Không để “nhờn” việc thực hiện quy định cưỡng chế hành chính
Bị cưỡng chế nếu không tự nguyện nộp phạt
Cụ thể, Luật XLVPHC đã quy định việc cưỡng chế hành chính được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định.
Các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản và các biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Cá nhân, tổ chức liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế…
Bên cạnh đó, để các quy định về cưỡng chế hành chính được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đồng thời đảm bảo việc cưỡng chế hành chính đạt hiệu quả cao, Luật XLVPHC đã giao Chính phủ quy định cụ thể về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.
Tuy nhiên, Luật XLVPHC hiện hành chưa có quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế hành chính. Do vậy, khi quyết định cưỡng chế hành chính không được đối tượng vi phạm nghiêm chỉnh chấp hành thì người có thẩm quyền rất lúng túng.
Ngoài ra, Luật XLVPHC chưa có quy định về việc cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành tại Điều 71 của Luật (cơ quan ra quyết định hay cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành).
Hạn chế việc “nghĩ” ra cách thức sai luật
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã dẫn đến tỷ lệ và hiệu quả cưỡng chế hành chính không cao. Có trường hợp thay vì áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính do người vi phạm không thực hiện quyết định xử phạt VPHC mà nhiều địa phương đã “nghĩ” ra các cách thức khác nhau để buộc người vi phạm phải thực hiện, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Chẳng hạn, có trường hợp UBND cấp xã đã buộc những người vi phạm bị xử phạt hành chính nhưng chưa thực hiện phải nộp tiền phạt xong mới giải quyết các công việc khác không liên quan đến việc xử phạt VPHC. Như trường hợp của em Lữ T.D (sinh năm 1998, trú tại xã Châu Hội, Quỳ Châu, Nghệ An) trúng tuyển vào ngành Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Vinh kỳ tuyển sinh năm 2016. Chiều 5/9, D cầm bộ hồ sơ lý lịch của mình lên UBND xã Châu Hội để xin xác nhận.
Tuy nhiên, em cho biết đã bị lãnh đạo xã từ chối xác nhận vào sơ yếu lý lịch vì bố là ông Lữ Văn P chưa nộp hơn 2 triệu đồng VPHC khi trồng keo vào đất cộng đồng của xã… Tất nhiên sau đó, sự việc được giải quyết êm xuôi và lãnh đạo UBND xã lý giải rằng chỉ muốn mời ông P lên gặp để tuyên truyền, răn đe những cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước do ông P đã nhiều lần vi phạm.
Nắm bắt được thực trạng trên, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC năm 2012, Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) đã đề xuất bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành.
Theo đó, dự kiến bổ sung Khoản 3 vào Điều 87 như sau: “Người đã ra quyết định xử phạt VPHC ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành theo quy định tại Điều 71 của Luật này. Trường hợp người đã ra quyết định xử phạt VPHC không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC thì báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế”.
Đồng thời, cũng sẽ bổ sung quy định về thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC. Cụ thể, người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Thời hạn tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Hết thời hạn tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế.
Với những định hướng sửa đổi, bổ sung này, sẽ không còn tồn tại tình trạng địa phương “nghĩ” ra cách thức khác nhau để buộc người vi phạm phải thực hiện khiến cơ quan hành chính lại phạm luật.