phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, mua bán do mỗi cộng đồng làng nói riêng quy định, do đó mỗi không gian chợ lại mang những nét đặc trưng riêng của cộng đồng đó. Chợ làng không chỉ là nơi mua bán, đó còn là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những con người thân quen và phần lớn họ cùng sống trong một cộng đồng địa lý nhất định.
Ngày nay, trong thời kỳ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, từ cấu trúc làng xã trước đây, KGCĐ trở thành các điểm dân cư nông thôn mới, các khu phố hay một mô hình đang khá phổ biến hiện nay là các Khu đô thị mới (KĐTM), hầu hết đều được xây dựng và quản lý cứng nhắc, nặng về kỹ thuật mà ít quan tâm đến nhu cầu cũng như bản sắc cộng đồng. Ví dụ như các KĐTM tạo thành một KGCĐ tương đối rõ ràng với một không gian khép kín, ngăn cách với các cộng đồng dân cư xung quanh. Cách thức tổ chức này chưa thực sự phù hợp với lối sống của người dân. Bên cạnh đó, với sự hạn chế của các hệ thống dịch vụ cũng như không gian bên trong, các KĐTM hiện nay không tạo lập được một KGCĐ gắn kết, “tính cộng đồng” chưa cao,đa phần chỉ được xem như các cộng đồng địa lý thuần tuý.
Một minh chứng điển hình nữa về các KGCĐ dưới tác động của đô thị hoá là các chợ truyền thống tại các đô thị hiện nay đang bị “đóng hộp” hoặc bị chuyển đổi chức năng dẫn đến tình trạng ế ẩm và hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, tại những sạp hàng bên ngoài chợ thì việc mua bán vẫn diễn ra tấp nập, tạo thành các KGCĐ là các khu phố chợ hay những chợ “cóc” phi chính thức. Điều này cho thấy sức sống của các KGCĐ, đồng thời cũng đặt ra bài toán về việc quản lý và quy hoạch không gian cần hướng đến nhu cầu của các nhóm cộng đồng đô thị.
Trong quá trình phát triển kinh tế và bùng nổ thông tin, KGCĐ có nhiều sự thay đổi,bên cạnh những không gian vật thể, nó còn tồn tại dưới dạng phi vật thể, đó là các diễn đàn trên Internet, trên các phương tiện truyền thông. Nó góp phần duy trì và đảm bảo sự gắn kết giữa các thành viên, ngoài ra nó còn tạo nên một mạng lưới không gian để mở rộng cộng đồng.
Mối quan hệ giữa KGCC và KGCĐ
Thực tế hiện nay có sự chưa rõ ràng giữa hai khái niệm KGCC và KGCĐ trong quy hoạch đô thị, đặc biệt là sự tương tác giữa hai loại hình không gian này trong việc thiết kế các KGCC dưới góc độ của cộng đồng.
KGCC có nguồn gốc từ phương Tây, được xuất hiện đầu tiên thời Hy Lạp cổ đại với những Agora (quảng trường công cộng, chợ, sảnh hội họp,…). Thời cổ đại La Mã, các forum (quảng trường lớn) gắn liền với những con đường giao nhau, nơi diễn ra các hoạt động công cộng. KGCC bên cạnh giá trị không gian vật thể về văn hoá, tinh thần, theo Harbermas, đó còn là không gian biểu tượng, là trung tâm của nền dân chủ, là không gian trung gian giữa xã hội dân sự và nhà nước, nơi mọi đối tượng xã hội có quyền được tiếp cận và tham gia vào quá trình ra quyếtđịnh.
Trong khi đó, KGCĐ lại là sản phẩm của cuộc sống nông thôn thời kỳ trước công nghiệp, đối lập với cuộc sống theo chủ nghĩa vật chất ở các thành phố lớn (Toennies 1956). KGCĐ có xu hướng hạn chế đối tượng tham gia, nếu không phải là thành viên của cộng đồng. Điều này cũng dễ thấy khi so sánh việc tiếp cận một công viên công cộng với một khoảng sân trong của một đơn vị ở.
Ở một góc độ khác, KGCĐ lại là những hạt nhân cấu thành nên một KGCC chất lượng. Một công viên hay quảng trường công cộng, là nơi sinh hoạt của những cộng đồng riêng lẻ, đó là những nhóm khiêu vũ của tầng lớp trung niên, những khoảng sân chung bị chiếm hữu tạm thời cho các hoạt động thể thao của các nhóm thanh niên, quanh đó là những đường dạo đã trở thành không gian cho các hoạt động dịch vụ, đánh cờ… Mỗi cộng đồng lại biến không gian chung trở thành những KGCĐ của riêng mình, các không gian này chồng lấn lên nhau, tranh chấp nhau, tạo nên một tổng thể vô cùng sinh động trong các KGCC.
KGCĐ luôn thay đổi và mang nặng tính giao tiếp, là nơi thôi thúc mọi thành viên đến, tham gia vào các hoạt động vì họ cảm thấy mình là một phần trong cộng đồng, có cùng ý chí và mục tiêu chung. Điều này cũng một phần giải thích vì sao có những người phải đi rất xa để đến được một KGCC ưa thích trong khi có những KGCC ở gần nhà lại ít được sử dụng. Bên cạnh các yếu tố về khoảng cách, tiếp cận, tiện ích thì các cộng đồng và KGCĐ cũng là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng của KGCC.
Kết luận
Các đô thị lớn như Hà Nội vẫn gắn bó chặt chẽ với làng xã vì vậy tính cộng đồng trong lối sống của người dân rất cao,hoà mình vào tập thể, tuy có một số mặt bất lợi thì lối sống này mang lại những yếu tố xã hội rất nhân văn. Đây là yếu tố quan trọng nhất tạo nên các KGCĐ – một hướng đi góp phần tạo lập bản sắc đô thị. Để xây dựng và phát huy ưu điểm của KGCĐ trong quy hoạch đô thị, cần có sự chung tay của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng như người dân.
Tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn, khái niệm KGCĐ chưa được nhắc đến nhiều, vì vậy, vai trò đầu tiên thuộc về các nhà nghiên cứu, cần nhiều những nghiên cứu chuyên sâu hơn về các KGCĐ, đặc biệt từ tập quán sinh hoạt, từ truyền thống văn hoá của mỗi vùng miền qua đó phân loại và hệ thống hoá các KGCĐ – hạt nhân quan trọng tạo nên các KGCC mang tính nhân văn trong đô thị.
Đối với các nhà quản lý, cần có các cơ chế về sử dụng đất phù hợp để phát triển các KGCĐ, KGCC. Bên cạnh đó đưa ra những phương pháp, cơ chế cụ thể về sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng, giữ gìn và phát triển các loại hình không gian này.
Cuối cùng là vai trò của người dân, người sử dụng – Bên cạnh việc được trao quyền và nâng cao ý thức bảo vệ không gian chung thì việc tạo ra những KGCĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng, sẽ cho họ cảm giác thân thuộc và muốn giữ gìn nó, bởi đó là không gian duy trì hoạt động của cộng đồng. Đây cũng là sự khác biệt với tình trạng cha chung không ai khóc tại rất nhiều những KGCC hiện nay.
KGCĐ là một lĩnh vực rất rộng xuất phát từ một hoặc nhiều nhóm người có chung mục đích sử dụng. Điều cần thiết là phải xác định được các nhóm cộng đồng và nhu cầu của họ để những không gian trong đô thị trở nên có sức sống và trở thành các KGCĐ thực thụ.
Tài liệu tham khảo
- Phạm Hồng Tung (2009) – Cộng đồng: Khái niệm, cách tiếp cận và phân loại trong nghiên cứu – Tạp chí thông tin khoa học xã hội, số 12.2009
- Nguyễn Minh Hoà (2012) – Đô thị học: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn – Nhà xuất bảnĐại học Quốc gia TP.HCM.
- Gehl Jan (2009) – Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc – Nhà xuất bản Xây dựng
- EfroymsonDebra, Trần Thị Kiều Thanh Hà, Phạm Thu Hà (2010) – Không gian công cộng làm nên cuộc sống thành phố – Nhà xuất bản Xây Dựng.
Internet - TASSIN Etienne (1991) – Espace commun ou espace public
- WOLTON Dominique – Espace public
ThS. KTS Phạm Sĩ Dũng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10 – 2015)