Không chủ quan khi bị chó, mèo cào, cắn

.

.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do nhiễm virus dại sau khi bị chó cắn nhưng chủ quan, tự sơ cứu mà không đi tiêm ngừa bệnh dại, không theo dõi tình hình sức khỏe con chó đã cắn mình.

Tại Đồng Nai cũng từng xảy ra các trường hợp người chết vì mắc bệnh dại do bị chó, mèo cắn, cào. Cụ thể: năm 2013, tại xã Gia Canh (H.Định Quán), 1 bé gái 7 tuổi đã tử vong (phát bệnh dại) sau khi bị chó cắn khoảng 2 tháng. Trong năm 2014, tại xã Ngọc Định (H.Định Quán) một người đàn ông chết sau khi bị chó cắn 2 tháng; trong tháng 4-2014, tại TT.Định Quán cũng có một người tử vong sau khi bị mèo cào cắn.

Qua đó cho thấy, hiện vẫn còn có người chủ quan với bệnh dại, một căn bệnh gây chết người xuất phát từ virus dại truyền từ chó, mèo mang bệnh dại. Thậm chí có người còn cho rằng, chỉ có chó mới truyền bệnh dại còn mèo không truyền bệnh dại.

Về nguyên tắc, theo khuyến cáo từ ngành Y tế, khi bị chó, mèo cào cắn ngoài sơ cứu; tìm hiểu lịch sử dịch bệnh, tiêm ngừa của con chó còn cần phải tới cơ sở y tế để tiêm ngừa và được theo dõi sức khỏe.

Hiện nay trào lưu nuôi chó, mèo trong nhà khá nhiều, nhất là chó, mèo là những thú cưng có trị giá hàng triệu đến hàng chục triệu đồng. Để phòng ngừa bệnh dại, ngành Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh dại; kỹ thuật xử lý các vết thương do động vật cào, cắn; quy trình điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, triển khai cho các hộ nuôi chó, mèo ký cam kết: không nuôi chó thả rông, chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho vật nuôi.

Về phía chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp nuôi chó, mèo không đảm bảo theo quy định như: để thả chó chạy rông, không rọ mõm; không tiêm ngừa bệnh dại; không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y… Cần phối hợp ngành thú y thực hiện việc bắt chó chạy rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.

Quan trọng nhất trong phòng, ngừa bệnh dại chính là người nuôi động vật tiêm ngừa bệnh dại cho vật nuôi; rọ mõm vật nuôi khi đưa ra ngoài; tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại, theo dõi sức khỏe khi bị chó, mèo cắn… Ngoài ra, chủ vật nuôi cũng phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.

Bảo Ngọc (H.Long Thành)