“Không có lửa làm sao có khói?” – Tâm lý đổ lỗi nạn nhân (victim blaming)

banner-top Quan điểm – Tranh luận

“Không có lửa làm sao có khói?” – Tâm lý đổ lỗi nạn nhân (victim blaming)

“Không có lửa làm sao có khói?” – Tâm lý đổ lỗi nạn nhân và những hậu quả mang lại

vuminhthu05Genevieve

20 tháng 7 2021

Vài ngày trước lướt mạng xã hội tôi thấy 1 đoạn video một nam ca sĩ có hành động bạo lực với người yêu cũ của anh ta. Điều đáng nói ở đây là khi tôi đọc bình luận thì có rất nhiều người nói rằng “Không có lừa làm sao có khói?”, “Chắc con này phải làm gì thằng này thì mới bị vậy?”, “Con này chắc cũng đâu có vừa?”.

Đáng ngạc nhiên hơn là phần lớn những người này lại là phụ nữ. Điều đó khiến tôi cảm thấy họ thật đáng thương, hóa ra họ nghĩ rằng vẫn tồn tại những lý do chính đáng để người phụ nữ bị bạo hành như vậy. Và hóa ra họ nghĩ những người bạo lực gia đình, hành hung vợ con là điều có thể lý giải, biện minh được và nạn nhân là người xứng đáng bị như vậy.

Nhớ lại, khi tôi còn là học sinh cấp 2, tôi bị một đám bạn ở trường ức hiếp. Tôi cũng chẳng nhớ rõ là tại sao, nhưng đại khái là vì nhìn mặt tôi khó ưa và chảnh chọe. Những ngày tháng đó thực sự rất khó khăn với tôi, tôi sống trong sợ hãi vì có thể bị chúng nó đe dọa, đánh hội đồng bất kỳ lúc nào. Nhưng thời đó ở trường tôi chuyện đánh nhau giữa học sinh với học sinh là chuyện bình thường. Các bạn của mẹ tôi vẫn thường bàn luận về những việc đó và có một câu tôi luôn nghe được là “Không có lửa làm sao có khói?” “Thằng A chắc cũng phải làm gì thì thằng B mới đánh chứ?”. Lúc đó tôi chẳng nghĩ nhiều cho đến khi tai họa ập đến tôi. Tôi tự hỏi mình đã làm gì sai, tôi đã làm ra “lửa” ở điểm nào. Và tôi quyết định giữ kín chuyện đó vì tôi sợ, sợ mẹ tôi sẽ nói là tại tôi, sợ người lớn sẽ nói tôi không hòa đồng với bạn bè nên mới xảy ra chuyện.

Thế mới nói câu “Không có lừa làm sao có khỏi?” nghe thì có vẻ khách quan, hợp tình hợp lý nhưng không phải là lúc nào cũng đúng. Mà nó còn chính là câu để biện minh cho cái tư tưởng cũ rích nhưng được sùng ái bao nhiêu năm qua, biểu hiện của tư tưởng đổ lỗi nạn nhân.

Bởi vậy khi thấy có người bị hiếp dâm, bị tung ảnh khỏa thân hay bị đánh đập,… thì những người xung quanh lại lôi cái lập luận ấy ra: “Ai bảo mặc đồ hở hang ra đường chi?”, “Ai bảo chụp hình khỏa thân chi để bị tung?”, “Ai bảo làm cái mặt nghênh nghênh chi rồi bị đánh?”,…

Và rồi họ quên mất những tên tội phạm đó mới là người có tội! 100%! Không phải vì nạn nhân hay vì quần áo, vì cử chỉ của họ hay điều gì cả.

Cùng phân tích những hậu quả của tâm lý đổ lỗi nạn nhân mang lại dưới đây:

Với nạn nhân: Họ nảy ra sự nghi ngờ về bản thân, liệu họ đã làm gì sai hay có phải họ xứng đáng bị như thế? Từ đó họ tự ti, họ sợ bị người khác đổ lỗi từ đó không dám nói ra. Cũng chính vì thế họ không đủ dũng cảm để lên tiếng bảo vệ cho bản thân mình. Đó là một trong những lý do mà những nạn nhân bị xâm hại chọn cách tự tử.

Với tội phạm, những kẻ xâm hại, bạo hành người khác,…: Họ có được sự “đồng cảm”, sự bảo vệ từ những người xung quanh về việc làm sai trái đó. Họ bào chữa, biện minh cho hành động xấu xa đó bằng những lý do mà theo những người có tư tưởng victim blaming là có thể hiểu và thông cảm được. Họ coi thường việc họ gây ra với người khác mà an ủi, dung tha cho chính bản thân họ.

Tôi không biết tư tưởng đổ lỗi nạn nhân này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Nhưng chỉ mong sẽ sớm được xóa khỏi tư tưởng của nhiều người, thay vào đó là những tư tưởng tiến bộ, văn minh và công bằng. Nơi mà mọi người tôn trọng lẫn nhau, yêu thương bản thân và không dung túng cho những hành động xấu xa.

7

vuminhthu05

hubspot-banner

7

596 lượt xem

vuminhthu05 Genevieve

@vuminhthu05

Quan điểm – Tranh luận

/quan-diem-tranh-luan

Bài viết nổi bật khác