Không để dịch vụ kinh doanh đòi nợ biến tướng

Phạm Đông

  –  

Thứ sáu, 25/12/2020 07:36 (GMT+7)

Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021, trong đó Luật qui định nghiêm cấm ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, các luật sư cho rằng đây là quy định tích cực góp phần ngăn chặn các hoạt động đòi nợ thuê có tính chất đe dọa, khủng bố tinh thần người khác. Do đó, cần có những hướng dẫn cụ thể để tránh những biến tướng của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ , gây bất ổn cho xã hội.

Không để dịch vụ kinh doanh đòi nợ biến tướngMột “con nợ” bị nhóm đòi nợ thuê xịt sơn lên nhà. Ảnh: Ngô Nguyên

Biến tướng hoạt động đòi nợ thuê

Hiện nay, hoạt động cho vay tiền và đòi nợ thuê rất phổ biến, nhất là dịch vụ vay mượn tiền không có thế chấp. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đòi nợ là những khoản vay họ rất khó thu hồi. Song, vì có không ít công ty đòi nợ thuê hoạt động biến tướng theo kiểu xã hội đen, gây mất an ninh trật tự xã hội. Nếu người vay chậm trả nợ theo hạn, bên cho vay sẽ tính lãi suất cao hơn, thậm chí thuê người đe dọa, khủng bố và hành hung để đòi tiền.

Ngày 19.12, Công an huyện Đồng Phú (Bình Phước) cho biết đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Các đối tượng trong vụ án gồm: Hà Văn Minh (SN 1992, huyện Bù Đăng, Bình Phước); Trần Văn Hiếu (SN 1992, Kiến An, Hải Phòng) và Nguyễn Ngọc Hải (SN 1992, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Các đối tượng được một người phụ nữ ký hợp đồng ủy quyền để đòi nợ với số tiền là 6 tỉ đồng. Sau đó, nhóm đối tượng đã mang theo hung khí đe dọa con nợ phải trả tiền rồi bắt nạn nhân đi nơi khác.

Trước đó, ngày 23.10, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự đối với các đối tượng Đoàn Văn Hưng (SN 1991), Lê Văn Cường (SN 1990), Trương Công Ba (SN 1996) và Cao Văn Tiến (SN 1999), đều sinh sống trên địa bàn TP.Hà Nội, để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”. Các đối tượng này nhận lời của một người phụ nữ khác nên đã hành hung, khống chế và bắt con nợ viết giấy bán xe ôtô với giá 100 triệu đồng.

Do không có việc làm ổn định, Cường đã kiếm sống bằng “nghề” đòi nợ thuê. Đối tượng này thường xuyên đăng bài nhận đòi nợ thuê trên các trang mạng xã hội, đồng thời thu nhận các thanh niên mới lớn tham gia để đi đòi nợ thuê. Các đối tượng được trả công theo từng phi vụ. Cụ thể, phi vụ đòi tiền thành công thì Cường được hưởng 50% số tiền mà người thuê trả, còn lại chia đều cho những người đi cùng.

Không để hoạt động đòi nợ thuê “lách luật”, tồn tại

Trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, các công ty có chức năng kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động vì nằm ở danh mục ngành nghề cấm. Khi Luật được thông qua đã tạo được sự đồng thuận rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước và người dân vì đã có không ít vụ việc gây ồn ào dư luận vì dịch vụ đòi nợ thuê. Để đòi tiền, các tổ chức kinh doanh đòi nợ thậm chí không từ thủ đoạn khủng bố tinh thần người nợ cũng như người thân của con nợ.

Tuy nhiên, ông Lực cũng lo ngại rằng khi luật có hiệu lực từ năm 2021, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ không mất đi mà có thể biến tướng sang một dạng, hình thức khác. Bởi khi thực tế xã hội phát sinh nhu cầu đòi nợ thuê, có cầu ắt có cung, khi ấy liệu trong xã hội có xuất hiện hoạt động lén lút, trá hình, dịch vụ “chui”, khó quản lý… đây cũng là vấn đề cần lưu ý. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu thực sự để quản lý triệt để. Đồng thời cần có quy định chặt chẽ, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kiểm soát vấn đề này để tránh những hệ lụy phát sinh.

Đồng quan điểm trên, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, khi bị cấm sẽ có khả năng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ tìm cách “lách luật” để tiếp tục hoạt động. Chẳng hạn như các hình thức thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, để cung ứng lao động (mà thực chất là các nhân viên thực hiện việc đòi nợ) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; thậm chí hình thức khác có thể kể đến là mua lại các khoản nợ nhưng thực chất là để đòi nợ thuê cho bên bán nợ. Vì vậy, để tránh việc “lách luật” có thể xảy ra thì cần có những quy định hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn, tạo ra những căn cứ pháp lý chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn, cũng như phải có những chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Để người cho vay đòi nợ hợp pháp, luật sư Bình cho rằng trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì trước hết các bên có quyền tự giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải. Nếu không thì có thể khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án. Trường hợp, vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì người bị hại có quyền làm đơn trình báo, tố giác tội phạm đó đến công an để được xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp đòi nợ chuyển hướng kinh doanh

Theo tìm hiểu của phóng viên, bảng giá quy định dịch vụ đòi nợ của các Cty cũng được quy định mức phí khác nhau. Tuy nhiên điểm chung của các quy định này đều là mức phí rất cao, tiền % phí dịch vụ chỉ giảm dần khi số tiền đòi nợ càng lớn. Cụ thể: trên 50 – 100 triệu thì phí dịch vụ từ 34-38%, trên 100 – 200 triệu thì phí từ 30-33%, trên 200 – 400 triệu thì phí dịch vụ từ 27-30%…

Ông Dương Anh Tuấn, đại diện Cty Thu hồi nợ Tuấn Tổng (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ nay đến cuối năm DN sẽ giải quyết những hồ sơ tồn động của khách hàng khi dịch vụ bị cấm. Đồng thời Cty cũng tìm hướng đi kinh doanh mới cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhân viên sau khi DN ngưng hoạt động. Tuy nhiên, ông Khánh lưu ý, khi cấm hoạt động đòi nợ thuê công khai thì khả năng hoạt động đòi nợ chìm theo kiểu xã hội đen sẽ biến tướng, phát triển mạnh. Do đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp để chấn chỉnh thực trạng này.

Đại diện Cty Cổ phần đòi nợ Cửu Long (quận 12, TPHCM) cho biết, hiện tại Cty đã nắm được quy định mới của nhà nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Cty vẫn chưa có định hướng gì mới sau khi quy định có hiệu lực. Đại diện Cty cũng cho rằng, do nhu cầu xã hội về việc thu hồi nợ thuê nên khi có phát sinh nợ thường là họ tìm đến các Cty đòi nợ vì được giải quyết nhanh hơn và khả năng thu hồi nợ được cao hơn. Khi dịch vụ này bị cấm, DN sẽ tính đến phương án chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác. Đức Văn